Áo ơi, áo ơi…

Hỏi: Áo gì đây mà ông “ơi” thế?

Đáp: Áo dài. Nhàm quá phải không, nhưng cứ xin được đôi lời.

Hỏi: Lời trước tiên là…

Đáp: Về gốc tích của nó. Tô Hoài kể: “Dân tộc Kinh (…) và một số dân tộc anh em (…) trong trang phục có cái áo dài mà cả đàn ông và đàn bà xưa kia đều mặc”. Băng Sơn nhắc: “Tấm áo dài Việt Nam không hẳn hôm nay mới có (...) Cụ chúng ta, bà chúng ta, mẹ chúng ta từng chẳng mặc áo dài đó ư?”. Áo dài xưa có kiểu tứ thân và kiểu năm thân. Áo tứ thân chỉ phụ nữ mặc, áo năm thân chung cho nam nữ. Đoàn Thị Tình tả áo năm thân: “vạt ngoài rộng gấp đôi vạt trong, không cài khuy cạnh sườn (…) mà dùng thắt lưng thắt ngang bụng”. Đây chính là tiền thân của chiếc áo dài phụ nữ tân thời.

Hỏi: Diễn biến cách tân là như thế nào?

Đáp: Nó đã bắt đầu không chút ồn ào. Lại Tô Hoài: “Không biết bác phó tài hoa nào đã sáng tạo những cung cách tân thời ấy (...) Mốt mới chiết tà áo, cánh tay, lưng lượn bó, bỏ vạt con (...) thêm khuy bấm cho thật sát nách, chặt chẽ cổ tay, dựng cái áo nổi mình hơn (…) cái thắt lưng (…) thay bằng cái cạp quần giải rút, thay yếm là cái áo lót cộc tay ba lỗ (…) Vai tròn, vai lẳn”. Ngoài ra, có cái thay đổi này hẳn cũng xảy ra sớm: do khổ vải ngày xưa hẹp, áo dài cổ có bốn, năm “thân”, áo mới dùng khổ vải mới nên chỉ hai thân.

Hỏi:  Năm 1935 áo dài “Lơ Muya” các kiểu ra mắt người Hà Nội…

Đáp: Tô Hoài tổng kết những sáng kiến của họa sĩ Cát Tường: “Có cái được (...) có cái trải qua sử dụng rồi nhạt dần”. “Được” nhất là đặc điểm “vừa thắt lưng ong lại nâng ngực cao lên”. Những cái “nhạt dần” là: “Cổ bắt chéo thêu hoa, khuy tết, hai vai áo cắt rời để khâu bồng vai áo lên, gọi là vai bồng (…) Tây quá, không hợp (...) Phụ nữ Việt Nam mảnh dẻ, thêu hoa lá và khuy tết rườm rà, hai cái vai áo bồng lởm chởm che mất vẻ đẹp của đôi vai nhỏ nhắn”. Cũng về những cải cách không bền, Đoàn Thị Tình kể: “Vai bồng, tay măng-sét (như tay áo sơ-mi nam) hay tay chun. Cổ áo tròn khoét sâu xuống ngực, viền đăng-ten, hoặc kiểu lá sen tròn, lá sen cài vắt chéo... Gấu áo cắt hình sóng lượn, đáp vải khác màu, hay đính những đường đen, đăng-ten diêm dúa (…) Nhiều chi tiết (…) vay mượn ở các loại áo, váy của phụ nữ châu Âu thời đó”. Áo dài Cát Tường còn có đặc điểm vạt rộng và dài. Đặc điểm này thì không mất hẳn.

Hỏi: Mất bao lâu thì thiết kế áo dài tân thời trở nên cơ bản ổn định?

Đáp: Đoàn Thị Tình cho biết: “Năm 1939 chiếc áo dài (...) quay trở về dạng quen thuộc cũ (...) Cái đẹp giản dị, thanh nhã (...) được phục hồi”. Dùng chữ của Tô Hoài thì nó trở lại “mượt mà, ý nhị, duyên dáng”. Nghĩa là, áo tân thời không thoát ly mà kế tục truyền thống, thay đổi nhưng vẫn gìn giữ chỗ ưu việt của truyền thống.

Hỏi: Diễn biến cách tân trang phục nữ có lẽ khởi sự trong thập kỷ 1920 (theo ĐTT). Mười mấy năm sau, phụ nữ Việt Nam có “áo Mới”. Ông nghĩ thế nào về việc xảy ra?

Đáp: Đại khái cùng lúc áo ta “diễn biến” thì thơ ta cũng “diễn biến”. Tôi xin so sánh hai đằng. Về thơ Mới, năm 1941 Hoài Thanh nhận định: Nói tóm lại (…) Các lối thơ thông dụng đời nay chỉ là những lối thơ xưa phục hưng”. Khoảng đầu thập kỷ 1960, Phạm Thế Ngũ ôn lại “phong trào” rồi viết: “Trong buổi đầu (của thơ Mới) các nhà làm thơ náo nức (bắt chước) thể cách thơ Pháp (...) Tuy nhiên (...) chỉ một hai năm sau (…) một phản động lực nổi lên chống lại những bắt chước nô lệ”. Nói về thơ, mà cũng đúng cả cho áo. Do thua Tây về vật chất, Việt mất tinh thần, ngỡ cái gì Tây cũng hơn mình, đua nhau bỏ văn hóa mình, theo văn hóa Tây. Ít lâu sau, bình tĩnh, trả của Tây về cho Tây, thôi làm nô lệ, trở lại làm chủ.

Hỏi: Hình như quá trình đổi áo có chỗ khác quá trình đổi thơ…

Đáp: Vâng. Trường hợp thơ, khoảng năm 1932 cuộc cách tân bùng nổ. Áo thì bắt đầu đổi mới sớm hơn một cách không gây chấn động. Nhưng vài năm sau khi thơ “nổ” thì áo bỗng cũng… Tại sao như thế? Tôi nghĩ do áo dài là của mọi người Việt Nam, trong khi thơ đây là thơ của giới trí thức thôi. Thời ấy đông đảo nhân dân ta còn gắn bó hết sức chặt chẽ với truyền thống và cũng không mắt thấy bao nhiêu những thứ trang phục Tây, nhờ đó các “bác phó tài hoa” khuyết danh đã từ từ đổi mới chiếc áo dài năm thân một cách có gốc có rễ. Giới trí thức thì tương đối xa gốc hơn gần Tây hơn, nên thơ bị đổi gấp gáp một cách đoạn tuyệt với quá khứ. Họ “dấy loạn” trong thơ, rồi họ xông luôn vào áo mà gây sóng gió. Áo dài “Lơ Muya” đã được cả một thế lực văn học ủng hộ nên dễ dàng nổi đình đám…

Hỏi: Nhờ gốc Việt còn rất vững nên chỉ ít lâu thì sóng êm gió lặng. Nhưng áo Việt và thơ trí thức Việt sau khi đã tự giải phóng khỏi những “gông cùm” Tây tự đeo, khi ấy nó không giống hệt nó lúc trước…

Đáp: Vâng. Văn hóa phẩm phản ánh xã hội. Thời Pháp thuộc xã hội ta biến chuyển, văn hóa phẩm ta làm sao khỏi biến chuyển theo.

Hỏi: Sau khi đổi mới tạm xong khoảng đầu thập kỷ 1940, xã hội Việt Nam khác trước thế nào?

Đáp: Ở ta, xưa cái “tôi” rất nhỏ bé so với cái “ta”, nay “tôi” có lớn hơn trước (nhưng vẫn bé so với “ta” chứ không to đùng như “tôi” bên Tây, ngay cả trong giới trí thức).

Hỏi: Chỗ khác ấy thể hiện ra sao nơi áo nơi thơ trí thức?

Đáp: Áo trở nên khuôn hơn, chật đi. Tại sao? Bởi nay “tôi” (“em” cũng là “tôi”) muốn mọi người chú ý hơn tới cái hình hài trời sinh đẹp đẽ của mình. Về thơ, Hoài Thanh nhận xét: “Những lối thơ xưa phục hưng đều có biến thể ít nhiều. Nó mềm mại hơn”. Phạm Thế Ngũ viết: “Đổi mới (…) là (…) biến hóa đi chút ít hay nới rộng ra thôi (...) để chiều theo một khuynh hướng tâm lý mới”. Mềm hơn, rộng ra là để chứa cho vừa cái  “tôi” to hơn của trí thức Việt Nam bây giờ. Áo co thơ nới tưởng như mâu thuẫn, nhưng về ý nghĩa thực ra, dĩ nhiên, hoàn toàn là cùng một chiều hướng thay đổi.

Hỏi: Áo dài tân thời có kết hợp nét Tây một cách đáng kể. Nhưng thơ Mới rút cuộc, ngoài cái lối “dùng chữ rớt” thấy ở một số hết sức ít bài, không mang một đặc điểm thực sự gốc Tây nào cả. Tại sao thơ áo khác nhau?

Đáp: Thơ là biểu hiện tiêu biểu nhất của văn hóa Việt Nam truyền thống. Động đến nó là được các cụ nhắc ngay. Cùng trong năm 1932, Tản Đà phát biểu: “Quốc văn ta có những đặc điểm có thể làm cho thơ ca (...) hay hơn thơ ca của nước ngoài”,Phạm Quỳnh khẳng định: “Thi ca (Việt Nam) đã đến mức tuyệt diệu”. Phần các thi nhân trẻ, sau phút bồng bột họ thấy thực ra mình không “kết” được với thơ Tây. Trong bài tựa tập Lửa thiêng của Huy Cận, Xuân Diệu viết: “Nói về cái chết, Beaudelaire (...) tỉ mỉ đếm từng con dòi, vạch từng bộ phận ươn thối rữa tan (...) Huy Cận không tả gì hết, mà đem đến những cảm giác tái tê, thấm thía hơn biết bao! Người thi sĩ Tây phương đứng (...) nhìn những thi thể, người thi sĩ Ðông phương nghe cái chết”. Cái khác căn bản về nội dung tất nhiên dẫn đến cái khác căn bản về hình thức. Huy Cận kể một lần trò chuyện với Lưu Trọng Lư: “Chúng tôi bàn đến (...) cái cô đọng của thơ phương Ðông”. Nghĩa là thơ Tây điển hình tả quá nhiều gợi quá ít, dài lời mà rất ít chất thơ. Nó như thế, thôi ta quên nó đi!

Hỏi: Thơ Việt “tuyệt diệu”, nhưng trang phục nữ Việt xưa cũng là thành tựu rực rỡ…

Đáp: Chắc chắn. Băng Sơn: “Cái áo năm thân, tứ thân (…) đã vào ca dao, thành câu ví, nên hình ảnh của (lối ăn mặc) thanh nhã, tài hoa, nền nã”. Chu Quang Trứ: “Ngày thường trong lao động vất vả, họ ăn mặc giản dị với hai màu nâu và thâm chân chất, đậm đà (...) kiểu cách gọn gàng, thuận tiện thao tác (nhưng vẫn) nền nã, duyên dáng (...) Khi nhà “có việc” hoặc ngày hội thì (...) váy lĩnh, áo mớ ba mớ bẩy, áo cánh, khăn mỏ quạ (...) yếm thắm rực rỡ”. Trang phục nữ ngày hội thì điển hình nhất là ở các làng quan họ Kinh Bắc. Hoàng Cầm hồi tưởng: “Phường nữ thường là áo tứ thân lụa nâu non hoặc the đen xanh, yếm lụa đào, trắng hay cánh sen, thắt lưng màu hoa lý, hoa hồng, chít vành khăn nhiễu tam giang, đội khăn vuông mỏ quạ (...) váy lụa mềm óng buông chùng cửa võng xuống đến mu bàn chân, nhìn đằng trước tưởng là các cô đang đi lướt trên sóng lượn rập rờn”.

Hỏi: Áo cũ ta đẹp thế, sao ta không mặc nữa mà đi may áo mới?

Đáp: Vì một số lý do. Thứ nhất, thay đổi trong cảnh sắc môi trường và trong sinh hoạt tác động mạnh lên trang phục (hơn là lên văn chương). Phố phường Hà Nội đang kết hợp nét Tây, áo tứ thân năm thân “chân quê” trở nên bớt phù hợp, người Hà Nội cảm thấy nên thay kiểu áo. Thứ hai, với sự xuất hiện của khổ vải lớn, bây giờ sáng tạo rộng đường hơn. Thứ ba, trang phục nữ của Tây cũng đẹp. Tây vẽ áo thành công hơn làm thơ. Thấy áo Tây có chỗ hay, ta bèn nẩy ý vay mượn. Cuối cùng, có phải là phụ nữ dễ tính hơn thi sĩ?!

Hỏi: Ông còn điều gì muốn nói về chiếc áo dài tân thời nữa không?

Đáp: Còn chứ. Đến đây là ta chỉ mới ôn lại cái quá trình xuất hiện, trưởng thành, nói gọn là một đoạn sử của áo. Sau khi “nên áo”, suốt nhiều thập kỷ, nó đã gây được ấn tượng rất sâu đậm nơi người Việt Nam. Ôn xong sử, ta hãy ôn qua ấn tượng.

Hỏi: Người Việt Nam thì… nhiều lắm. Ông muốn nhắc ấn tượng về áo dài của giới nào?

Đáp: Tôi nghĩ đến những nghệ sĩ tạo hình và những văn thi sĩ. Họa sĩ Thái Tuấn vẽ rất nhiều tranh áo dài, đến nỗi có người cho rằng đời sáng tác của ông là “một bức tranh duy nhất và dở dang. Vẽ hoài mãi vẫn chưa xong một vạt trăng tơ, một tà nắng lụa”. Như trăng như nắng, mà khi người mặc bước đi hình dạng lại thay đổi không ngừng: “Tôi nhận ra chiếc áo dài (liên tục) tạo ra (…) những đường nét (mới)”, làm sao vẽ xong được! Ngắm đi ngắm lại cái “một mà muôn” ấy, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm chợt nhận thức sở dĩ nó lôi cuốn kỳ lạ là bởi “cho thấy gió”

Hỏi: Đây là gió “nhân tạo”. Người mặc áo dài nhiều khi gặp gió tự nhiên…

Đáp: Gió này có thể gây ấn tượng thật mạnh. Hồi trước năm 1945, nhà văn Nguyễn Tuân có lần vào Huế. Trong tùy bút “Một lần đi thăm nhau” có đoạn: “Vào cữ hè không mưa, đứng ở đầu cầu (Tràng Tiền) như một gã du thủ du thực mà ngắm người qua sông (…) Những thân hình cao vút (!) (…) một tay kéo nghiêng mép nón bài thơ xuống, một tay mím lấy gấu tà áo sau ấp lấy mông trông mà chỉ muốn vẽ ngay (…) Quần áo (…) đều là hàng tơ cả, mỗi đợt gió sông (…) thổi lồng vào là cả một điệu vũ cuồng dại”

Hỏi: Hay thật. Nhưng áo dài đâu phải chỉ toàn bay với múa…

Đáp: Đúng thế. Nhà văn Võ Phiến để ý: “Chiếc áo dài Việt Nam (…) phần trên của nó theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người (…) phần dưới (…) thoát hẳn thân người (…) chỉ (cho) thấy gió”. Hãy tưởng tượng đôi cánh tay săn gọn vai nhỏ ngực cao eo thon bụng lép nổi trên gió mây lâng lâng tha thướt biến hóa miên man…

Hỏi: Như mơ! Nhưng nhà văn Võ Phiến nêu lên thế rồi bảo phần trên của chiếc áo dài “bạo và tục”. Ông nghĩ sao?

Đáp: Thiết tưởng đó là bạo nhưng không tục. Trần Ngọc Thêm nhận xét áo dài “khêu gợi một cách tế nhị kín đáo”, tôi thấy mới là chính xác.

Hỏi: Còn về cái phần dưới của chiếc áo dài, nó đâu hẳn… chay, nhỉ?

Đáp: Vâng. Áo dài điển hình mỏng cả áo lẫn quần, khiến ngay cả ở những chỗ vải không liên tục bám sát, ta vẫn có thể chiêm ngưỡng được ít nhiều sự tuyệt mỹ của thân người vốn không giới hạn từ eo trở lên. Giữa mây tơ gió vờn, vẫn có thấp thoáng ẩn hiện những đường nét không thuộc về tơ. Và như thế càng thêm tuyệt vời chứ sao.

Hỏi: Ông hay liên tưởng. Ngắm nghía áo dài kỹ thế này, có nẩy ra ý gì không?

Đáp: Tôi đã lấy làm suy nghĩ về nhận xét “quay trở về dạng quen thuộc cũ” của Đoàn Thị Tình. “Giản dị, thanh nhã”…, liệu ta có thể nói rõ ràng hơn về cái nét truyền thống mà áo dài tân thời thừa kế từ áo dài cổ chăng? Nhìn áo và áo “từ mỹ thuật” lâu mà không phát hiện được đặc điểm liên kết cơ bản nào, tôi bèn đổi qua nhìn từ văn hóa, rồi bỗng nhớ Trần Quốc Vượng có lần nhắc đến “cái thanh thoát, nhẹ nhàng (…) bay bướm của bản sắc Việt Nam”. A, nó đấy chứ còn gì nữa! Áo cũ, áo mới cùng linh động, uyển chuyển, bay bướm. Không hiểu sao, sau đó tôi lại chợt nhớ luôn cái đặc tính “quanh co, lưu chuyển” của thể lục bát mà Phạm Đình Toái từng nêu. Áo ta nó y như thơ ta! Cái nét truyền thống được kế tục của trang phục nữ Việt Nam là rất đỗi thơ!

Hỏi: Áo tân thời bạo hơn áo xưa. Như vậy…

Đáp: Không sao cả. Nó bạo nhưng vẫn cứ đầy ắp chất thơ. Nó là truyền thống thơ của áo Việt có kết hợp một đặc điểm của áo Tây đã được Việt hóa. Đặc điểm Tây là ôm sát nửa trên thân người. Việt hóa là bỏ hết các chi tiết rườm rà rắc rối “che mất” cái vóc dáng mảnh dẻ của phụ nữ ta.

Hỏi: “Áo thơ” làm nhớ áo trong thơ. Bây giờ ta ôn đến ấn tượng của các thi sĩ chứ?

Đáp: Vâng. Thi sĩ thì hay nhớ “em”. Áo nương “em” vào thơ, rồi dần dần trở nên biểu tượng thơ (mộng) phổ biến nhất của “em”.

Nguyễn Bính năm 1936 rất bỡ ngỡ trước “áo cài khuy bấm”, nhưng đầu thập kỷ 1940 vào Huế đứng ngắm nữ sinh “Tựu trường” đã không còn thấy “khổ” chút nào: “Những nàng thiếu nữ sông Hương / Da thơm là phấn, môi hường là son / Tựu trường san sát chân thon / Lao xao nón mới, màu sơn sáng ngời / Gió thu cứ mãi trêu người / Đôi chân áo mỏng tơi bời bay lên / Dịu dàng đôi ngón tay tiên / Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường” (Bài “Tựu trường”). Để ý cũng như Nguyễn kia, nhưng với lời kín đáo hơn, Nguyễn này có tỏ ra lưu tâm đến nỗi lúng túng của chân khi áo bay lên. Áo tơi bời thì việc gì đến chân nhỉ? Ấy bởi vải quần cũng mong manh chẳng khác vải áo.

Khoảng cuối thập kỷ 1960, ở Miền Nam có một tu sĩ làm thơ nhớ “em: “(…) / bước em thênh thang / áo tà nguyệt bạch / ôm nghiêng cặp sách / vai nhỏ tóc dài / (…) / tình ơi tình ơi!”. Để ý bài trước loáng thoáng gợi đường kia nét nọ bên dưới vải, bài sau chỉ nhắc có màu vải thôi. Vẫn hay Phạm Thiên Thư không tiện nên lời về cái đẹp thể xác, nhưng tưởng ở đây còn có thêm tác động của thời gian. Nguyễn Bính thấy là thơ luôn. Phạm thì mãi mới “Ngày xưa Hoàng thị…”. “Mười năm” lâu quá, thân “Ngọ” đã chìm khuất dưới “đời như biển động”, còn lại trong “anh” bây giờ không gì khác ngoài thuần túy chút thơ bay!

Hỏi: Áo dài đi vào cả văn xuôi…

Đáp: Vâng. Và khi vào, nó thường thơ hóa văn xuôi. Đây mấy chỗ trong “Bài thơ áo dài” của Băng Sơn: “Một nét duyên dáng như mây thu mơ hồ hay cái đẹp lộng lẫy của ngày hè chói chang hoa phượng có gió lộng (...) niềm (?) bay nhè nhẹ của tà áo tím bên hồ hay vẻ lâng lâng của màu áo trắng như tung đùa trong sắc xanh cây lá (...) Nữ sinh (...) khoan thai nhịp bước, cắp cặp trước ngực, tóc đung đưa sau lưng (...) hai tà áo dài cứ như trêu cợt, như đùa nô, như vô tình mà nghi ngờ, mà nhắn nhủ mà xa xôi (...) Mềm mại, uyển chuyển (...) hình như đã lan truyền sang cả sóng hồ nên hồ cứ lăn tăn, lan truyền cả vào tầng lá nên cây lá cứ rì rầm, lay động. Ai (...) có thể dửng dưng được trước nét thanh tân đầy ma lực của tà áo dài cứ lả lướt như sóng cạn (...) vừa ngập ngừng lại vừa thách thức”. Chỉ có hai mảnh vải mà… Áo này chẳng gặp người này chẳng là uổng cho cả hai sao!

Hỏi: Ta đã dồn chú ý vào chiếc áo dài may bằng vải mỏng. Chắc cần phải thêm rằng ngay cả khi may bằng thứ vải tương đối dày, thiết kế độc đáo ấy vẫn có sức lôi cuốn. Cũng bài viết mà ông vừa lại dẫn có chỗ thiết tha nhắc đến những “áo dài nhung đỏ đi với kiềng vàng, áo dài nhung đen có chuỗi hạt trai sáng lấp lánh…”. Đến đây, có phải là đã hết chuyện rồi không nhỉ?

Đáp: Kể chuyện chiếc áo dài tân thời mà kết thúc ở đây thì vui nhất. Nhưng thôi ta cứ tiếp tục. Lại Băng Sơn: “Mươi năm trở lại đây, tà áo dài Hà Nội bị ngắn đi (...) Nó không còn đủ sức bay, có lúc chết cứng trên nửa thân người, như con bướm bị chặt cụt bộ cánh rực rỡ. Thật tiếc (...)”. Những dòng này viết trong mấy năm đầu của thế kỷ 21 chăng? Dù sao, “con bướm” cụt cánh đã lâu. Sau khi tà diễn biến, thì đến chính đời áo diễn biến. Đại khái, tuy chưa đi theo các trang phục cổ, cái sống của chiếc áo “tân thời” bây giờ thật là uể oải.

Hỏi: Nó vẫn còn được một số nữ sinh mặc đi học, cô giáo mặc đi dạy, nữ công chức, nữ nhân viên một số ngành mặc đi làm. Nó hiện diện nổi bật trong những chương trình văn nghệ tự hào dân tộc, vào những dịp tiếp quốc khách. Sao ông lại nói thế?

Đáp: Có thể kể thêm sự có mặt trong những cuộc thi hoa hậu, sự kiện thỉnh thoảng được người mẫu mặc biểu diễn v.v. Trên bề mặt, áo dài chưa khuất hẳn. Nhưng để là một tồn tại có sinh khí, nó phải được đông đảo phụ nữ Việt Nam trẻ tự nguyện mặc với thật nhiều hào hứng vào ngày thường cũng như trong những dịp đặc biệt. Đằng này, đọc câu văn Băng Sơn: “Chắc không một cô gái Việt Nam nào lại không sung sướng được mặc tấm áo dài trong ngày hội, ngày lễ, ngày tết và nhất là ngày bước xuống chuyến đò hạnh phúc” xong nhìn lại khắp quanh mình, ta thấy ngỡ ngàng quá sức. Sự thực phũ phàng là từ cũng đã khá lâu, “chắc không một cô gái Việt Nam nào lại không sung sướng được mặc” các kiểu áo Tây, nhất là cái áo ấy, trong ngày ấy!

Hỏi: “Trải qua (…) trông thấy (…) đau đớn”, rồi “cảm nghĩ miên man” về “cuộc bể dâu chưa từng”…(1)

Đáp: Phải. Tôi đã và sẽ còn… Nhưng ở đây xin chỉ “ơi” áo mấy tiếng như trên rồi thôi.

Tháng 6-2022

- Thu Tứ -

_________

Phỏng vấn đây là hình thức trình bày. Hỏi và đáp đều là tác giả.

Tô Hoài: Chuyện cũ Hà Nội (2000).

Băng Sơn: “Bài thơ áo dài”.

Đoàn Thị Tình: Tìm hiểu trang phục Việt Nam (1987).

Hoài Thanh: Thi nhân Việt Nam (1941)

Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1961-1965)

Tản Đà: “Mối cảm tưởng về thơ ca của nước ta” (9-1932)

Phạm Quỳnh: Nam Phong số 171, 4-1932

Huy Cận: Hồi ký song đôi (2002)

Chu Quang Trứ: Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật (2002)

Hoàng Cầm: Hoàng Cầm tác phẩm - Văn xuôi (2003)

Võ Phiến: “Chiếc áo dài”

Thái Tuấn, Nguyễn Cao Đàm: dẫn theo VP và theo tạp chí Diễn Ðàn (Pháp, 11-2005)

Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (2001)

Phạm Đình Toái: thế kỷ 19, dẫn theo Nguyễn Xuân Kính trong Thi pháp ca dao (1992).

(1) Nhan đề một quyển sách và một bài viết trong sách ấy của Thu Tứ.