Ý KIẾN BẠN ĐỌC: Đào tạo Tiến sĩ mà lại như thế sao?

Đưa ra “chỉ tiêu” đào tạo cho đủ 20.000 tiến sĩ tới năm 2020, như chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo, là chuyện có lẽ chỉ có ở nước ta. Cho rằng giáo dục đại học thiếu giảng viên, nên phải đào tạo ra từng ấy.

Bản thân việc đào tạo ra tiến sĩ không dễ. Trước hết phải có thầy hướng dẫn giỏi (mà ở ta cực thiếu). Bởi vì các thầy cô ấy cũng được đào tạo vội vã, rất ít người đúng chuẩn chất lượng tiến sĩ (dĩ nhiên cũng có, nhưng ít lắm. Có một số thầy rất giỏi, điều ấy là dĩ nhiên thôi, vì làm gì trong hàng vạn thầy mà không có một số thầy có thiên tư, năng khiếu, tự học, tự đào tạo… mà thành tài).

Thứ nữa, là điều kiện vật chất, tinh thần để đào tạo. Một tiến sĩ đào tạo trong nước hàng năm chỉ tốn 5 triệu đồng cho thầy, còn thư viện, phòng thí nghiệm, thực tập, tham quan học hỏi thì tuyệt nhiên không. Đã thế, đậu tiến sĩ rồi, nghiên cứu sinh chẳng được cái gì, ngoài cái danh tiến sĩ hão (thậm chí không được lên một bậc lương nữa, mặc dù lương “bèo”).

Tóm lại, cái động cơ “vật chất” cho việc đào tạo là không có. Nhưng quan trọng nhất là việc đào tạo quy định là 4 năm, qua bao nhiêu thủ tục, Hội đồng cấp này cấp kia rất mệt, nhưng không vì thế mà bảo đảm chất lượng được. Trò phải “phù phép” nếu kém, mà thầy thì vì “kẹt”, cũng nhiều vị muối mặt nhận phong bì rồi “nương tay” cho qua! Trò, phải có tiền mới làm được tiến sĩ, tốn phí từ các khâu cộng lại cho đến khi lấy được bằng, nhẹ nhất cũng khoảng 50 triệu, có khi vài ba trăm triệu! Học trò nghèo mà giỏi, nhất là giáo viên, lấy đâu ra tiền, sống còn chả đủ, thấy thế cũng ngại.

Lẽ ra, để bảo đảm chất lượng, tránh tiêu cực trong việc chiêu sinh, hướng dẫn, bảo vệ… ở các viện và trường đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo phải luôn luôn quan tâm kiểm tra, cải tiến, sửa chữa… Từng thời gian, chẳng hạn hai năm một lần phải có tổ chức kiểm tra, đánh giá, uốn nắn, chứ bỏ qua hàng chục năm, 20 năm, không có bất cứ một đánh giá nào mà cứ tiếp tục làm, thì sẽ đi đến đâu? Trong khoa học xã hội, đề tài luận án dẫm lên nhau, lặp đi lặp lại, mà cũng cứ cho qua, thế thì cái gì là cái mới mà luận án đòi hỏi? Thế mà đi khuyến khích số lượng, con số đào tạo, tăng tốc cho đủ 20.000 đến năm 2020. Đó là một việc làm nguy hiểm cho tương lai của giáo dục đại học và tương lai của cả đất nước. Cái dốt mẹ sẽ đẻ ra cái dốt con, cách làm vội vã, lấy được, chạy theo số lượng… sẽ đẻ ra muôn vàn tác hại. Theo một ông giáo sư-tiến sĩ có chức cao trong ngành khoa học nói với tôi, thì chỉ độ 1/3 số tiến sĩ được đào tạo là đạt chất lượng. Đó cũng còn là sự đánh giá của người trong cuộc, trong ngành. Còn dư luận thì dễ “sổ toẹt”: “đào tạo tiến sĩ ở nước ta là một trò cười cho thiên hạ” – cách nói này e cũng là quá đáng!

Một việc làm “không giống ai”, không ai dám làm mà ta dám làm, một việc không nhỏ tí nào mà là có tầm vóc quốc gia, thế thì Chính phủ, Quốc hội, Đảng, Mặt trận, nhân dân, báo chí có nên quan tâm và có giải pháp, ý kiến, có biện pháp chỉnh đốn gì không? Hay cứ để mặc kệ cho tương lai gánh chịu?

TRẦN VĨNH LẠC (Từ Liêm, Hà Nội)