Ý kiến về vụ án Nông trường Sông Hậu

Ngay sau ngày 19/11/2009, Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ xử y án bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, Anh hùng Lao động thời đổi mới 8 năm tù giam, buộc phải bồi thường 4,3 tỉ đồng, với tội danh “Lập quỹ trái phép”, dư luận hết sức bức xúc.

Hồn Việt xin trích đăng một số ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và những người từng chứng kiến bước thăng trầm vượt qua gian khó để phát triển của NTSH được phản ánh trên bao chí, giúp bạn đọc quan tâm đến sự kiện này nhìn lại vụ án nhiều chiều hơn, thể tình hơn với người anh hùng, niềm tự hào của quá khứ; mong cán cân công lý được giữ thăng bằng, không bị sai lệch bởi các thiên kiến.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng:

Tôi có quan tâm đến vụ án, thông tin cứ đưa nhiều chiều nhưng án thì phải tại hồ sơ. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm lắng nghe đầy đủ các luồng ý kiến, các thông tin làm sao để xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật của ta có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, quan trọng nhất là phải đúng pháp luật.

(Tiền phong, 25/11/2009)

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước:

Chính tôi là người đã từng đi đến Nông trường Sông Hậu để xác minh có xứng đáng tuyên dương danh hiệu Anh hùng hay không thì đã thấy rõ là hoàn toàn xứng đáng.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Nông trường Sông Hậu đã cải thiện được cuộc sống cho hàng ngàn người nông dân khi làm ăn càng ngày càng hiệu quả, phát triển. Đây không phải là “Quỹ đen” mà phải gọi đúng tên là “Quỹ đời sống”, trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là “Quỹ đời sống”.

Cô ấy duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì giấu giếm để phục vụ cho những lợi ích cá nhân. Bây giờ nếu so sánh với một số vụ án tham nhũng đã được xét xử gần đây thì bản án này quả là không công bằng, quá bất công cho cô ấy.

(Vietnamnet, 23/11/2009)

Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc hội:

Nếu sau khi Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC trả lời là không kháng nghị mà dư luận vẫn bức xúc, chúng tôi thấy rằng việc trả lời đó có chỗ chưa chặt chẽ, cộng thêm việc phát hiện có dấu hiệu sai sót khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thì lúc đó Ủy ban Tư pháp có thể sẽ vào cuộc với việc thành lập đoàn giám sát.

Quá trình xử lý vụ việc cũng cần tính đến sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay; nhiều qui định có thể không phù hợp với sự vận hành của một nông trường quốc doanh vừa có tính chất của một doanh nghiệp Nhà nước lại vừa có tính chất như một hợp tác xã. Mặt khác, quá trình xử lý cũng cần cân nhắc thận trọng đến hiệu ứng của dư luận đối với kết quả bản án.

(Vietnamnet, 24/11/2009)

Bộ Trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh:

Khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều thì Bộ sẽ có xem xét lại quá trình điều tra của cấp dưới. Hiện nay, tôi cũng đã có ý kiến yêu cầu Công an Thành phố Cần Thơ báo cáo toàn bộ quá trình điều tra lên cho tôi. Bây giờ phải chờ xem, nếu phát hiện thấy có sai sót thì Bộ sẽ tiến hành thẩm tra, xem xét lại. Sai thì phải sửa.

(Vietnamnet, 24/11/2009)

Bà Hà Thị Khiết, Trưởng Ban Dân vận Trung ương:

Tôi mong các cơ quan pháp luật ở Trung ương cần xem xét thận trọng và kỹ càng hơn, bây giờ sự việc lỡ thì đã lỡ rồi nên chúng ta càng phải thận trọng hơn. Khi xét xử, không thể không tính đến công trạng và cống hiến của bản thân chị ấy (Trần Ngọc Sương).

Ngoài ra, chúng ta cũng rất cần đặt những sự việc đã xảy ra trong bối cảnh xã hội lúc đó để có những phán quyết đảm bảo có lý, có tình và đúng pháp luật. Tôi nghĩ chị ấy cũng chỉ vì để giúp đỡ, chăm lo cho mọi người, cho công việc chung của Nông trường nên mới duy trì Quỹ đó.

(Vietnamnet, 25/11/2009)

Nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai:

Dưới góc độ một người nghiên cứu lịch sử, tôi thấy vụ án này phản ảnh bước chuyển đổi của xã hội, chuyển đổi về những giá trị và đương nhiên trong đó cốt lõi là luật pháp.

Tôi rất chú ý đến chi tiết chưa được kiểm chứng là đằng sau vụ án này có yếu tố đất đai. Tôi không bình luận trực tiếp về những thông tin Thành phố Cần Thơ muốn lấy đất Nông trường Sông Hậu để làm khu đô thị, nhưng tôi thấy trong xã hội hiện nay, vấn đề đất đai luôn luôn có mặt đằng sau mọi động thái xã hội.

(Vietnamnet, 25/11/2009)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

Tôi thấy có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp. Không thể lấy tư duy ngày hôm nay để áp đặt, xét xử những vụ việc ngày trước, trong một hoàn cảnh xã hội rất khác so với hiện nay.

Trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý, biết việc đó như thế nào, chấn chỉnh việc đó ra làm sao?

(Tuổi trẻ, 26/11/2009)

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên:

Bây giờ, vụ án Nông trường Sông Hậu cơ quan pháp luật người ta đang làm, Thành ủy chưa có ý kiến gì. Các đồng chí thông cảm. Tôi cũng chưa có ý kiến về vấn đề mà cơ quan pháp luật họ đang làm.

(Tiền phong, 25/11/2009)

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

Về quá trình khởi tố trên, ngày 8/5/2008, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ, có đoạn:

Tôi được biết, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án xuất phát từ Thông báo kết luận của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 18/3/2008, trong đó có chỉ đạo trực tiếp việc khởi tố vụ án, đồng thời cũng nêu rõ tội danh làm cơ sở khởi tố.

Tôi không lầm thì thông thường việc này phải do cơ quan điều tra hoặc VKS tiến hành. Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố án.

(Tiền phong, 25/11/2009)

Nhà báo Sáu Nghệ:

Thành ủy Cần Thơ có công văn số 91-TP/VPTU ngày 20/3/2008, do ông Đinh Công Út là Phó chánh Văn phòng ký thay Chánh văn phòng: Thông báo kết luận của đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 18/3/2008, có đoạn: Sau khi xin ý kiến đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kết luận như sau:

(...) Quán triệt quan điểm xử lý của Ban Thường vụ Thành ủy, thống nhất chuyển sang cơ quan điều tra những nội dung vi phạm nguyên tắc quản lý đã được Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Trung ương cho ý kiến. Trước mắt khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

(Tiền Phong, 25/11/2009)

Những lời tâm huyết

Nhà báo Nguyễn Kiến Phước, nguyên UVBBT Nhân dân:

Anh Sáu Hậu (Lê Phước Thọ), nguyên Ủy viên BCT, nguyên Trưởng ban Tổ chức TƯ, nguyên Bí thư tỉnh này, cũng có những lời can gián:

Có đáng hành xử với cô Ba như vậy không? Tuy nhiên, họ đã bỏ ngoài tai.

Thậm chí tại phiên xử hôm 19/11, họ phớt lờ tất cả, từ công luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, phớt lờ việc có thể vi phạm Luật tố tụng, phớt lờ ý kiến của luật sư, phớt lờ lời giãi bày của các bị cáo.

Và họ thản nhiên trước hàng trăm thành viên nông trường đang than khóc khi nghe bản án được tuyên một cách lạnh lùng. Những nông trường viên sẵn sàng ở tù thay cho cô Ba Sương, vì những nông trường viên này coi cha con ông Năm Hoằng là ân nhân của những gia đình ấy.

(Vietnamnet, 25/11/2009)

Ông Huỳnh Thanh Bình, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa:

Vào đầu những năm 1990, khi tôi đang dự hội nghị bàn việc Đảng làm kinh tế ở T78 TP.HCM, một vị lãnh đạo hội nghị giới thiệu về Nông trường Sông Hậu: “đây là hình mẫu về nông nghiệp sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, mọi người cần đi nghiên cứu Sau hội nghị, tôi tháp tùng đoàn đại biểu đi tham quan, không còn nhớ là bao nhiêu người, nhưng chắc là không dưới 50 người.

Nghe báo cáo và xem không khí lao động, tôi thật sự bất ngờ về sức sống của Nông trường Sông Hậu, khác hẳn với các nông trường tôi đã đi thăm ở miền Bắc và miền Trung. Trước khi ra về, ông Hoằng tặng mỗi người một túi gạo 10kg và lít nước nắm.

Thấy mọi người ngạc nhiên, ông Hoằng giải thích: “Đặc sản cây nhà lá vườn cả đấy, ai đến đây cũng vậy thôi, các anh không nên ngần ngại gì, nhận quà cho nông trường vui”. Nhận túi gạo và 1 lít nước mắm của Nông trường Sông Hậu lúc đó mọi người đều ghi nhận như một kỷ niệm đẹp.

Chắc không ai ngờ những món quà nhỏ, những bữa cơm khách, bồi dưỡng cho người lao động, cưu mang cho trẻ em nghèo và gia đình neo đơn trong ba thập kỷ từ “Quỹ đời sống” (từ của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình) đã khiến chị Ba Sương lâm vào cảnh cay đắng như hôm nay.

Vì vậy, tôi tự nguyện trả lại phần quà ông Năm Hoằng trao tặng từ năm 1992 để Nông trường Sông Hậu góp phần cùng chị Ba Sương nộp phạt cho tòa án: 10kg gạo x 15.000đ = 150.000đ, 1 lít nước mắm 20.000đ, bữa cơm trưa 50.000đ, tổng cộng 220.000đ.

(Tuổi trẻ 25/11/2009)

Đơn xin ở tù thay của 110 nông trường viên Nông trường Sông Hậu:

Nếu quan tòa quyết đưa cô Ba Sương vào tù, mỗi người chúng tôi xin ở thay cô Ba Sương một tháng. Trong giai đoạn này, tội của cô Ba Sương là tội chỉ lo cho mọi người, chứ không có động cơ vụ lợi cá nhân.

(Đọc tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Cần thơ, 19/11/2009)

(Tiền phong, 25/11/2009)


Nông Trường Sông Hậu những năm đầu. Ảnh: CTV.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Đại biểu Quốc hội khóa XII, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh:

Một đơn vị như Nông trường Sông Hậu hai lần Anh hùng, ông Trần Ngọc Hoằng là Anh hùng. Con gái ông Hoằng là bà Sương cũng là Anh hùng. Cha con đều là Anh hùng, đơn vị được nhiều lần tôn vinh. Nếu không xem xét, thì chính chúng ta hôm nay sẽ nã đại bác vào quá khứ - một quá khứ đã được Tôn vinh.

(Tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ 19/11/2009)

Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp phát biểu:

… sẽ làm việc với đoàn thanh tra thành phố, làm việc với công an, với tòa án xem kết luận cái đó thế nào, rồi sẽ rà lại coi khởi tố đã hết tội chưa. Bây giờ có vấn đề đặt ra là có khả năng còn bỏ sót tội cho chị Ba Sương hay không, tại sao có nhiều tội mà khởi tố có một tội?


Bài liên quan: