Đó là nghệ thuật - (Cuộc trò chuyện cuối cùng với họa sĩ Lưu Công Nhân)

KIM ỬNG

Chúng tôi thật may mắn khi gặp họa sĩ Lưu Công Nhân trong chuyến đi trở lại TP.HCM. “Người của dọc đường kháng chiến và bình yên” vẫn giữ được phong thái ung dung và trông trẻ trung hơn trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc ca rô. Ông khoe tuy bây giờ đi đứng khó khăn nhưng vẫn vẽ khỏe. Căn phòng số 12 của khách sạn Ritz trên đường Trần Hưng Đạo, thỉnh thoảng vẫn ưu ái dành riêng làm “xưởng vẽ mini” của Lưu Công Nhân.

Khách đến thăm Lưu Công Nhân lần này có cả NSND Trà Giang. Thấy chúng tôi, ông cười: “Mấy ngày ở đây chú Nhân vẽ được 20 bức tranh rồi đấy!”.

Một không gian nho nhỏ, ấm cúng với những bức tranh Lưu Công Nhân mới vẽ. Câu chuyện tản mạn về tranh pháo. Lưu Công Nhân cho rằng phương Tây mạnh về vẽ sơn dầu. Tranh sơn dầu có độ bền khoảng 200-300 năm nhưng tranh giấy dó còn bền gấp mấy lần. Họa sĩ Việt Nam có thế mạnh khi dùng giấy dó để vẽ tranh. Sắc phong thần hoàng của các vị vua Việt Nam xưa được viết trên giấy dó có thể chứng minh được điều ấy.

- Như vậy, vì sao lịch sử hội họa Việt Nam không có dòng tranh xưa trong khi lịch sử hội họa Trung Quốc vẫn lưu giữ được tên tuổi các danh họa cổ điển Trung Hoa?

Họa sĩ Lưu Công Nhân trầm ngâm:

- Nói về lịch sử hội họa Việt Nam bảo rằng phải kể từ khi Tây sang Việt Nam là sai lầm. Hội họa Việt Nam bắt nguồn từ tranh dân gian Đông Hồ và cả tranh khuyết danh. Nó là tranh thực sự. Nghệ thuật tạo hình hội họa và điêu khắc Việt Nam phải tính từ đình chùa, miếu mạo dân gian. Để ý sẽ thấy tranh dân gian có hai loại: Loại thứ nhất thường vẽ hứng dừa, đô vật…, không có tên tuổi người vẽ; loại thứ hai là tranh khuyết danh (cũng không để tên tuổi nhưng đã có từ lâu). Tranh khuyết danh Việt Nam được biết đã xuất hiện từ xa xưa, thời triều đại nhà Hán sang đánh nước ta. Lịch sử hội họa của mình phải kể rằng bắt nguồn từ tranh khuyết danh. Có như thế mới giải thích được nét vẽ của một dân tộc giỏi vẽ trong giai đoạn hội họa hiện đại, chứ tự nhiên lấy điểm mốc từ họa sĩ Lê Văn Miến và toàn những họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ăn mặc âu phục thắt cravate cả, sao được! Tượng điêu khắc chùa Tây Phương có phải học kỹ thuật phương Tây đâu mà xương sườn tạc cực kỳ chân xác.


Chân dung

Tất nhiên, hội họa Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp hai nền văn hoá lớn từ Trung Hoa và Pháp. Cái đó ảnh hưởng trực tiếp từ xã hội, giáo dục đào tạo và cả phần văn hóa đọc của người xưa. Cha ông ta suốt 4.000 năm các ông chức thượng thư đều biết ngoại ngữ (nhưng, dĩ nhiên về chữ Nôm, cha ông ta đều có học và sáng tạo…).

- Khi vẽ tranh, chú quan niệm sáng tác hội họa như thế nào…?

- … Hội họa không có lý luận. Nghiên cứu và phê bình hội họa thì được. Khi vẽ chẳng ai quan niệm mình sáng tác như thế nào. Vẽ là vẽ! Nhưng đã vẽ là phải vẽ thực chứ không bịa. Mình sống như thế nào thì vẽ như thế ấy. Sống có nghĩa là tiếp cận thực tế, cảm nhận cùng thực tế. Cho nên phải sống rồi mới vẽ. Lần chú về hợp tác xã nông nghiệp vẽ tranh. Nước mình làm nông nghiệp, con trâu, con bò gắn liền trong đời sống con người, thì cũng gắn liền với văn chương, nghệ thuật. Lúc ấy chú thường vẽ con trâu, con bò, phong cảnh nông thôn. Một lần, nhìn thấy đồng ruộng sau cơn mưa sao mà đẹp lạ lùng. Ngẫm lại, nếu không đi cày làm sao thấy ruộng đồng sau cơn mưa đẹp đến thế, nó gợi cho mình nhiều cảm xúc mạnh trong lòng… Vẽ khác với văn. Vẽ vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật. Người làm văn, làm thơ sử dụng ngôn ngữ chữ viết được thể hiện bằng phương tiện viết tay hay đánh máy. Vẽ là tâm hồn phát ra ngôn ngữ hội họa và phần kỹ thuật của thế giới màu sắc.


Áo hoa

Nhưng, có một điều đáng suy nghĩ là tranh mình vẽ cho ai xem?

Một lần triển lãm tranh ở Hà Nội , chú có mấy bức trừu tượng. Từ nhà đến phòng triển lãm, hàng ngày chú thuê người đạp xe xích lô quen chở đi. Hôm gần bế mạc, chú mời anh xích lô xem tranh. Anh bảo “Cháu nói thật với bác Nhân, cháu cảm ơn bác mời xem tranh nhưng xin để cháu đạp xe kiếm ăn hơn là xem triển lãm tranh”. Đấy nghĩ xem, mình vẽ không nghĩ đến họ. Họ không cần. Đối với họ, mình là “con người thừa”!

Lại một lần triển lãm khác. Chú đọc trong sổ ghi cảm tưởng thấy có một người ký tên thật… “quái”: “Người ở xóm liều Thanh Nhàn”. Anh ta viết là đang chán đời nhưng hôm nay tình cờ xem tranh Lưu Công Nhân lại thấy yêu đời, yêu cuộc sống quá. Chú thấy vui. Điều ấy có nghĩa tranh của mình đã hữu ích cho người xem. Thế nên không nên gọi hội họa là sân chơi, là cuộc chơi. Không đúng!


Hoa

- Chú quan niệm như thế nào về cái đẹp?

- Nghệ sĩ thường khó cắt nghĩa về cái đẹp. Có lúc chú thích vẽ một cô béo; có lúc chú thích vẽ một cô gầy nhom. Bởi vì cái đẹp được cảm nhận theo cách riêng ở mỗi nghệ sĩ, theo từng khoảnh khắc cảm nhận của chính anh ta. Ai đấy đã bảo với chú “Cô này tôi thấy không đẹp gì cả mà sao ông Nhân lại say sưa đến thế!”. Đẹp là gì? Có lúc cảm nhận từ một câu nói, một cử chỉ của một cô gái, thế là mình thấy cô ấy đẹp hẳn. Cứ vẽ hoa hậu với ba số đo rõ ràng, hơi đâu mà vẽ làm gì.

- Vì sao Lưu Công Nhân hay vẽ tranh nude?


Ngồi

- Người ta không là họa sĩ nên hay thắc mắc như vậy chứ thực ra muốn biết họa sĩ có giỏi hay không là coi tranh nude của họ. Chú đã bỏ 10 năm trời để vẽ và tìm hiểu thấu đáo tranh khỏa thân. Cuối cùng, phát hiện phương Tây cũng học vẽ của phương Đông. Xem tranh thật của Picasso, Gaugin, Matisse thấy các ông vẽ kỹ cực kỳ. Có lần Tố Hữu đến chơi, chú hỏi ông ấy: “Lưu Công Nhân vẽ khỏa thân có được không?” Tố Hữu cười bảo: “Được quá đi chứ! Nhưng ông vẽ người lao động cực kỳ đẹp. Lưu Công Nhân vẽ theo hướng ấy”.

- Bây giờ người ta quan tâm câu chuyện hội nhập, chú nghĩ sao về vấn đề này đối với hội họa?

- Thực sự mà nói, bản thân hội họa đã là hội nhập. Hội họa có ngôn ngữ chung. Không cần phải hò hét hội họa của da trắng, da đen, da đỏ, da vàng gì hết. Thế hệ họa sĩ bây giờ nói thật là sính vẽ theo Tây – “dáng đứng Tây, không phải dáng đứng Việt Nam”. Bây giờ họa sĩ trẻ hay sử dụng thể loại sắp đặt. Cái đó không phải là vẽ. Và, cũng không dựa vào đó mới gọi là hội nhập! Tất nhiên, hội họa hội nhập sẽ gần gũi với con người, cống hiến cho nhân loại với ý nghĩa lớn hơn.

- Lâu rồi, chú có trở ra thăm Hà Nội hay mấy nơi đã từng đến vẽ? – NSND Trà Giang lên tiếng hỏi họa sĩ Lưu Công Nhân.

- Có đấy. Có lần chú trở lại Hưng Yên, đứng nhìn bờ đê. Ngày ấy, chú vẽ lô cốt dọc các con sông. Nhớ những kỷ niệm xưa thời còn bom đạn, đôi lúc vẽ mà cảm thấy lo sợ. Đi xe đạp thấy lau trắng đẹp, chú vẽ phong cảnh lau trắng. Giờ, hòa bình đứng đây, yên tĩnh quá. Người trong làng thấy một ông đứng thơ thẩn, hỏi “Ông tìm ai?”. Chú bảo “Không tìm ai cả”. Nhưng nghĩ đến hơi buồn.

- Chú nhớ những “người xưa”?

- Nhớ gì đâu! Những người như chúng mình chết vì bệnh chứ ngồi nhớ một thuở đã qua thì rất buồn. Hiếm khi mình gặp được những người mình vẽ ngày xưa. À, cũng một lần, trở ra miền Bắc, chú có về thăm một cô người Thái. Cô này xưa đẹp lắm. Giờ thì thành bà già gầy nhom. Thấy ai cũng khổ! Thực ra, tình cảm con người cũng có nhiều, đấy! Thứ nhất là tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng; thứ hai là tình cảm giữa những bạn diễn với nhau, tình cảm giữa họa sĩ với người mẫu; tình cảm gắn bó suốt đời với nghề… Vẽ nhiều lần, họa sĩ cũng có cảm xúc với người mẫu – đối tượng nghệ thuật của mình. Khi vẽ tranh, người nào mình yêu thực sự, tranh sẽ có hồn hơn. Xét cho cùng, tất cả mọi thứ trên đời đều có sự ràng buộc vô hình! Đó là nghệ thuật!