L.T.S: Đặt tên đường là việc của các nhà làm văn hóa và quản lí đô thị. Nó có ý nghĩa rất sâu sắc về mặt văn hóa. Hiện nay, xuất hiện nhiều vấn đề về chuẩn mực, cách thức chung quanh việc này, và thực tế chưa có sự nhất trí chung. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chưa có pháp lệnh về đặt tên đường. Tại TP.HCM, nhiều khu phố mới mọc lên, nhiều con đường mới hoàn thành và cần nhiều tên đường mới nhưng chúng ta đặt thêm tên đường gì và theo tiêu chuẩn nào? Ý nghĩa ra sao? Vừa qua, TTNCQH và Tạp chí Hồn Việt đã tổ chức một buổi tọa đàm nhỏ, với sự góp ý của các học giả, nhà báo, nhà văn tại TP.HCM.
- GS Mai Quốc Liên: Trung Quốc có bề dày lịch sử hàng mấy chục thế kỷ, nhưng không lấy tên người làm tên đường, điều đó đáng cho ta suy nghĩ. Nhật cũng vậy. Ta làm theo kiểu Pháp, cũng có nhiều cái hay, tôn vinh danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa. Nhưng điều này là không dễ, là khá phức tạp.

Khoa học lịch sử của ta cũng chưa đủ mạnh để nghiên cứu và giải đáp hết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hiện tại, cần rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu thẩm định, cân nhắc. Vậy mà cứ giao cho Sở, rồi Sở thì nhờ một ông nào đó, đến một lúc té ngửa ra... là có vấn đề. Rồi Hội Đồng Nhân Dân, còn thời gian, mà nói thực là hiểu biết sâu ở đâu để thẩm định, thông qua, mà tên đường thì cần nhiều... Chỗ này dựa vào chỗ kia, cuối cùng ai chịu trách nhiệm. Thí dụ: dựa vào các giải thưởng của Nhà nước. Vừa trao xong đã có vấn đề cần cân nhắc, chắc gì nó là đúng cả mà căn cứ vào.
Rất nguy hiểm các nhân vật còn nóng! Còn có vị công cao đường nhỏ, đường lớn không ai biết, thì sao? Rồi phải dè chừng việc lộn lẫn, đưa lên thì dễ, gỡ ra thì khó. Rồi cũng phải dè chừng các tác động tiêu cực. Ai chả muốn ông cha mình được thành danh nhân?
- Học giả Nguyễn Quảng Tuân: Về việc đặt tên đường phố, trước hết chúng tôi xin nhắc lại ở đây mấy nhận xét của học giả Hữu Ngọc trong bài Ce que disent les noms des rues (Những tên đường phố nói gì với chúng ta) của ông viết trong quyển Esquisses pour un portrait sur la cul- ture vietnamienne (Phác họa về một chân dung của nền văn hóa Việt Nam), do nhà xuất bản Thế giới Hà Nội in năm 1996. Ông đã lấy thủ đô Hà Nội, một thành phố đã có gần 1.000 năm lịch sử làm thí dụ.
Xưa kia, Hà Nội chỉ có 36 phố phường và được gọi là Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Bún v.v... không đặt tên danh nhân vì kỵ húy.
Kể từ thời Pháp thuộc, các đường phố Hà Nội mới được đặt tên người và đến nay chúng ta đã quen với lối đặt tên ấy.
Học giả Hữu Ngọc, năm 1996, đã căn cứ vào 320 phố của thành phố Hà Nội khi ấy để phân loại như sau:
1. Tên liên hệ tới cuộc kháng chiến chống xâm lược (nhân danh và địa danh): 37,81%.
Chống xâm lược Trung Hoa: 58 tên; Chống xâm lược Pháp: 61 tên; Chống xâm lược Mỹ: 2 tên.
2. Tên các danh nhân (ngoại trừ những người kháng chiến chống ngoại xâm): 11%.
3. Tên các địa phương nổi danh (ngoại trừ những địa danh có liên quan đến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm): 40%.
4. Tên đường đặt theo số: chỉ có rất ít, không đáng kể.
Sự thống kê ấy cho chúng ta thấy việc đặt tên đường đã phần lớn lấy tên các danh nhân theo quan niệm Tây phương, không kỵ húy như các cụ ta xưa. Nhưng người Trung Quốc và Nhật Bản đến nay vẫn còn giữ quan niệm cũ.
Ở Trung Quốc, người ta thường đặt tên thông thường như ở bốn phía Kỷ niệm đường Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu mà chúng tôi đã tới thăm là Liên Tân lộ, Ưng Nguyên lộ, Cát Tường lộ và Đông Phong lộ không có đặt tên danh nhân.
Ở Nhật Bản đường phố không có tên như ở Tokyo, thành phố được chia làm Ku (quận), Cho hay Machi (khu) và Chome (phường). Mỗi phường lại chia thành xóm. Mỗi nhà cũng có số nhưng cách đánh số rất phức tạp nên địa chỉ ở Tokyo chỉ dùng để gửi thư (vì người phát thư tại mỗi khu là người địa phương và thường là cha truyền con nối), chứ rất khó dùng để tìm nhà như chúng tôi đã gặp phải khi qua thăm Tokyo... nhưng người Nhật đã quen.
Ở bên Mỹ có những khu Trung tâm Thành phố (Downtown) như ở San Jose người ta đã dùng những con số 1, 2, 3, 4, 5... để gọi những con đường chạy theo chiều ngang và đã dùng những chữ cái A, B, C, D, E... để gọi những con đường chạy theo chiều dọc. Chúng tôi nhận thấy, cách đặt tên ấy cũng rất thuận tiện.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều đường phố, việc đặt tên đường là cả một vấn đề khó khăn. Người dân nhiều khi cũng không rõ được tiểu sử của từng nhân vật. Chúng tôi nhận thấy ở Nam Sài Gòn, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, các con đường cũng đều có tên danh nhân nhưng người dân lại quen với tên gọi riêng của các khu phố. Như chúng tôi ở đường Phạm Thái Bường nhưng người ta không ai nói tới tên con đường ấy mà chỉ cần tìm khu phố Mỹ An thôi. Tất cả các con đường khác cũng vậy. Người ta khi đi tìm nhà chỉ cần hỏi các khu phố: Mỹ Cảnh, Mỹ Tú, Mỹ Hưng, Mỹ Hoàng, Mỹ Kim, Mỹ Hào... là đến nơi ngay.
Việc đặt tên đường cũng cần phải xét định cho thích hợp và đúng tinh thần khoa học. Đó mới chỉ nói về tên đường, đến tên gọi các chợ thì xưa kia người ta đặt rất bình dân cho thích hợp như: Chợ Hôm, Chợ Mơ, Chợ Bắc Qua, Chợ Bà Chiểu, Chợ Bà Hom, Chợ Đồng Xuân, Chợ Bến Thành, Chợ Tân Định, Chợ Đakao... không nên đặt tên người như: Chợ Phạm Văn Hai, Chợ Nguyễn Văn Trỗi... Có những tên đường bị bỏ đi cũng nên xét lại như Đường Nguyễn Hoàng vì Nguyễn Hoàng là người có công rất lớn trong việc mở mang miền Nam.
- Nhà báo Dương Linh: Việc đặt tên đường không chỉ là vấn đề mang tính hành chính đơn thuần, hơn thế, đó là vấn đề mang tính văn hóa, lịch sử, truyền thống... không riêng cho địa phương mình, mà chung cho cả nước và khách quốc tế khi có dịp đến Việt Nam.
Ở đây nổi bật là tên đường phố hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa. Ví dụ: đã có đại lộ Nguyễn Huệ ở quận 1, lại có đường Quang Trung khá dài ở Q. Gò Vấp, Đinh Tiên Hoàng (Q.1) lại có đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh); Ngô Đức Kế (Q.1) lại có đường Ngô Đức Kế (Q.Bình Thạnh); Tú Xương (Q.3) lại có đường Trần Kế Xương (Q.Phú Nhuận); Đại lộ Lê Lợi (Q.1) lại đường Lê Lợi (Q.Gò Vấp); Phạm Ngũ Lão (Q.1) lại có đường Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp),... Đối với người dân trong nước sự khác tên này còn có thể hiểu được, nhưng đối với người nước ngoài, làm sao họ hiểu được hai tên chỉ là một người.
Việc đặt tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh sau Giải phóng đến nay đã 33 năm, nhưng rõ ràng còn những điều bất cập, cần thiết phải được chấn chỉnh lại cho hợp lý và hợp lòng người. Đây phải được coi là một công trình văn hóa lớn, đòi hỏi phải có sự đóng góp của nhiều người trong Hội đồng có tầm cỡ quốc gia, bao gồm: những nhà cách mạng lão thành, các nhà sử học, các nhà trí thức, các văn nghệ sĩ có tên tuổi... đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố để tránh những sơ sót đáng tiếc khi quyết định chọn danh nhân nào đặt tên đường ở khu vực nào xứng với tầm vóc và sự cống hiến của họ đối với dân tộc và đất nước.
- GS Mai Quốc Liên: Việc đặt tên đường ở nước ta hiện nay quá manh mún, không đồng nhất. Tấn phong cho danh nhân, nhân vật lịch sử rất lộn xộn, không quy củ, không có quy hoạch và kế hoạch cụ thể. Cách đặt tên đường của ta bị ảnh hưởng từ thời Pháp như học giả Nguyễn Quảng Tuân đã nói.
- Nhà văn Vũ Hạnh: Theo tôi, nên lấy số hoặc chữ cái để đặt tên đường là tốt nhất. Hiện nay, ở TP.HCM còn một số tên không đáng đặt tên và vinh danh vẫn còn tồn tại?!
- Nhà văn Thuý Ái: Ở nước ta, trước năm 1975, đặt tên đường theo khu, như làng đại học Thủ Đức thì đặt tên các nhà bác học. Có những khu phố của Nhà Trần, nhà Lê, nhà Lý... Nhưng sau năm 1975 vì một số lí do mà một số tên đường bị thay đổi: Hồ Hảo Hớn thay Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu thay Phan Đình Phùng, Võ Văn Tần thay Trần Quý Cáp. Ngoài ra, những người mới mất mà đem đặt tên đường thì không đúng. Nhân vật lịch sử, những công hay tội của họ đều có sự sàng lọc của lịch sử qua hàng chục, hàng trăm năm thì mới có giá trị để vinh danh.
- GS Trần Thanh Đạm: Việc đặt tên đường hiện nay phản ánh thế kỷ XX là một thế kỷ anh hùng của dân tộc ta. Thế kỷ XIX, không gọi tên (vì kiêng huý). Tên đường hiện nay là ảnh hưởng từ thời Pháp thuộc. Chủ nghĩa thực dân Pháp lấy tên những công thần của họ để đặt tên đường ở bên ta. Ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, những tên đường như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng đa số được đặt dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Nhưng trên thực tế, anh hùng thì có hạn mà đường thì mở ngày càng nhiều nên việc đặt tên đường hiện nay cũng cần có một nguyên tắc và tính nhất quán cao, chứ không nên để xảy ra sự lộn xộn như lâu nay ta vẫn thấy...
Theo tôi, nên có sự điều chỉnh. Trong thế kỉ XXI, chúng ta nên dùng chữ cái và số cho tiện dụng và thích hợp. Và nên bắt đầu từ năm 2010 trở đi ở những đô thị mới. Thảo luận về vấn đề đặt tên đường thì không bao giờ có sự thống nhất vì vấp phải nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, văn hoá; nhân vật yêu nước, cách mạng hay phản cách mạng... rất nhiều vấn đề mà khó có sự đồng thuận.
- GS Mai Quốc Liên: Rốt cuộc, thì nên rất dè dặt, thận trọng trong việc lấy tên người để đặt tên đường. Và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch hay một cơ quan, một tổ chức nào đó phải trình ra Quốc Hội một cái luật, hoặc pháp lệnh. Chứ cứ như tình trạng hiện nay thì lộn xộn rồi mà không mấy ai để ý. Cái đó là Văn hóa, và là xuống cấp văn hóa.
Ngay những tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử còn chưa thống nhất: Hà Nội đặt Phan Chu Trinh, chính ra là Phan Châu Trinh; Ngô Thì Nhậm thì ở Thành phố Hồ Chí Minh lại là Ngô Thời Nhiệm (như cách đọc kiêng húy thời Tự Đức); Trần Kế Xương lại có Tú Xương, Đề Thám lại có Hoàng Hoa Thám,... cứ lung tung cả. Ngay cả cái tên Trần Kế Xương cũng ít khi dùng, chỉ dùng Trần Tế Xương... Còn những vị vua anh minh, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn như Trần Nhân Tông thì đường rất bé. Nguyễn Huệ thì tôn vinh, nhưng Nguyễn Nhạc, người đứng đầu, mở đầu Tây Sơn sao lại không có tên đường? v.v và v.v...
Vì sao tên Lê Đức Thọ, người uy chấn trong ngoài, người gần như là thứ hai sau Lê Duẩn, sao đặt tên một đường bé tí ở Gò Vấp? Ông ta có lỗi gì sao không nghị quyết Trung Ương nào nêu? Có phải là do muốn thế, nghĩ thế thì làm, chứ cũng không theo tiêu chuẩn nào?
Nên đặt tên theo các địa danh, các sự kiện, các khu A, B và ở đó lại lấy số mà chia ra đường số 1, khu A, dễ tìm. Trước lạ, sau quen. Mà tiện lợi,... còn tên người, phong “danh nhân”, tôi nghĩ không phải việc của từng tỉnh. Nó phải có chuẩn, có luật. Ở ta còn ít chú ý đến các luật tắc về văn hóa: luật tiếng Việt, luật tên đường...