Nhà huyền thoại học Mỹ J. Campbell kể là khi ông vừa ở đường xe điện ngầm nhô lên, vào quảng trường Times ở New York, thì ông bị cả đám người cuốn theo như dòng thác lũ, ông chợt có cảm giác là rất nhiều huyền thoại xa xưa sống lại trước mắt mình. Theo ông, để hiểu các khuynh hướng tâm lý xã hội hiện đại, đã được coi là “phi huyền thoại hóa” (demythified), cần tìm hiểu các huyền thoại dân tộc.
Kiêng kỵ là cái bóng của huyền thoại, cùng huyền thoại là những ký ức chung được chia sẻ (shared memories), nằm sâu lắng trong tiềm thức tập thể của từng nhóm bộ tộc (ethnic group), từng dân tộc, khiến những đơn vị ấy khác nhau.
 |
Ngày xuân, đi chúc tết thầy cô
|
Kiêng kỵ hay cấm kỵ ở các ngôn ngữ phương Tây đều dựa theo thổ âm dân Đa đảo là taboo – đó là một khái niệm bao gồm tất cả những gì không được làm (hành vi, giao tiếp, nói, ăn, sờ, nhìn, nghe, ngửi, đặt chân đến…) vì đó là thiêng liêng, phạm vào sẽ phải tội. Kiêng kỵ chủ yếu mang tính cảm xúc, phi lý tính, bắt nguồn từ sự sợ hãi những gì không cắt nghĩa được (thí dụ, thời nguyên thủy sợ sấm, sét, lụt…), nên bớt dần dưới ánh sáng khoa học, nhưng vẫn tồn tại do tục lệ lâu đời, do xã hội vẫn cần có kiêng kỵ để điều tiết những gì luật pháp và đạo đức không quy định rạch ròi. Theo một số nhà dân tộc học và nhân học (R.L. Leach, A. Van Gennep…), đối tượng lo sợ, phải kiêng, đa số là những cái mập mờ (ambiguous), không dứt khoát theo như xã hội quy định. Thí dụ, yêu ma vừa là người vừa không phải là người, những chất con người bài tiết như máu, phân, nước tiểu… (ở người ra, nhưng không còn là của người nữa). Còn nguồn gốc kiêng kỵ thì có thể là huyền thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian, sự kiện lịch sử bị cảm xúc bóp méo, một sự việc ngẫu nhiên vô lý… Không thể lấy logic để cắt nghĩa kiêng kỵ. Nhưng có thể khẳng định là kiêng kỵ, tín ngưỡng, tốt hay xấu đều thể hiện ước vọng tập thể của bộ tộc, dân tộc.
Ước vọng ấy được thực hiện một cách tích cực (nghi lễ cầu nguyện, tục lệ tốt đẹp, lời chúc…) hoặc tiêu cực (kiêng kỵ).
Với những nhận thức trên, thì kiêng kỵ ngày Tết của ta thể hiện một cách tiêu cực những ước vọng gì của người Việt nhân dịp Tết? Người phương Tây không thể hiểu tại sao Tết Việt Nam lại có một sức mạnh huyền bí khiến cả một dân tộc cảm thông tập thể trong một thời điểm. Tinh thần Tết thể hiện tinh thần của nhiều lễ hội dân gian phương Tây cộng lại. Tết Năm mới, lễ Phục sinh (tháng 3), lễ ngày 1 tháng 5 mừng xuân, lễ Các Thánh và ngày tưởng niệm người quá cố (ngày 1 tháng 11), lễ Noël, lễ Tạ ơn Chúa vì được mùa (Mỹ). Hồn Tết Việt Nam còn hơn tất cả các lễ hội phương Tây, vì nó thể hiện rõ nét nhất hồn dân tộc. Bác sĩ Fermi (Pháp) điều trị tâm bệnh nhận định: Tết là một biểu tượng văn hóa tiêu biểu, một thành tố quan trọng của tư duy Việt. Tết thể hiện sự cảm thông giữa con người với thiên nhiên (đặc biệt là ruộng đất), của người sống với người chết, của con người với con người, quê hương, gia đình, Tổ quốc.
Tết ta mang một ý nghĩa nhân văn về tâm linh không có trong Tết Tây. Tết là một mốc thời gian để con người nhập vào thiên nhiên canh tân (đổi mới) trong mùa xuân. Ước vọng đổi mới sâu đậm trong tiềm thức dân tộc: lột xác thành một con người mới, vứt bỏ cái xấu của con người năm cũ. Cái mới phải là cái thiện, cái tốt lành, cái thuần khiết, không phải cho riêng mình mà cho cả gia đình, xóm làng, quê hương. Phải xuất phát từ điểm này thì mới hiểu các tục lệ và nghi lễ cầu chúc cái đổi mới ấy và cả những kiêng kỵ gián tiếp phục vụ nó (dù có khi là mê tín lạc hậu). Kiêng kỵ xuất phát từ sự lo sợ cái bất hạnh, đồng thời sự tin tưởng là cái gì xảy ra đầu năm sẽ lặp đi lặp lại cả năm.
 |  |
Mâm ngũ quả miền Bắc
| Mâm ngũ quả miền Nam |
Kiêng kỵ dịp Tết, trước hết xin nói đến ngày giờ. Sau giao thừa, kiêng ra khỏi nhà cho đến khi có người xông đất (kiêng nữ, vì đàn bà có kinh nên bị coi là ô uế - vì vậy, xuất hành tránh gặp đàn bà). Xuất hành cũng tránh giờ xấu, ngày xấu, hướng xấu. “Chớ đi mồng bảy, chớ về mồng ba”. Hết Tết, các lễ Khai ấn, Khai bút, Hạ điền đều kiêng ngày xấu. Mồng ba là ngày của gia đình, không ai đi chúc tết hay đi lễ (trừ trường hợp học trò đi chúc thầy).
Năm mới, phải giữ hòa khí, tình ưu ái, bao dung. Vì vậy, trong nhà không được làm ầm, không ai được cau có, giận dữ, la hét, không để trẻ con khóc, vợ chồng giận nhau làm lành, mẹ chồng tai ác cũng dịu giọng với nàng dâu; ghét nhau, ra đường cũng tránh gây gổ. Chủ nhà không mắng đầy tớ. Kiêng đòi nợ, đi vay. Kẻ thù cũng hoãn chiến mấy ngày Tết. Người có tang kiêng đến nhà người khác. Kiêng nói các từ: hổ, khỉ… Trong nhà kiêng đánh vỡ chén bát, đánh đổ nước điếu, dầu đèn, kiêng quét rác (theo chuyện Trung Quốc: có người lái buôn bắt được khỉ, trở nên giàu có; vào ngày Tết đánh nó, nó chui vào đống rác, biến mất, từ đó nghèo khổ).
Về ăn, kiêng ăn thịt chó, thịt vịt. Ở Huế, kiêng cúng chuối tiêu (có lẽ sợ gợi tình dục các cung nữ, nên coi là ô uế).
Về mặc, kiêng mặc đồ trắng (gợi tang lễ).
Mỗi địa phương lại có những kiêng kỵ riêng về dịp Tết. Tất cả những kiêng kỵ ngày Tết đều nhằm thực hiện một cách gián tiếp ước vọng cái MỚI – cái thuần khiết và nhân ái cộng đồng – trong tinh thần vũ trụ mùa xuân mang lại. Kể cả những kiêng kỵ và tín ngưỡng vô lý nhất, tiêu cực nhất.