NGÔ NGỌC NGŨ LONG
Tin chị mất bất ngờ đến không thể nào tin nổi. Mới tháng trước gọi cho chị, vẫn nghe chị cười vui trong điện thoại, chị bảo từ đây muốn gặp nhau, chắc là em phải đến chị thôi. Chị giờ yếu rồi, chắc không thể đến tòa soạn Hồn Việt lấy báo và để “tám” chuyện văn chương với em được nữa. Khi chị bị tai nạn, chị gọi điện báo tin, đến thăm chị, chị vẫn cười tươi, chẳng nói nhiều về cái chân băng bột trắng xóa của mình mà chỉ bàn về chuyện Nguyễn Trãi… Tôi thầm nghĩ, với sức sống mãnh liệt trong trái tim bộn bề lo toan cùng cuộc đời như chị, ai có thể nghĩ chị đã bước qua tuổi 80. Tôi vẫn có thói quen gọi chị là chị dù có lần chị nhắc, coi chừng em chỉ bằng tuổi con chị đấy… Nhưng tôi biết chị vẫn vui thích khi gọi tôi là em gái…
Tôi mê truyện của chị từ thời còn đọc báo Tuổi Hoa, hồi hộp chờ đợi từng số báo để theo dõi truyện Ngục thất giữa rừng già của chị. Lúc còn bé, cái tên Minh Quân với tôi là thần tượng, và chị vui lắm khi nghe tôi tâm sự điều ấy trong lần đầu tiên được diện kiến chị. Thực tình, tôi cũng không ngờ chị đẹp đến vậy, bởi trong tâm trí thuở ấu thơ, tôi hình dung Minh Quân là một ông có cả hàm râu quai nón… Và tình bạn vong niên này đã kéo dài suốt gần 16 năm, từ khi tôi mới về báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nhà văn Minh Quân (28/10/1928 - 6/12/2009)
Chừng ấy năm quen nhau chưa có lúc nào tôi nghĩ chị đã gần 80. Chị đi xe đạp đến tòa soạn, nói chuyện thời sự văn nghệ, với một trái tim sôi bỏng. Chị đọc nhiều, bức bối nhiều, đau đáu nhiều mà lực bất tòng tâm… Một lần chị mang đến cho tôi quyển Điên cuồng như Vệ Tuệ và bảo tôi phải đọc… và phải viết.
Chị nói gần như ra lệnh: Em không lên tiếng là em có tội, không thể để cho đời sống văn học nhiễu nhương đến như vậy. Đây là một thứ rác rưởi mà nó viết phê bình cứ như là tuyệt tác, thật không thể chịu nổi. Rồi không đợi tôi có ý kiến, chị mở sách đọc luôn mấy đoạn và nói tiếp: Nó dơ bẩn như vậy mà người ta cổ xúy cho tụi nhỏ đọc, sao mình làm thinh được? Thực tình nếu không có chị, tôi đã cho qua, vì đọc cho hết cuốn sách này quả là cực hình. Nhưng cứ cách tuần là chị gọi, thúc hối. Đến khi bài viết đăng lên báo, chị là người đầu tiên gọi đến cảm ơn tôi.
Nhà văn Minh Quân, đồng dịch giả tác phẩm Túp lều bác Tom (Uncle Tom’s Cabin của Harriet Beecher Stowe) đã qua đời lúc 5 giờ sáng ngày 6/12 tại tư gia (TP.HCM), hưởng thọ 81 tuổi. Bà tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi, sinh ngày 28/10/1928 tại TP. Nha Trang. Ngoài bút hiệu thường dùng Minh Quân, bà còn có nhiều bút danh khác: Lan Vinh, Bửu Lợi, Mặc Lan, Mặc Tâm, Nhiệt Hà. Bà viết văn, làm thơ, dịch sách và cộng tác với nhiều báo ở miền Nam trước năm 1975 như Nhân Loại, Thần Chung, Nữ Lưu, Tuổi Hoa, Phổ Thông. Sau năm 1975, bà cộng tác cho nhiều báo, tạp chí ở TP.HCM và cả nước như Phụ nữ Việt Nam, Văn Nghệ, Giáo dục Thời đại, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Kiến thức Ngày Nay… Bà hiện là Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, bà đã cho xuất bản hơn 40 tác phẩm truyện, ký và thơ. Ngoài tấm lòng thiết tha với văn chương, nhà văn còn hết lòng cho những hoạt động từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cho đến những ngày cuối đời. |
Tôi thực sự ngẩn ngơ vì lời cảm ơn của chị. Đáng lẽ tôi phải cảm ơn chị mới đúng, vì chị đã truyền lửa cho tôi, ngọn lửa của một nhà văn ngót nghét tuổi 80 truyền cho thế hệ sau mình gần 3 thập niên. Ngay cả vụ in sách Dương Nghiễm Mậu và Lê Xuyên cũng thế, chị gặp tôi nói như quát, nó làm vậy mà em để yên được sao? Và tôi đã làm theo lệnh chị, mệnh lệnh của lương tâm người cầm bút chân chính, hết lòng hết sức bảo vệ chân lý, bảo vệ chính nghĩa cho đời…
Chị không là Đảng viên, không theo kháng chiến và chỉ biết cách mạng sau giải phóng, nhưng tôi vẫn gọi chị là người Đảng viên ngoài Đảng chân chính nhất mà tôi biết. Chị nói chị chỉ sống bằng sự trung thực, bằng sự nhận biết của lý trí và trái tim mách bảo. Chị phân biệt rạch ròi đúng sai, biết hết những giả trá lồng trong những mỹ từ Cấp tiến, Đổi mới. Chị đâu cần học chính trị nhiều, nhưng chị hiểu đâu là con đường chính nghĩa của dân tộc.
Có lần chị bảo chị sẽ đi thăm con cháu ở nước ngoài 6 tháng, nhưng mới hai tháng đã thấy chị lò dò đến. Thấy tôi tròn mắt chị cười xòa: Chị không hợp ở nước người ta em ơi. Buồn quá không chịu nổi, than quá con nó phải trả về Việt Nam… Và chị cười ngất, về nhà nhìn xe cộ đi ngoài đường đã thấy vui…
Chị Minh Quân ơi, làm sao có thể tin được từ đây không còn chị, không nhìn thấy nụ cười rất tươi của chị. Chị đã sống quá đẹp, đã cống hiến hết sức, hết lòng cho văn chương. Thời gian còn lại chị dành hết cho công tác từ thiện, chị là Bà ngoại tình thương của các em thiếu nhi, của những mảnh đời khốn khó. Chị đã sống cùng cuộc đời này bằng trái tim nồng nhiệt đến phút cuối cùng. Trái tim ấy sẽ không bao giờ lạnh giá, dù nó đã mãi mãi ra đi!!…