Đồ thị biến thiên trên những vùng miền dân ca

Gần giống với cách phân chia các khu vực thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, các nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Việt Nam cũng xác lập các vùng miền dân ca nước ta thành 6 khu vực lớn: dân ca các dân tộc miền núi phía Bắc, dân ca đồng bằng và trung du Bắc Bộ, dân ca Bắc Trung Bộ, dân ca Nam Trung Bộ, dân ca đồng bằng sông Cửu Long và dân ca các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tuy là hai lĩnh vực khác nhau nhưng sự tương đồng này không hẳn là ngẫu nhiên.

Lãnh thổ nước ta trãi dài trên 15 vĩ độ. Điều đó tạo nên sự đa dạng của khí hậu trên toàn lãnh thổ và là một trong những nhân tố mạnh mẽ, bất biến, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các đặc điểm về nhân văn và bản sắc văn hóa khác nhau giữa các cộng đồng cư dân. Bên cạnh đó còn có sự tác động của các nhân tố khác như địa hình, lịch sử, ngôn ngữ, sắc tộc…, tất cả đã làm nên một bản đồ vùng miền văn hóa nhiều màu sắc trên dải đất hình chữ S thon thả này.

Dân ca, tuy chỉ là một bộ phận của nền âm nhạc dân gian và là một mảng nhỏ trong bức tranh di sản văn hóa cổ truyền, nhưng lại là một loại hình nghệ thuật xuất hiện sớm nhất và nhạy cảm hơn cả đối với các yếu tố kể trên do cấu trúc tác phẩm và phương thức diễn xướng tương đối đơn giản.

Về hình thức, chúng ta có thể nhận ra những “đồ thị biến thiên” theo các thông số sau:

- Sự hình thành các thể loại dân ca mang tính hệ thống về làn điệu có xu hướng giảm dần từ Bắc vào Nam. Các khu vực phía Bắc tồn tại đậm đặc và đều khắp những hệ thống bài bản cùng với lề lối tổ chức diễn xướng tập thể đặc trưng đã làm nên “thương hiệu” cho từng tiểu vùng dân ca. Có thể kể ra: Ở Bắc Ninh có hát Quan họ; ở Phú Thọ có hát Ghẹo, hát Xoan; ở Nam Định có hát Chầu văn; ở vùng Hải Hưng có hát Trống quân… Ngay cả một số dân tộc miền núi cũng có những hệ thống như thế: Người Nùng hát Sli, người Tày hát Lượn… Dọc theo dải đất miền Trung, rải rác vẫn còn một vài thể loại đại diện nhưng tính đặc trưng về làn điệu và sự chặt chẽ về quy cách diễn xướng đã giảm dần. Ở Thanh Hóa có tổ khúc Múa đèn gồm 10 bài bản độc lập hát về những công đoạn của nhà nông. Ở Nghệ Tĩnh có lối hát Dặm (hay Giặm?) với một vài quy ước về cấu trúc bài bản. Ca Huế ở Bình Trị Thiên không được coi là một thể loại dân ca mà là sự tổng hợp nhiều thể loại, trong đó có sự pha trộn giữa các yếu tố dân gian và cung đình. Đến khu vực Trung Trung Bộ, dân ca Bài chòi có thể xem là một thể loại mang tính hệ thống với những làn điệu cơ bản như Xuân nữ, Cổ bản, Xàng xê, Hò Quảng… Tuy nhiên, thể loại này có lẽ chưa phải là “hàng cổ” bởi lịch sử hình thành chưa đến 100 năm. Còn hát Sắc bùa hát Bã trạo ở vùng này lại mang tính chất tập quán tín ngưỡng nhiều hơn là sự xác lập một thể loại dân ca. Vào đến cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, tính hệ thống của làn điệu và tính tập thể trong diễn xướng đã dần dần mờ nhạt rồi mất hẳn, kể cả khu vực Tây Nguyên.

- Song hành với “đồ thị” trên, ta lại nhận ra một sự “biến thiên” khác đi ngược từ Nam ra Bắc với các thể loại có làn điệu độc lập và mang tính đơn diễn là chủ yếu, trong đó hai thể loại đại diện phổ biến là . Hò thường xuất hiện tập trung ở những vùng đồng trũng, sông nước. Đó là một thể loại dân ca còn đơn giản về giai điệu, phần nhiều có tính đối đáp ngẫu hứng. Dường như cả khu vực Đông-Tây Nam Bộ đều sở hữu chung một phong cách Hò thường gọi là Hò Đồng Tháp. Điểm chung đó chính là âm điệu của những câu hát lối thể hiện nội dung cần gởi gắm. Còn ngoài ra, sự phân biệt các “điệu hò” thường không căn cứ vào làn điệu, cấu trúc tác phẩm mà chỉ dựa vào không gian diễn xướng hoặc cách luyến láy, đưa hơi. Nếu ai đã từng nghe những câu hò dưới đây thì sẽ thấy rằng chúng có cùng giọng điệu:

- Một câu hò Trà Vinh, miền Tây Nam Bộ:

“Hò…ơ…ơ…ơ… Tay cắt tay sao nỡ, ruột cắt ruột sao đành! Một lời thề biển cạn non xanh. Chim kêu dưới suối, vượn hú trên nhành, qua không bỏ bậu ơ…ơ… Chớ qua không bỏ bậu mà sao bậu đành bỏ qua ơ…ơ…”.

- Một câu hò Đồng Nai, thuộc miền Đông Nam Bộ:

“Hò…ơ…ơ…ơ… Nho nhỏ như em đây luôn chặt dạ bền lòng. Dẫu cho nước sông Đồng Nai có chảy cạn, đá Đồng Nai có bị mòn, thì thủy chung như nhứt, trước sau em vẫn giữ sắt son lời nguyền ờ…ơ…”.

Càng đi ra miền Trung, những điệu hò mang tính đơn diễn, ngẫu hứng càng thưa dần, tuy vẫn có thể kể đến một vài làn điệu khá đặc sắc như Hò chèo thuyền ở Quảng Nam, Hò mái nhì, Hò mái đẩy ở Huế… Nhưng sôi động hơn cả là những điệu hò tập thể, có giai điệu tương đối ổn định và thường được hát theo lối xướng-xô (một giọng lĩnh xướng và nhiều giọng đồng diễn luân phiên nhau). Ở khu vực trung Trung Bộ tồn tại khá nhiều điệu hò theo kiểu này như Hò ba lý, Hò giã gạo, Hò giã vôi, Hò đua ghe, Hò mái ba, Hò tát nước… Có thể hình dung không gian của một cuộc Hò giã vôi với tiết tấu xướng-xô dồn dập sau đây:

- (Xướng) Hố hò hố hụi! - (Xô) Hố ô hụi! - (Xướng) Xít hụi hò khoan! - (Xô) Hụi hò khoan! - (Xướng) Lửa cháy núi lan - (Xô) Hụi hò khoan! - ( Xướng) A ngó lên - (Xô) Hụi hò khoan! - (Xướng) Lửa cháy núi lan - (Xô) Hụi hò khoan! - (Xướng) A bạn ơi mà khoan đã! - (Xô) Ớ là hố... ô khoan! - (Xướng) A lửa tàn - (Xô) Hụi hò khoan! - (Xướng) Lửa tàn hãy hay! - (Xô) Hụi hò khoan, hụi hò khoan, hụi hò khoan!...

Ra đến khu vực Bắc Trung Bộ, tính hệ thống của các điệu hò tập thể lại được nâng lên một đẳng cấp mới với những tổ khúc hò liên hoàn. Chẳng hạn hệ thống Hò khoan Lệ Thủy ở Quảng Bình có 5 làn điệu cơ bản (thường gọi là mái hò): Mái chè, Mái nện, Mái xắp, Mái ba, Mái ruỗi. Tất cả đều được diễn xướng theo hình thức xướng-xô (có tài liệu ghép thêm Hò mái nhì, Hò nậu xăm, Hò khơi, Hò lĩa trâu thành một bộ Hò chín mái). Rồi dường như thể loại Hò đã dừng chân ở Thanh Hóa với “đặc sản” Hò sông Mã nổi tiếng. Đó là một tổ khúc gồm nhiều làn điệu có nội dung gắn liền với nghề lái đò dọc theo dòng sông Mã như: Hò rời bến, Hò đò ngược, Hò đò xuôi, Hò mắc cạn, Hò cập bến… Và kể từ đây, bóng dáng Hò gần như mất hút trên những cánh đồng bao la của đồng bằng Bắc Bộ.

Quay sang Lý. So với các loại hình dân ca khác, Lý được xem là một thể loại ca khúc dân gian có giá trị nghệ thuật đạt đến đỉnh cao. Có thể nói đó là những viên ngọc được gọt dũa điệu nghệ hơn cả trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Lý chuẩn mực về điệu thức, chặt chẽ về cấu trúc, tài hoa về giai điệu và tinh tế về ca từ. Sự biến hóa giữa các cung bậc và phong cách luyến láy uyển chuyển trong giai điệu của thường mang bản sắc riêng của từng vùng miền dân cư. Nhiều khi trong cùng một chủ đề lại có nhiều làn điệu mang tính địa phương rất khác nhau. Đơn cử như với nội dung liên quan đến “con sáo”, người ta đã sưu tầm được 30 điệu Lý con sáo trên khắp cả nước. Tuy nhiên, sự tồn tại của cũng “biến thiên theo đồ thị” giảm dần từ Nam ra Bắc. Khu vực Nam Bộ được xem là “vương quốc của Lý”. Ở đó các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được trên 300 làn điệu. Dường như trên xứ sở này, bất cứ một sự vật, hiện tượng hoặc khía cạnh tình cảm nào cũng có thể trở thành đối tượng của Lý.

Lý cũng có mặt ở các vùng miền khác nhưng với mật độ thưa thớt hơn. Miền Trung có Lý thương nhau, Lý con cu, Lý đi chợ, Lý năm canh, Lý hoài nam, Lý mười thương… và những dị bản của Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý Đồng Nai… Ở miền Bắc, ngoài bài Lý cây đa quen thuộc, các điệu khác như Lý giao duyên, Lý con chuột… có lẽ không được chú ý cho lắm. Ngoài ra, một số thể loại dân ca các dân tộc thiểu số cũng có thể được liệt vào . Lối hát Papoăch-Panoăch của người Cơ Tu ở Quảng Nam là một ví dụ.

Trên đây là nói về sự “biến thiên” trong hình thức - thể loại dân ca. Bên cạnh đó, xét về nội dung biểu đạt, dân ca người Việt (dân tộc Kinh) cũng có sự thay đổi độ đậm nhạt theo trục Bắc - Nam ở một vài khía cạnh sau:

- Những bài bản có nội dung phản ánh tập quán, tín ngưỡng xuất hiện nhiều nhất ở phía Bắc và giảm dần về phương Nam.

- Ngôn ngữ trong ca từ ở đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng khá đậm nét của văn phong chặt chẽ ở chốn kinh thành, đô hội. Ngược lại, lời hát trong dân ca Nam Bộ lại gần gũi với ngôn ngữ phóng khoáng của người lao động bình dân hơn.

- Khảo sát trong hệ thống điệu thức 5 âm, dân ca phía Bắc phần lớn được xây dựng trên điệu Bắc (tương ứng với điệu Chủy) và điệu Huỳnh(*) (tương ứng với điệu Cung). Do đó, các làn điệu thường có tính chất trong sáng, vui tươi. Trong khi đó ở phía Nam, các làn điệu dân ca thường mềm mại, thấm đẫm chất trữ tình với hai điệu thức phổ biến là điệu Nam (tương ứng với điệu Vũ) và điệu Xuân (tương ứng với điệu Thương). Ngoài ra, trong dân ca Nam Bộ còn có sự xuất hiện của điệu Oán. Đó là một điệu thức 5 âm đặc thù trong dân ca Việt Nam, không có mặt trong hệ thống ngũ cung của Trung Hoa. Những giai điệu được xây dựng trên điệu Oán thường biểu hiện những cảm xúc buồn da diết, vừa quyến rũ vừa xa xăm như nỗi lòng người lưu lạc. Rất dễ nhận ra điệu thức này khi nghe những bài bản quen thuộc như Lý chim quyên, Lý con sáo Gò Công, Ru con Nam Bộ…

Cuối cùng, nếu những ý niệm về “đồ thị biến thiên” đã nêu trên đạt được một mức độ giá trị thực tiễn nào đó thì để giải thích điều này, có lẽ phải cần đến một quá trình nghiên cứu của nhiều học giả thuộc các lĩnh vực khác nhau. Riêng người viết bài này xin mạo muội đưa ra một giả định chủ quan rằng: Phải chăng tất cả những sự biến thiên cả về hình thức lẫn nội dung của dân ca dọc theo chiều dài đất nước, suy cho cùng, đều có nguồn gốc từ quá trình mở rộng cương vực về phương nam? Bởi chính sự khác biệt về hoàn cảnh địa lý, về điều kiện quần cư hay du cư… đã hình thành nên những cộng đồng mới với những tiếp biến trong tập quán, trong tâm hồn con người. Điều này được biểu hiện qua các sản phẩm văn hóa tinh thần, trong đó có dân ca.l

_____

(*) Một số nhà nghiên cứu cho rằng điệu Huỳnh thực chất là một biến thể của điệu Bắc vì chỉ lệch nhau nửa cung ở bậc III (Xang).

Phan Văn Minh