Để xứng với sự tôn vinh

Ngày 12/8 âm lịch (ngày 19/9/2010 dương lịch) vừa qua, giới sân khấu cả nước đã trải qua một lễ giỗ tổ có lẽ là đặc biệt nhất từ trước tới nay: lần đầu tiên ngày giỗ tổ hằng năm này trở thành Ngày Sân khấu Việt Nam được Nhà nước chính thức công nhận với ý nghĩa “tôn vinh nền sân khấu nước nhà, động viên, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu có nhiều tác phẩm và hoạt động sân khấu có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

NGÀY ĐỂ XÃ HỘI TÔN VINH…

Do “Thông báo kết luận của Ban Bí thư công nhận Ngày Sân khấu Việt Nam” đến quá cận ngày, thời gian chuẩn bị có phần gấp gáp cộng với sự hạn hẹp về kinh phí nên những hoạt động nhằm chào mừng Ngày Sân khấu VN lần thứ nhất vừa qua diễn ra tại hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước là Hà Nội và TP. HCM vẫn bị dư luận xem là chưa tạo được hiệu ứng rộng rãi cho cả công chúng lẫn người làm nghề.

Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sáng 18/9/2010, một lễ công bố Ngày Sân khấu VN do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức đã diễn ra ngắn gọn gồm hai phần: phần một là nghi lễ với các nghi thức truyền thống như văn tế, dâng hương, trống tế và phần hai là biểu diễn trích đoạn một số vở tiêu biểu của các kịch chủng như xiếc, rối, tuồng, chèo,…


Các thế hệ nghệ sĩ Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đón nhận lẵng hoa chúc mừng
của đồng chí Trương Tấn Sang (Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư).

Chương trình chào mừng của Hội Sân khấu TP. HCM được tổ chức đậm nét hơn với một cuộc triển lãm hình ảnh sân khấu TP. HCM qua nhiều thời kỳ tại trụ sở Hội Sân khấu Thành phố, số 5B Võ Văn Tần. Tại đây, ta có thể thấy lại hình ảnh của những bậc tiền bối cải lương như Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cúc,… cùng những nghệ sĩ tài danh thuộc thế hệ kế tiếp như Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, Hoàng Giang,… trong một số vở diễn cải lương kinh điển cách đây trên dưới nửa thế kỷ như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt…

Song song với cuộc triển lãm trên, một chương trình biểu diễn nghệ thuật do nghệ sĩ Hoa Hạ làm tổng đạo diễn cũng đã diễn ra tại rạp Hưng Đạo (Q.1) vào tối 19/9/2010. Nghi thức rước linh vị tổ từ Nhà Truyền thống nghệ sĩ (133 Cô Bắc, Q.1) đến rạp Hưng Đạo được diễn ra long trọng và kết thúc bằng đại lễ do các nghệ sĩ hát bội thực hiện. Ngoài ra, tiết mục biểu diễn lịch sử phục trang và hóa trang của sân khấu miền Nam qua các thời kỳ khá công phu, đem lại cho người xem một cái nhìn tương đối khái quát về lĩnh vực này.

ĐỂ XỨNG ĐÁNG VỚI SỰ TÔN VINH…

Không ít người cho rằng, cho đến bây giờ mới chính thức công nhận Ngày Sân khấu VN là một sự muộn màng. Hay nói cách khác việc công nhận này phần nào mang tính thủ tục về hình thức hơn là một sự đột phá mới mẻ về nội dung. Bởi nếu như ý nghĩa lớn nhất của việc ra đời Ngày Sân khấu VN là sự tôn vinh nghệ sĩ cùng những vở diễn, vai diễn mà họ đã mang lại cho công chúng thì điều ấy đã được thực hiện từ rất lâu, thông qua việc trao giải thưởng ở các cuộc liên hoan, hội diễn hằng năm cũng như việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân.


"Nữ hoàng sân khấu" - NSƯT Thanh Nga.

Xã hội chúng ta từ lâu vốn đã không còn khái niệm xem diễn viên là “con hát”, “thằng hề” mà là nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Thông qua các hình tượng nhân vật thủ diễn, họ đã đem lại cho công chúng những cảm nhận trực tiếp về cái đẹp, cái xấu, cái thiện, cái ác…

Nhưng nhìn vào hiện trạng sân khấu hiện nay, việc công nhận Ngày Sân khấu VN lại là một quyết định đúng lúc, không chỉ có ý nghĩa nhấn mạnh lại sự tôn vinh những người làm sân khấu vốn đã và đang được xã hội trọng thị mà còn như một lời nhắc nhở về thái độ đáp trả xứng đáng từ phía nghệ sĩ dành cho công chúng. Sân khấu nước nhà bây giờ khác gì một buổi chợ chiều. Các đoàn nghệ thuật phía Bắc, trừ những buổi diễn mang tính công ích, còn thì hầu hết đều hoạt động cầm chừng, chỉ sôi nổi vào những mùa liên hoan, hội diễn.

TP. HCM vốn được xem như cái nôi sân khấu xã hội hóa, đỏ đèn liên tục nhưng tìm cho được một vở diễn, một vai diễn đáng xem ngày càng trở nên khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính mà ai cũng rõ, đó là thái độ làm nghề thiếu trách nhiệm của không ít diễn viên, những người được mệnh danh là “ông hoàng bà chúa” nắm giữ hết quyền uy trên sân khấu.

Ban ngày, họ bị cuốn theo những cơn lốc xoáy dữ dội của phim truyền hình, của nghề dẫn chương trình, của hằng trăm thứ việc dễ dàng đem lại cho họ tiền bạc và tiếng tăm. Và đêm đến, họ thường trở về “thánh đường sân khấu” với cái xác phờ phạc sau một ngày ướt mồ hôi ở trường quay. Họ có rất ít thời gian cho việc tập vở mới, hầu hết thường chỉ có thể dành từ nửa đêm về sáng, vừa tập vừa ngủ gục, vội vội vàng vàng để sáng mai còn đi đóng phim. Có người quá bận phải nhờ đúp vai khi phúc khảo, lúc ra sân khấu diễn phải có người nhắc thoại. Họ xem sân khấu như căn gác trọ, một nơi chốn trở về nghỉ ngơi sau một ngày làm lụng vất vả ở bên ngoài.


Trinh Trinh, Quế Trân trong chương trình Gìn vàng giữ ngọc.

Thái độ ứng xử với sân khấu như vậy thử hỏi lấy đâu ra hình tượng nhân vật đáng để người xem nhớ. Có đạo diễn cầm kịch bản trong tay cả năm không gom đủ diễn viên, đành bỏ luôn ý định dựng vở. Còn những ông bà bầu thì luôn xuống nước năn nỉ diễn viên của mình bớt chút thời gian tập tuồng mỗi khi muốn đầu tư một vở mới.

Ngày Sân khấu VN được công nhận đúng vào ngày giỗ tổ hằng năm của giới sân khấu còn mang ý nghĩa tri ân và tiếp bước các bậc tiền bối của nghề. Nhìn lại chặng đường dài cả trăm năm lịch sử sân khấu dân tộc, mặc dù bị xã hội liệt vào hạng xướng ca vô loài, gọi là con hát, thằng hề, nhưng các nghệ sĩ tiền bối vẫn tận hiến cả đời mình cho nghiệp tổ, coi sân khấu như một thánh đường tôn nghiêm và sống chết với nghề, vì vậy họ đã tạo nên những tác phẩm, những vai diễn để đời. Giờ đây, người làm sân khấu đã có hẳn một ngày để xã hội tôn vinh, càng đòi hỏi sự “sòng phẳng” về trách nhiệm của nghệ sĩ trước công chúng và tổ nghiệp.

CÁT VŨ