Thấm thoát đã 25 năm. Vậy là tôi đã gắn bó với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ gần 1/4 thế kỷ. Đó cũng là quãng thời gian vàng của đời người. Nơi tôi lớn lên, cọ xát, trưởng thành, được sống trong lòng tin yêu để đi đến những chân trời, đến với những nẻo đường đất nước. Từ một thiếu nữ còn bỡ ngỡ, ấu trĩ những ngày đầu bước vào Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tôi trở thành một nhà văn, nhà báo, biên kịch, đạo diễn.
1/4 thế kỷ, tôi đã đi trên con đường không bằng phẳng, không có hoa hồng, không ít nước mắt, đau thương, uẩn khúc. Nhưng trên con đường gập ghềnh thiên lý ấy, tôi hạnh phúc biết bao khi được lắng nghe, đồng cảm, ghi chép những câu chuyện bi hùng từ quá khứ. Tôi được thanh lọc tâm hồn từ những giọt nước mắt sáng trong của những người mẹ, người chị - những bông hoa của đất.
Tôi không còn nhớ mình đã có bao chuyến đi, đến những vùng đất xa xôi của đất nước. Những chuyến đi được ghi lại bằng hàng trăm quyển sổ tay. Hàng trăm bài viết đã kết nối biết bao tấm lòng. Tôi có được một gia tài to lớn từ những câu chuyện phụ nữ.
25 năm nhìn lại, lòng tôi không khỏi xao xuyến, bồi hồi nhớ những ngày đầu tiên, những người thầy đầu tiên, những đồng nghiệp đầu tiên…
Tôi không sao quên được chuyến công tác đầu tiên. Đó là năm 1990, chị Trần Hồng Ánh - nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ dẫn tôi - một lính mới toanh về miền Tây, tìm lại những người mẹ, người vợ anh hùng, những nữ liệt sĩ…
Lần đầu được đi công tác, tôi không khỏi vui sướng, hồi hộp. Tôi chuẩn bị một vali quần áo, mang theo đủ thứ trên đời, cả son, phấn, dù, nón lớn nón nhỏ. Nhưng thứ cần thiết nhất là bút và sổ tay ghi chép thì lại bỏ quên ở nhà.
Đến nhà một bà mẹ có 6 người con hy sinh, tôi thật sự lúng túng, thảm hại như một người lính xung trận mà không có vũ khí. Lúc ấy, tôi nhận được quyển sổ tay mới tinh và cây viết từ tay chị Hồng Ánh. Lúc ấy, tôi mới nhận ra sự non dại, ấu trĩ của mình. Dù không nói ra nhưng tôi biết chị ngầm dạy tôi bài học hòa đồng với nhân dân.
Về những miền quê, chị ăn mặc rất giản dị, chị thông thuộc địa lý, lộ trình, biết cách sắp xếp thời gian, vận trù sao cho hợp lý, hiệu quả nhất.
Tiếp thu bài học vỡ lòng ấy, tôi đã được tưởng thưởng xứng đáng. Đó là sự tin cậy, mở lòng của những nhân chứng chiến tranh. Những người mẹ, người chị đã không xem tôi là người xa lạ, đã nói những lời gan ruột tự đáy lòng. “Gan ruột” ấy mới làm nên hồn của những bài viết gửi đến độc giả, để kết nối những số phận con người…
“Gan ruột” của những người mẹ, người chị đã dấn thân, hy sinh cuộc đời cho đất nước làm tôi rung cảm, xót xa, phẫn nộ. Tôi tự nhủ: “Mình phải làm một cái gì đó”, góp một bàn tay chia sẻ những mất mát, đau thương, bất công, quên lãng.
Nhưng tôi cũng chỉ là một cô gái nhỏ, lạc lõng giữa một thành phố phồn hoa. Như con chim nhỏ, tôi cất tiếng kêu thương bằng chữ nghĩa. May mắn, kỳ diệu thay, tiếng kêu thương ấy đã lan tỏa, đồng vọng đến những tấm lòng.

Anh Lê Minh Châu (Ba Châu) - Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM
cùng đại diện Công ty Bia Sài Gòn trong ngày trao Nhà tình nghĩa cho con trai
liệt sĩ Trần Thị Anh ở xã Hương Mỹ, Mỏ Cày, Bến Tre. Ảnh: Trầm Hương.
Làm sao tôi không sung sướng đến rơi nước mắt khi ngôi miếu nhỏ giữa cánh đồng ngập nước ở Vĩnh Lộc - Bình Chánh, nơi những linh hồn trinh nữ năm xưa đã ngã xuống, giờ được kết nối với những giọt nước mắt của người hiện tại.
Sau nhiều lần xây dựng, năm 2006, công trình Miếu Dân Công quy mô đã được khánh thành trên đất Vĩnh Lộc anh hùng. Tôi đã nghẹn ngào hạnh phúc khi bà mẹ Nguyễn Thị Ngọc Ngân, 60 năm sau ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ sống trong ngôi nhà sắp sập ở đường Đất Thánh, Tân Bình được nhà văn Hữu Ước - Tổng Biên tập báo An Ninh Thế Giới tặng ngay số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ để xây lại cho bà ngôi nhà vững chắc, khang trang.
Làm sao tôi ngăn được nước mắt khi bà mẹ một phi công quê tôi lây lất qua ngày bằng rổ trầu giữa chợ đã được đồng đội con trai bà - liệt sĩ phi công Trần Xuân Mão - góp tay xây lại ngôi nhà cho mẹ.
Nỗi trăn trở trước số phận con gái một liệt sĩ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng từng được mẹ sinh ra trong nhà tù, bị địch cho kiến cắn để rốn ép mẹ, sau chiến tranh sống trong đói nghèo, quên lãng cứ bám riết lấy tôi. Đêm ấy, tôi mơ màng thức giấc lúc 3 giờ sáng, không tài dỗ lại giấc ngủ.
Từ trong tiềm thức, lời khuyên của một người bạn thân hiện về trong trí nhớ, thôi thúc tôi: “Bạn cứ ước mơ đi. Khi ước mơ bạn sẽ hành động. Khi hành động bạn sẽ được hoặc chưa được. Còn khi bạn không ước mơ, bạn chẳng được gì cả”.
Tôi tự nhủ mình không được tuyệt vọng. Tôi gửi bài Số phận chị Tiết cho tòa soạn báo một lần nữa… Vừng hồng bừng lên phía trời Đông tuyệt đẹp. Tôi chợt nhớ tới cái hẹn sáng nay đến tham quan Công ty Du lịch Phú Thọ. Vừng hồng mách bảo tôi hành động: “Hãy in bài viết về số phận chị Tiết gửi cho doanh nghiệp này. Biết đâu… Ờ, nếu “mất” thì tôi chỉ mất mấy tờ giấy, còn nếu “được” thì tôi sẽ không còn bị ám ảnh bởi đôi mắt đầy kỳ vọng của chị Tiết”.
Anh Hồ Duy Hùng - Nguyên giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ nhận bài viết của tôi. Anh đọc qua rồi nói: “Chúng tôi xem rồi sẽ quyết định”. Chưa đầy một tuần sau, anh gọi điện báo cho tôi: “Chúng tôi đang ở nhà chị Tiết ở Bưng Môn - Cai Lậy đây! Bà con ở đây gọi chị là Niết. Báo hại, tôi đi tìm “chị Tiết” muốn hụt hơi!”.
Sau chuyến đi “thị sát” ấy, Công ty Du Lịch Phú Thọ quyết định xây tặng cho con gái Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy căn nhà tình nghĩa hơn 20 triệu đồng. Trong cuộc đời của một người cầm bút, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc như thế.
Ở Song Thuận, huyện Châu Thành Mỹ Tho có nữ pháo binh Nguyễn Thị Bé Sáu sau khi diệt hơn 10 chiếc máy bay địch, đốt hàng lít xăng căn cứ Đồng Tâm, vì nghe tiếng khóc của những đứa trẻ trong ngôi nhà đang cháy, chị quay lại cứu. Những đứa trẻ được an toàn nhưng chị hy sinh.
Chị là con gái của một bà mẹ có 4 con liệt sĩ. Mẹ mất, chỉ còn đứa cháu gái thờ cúng những liệt sĩ trong ngôi nhà xiêu vẹo. Xin được nói lời tri ân Công ty Vina Game qua báo Sài Gòn Giải Phóng, năm 2004, đã tặng cho gia đình chị Bé Sáu 20 triệu đồng xây lại ngôi nhà.
Cứ như thế, những chuyến đi nối dài những chuyến đi. Làm sao chúng ta có thể dửng dưng trước số phận của chị Huỳnh Thị Bé - một cựu nữ TNXP1C từng oằn lưng tải hàng dưới mưa bom bão đạn, vượt qua cánh đồng nước lũ đầy năn lát, cỏ bắc, hứng chịu những cơn mưa chất độc hóa học, sau chiến tranh sống trong căn nhà lá cất thoi loi giữa bốn bề ngập nước, trên ụ xáng thổi của dòng kênh Khai Luông.
Nhà nghèo, con dị tật, ốm đau, chị Bé phải đi lượm bọc ni-lông ven biển Kiên Giang đổi gạo sống qua ngày. Làm sao tôi có thể quay lưng trước nước mắt thầm lặng của cựu nữ biệt động Nguyễn Thị Ấu ở Trảng Bàng - Tây Ninh.
Đôi bờ vai bé nhỏ của chị đã nhẫn nại chuyển hàng tấn vũ khí, được giấu trong những bội hoa quả vào nội thành. Chồng hy sinh, em trai hy sinh. Trong căn nhà xiêu vẹo, trống trải, nơi trang trọng nhất chị Út Ấu dành cho nơi đặt di ảnh hai người liệt sĩ. 40 năm sau Mậu Thân, chị nghẹn ngào nói lên ước nguyện có được ngôi nhà tử tế để mùa mưa đến, bằng Tổ quốc ghi công của chồng, của đứa em trai không bị mưa làm dột ướt.

Ông Lê Văn Kiểm - Tổng giám đốc Golf Long Thành trao đổi cùng
bà Ngô Thị Huệ - một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ
Nam Bộ về chương trình xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa cho TNXP,
gia đình liệt sĩ, thương binh...
Tháng 7/2008, những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình cho chị Huỳnh Thị Bé (Kiên Giang), chị Võ Thị Phục (Trà Vinh), chị Nguyễn Thị Ấu (Tây Ninh) do báo Phụ nữ vận động Công ty Diệp Bạch Dương được dựng nên.
Cũng tháng 7 năm ấy, tôi cùng chị Tô Thị Tuyết Thu, Lê Thị Mảnh (Út Mảnh) - Ban liên lạc TNXP1C ngược dòng sông Cái Bé, về xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang thăm chị Nguyễn Thị Hồng - một nữ TNXP1C hiện đang mắc chứng bệnh khớp nặng, sống lay lắt trong ngôi nhà lá rách nát ven sông.
Mơ ước “có được căn nhà không dột” của chị khiến lòng tôi cứ day dứt không yên. Nhân Công ty Du lịch Hòa Mình mời về Kiên Giang dự khánh thành khu du lịch Hòa Vang, tôi nói nhanh trong điện thoại với giám đốc Nguyễn Thị Hoa Lệ: “Có một trường hợp cần chị giúp đỡ…”.
Chị Hoa Lệ kết nối với chương trình Sân khấu vàng nhà hát Trần Hữu Trang. Sau đêm diễn Lá sầu riêng, chị Hồng rưng rưng nước mắt đứng trên sân khấu rực ánh đèn. Đây là lần đầu chị rời khỏi cù lao bốn bề sông nước thăm thành phố mang tên Bác. Cầm mười lăm triệu đồng trên tay mà chị vẫn như chưa tin những gì vừa diễn ra là sự thật.
Như chuyện cổ tích, từ cù lao Vĩnh Hòa Phú lầy lội, chị bước lên sân khấu rực sáng ánh đèn, được nghệ sĩ Minh Vương trao tiền hỗ trợ chị sửa nhà, được ưu ái ôm hôn, được chụp ảnh cùng nghệ sĩ Lệ Thủy, Thanh Nguyệt…
Đêm ấy, đưa chị về nhà, ba chị em chúng tôi cứ bồi hồi không ngủ. Chị Út Mảnh kể nhiều chuyện trong chiến tranh. Trong mớ ký ức hỗn độn của những người chị TNXP, chợt găm vào đầu tôi một cái tên rất lãng mạn: Hồng Thy.
Tiếng gọi tên người yêu của chị Hồng Thy trước giờ vĩnh biệt trong vòng tay Út Mảnh trong đêm khuya thinh vắng sao cứ xoáy vào tim tôi… Tiếng gọi ấy thôi thúc tôi tiếp tục hành trình đi về những miền đất xa xôi, kết nối giữa những tấm lòng, kết nối 100 người mẹ, người vợ liệt sĩ, những TNXP, những chiến sĩ trong đội quân tóc dài trong đồng khởi, thương binh… có hoàn cảnh khó khăn.
Qua sự giúp đỡ nhiệt tình của báo An ninh thế giới, danh sách ấy đã được chuyển đến một địa chỉ đầy trăn trở trước trách nhiệm với đồng đội. Sau Tết Canh Dần năm 2010, bà Ngô Thị Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trung ương Đảng, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gọi điện cho tôi, thông báo một tin làm tôi muốn đứng tim vì vui sướng: “Trầm Hương à, chú Lê Văn Kiểm - Tổng giám đốc công ty Golf Long Thành nhận tài trợ chương trình 100 căn nhà tình nghĩa này. Công việc này vô cùng có ý nghĩa, hết sức quan trọng, tụi con phải làm cho tốt”.
Tôi đứng giữa trời, muốn thét to tiếng kêu hạnh phúc tận đáy lòng mình. Vậy là hơn 100 căn nhà tình nghĩa đã được kết nối những tấm lòng, đã được dựng nên trên những nẻo đường đất nước. Tôi hỏi Anh hùng Lê Văn Kiểm, vì sao ông đã dành số tiền 5 tỉ đồng cho 100 căn nhà tình nghĩa này.
Ông trầm ngâm nói: “Bởi cha tôi cũng là một liệt sĩ. Những gì chúng ta đang có được hôm nay đã đổi bằng lớp lớp xương máu những người đi trước”. Trước lời nói giản dị ấy, tôi im lặng, chỉ để nước mắt thay lời…
Thật cảm động khi ông Ba Châu - cựu thủ lĩnh phong trào Thành Đoàn năm xưa sau khi đọc bài viết Dưới bóng dừa năm ấy đã âm thầm vận động doanh nghiệp, xây nhà tình nghĩa cho con trai liệt sĩ Trần Thị Anh, ngã xuống trong một cuộc đấu tranh, để lại đứa con trai còn đang bú. Tôi đi qua gian trưng bày những nữ liệt sĩ, những nhân chứng chiến tranh, cảm nhận dường như những đôi mắt các chị nhìn đang đăm đắm dõi theo người đang sống.
Tôi thì thầm tự nhủ: Xin các chị hãy yên tâm. Những người tuổi trẻ đang sống tiếp ước mơ của các chị. Tôi sẽ còn tiếp tục những chuyến đi, với trách nhiệm đưa những người chết thầm lặng ra ánh sáng, bởi “Không thể có ai bị lãng quên. Không thể có một điều gì trôi đi mất” (Olga Bergholtz).