3 chung hay 100 riêng?

Hiện nay dư luận xã hội đang xôn xao về quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chấm dứt việc tuyển sinh theo “3 chung” mà cho phép các trường tự tổ chức tuyển sinh riêng từ năm 2016 trở đi, còn trong giai đoạn chuyển tiếp: năm 2014 và năm 2015 thì các trường hoặc dùng “3 chung” của Bộ hoặc tự tổ chức thi.

Các trường ngoài công lập rất hoan nghênh quyết định trên và đã có khoảng 20 trường ngoài công lập đưa kế hoạch tuyển sinh riêng lên Bộ GD-ĐT, trong khi đó hầu hết các trường công lập thì tỏ ra thờ ơ hoặc “bình chân như vại”.

3 chung nên duy trì hay bãi bỏ?
Trước hết các trường ngoài công lập suy nghĩ đơn giản là vì “3 chung” mà trường ta không tuyển đủ số sinh viên do các trường công lập “vét hết” sinh viên của ta, nhiều trường chỉ tiêu tuyển 500 mà chỉ độ 5, 7 người đến học, thậm chí có ngành lại không ai tới học cả! Vậy cho nên mừng hơn bắt được vàng: tự ta tổ chức tuyển sinh riêng sẽ giúp ta “tóm cổ” được đủ số “thượng đế” như ta mong muốn! Còn các trường công lập thì “thờ ơ” và không ham cái chuyện tự lo tuyển sinh riêng bởi vì dù “3 chung” hay tuyển sinh riêng thì ta đây đã có uy tín vẫn luôn luôn tuyển đủ các sinh viên ưu tú nhất, cho nên không dại gì chọn thi riêng vì như thế là ôm lấy cái khổ vào thân: phải tự lo ra đề thi, tự bảo mật đề thi vừa tốn công sức, tiền bạc và thời gian, chưa kể là gánh lấy rủi ro đề ra sai, dở hay rò rỉ đề thi, trong khi dùng “3 chung” thì khỏe re vì đã có anh khảo thí của Bộ GD-ĐT lo cho từ A đến Z rồi.

Các anh công lập như vậy là quá “khôn” vì tư duy “quá đúng”! Trong khi các anh tư thục “khôn không kém” nhưng coi chừng bị “gậy ông đập lưng ông”! Tại sao?
Tại vì việc chọn trường để thi là quyền của học sinh, họ dựa trên cơ sở uy tín của trường và mức học phí mà trường ấy thu, họ kỳ vọng học ở đó ra họ sẽ tìm được việc làm như thế nào, tiến thân ra làm sao, chứ không phải họ chọn vì thi “3 chung” hay thi riêng!
Những trường kém chất lượng dù có tổ chức thi riêng, thi nhiều đợt trong một năm thì sẽ vẫn thiếu người đến học. Nói cho vui là ví như một tiệm phở với chất lượng kém ăn vào chưa biết bổ béo thế nào mà lắm khi nhiễm bệnh thì dù có “chiêu dụ” bao nhiêu đi nữa, “thượng đế” cũng vẫn sẽ “lắc đầu”!

Thi “3 chung” vào một trường công lập có chất lượng tốt với nguyện vọng 1, học sinh còn hy vọng kết quả “3 chung” ấy còn được xét vào một trường khá với nguyện vọng 2, và một trường thường với nguyện vọng 3. Nghĩa là người học sinh luôn kỳ vọng chọn cái tốt nhất, nếu không được thì chọn cái thứ nhì, đối đế thì chọn cái thứ ba, như lọt sàng thì xuống nia, lọt nia thì xuống nong! Chứ không ai ban đầu chọn ngay cái chỗ “lọt nong” cả!

Chính vì tâm lý ấy mà khi Bộ cho anh tự tổ chức thi riêng, nhưng lại “bắn tin” là “đã tự tổ chức thi riêng thì riêng ngay từ đầu, không được dùng kết quả của 3 chung để xét tuyển” thì các anh hăng hái xung phong tự tổ chức thi riêng lại bắt đầu thấy lạnh run rồi, là liệu “có nhiều “thượng đế” đâm đầu vào con đường độc đạo chỉ dẫn tới “tiệm phở” của riêng mình mà thôi không?”. Cho nên các anh mới đề nghị “tự lo tổ chức thi” nhưng cho phép các anh dùng kết quả của “3 chung” để xét tuyển! Như vậy là sao? Là vừa chê “3 chung” là lỗi thời, nên tự tổ chức thi cho “hợp thời”, nhưng lại vừa muốn dùng “kết quả của 3 chung lỗi thời” để hy vọng mời đủ “thượng đế” tới “tiệm phở“ của mình. Quả là “khôn” nhưng cũng quả là phi logic!

 

 Trong một kỳ thi tuyển sinh

Không phải chỉ có các trường ngoài công lập, các trường công kém chất lượng, mà ngay cả hai trường công được cho là có chất lượng cao như Đại học Việt - Pháp ở Hà Nội và Đại học Việt - Đức ở TP.Hồ Chí Minh dù có tổ chức thi tuyển sinh riêng thì cũng không chắc tuyển đủ được số sinh viên giỏi như mong muốn. Vì sao? Vì cả hai trường này mới thành lập, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ, chưa có truyền thống, mà học phí lại cao hơn các trường công như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh - hai trường quốc gia này có lịch sử trên vài chục năm, cựu sinh viên ra trường hiện nằm ở khắp các cơ quan cả nước, học ở đó thì vừa ít học phí hơn vừa biết trước tương lai như đàn anh của họ… Uy tín của một trường đại học chỉ có thể được tạo ra do chất lượng của các sinh viên tốt nghiệp qua nhiều thập niên, chứ không phải trường mới ra, chưa đầy đủ mọi thứ, dù có kèm theo chữ “quốc tế” trong cái tên thì những sinh viên ưu tú cũng không tin tưởng để vào học khi phải đóng học phí cao hơn trường công đã có quá trình mấy mươi năm.

Cũng lưu ý là ở nước ta, một số chủ trường tư rất sính chữ “quốc tế” kèm theo tên trường cốt để tự khoe vượt xa khả năng thực sự của mình, là điều mà không một trường đại học uy tín nào trên thế giới tự xưng một cách “lố bịch” như thế cả.

Mỹ có chuẩn chung trên phạm vi toàn quốc không?
Từ trước cho tới những năm đầu của thế kỷ 20, các trường đại học ở Mỹ tự lo tuyển sinh theo tiêu chuẩn riêng, dựa vào kết quả tốt nghiệp trung học. Vào đầu thế kỷ 20, các hiệu trưởng đại học, nhà quản lý và sử dụng sinh viên tốt nghiệp nhận xét rằng với tình trạng như thế, trình độ sinh viên được tuyển vào quá chênh lệch ở các trường khác nhau, tạo ra những người tốt nghiệp đại học quá kém chất lượng. Cho nên một số viện trưởng các trường lớn ở Mỹ họp lại bầu ra Hội đồng đại học (College Board) và giao cho hội đồng này tìm giải pháp nâng trình độ sinh viên được vào tất cả các đại học lên một ngưỡng tối thiểu chung. Từ đó, College Board mới đề ra bài thi SAT (ban đầu SAT = Scholastic Achievement Test, sau SAT = Scholastic Aptitude Test, sau nữa SAT = Scholastic Assessment Test, ngày nay chỉ đơn giản là SAT chứ không có nghĩa gì cả). Từ năm 1926 một số các trường đại học bắt đầu dùng SAT, và về sau có thêm ACT (American College Testing Assessment), và số trường càng ngày càng tăng. SAT là bài thi chung cho mọi học sinh ở cấp 3 trên toàn nước Mỹ. SAT chỉ gồm 2 môn Anh văn và Toán, ban đầu là thi tự luận. Năm 1941 lúc College Board đang họp để bàn chọn phương cách thi SAT thì Nhật tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ, mọi thanh niên Mỹ sẽ được tổng động viên, họ sẽ không còn đủ thì giờ thi tự luận, nên Hội đồng đại học quyết định chọn hình thức thi trắc nghiệm, và thi nhiều lần trong một năm. Từ đó cho đến năm 2005, SAT chỉ gồm 2 bài thi trắc nghiệm: một cho Anh văn, một cho Toán. Nhưng việc chỉ thi trắc nghiệm khiến cho nhiều học sinh luyện thi nhão các đề thi, có thể đạt điểm cao, song khi vào đại học thì tỏ ra kém: không viết được văn, không lý luận dài và sâu được theo tính hệ thống, cho nên từ năm 2005 trở đi thì SAT gồm 3 phần: thêm phần thi viết tiếng Anh, và trong phần thi Toán ngoài các câu trắc nghiệm, còn thêm 10 câu tự luận. (Tuy vậy SAT vẫn đang bị chỉ trích, sẽ có bài viết riêng). SAT hay ACT dùng cho việc sinh viên vào năm thứ nhất đại học (những học sinh nước ngoài đến du học như từ Việt Nam đến mà vào các trường cao đẳng học 2 năm đầu thì họ miễn thi SAT).
Hiện nay mỗi năm College Board tổ chức 7 lần thi SAT trong nước Mỹ và 6 lần ở ngoài nước Mỹ (vào các tháng 10, 11, 12, 1, 3 (chỉ ở Mỹ), 5 và 6). Học sinh cấp 3 có thể dự thi SAT nhiều lần, kết quả có giá trị trong 2 năm, lấy kết quả tốt nhất nộp cùng học bạ cấp 3 để các trường xét chọn. Còn muốn vào các chương trình cao học các trường kha khá trở lên, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học phải thi GRE (Graduate Record Examination) cho khoa học, GMAT (Graduate Management Admission Test) cho quản trị kinh doanh, muốn vào ngành y bắt buộc phải thi MCAT (Medical College Admission Test) sau khi học ít nhất 3 năm đại học về Sinh Hóa, muốn vào dược phải thi PCAT (Pharmacy College Admission Test) cũng sau ít nhất 3 năm đại học về Sinh Hóa… Và tất cả những SAT, ACT, GRE, GMAT, MCAT, PCAT đều thi chung cho toàn sinh viên trên nước Mỹ, đề thi do các trung tâm khảo thí độc lập với mọi trường soạn thảo. Như vậy, tuy mỗi trường đại học ở Mỹ tự lo tuyển sinh, nhưng không phải chỉ căn cứ vào văn bằng Tốt nghiệp cấp 3, mà họ dùng kết quả các bài thi chung trên phạm vi toàn quốc: SAT, ACT, GRE, GMAT, MCAT, PCAT để loại đi những người kém so với cái chuẩn chung trên toàn quốc, và những cái chuẩn đó cũng dùng trong việc xếp hạng các đại học. Như vậy trong quá trình phát triển, các đại học Mỹ đã đi từ cái không có chuẩn chung ở đầu vào đến có chuẩn chung trên toàn quốc. Còn Việt Nam ta thì đang dùng “3 chung”, sẽ bỏ “3 chung” để các trường tự tổ chức tuyển sinh vào năm 2016, nghĩa là từ chỗ có chuẩn chung đi tới chỗ không có chuẩn chung.

Kết luận
Theo thiển ý của người viết, dùng “3 chung” hay thi riêng cho từng trường mà nếu làm nghiêm túc thì kết quả sẽ như nhau: Các trường công lập có uy tín lâu nay vẫn tuyển đủ các sinh viên ưu tú, giỏi và khá; các trường ngoài công lập, chỉ một ít trường tuyển đủ sinh viên, còn đại đa số sẽ không tuyển đủ sinh viên. Nhưng thi 3 chung thì ít tốn về công sức và tiền bạc hơn rất nhiều và còn có cơ sở để so sánh, đánh giá, xếp loại các trường. Còn khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự lo việc tuyển sinh sẽ dẫn đến tình trạng các trường tư dù rất kém chất lượng cũng đầy sinh viên, và sau vài năm xã hội ta sẽ đầy người tốt nghiệp đại học mà trong số đó rất nhiều người không có trình độ tương xứng với văn bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ: thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, đặc biệt là nguy cơ: con ông cháu cha với tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ dỏm mà được đưa lên làm lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thì xã hội ta không tụt hậu mới là chuyện lạ! Ngoài ra các trường có uy tín thi tuyển sinh riêng sẽ dẫn đến việc luyện thi do chính các trường hay thầy dạy trường ấy tổ chức, và đó sẽ là cái nhức nhối đã gặp trong quá khứ.

Việc bãi bỏ “3 chung” có lẽ là do Bộ GD-ĐT bị “sức ép” của khối tư thục và dư luận chung chung dựa trên cảm tính là “3 chung” là lỗi thời, chứ thật ra chưa có ai chứng minh được một cách khoa học là “3 chung” sai ở chỗ nào, dở chỗ nào? Và với quyết định bỏ “3 chung” thì Bộ GD-ĐT coi như đã tự trút bỏ một trong những trách nhiệm chính của mình. Nói như thế không có nghĩa là người viết bài này cho rằng “3 chung” như hiện nay là tối ưu, mà sẽ đề nghị tuyển sinh dựa trên “một cái chung” khác (sẽ bàn tới trong bài tiếp).

Ngoài ra, nền giáo dục hiện nay bị cho là tồi không phải tại “3 chung” mà tại nhiều thứ, trong đó có: Chính sách dùng người; Chế độ lương; Cách quản lý; Sự phát triển kinh tế, công, nông, ngư nghiệp và văn hóa xã hội chỉ nhằm vào cái lợi trước mắt, không có chủ trương tự lực, tự cường trong chiến lược phát triển lâu dài. Cho nên sau mấy mươi năm phát triển mà công nghiệp thì chủ yếu là làm thuê, lắp ráp cho nước ngoài; xuất khẩu nguyên vật liệu thô, nhập thành phẩm từ độc hại đến cao cấp, sang trọng nhất, không có một sản phẩm đáng kể nào do người Việt tạo ra và làm chủ, mặc dầu có đủ ban bệ, chức tước cho các quan với học vị, học hàm Tiến sĩ, Giáo sư, Viện sĩ... trong lãnh vực công nghệ, công nghiệp. Các công ty thì chủ yếu là kinh doanh, hoặc làm đại lý, hoặc mua sản phẩm rồi bán lấy lời, không chú trọng lập bộ phận R&D (Research and Development = Nghiên cứu và Phát triển) để tạo ra sản phẩm độc đáo của riêng mình. Văn hóa đại chúng trên truyền thông, truyền hình thì Việt Nam lại thuộc loại “nhanh nhạy” theo chiều hướng nô lệ nước ngoài nhiều nhất trong số các nước đang phát triển: mua bản quyền mọi thứ, mọi loại hình từ nhảy nhót, hát xướng – Giọng hát Việt, Thần tượng Việt… không có chút gì sáng tạo của người Việt – cho đến sách học đọc tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam cũng mua bản quyền của nước ngoài (chẳng hạn, bộ Bách khoa toàn thư cho bé - NXB Mỹ Thuật, nhà sách Tân Việt). Xã hội Việt Nam hiện nay đã trở thành một xã hội tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là của nước ngoài. Vậy thì cơ hội đâu cho người Việt tốt nghiệp đại học làm việc trong đó có miệt mài sáng tạo ra cái mới. Từ đó mọi tài năng Việt sẽ thui chột hết, chỉ có thể phát triển, nở hoa ở nước ngoài. Hậu quả thấy rõ là nhà nước đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc cho các trường chuyên để đào tạo ra những học sinh ưu tú nhất mà rốt cuộc trở thành đào tạo không công cho thiên hạ: hầu hết các học sinh từ các trường chuyên, các trường nổi tiếng nhất Việt Nam trong đó có Amsterdam Hà Nội, đều được dễ dàng mời đón tại các đại học nước ngoài, và sẽ làm việc cho người ta, chứ rất hiếm trở về làm việc trong nước. Người ta đón những học sinh ưu tú nhất của Việt Nam, như Singapore đón từ lớp 10 trở lên, Mỹ đón từ đại học, cao học… không phải là người ta “thương” gì Việt Nam đâu mà họ “thương chính bản thân họ” trong chiến lược phát triển lâu dài: lôi kéo người tài làm việc cho họ. Một điển hình cụ thể: Mới gần đây, có 3 sinh viên người Việt Nam lên nhận huy chương cao quý nhất trong một cuộc thi tranh tài quốc tế về Công nghệ thông tin tại Nga, nhưng họ mang cờ Singapore vì đang học tại Đại học Singapore! Về phương diện cá nhân, về từng gia đình thì tôi xin chúc mừng các học sinh ưu tú Việt Nam đã được các đại học nước ngoài cấp học bổng, tạo điều kiện học đến nơi đến chốn, nhưng về mặt phát triển đất nước, tôi rất xót xa: đó là một thất bại thê thảm của nước ta. Cho nên, nhiều khi tôi nghĩ là “oan cho những người làm giáo dục nước ta” khi bị cả nước chê, quy là “tội đồ” của đủ mọi thứ xấu xa trong xã hội, khiến cho ông Giáo dục cứ loay hoay, đổi mới, đổi tới, đổi lui, rồi đổi giáp vòng quay lại cái ban đầu xa xưa… mà người ta không hiểu hay hiểu mà cố quên đi, chính cái “chiến lược phát triển sai lầm mọi ngành nghề” trong xã hội ta mới là tội đồ!

Vậy dù có bỏ “3 chung” dùng “100 riêng” mà nếu không có “những thay đổi khác” thì nền giáo dục nói chung và đại học của nước ta vẫn kém và còn có nguy cơ tụt hậu khi để cho tất cả mọi trường đại học tự do tuyển sinh, tự dạy, tự cấp bằng mà không có “phanh chung tối thiểu” nào cả.

Lê Tự Hỷ (Mỹ)