Bản thân tôi, khi còn trẻ, đã từng do dự giữa Sorbonne(1) và Kịch viện(2). Về mùa đông, lúc thời tiết khắc nghiệt nhất, tôi thường dạo bước đọc vang những vai kịch của Molière và của Corneille trong các lối đi vắng vẻ của Luxembourg(3). Dự định của tôi lúc ấy là gì? Là được vỗ tay tán thưởng chăng? Có lẽ thế. Là được sống suồng sã với các đào hát tôi thấy dễ thương vô cùng và tôi biết là rất dễ dãi chăng? Nhất định rồi. Chẳng biết có điều gì là tôi chưa thực hiện để làm đẹp lòng nàng Gaussin lúc đó mới vào nghề và là hiện thân của nhan sắc; để làm đẹp lòng nàng Dangeville là người hết sức có duyên trên sân khấu.
(Diderot: Paradoxe sur le comédien - Ý kiến ngược đời về diễn viên - xuất bản năm 1830, sau khi tác giả đã qua đời).
Dù đẹp trời hay thời tiết xấu, tôi có thói quen cứ đến 5 giờ chiều đi dạo ở Hoàng Cung. Thiên hạ luôn thấy tôi chỉ ngồi một mình, mơ mộng trên chiếc ghế dài ở Argenson(4). Tôi trò chuyện với bản thân tôi về chính trị, về tình yêu, về thị hiếu và về triết học. Tôi mặc cho đầu óc tôi tha hồ bông lông.
(Diderot: Le Neveu de Rameau - Cháu ông Rameau - xuất bản năm 1823, sau khi tác giả đã qua đời).
Bởi lẽ một người là sai lầm khi không tin vào Thượng đế, chúng ta chửi rủa hắn là có lý hay không? Người ta chỉ phải viện đến những lời chửi rủa khi người ta thiếu bằng chứng.
(Diderot: Pensées philosophiques - Những tư tưởng triết học - 1746).
Một hôm người ta hỏi một ai đó là có những kẻ vô thần thật sự không. Người ấy trả lời là ông tin rằng có những tín đồ Thiên Chúa giáo thật sự hay sao?
(Diderot: Pensées philosophiques - Những tư tưởng triết học).
Thiên hạ uống ừng ực điều dối trá ngọt ngào, và thiên hạ uống nhỏ giọt một sự thật cay đắng.
(Diderot: Le Neveu de Rameau - Cháu ông Rameau).
Dù làm gì đi nữa, người ta cũng không thể bị ô danh một khi người ta giàu có.
(Diderot: Le Neveu de Rameau - Cháu ông Rameau).
Tôi gọi là đẹp ở ngoài tôi, tất cả những gì chứa đựng trong bản thân nó cái gợi dậy trong trí tuệ của tôi ý niệm những tương quan; và đẹp đối với tôi, là tất cả những gì gợi dậy ý niệm ấy.
(Diderot: Traité sur le Beau - Luận về cái đẹp - in trong Bách khoa toàn thư).
Khiếu thẩm mỹ là sự nhạy bén thu nhận được bằng kinh nghiệm lặp đi lặp lại, trong việc nắm bắt cái thật hoặc cái tốt, với tình huống khiến nó trở thành đẹp, và dễ bị xúc động vì nó một cách mau lẹ và mãnh liệt. Nếu những kinh nghiệm quyết định cho việc bình phẩm đang còn hiện diện trong ký ức, người ta sẽ có khiếu thẩm mỹ tinh tường; nếu những ký ức về chúng đã phai mờ và chỉ còn sót lại ấn tượng, người ta sẽ có nhạy cảm, bản năng.
(Diderot: Traité sur le Beau - Luận về cái đẹp).
Ai buộc bạn phải là người mô phỏng nghiêm ngặt tự nhiên? […] Bạn hãy làm môn đệ của cầu vồng, nhưng chớ làm nô lệ cho nó.
(Diderot: Pensées détachées sur la peinture, la sculpture, l’architecture et la poésie - Những suy nghĩ tản mạn về hội họa, điêu khắc, kiến trúc và thơ ca - 1787, sau khi tác giả đã qua đời).
Mặt trời của nghệ thuật không phải cùng một mặt trời của tự nhiên, ánh sáng của họa sĩ không phải cùng một ánh sáng của trời, da thịt của bảng pha màu không phải cùng một da thịt của tôi. […] Các bạn hãy soi sáng mọi vật theo mặt trời của các bạn, nó không phải là mặt trời của tự nhiên.
(Diderot: Pensées détachées sur la peinture, la sculpture, l’architecture et la poésie - Những suy nghĩ tản mạn về hội họa, điêu khắc, kiến trúc và thơ ca).
Cái thật, cái tốt và cái đẹp rất khăng khít với nhau. Ông hãy thêm vào một trong hai phẩm chất đầu một tình huống hiếm có, chói lọi nào đấy, thế là cái thật sẽ đẹp, và cái tốt sẽ đẹp. Nếu việc giải bài toán ba thực thể(5) chỉ là sự chuyển động của ba điểm cho trước trên một mảnh giấy, thì chẳng có gì đáng kể, đó là một sự thật thuần túy tư biện. Nhưng nếu một trong ba thực thể ấy là vì tinh tú chiếu sáng chúng ta ban ngày, thực thể kia là vì tinh tú soi tỏ chúng ta ban đêm, và thực thể thứ ba, quả địa cầu chúng ta đang ở - đột nhiên sự thật trở thành lớn lao và đẹp đẽ.
(Diderot: Essais sur la peinture – Những tùy bút về hội họa- 1765).
Vai trò của tác gia là một vai trò khá hão huyền; đó là vai trò của một người tưởng mình có thể dạy cho công chúng những bài học. Còn vai trò của nhà phê bình thì sao? Nó còn hão huyền hơn nữa; đó là vai trò của một người tưởng mình có thể dạy những bài học cho kẻ tưởng mình có thể dạy những bài học cho công chúng.
(Diderot: Des auteurs et des critiques - Về những tác gia và các nhà phê bình - 1758).
Có loại nhà trường mà tôi chắc hẳn sẽ gửi các học trò của tôi tới học, đó là loại trường ở đấy người ta dạy cách nhìn cái tốt và nhắm mắt trước cái xấu. Này! Anh chỉ thấy trong Homère(6) đoạn nhà thơ miêu tả những trò trẻ con chán ngấy của chàng Achille(7) thôi ư? Anh khuấy cát của một dòng sông cuốn trôi những vẩy vàng rồi trở về với hai bàn tay đầy cát, còn bỏ lại vẩy vàng.
(Diderot: Pensées détachées sur la peinture, la sculpture, l’architecture et la poésie - Những suy nghĩ tản mạn về hội họa, điêu khắc, kiến trúc và thơ ca).
Tự nhiên chẳng làm cái gì sai quy tắc. Mọi hình dáng, dù đẹp hay xấu, đều có nguyên nhân của nó; và trong tất cả các thực thể đang tồn tại, chẳng có một thực thể nào là không đúng như nó phải thế. Ông hãy nhìn người phụ nữ đã mất đôi mắt từ hồi còn niên thiếu kia mà xem. […] Ông tưởng rằng cái cổ không bị ảnh hưởng ư? Cả hai vai và cả bộ ngực nữa? Vâng đúng thế, đối với mắt ông và đối với mắt tôi. Nhưng ông hãy mời tự nhiên đến, ông hãy đưa cho tự nhiên xem cái cổ ấy, đôi vai ấy, bộ ngực ấy, và tự nhiên sẽ bảo: “Đây là cái cổ, đây là hai vai, đây là bộ ngực của một người phụ nữ đã mất đôi mắt từ hồi còn niên thiếu”. Ông hãy quay nhìn người đàn ông kia có lưng với ngực đều lồi ra. […] Ông hãy che cái khuôn mặt người ấy đi, hãy chỉ đưa cho tự nhiên xem các bàn chân, và tự nhiên sẽ nói, chẳng do dự: “Các bàn chân này là bàn chân của một người gù lưng”.
(Diderot: Essais sur la peinture - Những tùy bút về hội họa).
Hội họa có điểm này chung với thơ ca, và hình như người ta chưa nghĩ ra, cả hai đều phải bene moratae, chúng cần phải có phong hóa. Boucher(8) đâu có ngờ đến điều đó; ông ta luôn luôn phóng đãng, và chẳng bao giờ gây được hứng thú. […] Cái hình vẽ kia sẽ khiến tôi phạm một tội buổi sáng hơn tất cả những con đĩ của ông. Tôi không biết ông moi họ ở đâu ra; nhưng khi người ta quan tâm đôi chút đến sức khỏe của mình thì không thể dừng lại đấy. […] Chẳng phải là tôi quá khắt khe. Đôi khi tôi đọc Petrone(9). Bài thơ trào phúng Ambubaiarum của Horace ít ra cũng làm tôi thích thú bằng những bài khác. Các mẩu thơ tình tục tĩu của Catulle(10), tôi thuộc lòng đến ba phần tư. Khi tôi dự bữa chén tổ chức ngoài trời với các bè bạn và rượu vang trắng đã làm cho đầu váng vất hơi men, tôi đọc một bài thơ châm biếm của Ferrand(11) mà không xấu hổ. Tôi lượng thứ cho nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc, và cho cả triết gia nữa có lúc nào đó cao hứng và nhảm nhí; nhưng tôi không muốn người ta dầm mãi bút vẽ của mình vào đấy, và không muốn người ta làm biến chất mục đích của các nghệ thuật đi.
(Diderot: Essais sur la peinture - Những tùy bút về hội họa).
Một diễn viên không thành thạo về hội họa là một diễn xoàng; một họa sĩ không phải người xem tướng giỏi là một họa sĩ xoàng.
(Diderot: Essais sur la peinture - Những tùy bút về hội họa).
Chính là tính mẫn cảm thái quá tạo nên các diễn viên xoàng; chính là tính mẫn cảm xoàng tạo nên đám đông các diễn viên dở; và chính là sự thiếu hẳn tính mẫn cảm chuẩn bị cho các diễn viên tuyệt vời.
(Diderot: Paradoxe sur le comédien - Ý kiến ngược đời về diễn viên).
Nước mắt của diễn viên từ óc chảy xuống; nước mắt của con người mẫn cảm từ tim dâng lên; chính ruột gan làm bối rối quá đáng đầu óc của con người mẫn cảm; chính đầu óc của diễn viên đôi khi mang đến một sự bối rối nhất thời trong ruột gan anh.
(Diderot: Paradoxe sur le comédien - Ý kiến ngược đời về diễn viên).
Diễn viên khóc như một tu sĩ không tín ngưỡng thuyết giáo về Jesus thụ nạn! như một tên quyến rũ phục dưới chân người đàn bà hắn không yêu nhưng lại muốn lừa phỉnh; như một gã ăn mày ở ngoài phố hay trước cửa nhà thờ chửi rủa ông khi hết hy vọng làm ông mủi lòng; hay như một gái làng chơi chẳng xúc cảm gì nhưng ngất lịm đi trong cánh tay ông.
(Diderot: Paradoxe sur le comédien - Ý kiến ngược đời về diễn viên).
_______
* Giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội (H.V.)
(1) Sorbonne: Viện Thần học ở Paris, một trường đại học thời đó.
(2) Kịch viện: Tức Kịch viện Pháp (La Comédie Française), nhà hát danh tiếng ở Paris, thành lập năm 1680.
(3) Luxembourg: Một công viên lớn ở Paris.
(4) Diderot thích ngồi trên chiếc ghế dài ở đường Argenson tại Hoàng Cung (về phía phố Valois). Tất nhiên đây là nói về Hoàng Cung vào khoảng năm 1760. Những dãy hành lang ngày nay được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII.
(5) Đây là nói về bài toán cơ học về sự hấp dẫn giữa ba thực thể.
(6) Homère (thế kỷ IX tr.CN): Nhà thơ Hy Lạp.
(7) Achille: Nhân vật trong sử thi Iliade của Homère.
(8) F.Boucher (1703-1770): Họa sĩ Pháp.
(9) Petrone: Nhà văn và nhà thơ La Mã thế kỷ I. Tập Satiricon của ông là tác phẩm tục nhất trong toàn bộ nền văn học La Mã.
(10) Catulle (84-54 tr.CN): Nhà thơ La Mã.
(11) Ferrand (1678-1719): Nhà văn Pháp.