Bữa cơm trưa mồng Một Tết năm 1975 ở giữa rừng Môngđunkirri có thể xem là tiệc liên hoan của binh trạm giao liên chia tay với đường Tây Trường Sơn, lật cánh sang phía Đông. Vậy là con đường kháng chiến gan góc, ngoằn ngoèo ngàn dặm, qua không biết cơ man nào là rừng núi trập trùng, được gìn giữ bằng xương máu hàng chục vạn chiến sĩ và thanh niên xung phong đến Tết năm 1975 này trả lại cho rừng. Có cảm giác sau bước chân của chúng tôi cây rừng lao xao khép tán.
Ấn tượng vài chục năm sau tôi vẫn nhớ về cuộc chia tay rừng xứ bạn là mấy cậu nuôi quân thả chú hổ con về rừng. Không biết các anh nuôi quân bắt được chú hổ ấy từ bao giờ, nuôi ở gian bếp, ven suối.
Nghịch như hổ con, thợ rừng nói không sai, mấy anh hỏa đầu quân cứ rảnh tay là chọc ghẹo, vật nhau với chú, nhiều phen bất phân thắng bại. Lắm trò như nhau, lại quý nhau, từng ngủ chung giường, ăn cùng bếp, là cái đuôi của nhau mỗi khi vào rừng hái rau, bẻ măng, nay phải chia tay thì buồn quá. Nhưng không thể không chia tay, bởi lẽ từ khi mở đường Tây Trường Sơn ta đã nói chỉ xin của bạn củi đốt, khí trời và nước uống, nay về phía Đông, không thể lấy của bạn dù chỉ là con hổ con đã quen hơi lính. Với lại, có cố ý đem chú hổ cùng lật cánh cũng không thể, vì xe nào cũng như nêm cối, không còn chỗ mà đặt cũi hổ.
Không có cũi, không xong, vì hổ chưa quen đi ô tô, xe nổ máy là cậu ta lao phốc xuống đất, khó ai giữ nổi. Thôi, đành để chú về rừng. Mấy anh lính xoa đầu, xoa lưng, xoa mông chú hổ rồi cho chú xuống xe. Chú hổ cung cúc bước đến bìa rừng thì dừng, ngoảnh đầu lại. Cho đến khi đoàn xe nổ máy, lăn bánh, chú ngước đầu lên trời, tru một tiếng nghe như nấc. Lính trên xe có người mủi lòng. Mãi sau này tôi có dịp trở lại nông trường quân đội cấy lúa nước ở Cần Thảo, gần khu rừng thả hổ ngày nào, nghe lính ngự nông nói lâu lâu vẫn nghe thấy tiếng hổ réo trong rừng xứ bạn. Là con hổ của mấy anh lính nuôi quân đó chăng? Cái tình rừng sao mà dai dẳng nhớ.
Chia tay Tây Trường Sơn, chúng tôi đi xuyên rừng về cực Nam Trung Bộ. Một chiều, từ rừng ló ra, thật bất ngờ trước mắt đã là thượng nguồn Đồng Nai, con sông hào khí của phương Nam. Mấy anh em nhà báo chúng tôi được các cô gái tiểu đoàn H50 đón vừa thân mật vừa lúng túng, e dè thế nào ấy, kiểu trai gái lâu ngày thấy mặt nhau, má đỏ căng mà chân tay thì thừa thãi, vụng về. Phải mấy ngày ở cùng lán trại, chúng tôi mới tỏ nguồn cơn.
Tết Mậu Thân 1968, bộ đội đồng loạt tấn công vào thành phố. Nữ biệt động, nữ sinh và không ít chị em tiểu thương gọi nhau hợp lại thành các nhóm đi tiếp tế cho bộ đội. Các cô tải thương ra ngoại ô và từ ngoại ô lại vừa dẫn đường vừa vận chuyển vũ khí vào cho bộ đội trong thành phố đánh giặc. Ước nguyện giải phóng thành phố trong mùa Tết Tổng tiến công và nổi dậy chưa thành, nhiều cô ra ngoại ô lần ấy rồi không trở lại thành phố được nữa, thế là kéo nhau về chiến khu, hầu hết chỉ có bộ đồ mặc trên người. Tập hợp số chị em từ ba thành phố Sài Gòn, Đà Lạt, Phan Thiết ra chiến khu được một tiểu đoàn vận tải H50, thuộc Quân khu 6.
Sau năm 1975, Quân khu 6 sát nhập với Quân khu 5 nên ít người biết đến. Nhưng trong chiến tranh, Quân khu 6 nằm sâu trong lòng địch, nổi tiếng gan góc và kham khổ, lương thực, thực phẩm, thuốc men gần như tự cấp, tự túc, sống dựa vào rau rừng, cá suối. Những năm 69, 71, do địch bao vây tứ phía, nên tiêu chuẩn lương thực cả năm của Tư lệnh Quân khu cũng chỉ được cấp phát một gùi thóc. Từng hạt thóc quý như vàng, một hạt cũng không dám cắn chắt, để anh em trong sở chỉ huy đem ra cứ tăng gia trong rừng sâu làm rẫy gieo hạt, sống hàng ngày là củ rừng và lá bép. Các cô tiểu đoàn vận tải cùng chung một cuộc sống kham khổ ấy.
Bấy giờ do nằm sâu tận cực Nam Trung Bộ, để ra tới chân hàng trên đường Hồ Chí Minh giáp biên giới Việt - Lào, các cô cứ đỉnh núi mà đi, len lỏi qua nhiều vùng địch kiểm soát. Ngày các cô vừa đi vừa hái rau, bẻ măng, đào củ, có khi bắt được cả chim, thú rừng làm thịt, đêm làm lán ngủ, đốt lửa hong khô quần áo, sáng mặc, đi tiếp.
Thường một chuyến vận tải của các cô kéo dài từ 4 đến 6 tháng. Quả đạn cối 120 ly, nặng 16,5 kg nằm suốt trên vai các cô vài tháng về đến bắc Phan Thiết, sơn đã tróc lở gần hết. Ở Quân khu 6 ngày đó, bắn một quả đạn cối cũng phải được lệnh của Tư lệnh Quân khu, bởi lẽ mỗi viên đạn từ hậu phương vào tới chiến trường này nặng bằng mồ hôi và xương máu của chị em tiểu đoàn vận tải…

Thanh niên xung phong chuyển hàng vào chiến trường miền Nam. Ảnh TL.
Chị em chịu nhiều thiếu thốn gian khổ, nhưng sức trẻ cắn răng lại rồi cũng vượt qua. Chỉ có một thứ khó vượt qua là cô đơn, cuộc sống không thăng bằng vì thiếu đàn ông mà sinh bệnh, không biết gọi là bệnh gì, chỉ thấy đôi khi có chị em tự dưng mặt đỏ như phát ban, lăn đùng ra đất, chân tay co quắp, sùi bọt mép. Ở với nhau lâu tự biết, để giải bệnh này, chị em xúm vào tự xoa bóp cho nhau.Thường thì chừng hai giờ được xoa bóp, bệnh lui dần. Chị em chỉ chờ có thế, thấy bạn tỉnh là ôm nhau khóc. Có khi cả đại đội cùng khóc vì thương bạn, thương mình... Cả cánh rừng nức nở.
Lọt vào tiểu đoàn hơn ba trăm cô gái, hầu hết đã cứng tuổi, do ở lâu trong rừng Phan Thiết, cô nào cũng nằng nặng giọng vùng cực Nam Trung Bộ, gọi anh là eng, gọi nhau bằng nụ, chúng tôi được các nụ nương nhẹ và chăm sóc như các hoàng tử. Sống giữa rừng mùa khô, cây cỏ vàng úa, lòng suối phơi trắng đá vậy mà không biết bằng cách nào chúng tôi vẫn cơm cá, cơm thịt, uống trà Blao, hút thuốc Rubi, xà phòng tắm, nước gội đầu thơm phức.
Sống với nhau vài buổi, chúng tôi thành người nhà, Tòng vác củi, tôi xách nước, Ngọc lên mái lợp nhà. Gần chục năm trong rừng có lẽ lần đầu tiên các nụ nhìn thấy một người đàn ông vạm vỡ, cười nói oang oang, ngồi vắt vẻo trên nóc nhà lợp từng tấm tranh, các cô nhìn như nhìn vật lạ, quên cả đưa lá, đưa lạt cho người trên mái.
Sống ở H50 chừng một tuần, chúng tôi được lệnh vượt đường 20 về cứ của Cục Chính trị Quân khu. Với các cô tiểu đoàn vận tải, vượt đường 20 là chuyện cơm bữa. Chặng này do lòng rừng bằng, các cô vận tải bằng xe đạp, mỗi cô một xe, chở chừng 100 cân hàng. Đường 20 nối Sài Gòn - Đà Lạt, địch kiểm soát bằng cả một hệ thống đồn bốt dày đặc. Đoạn đường chúng tôi vượt nằm bất ngờ ngay dưới chân một đồn địch.
Mùa mưa, chân lấm bùn, anh em bám đường trải ni-lông cho các cô qua, rồi cuộn lại để xóa dấu vết. Bây giờ là mùa khô, đường sạch, ít để dấu chân, chúng tôi cứ bám các cô xe thồ tràn qua đường. Đi một chặp, đến eo núi, các cô dừng lại để chia tay. Đi mạnh giỏi nhé, mấy eng. Trong đêm, chúng tôi nắm tay nhau, ôm vai nhau, nhận ra nhau bằng tiếng nói, hơi thở. Một tuần mà bao nhiêu thương nhớ.
Chúng tôi về đến căn cứ của Quân khu ở Hàm Trí, cách thị xã Phan Thiết 16 kilômét, được năm ngày thì Buôn Mê Thuột nổ súng mở đầu cuộc Tổng tiến công năm 1975. Căn cứ của Cục Chính trị vui như hội, ai cũng chân không bén đất. Nhiều chiếc đài National nhỏ như bàn tay treo lủng lẳng ở các lán mở suốt ngày đêm để nghe tin. Trong không khí vui vẻ ấy, ba anh em nhà báo từ Hà Nội vừa đặt chân tới được thưởng mỗi người một hộp sữa ông Thọ.
So với nhà báo Phú Bằng, nhà văn Nam Hà đã tới Quân khu 6 từ những năm trước, người được tặng một bát gạo, người được tặng bát thóc giống để lên cứ tăng gia thì quà tặng cho chúng tôi quá hậu. Cả ba hộp sữa đã để lâu trong kho, hết hạn sử dụng, muốn ăn được anh em giúp chúng tôi bỏ cả ba hộp sữa vào nồi, luộc cả buổi sáng như luộc bánh chưng để sữa đặc quánh lại rồi đem chấm sắn. Có ba hộp sữa chấm sắn luộc, thêm vài tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, nghe Ngọc đọc thơ, nghe Cẩn hát quan họ, nghe Tòng kể chuyện chợ hoa Tết Hà Nội, cả Cục Chính trị được một bữa liên hoan thật xôm.
Sau liên hoan tôi được anh Thanh Hải cho xem kho bí mật của anh, những bức ký họa bằng chì và thuốc nước chất đầy mấy cái hòm trong góc lán. Tôi không ngờ đó cũng là cuộc “triển lãm” đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Hải và xem tranh của anh. Hải là họa sĩ, từ Hà Nội vào chiến trường Quân khu 6, cùng đợt với nhà văn Nam Hà. Trẻ, đẹp trai, khỏe mạnh, thích lặn lội qua các đơn vị để sáng tác, Hải ký họa khá nhiều về cuộc sống người lính và thiên nhiên cực Nam Trung Bộ.
Do sống dài ngày trong những cánh rừng bị chất đi-ô-xin tàn phá, Thanh Hải bị nhiễm độc từ bao giờ không biết. Cho đến một ngày xương chân tay của anh bị mủn ra và dễ gãy đến mức vấp nhẹ vào cây ven đường là phải nhập viện để bó bột. Thương anh họa sĩ tài hoa quê Bắc lặn lội vào chiến trường cực Nam bị trọng thương lại xa nhà, một cô quê Hàm Thuận, là hoa khôi của Cục Chính trị bấy giờ xin được cưới anh để chăm sóc và cũng để anh có hạnh phúc dù ngắn ngủi. Đám cưới rất nhiều hoa và cảm động, vì thương chú rể có những vòng băng bó bột.
Hơn 20 ngày theo các cô gái tiểu đoàn vận tải H50 lặng lẽ vượt đường 20 ở hẻm núi gần Mađagui, tôi trở lại con đường huyết mạch nối Sài Gòn với Đà Lạt bằng xe cam nhông lèn chặt lính bộ binh, súng ống tua tủa, phóng như bay để thần tốc đánh chiếm một loạt chi khu quân sự địch, giải phóng Di Linh, Bảo Lộc, rồi thẳng tiến giải phóng Liên Khương.
Cầu Liên Khương bị địch phá, lính bỏ lại xe, qua sông bằng thuyền, mảng tre nứa của dân và hành quân bộ vào Đà Lạt. Đi được vài cây số, chúng tôi gặp cả một đoàn xe nhỏ của sinh viên và Phật tử từ Đà Lạt kéo xuống đón bộ đội. Do yêu cầu tác chiến, đội hình của các đơn vị vẫn duy trì vừa hành quân vừa sẵn sàng chiến đấu. Anh Kỳ, Tham mưu trưởng Quân khu cho tôi cùng nhà quay phim Cao Nguyên Dũng và hai chiến sĩ bảo vệ lên chiếc xe của Đại đức Thích Giác Thuận vào Đà Lạt trước.
Qua thác Prem, qua một vài khúc cua trong rừng thông chúng tôi gặp hơi lạnh của Đà Lạt. Lúc này thành phố vẫn ì oàng tiếng súng. Thì ra trong lúc chính quyền ngụy tháo chạy, đám lính của sư đoàn địa phương bị bỏ lại quay ra dùng súng để cướp bóc, hôi của ở các cửa hàng và công sở. Vừa bước xuống xe, năm chúng tôi được cả ngàn người ôm hoa, cầm cờ chào đón vây chặt. Không kịp thăm hỏi, các sinh viên và Phật tử vội chia chúng tôi vào các xe đợi sẵn phóng đến các ngả đường thành phố, vừa đi vừa hô vang: “Quân giải phóng đã về! Quân giải phóng đã về!”. Họ khua cao những chiếc mũ cối, mũ tai bèo để chứng thực Quân giải phóng đang có trong xe.

Sài Gòn ngày 30/4/1975. Tranh: Phạm Thanh Tâm.
Tin Quân giải phóng vào tiếp quản lan đến đâu, tiếng súng cướp bóc của đám ngụy quân tắt lặng đến đó. Chừng một giờ sau quay trở lại khuôn viên của dinh Tỉnh trưởng Nguyễn Đại Nghĩa, nơi tập kết của các đơn vị vào Đà Lạt, nhóm người đi sau cùng của đội quân tiếp quản cũng vừa đến. Đó là đội vận tải của cả một làng người dân tộc K’Ho.
Vùng giải phóng cực Nam Trung Bộ lọt giữa bốn phía là vùng kiểm soát của địch, hầu hết các buôn làng bị bom đạn tàn phá. Thay vì chạy vào rừng ẩn nấp, nhiều buôn làng tự nguyện trở thành các đơn vị vận tải quân sự. Trẻ, già, trai, gái, cùng gia sản là lợn, gà, trâu bò… tất tật mang vác, dắt díu bám theo các đơn vị quân đội, làm công việc tải đạn, tải gạo, tải thương bệnh binh. Họ rồng rắn trong rừng năm này qua năm khác, chỉ dành nghỉ ít ngày mùa mưa để về buôn làng cũ gieo hạt, và sau đó ít ngày mùa khô lại về thu hoạch, xong việc, cả làng lại bồng bế, dắt díu nhau đi theo cách mạng. Thiếu cơm, thiếu áo là chuyện thường tình, nhưng gùi đạn, gùi gạo, gùi thuốc men cho cách mạng không bao giờ hao khuyết. Có làng đi vận tải bị suối lũ tắc đường, trẻ con, người già cũng phải ăn lá cây, củ rừng cả nửa tháng cầm hơi, nhưng không gia đình nào đụng đến dù chỉ là lon gạo trong gùi...
Đoàn vận tải của người K’Ho theo đơn vị chủ lực vào Đà Lạt. Người gùi gạo, gùi đạn, người dắt theo bò, theo lợn, người đỡ cụ già, người địu trẻ trên lưng… họ nối một hàng dài, phả ra mùi khói thuốc rê khét lẹt, bước đi ể oải, vừa đi vừa khạc nhổ, rồi ngồi quây lại trên một bãi cỏ, đốt lửa sưởi cho đỡ rét. Không phải là những người lính nai nịt đầy súng ống, mà chính là đoàn người K’Ho đã gây bất ngờ đến kinh ngạc với dân thành phố Đà Lạt thanh lịch và hào hoa. Nhiều người trong họ không thể hình dung nổi trong đội quân chiến thắng, đội quân cứu tinh của cuộc sống mới lại có những con người bình dị và thô mộc kia…
Sau 14 ngày Đà Lạt giải phóng, tôi có mặt ở ngoại ô thị xã Phan Thiết đúng vào đêm đơn vị đi đầu của Quân đoàn 2 dàn trận tấn công để giải phóng thị xã cực Nam này. Đó là trận đánh kiểu rung cây dọa khỉ. Đến cách Phan Thiết vài cây số, đoàn xe tăng đi đầu của đoàn quân tiến theo miền duyên hải vừa đi, vừa nổ súng, bắn qua đầu thị xã, đã được tính toán kỹ, sao cho đạn rơi ra biển. Những đường đạn pháo 85 ly gầm réo, vạch những vạch lửa sáng chói ngang trời làm cả thị xã nín thở. Chỉ sau vài loạt bắn qua đầu, các sắc lính ngụy vội tụt quần áo, dày, mũ và các trang bị quân sự ném ra đường, rồi mặc đồ dân sự đi lần vào dân chúng đón Quân giải phóng.
Phan Thiết giải phóng không một vết đạn trên tường. Các cô gái tiểu đoàn H50 đổ vào thành phố ngay trong đêm. Đội quân xe đạp, tay đeo băng đỏ trong làm công việc của cảnh sát vừa ổn định trật tự, vừa dẫn đường cho đơn vị chủ lực hành quân qua thành phố.
Lại 14 ngày tiếp theo nữa, Sài Gòn giải phóng. Tôi nghe tin này qua Đài tiếng nói Việt Nam, tầm 12 giờ trưa. Bấy giờ nhóm phóng viên chúng tôi đang ăn cơm cùng một phân đội bộ binh đánh sân bay Thành Sơn, giải phóng Phan Rang. Sài Gòn giải phóng! Như một phản ứng tự nhiên, tôi ngóng về phía Bắc. Những người lính đã đến đích cuối cùng rồi! Từ phút này là hòa bình rồi. Mẹ tôi và cùng hàng triệu bà mẹ bạc tóc vì lo âu, vì nhớ con đằng đẵng bao năm, đêm nay các mẹ đã có giấc ngủ ngon. Rồi mai kia, các mẹ sẽ có ngày đoàn tụ, nhất định thế.
Sài Gòn giải phóng! Tôi và nhà thơ Anh Ngọc “nhặt” được chiếc xe Dos, lại tìm được một người vài hôm trước còn là Thượng sĩ ngụy lái xe ở sân bay Phan Thiết, nhờ anh ta đưa vào Sài Gòn. Đến Biên Hòa vừa chập tối, chúng tôi xuống xe, vẫy taxi để vào thành phố cho tiện. Chúng tôi nói với lái xe taxi đưa đến nơi nào có bộ đội giải phóng. Giờ ấy, thành phố yên ả, rất ít gặp bóng các chiến sĩ. Đi loanh quanh một lát, người lái xe taxi bỗng à lên, và đưa chúng tôi đến một ngôi nhà có khuôn viên trồng rất nhiều hoa giấy ở đường Lê Văn Duyệt. Người lái xe taxi bình thản nhận tiền của chúng tôi như những người khách quen thuộc.
Rõ là, ngay đêm đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, cuộc sống của thị dân không hề thay đổi, không bị đảo lộn, không có những bất hạnh như bộ máy tuyên truyền của địch reo rắc bấy lâu để xuyên tạc cách mạng. Tôi có cảm giác người Sài Gòn đón chúng tôi giản dị và thân thiện như một lẽ tự nhiên, như là đã lượng định nó phải thế, nhất định sẽ thế để đất nước liền một dải như thuở ông bà gìn giữ và trao lại cho con cháu muôn đời, chứ không thể rạch ngang cơ thể non sông một giới tuyến chia cắt bằng súng ống ngoại bang.
Buổi sáng hòa bình đầu tiên của Sài Gòn chỉ khác với người dân thành phố ấy là, thay vì các cảnh sát quốc gia mặc rằn ri, lăm lăm súng Mỹ là các em học sinh, sinh viên. Các em cầm những lá cờ nhỏ, mảnh bìa kẻ chữ “Stop” đứng ở các ngã ba, ngã tư. Stop! Tấm bìa từ tay các em đã chặn lại dòng xe xích lô, xe chở hàng, xe khách, xe máy và cả xe của đội quân chiến thắng… tất cả tăm tắp một hàng để nhường đường cho dòng người và xe ngang qua. Thành phố đã trật tự, bình yên và rất trẻ trong ngày mới...