4 người đàn bà đẹp nhất và 4 người đàn bà xấu nhất của Trung Quốc cổ đại

Theo truyền thuyết, bốn người đàn bà đẹp nhất của Trung Quốc cổ đại là:

1. Tây Thi: Là một mỹ nhân mang nhiều tính chất huyền thoại thời Xuân Thu. Nàng biết giặt lụa rất trắng. Tương truyền Tây Thi đang giặt lụa ở bờ sông, cá đang bơi trong nước thấy bóng nàng phải ngừng bơi và lặn xuống dưới. Từ đó người ta đặt tên cho nàng là “Trầm ngư” (cá lặn).

2. Vương Chiêu Quân: Là mỹ nhân tài mạo song toàn thời Tây Hán. Để an dụ Hung Nô phương bắc, Hán Vũ Đế tặng nàng cho Thiền Vu kết duyên vợ chồng. Tương truyền trên đường đi, nhìn thấy cánh nhạn bay xa, nàng càng thêm nhớ quê hương và song thân, tức cảnh sinh tình, nàng bèn cầm đàn gảy. Không ngờ, từng đàn chim nhạn nghe tiếng đàn, nhìn thấy Vương Chiêu Quân đang ngồi gảy đàn, liền quên bay, sà xuống đất. Từ đó, Vương Chiêu Quân có cái tên “Lạc nhạn” (nhạn sa).

3. Điêu Thuyền: Có giả thuyết cho rằng Điêu Thuyền là một nữ ca kỹ lưu lạc tới phủ của đại thần Vương Doãn (thời Đông Hán) và là con nuôi của ông ta. Nàng không những xinh đẹp như mặt trăng mà còn ca hát rất hay. Vương Doãn rất yêu nàng. Tương truyền có lần Điêu Thuyền thưởng nguyệt tại vườn hoa, bỗng một cơn gió nhẹ thổi đến một áng mây, che mất mặt trăng sáng. Không ngờ, Vương Doãn từ trong chỗ tối nhìn trộm nàng, liền than rằng: “Con gái ta đẹp hơn cả mặt trăng, mặt trăng sánh không được với nàng, nên xấu hổ nấp vào sau đám mây”. Từ đấy, Điêu Thuyền có biệt hiệu là “Bế nguyệt” (che trăng).

4. Dương Quý Phi: Nàng tên là Dương Ngọc Hoàn, sau khi được Đường Minh Hoàng tuyển vào cung thì suốt ngày tỏ ra buồn bã. Một hôm nàng cùng các cung nữ đến xem hoa trong vườn, vô tình chạm vào cây xấu hổ. Cây xấu hổ cụp lá lại và rũ xuống. Nhưng các cung nữ không biết chuyện nàng chạm vào cây xấu hổ, mà cho rằng vẻ đẹp của nàng làm cho hoa phải cúi đầu, do đó họ gọi nàng là “Tu hoa” (hoa xấu hổ). Về sau, Đường Minh Hoàng vời nàng đến và phong nàng là “Tuyệt thế giai nhân”, nâng nàng lên hàng quý phi.

Thành ngữ có câu “Chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa hờn” là chỉ bốn mỹ nhân trên.

Và dưới đây là bốn người đàn bà xấu nhất:

1. Mô Mẫu: Trong sách Tứ tử giảng đức luận của Vương Tứ Uyên đời Hán viết: “Mô Mẫu người lùn tịt, mặt rỗ chằng chịt”. Nhưng bà là người hiền đức. Trong bài thơ Tích vãng (Cửu chương) của Khuất Nguyên khen Mô Mẫu đức độ tỏa hương thơm. Vì thế Hoàng Đế đã lấy bà làm vợ. Hoàng Đế là ông vua đầu tiên của dân tộc Trung Hoa, tương truyền Hoàng Đế đánh bại Viên Đế, diệt Si Vưu đều nhờ có bàn tay giúp sức của Mô Mẫu.

2. Chung Vô Diệm: Người ta thường nói “Xấu như ma lem” để chỉ người xấu. “Ma lem” chính là Chung Vô Diệm (tên thật là Chung Li Xuân), người nước Tề thời Chiến Quốc. Do dung mạo xấu xí: đầu bẹt, mắt sâu, bụng to, mũi hếch, da đen như bồ hóng…, 40 tuổi bà chưa lấy được chồng. Nhưng bà là người thông minh tài trí, từng xin yết kiến Tề Tuyên Vương, chỉ trích ông đam mê tửu sắc, bỏ bê việc nước. Tuyên Vương rất cảm động, nhận lời can gián và lấy bà làm hoàng hậu. Và với sự phụ tá của bà, nước Tề trở nên cường thịnh.

3. Mạnh Quang: Thành ngữ Trung Quốc có câu “Cử án tề mi” (dâng mâm lên ngang mày) là kể câu chuyện nàng Mạnh Quang, vợ của hiền sĩ Lương Hồng thời Đông Hán. Tương truyền Mạnh Quang theo Lương Hồng đến đất Ngô làm thuê. Mỗi lần Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang lo cơm nước chu tất, dâng thức ăn ngang mày mời chồng ăn. Nhưng vóc dáng người hiền thê này lại rất xấu, da đen; bà lại rất khỏe nâng được cả cối đá. Đồn rằng Lương Hồng trước khi lấy vợ đã rất nổi tiếng, nhiều nhà muốn gả con gái cho anh nhưng anh đều không đồng ý. Khi Mạnh Quang chưa lấy chồng, có người làm mối cho nàng, nhưng nàng không chịu, chỉ nói sẽ lấy Lương Hồng. Sau khi cưới được hai ngày, Mạnh Quang trút bỏ quần áo cô dâu, khoác chiếc áo vải thô, trông nom quét dọn cửa nhà. Sau theo Lương Hồng về ở ẩn trong núi Bá Lăng, chồng cày, vợ cấy, gảy đàn, ngâm thơ, vợ chồng xướng họa, vui cảnh thanh bần.

4. Nguyên Nữ: Hứa Doãn đời Đông Tấn lấy con gái Nguyễn Đức Uy làm vợ. Đêm động phòng hoa chúc, Hứa phát hiện ra con gái nhà họ Nguyễn xấu quá, vội chạy khỏi tân phòng, từ đấy trở đi không dám vào phòng vợ nữa. Về sau, ông Tuyên Phạm, bạn của Hứa Doãn đến chơi, nói với Hứa: “Nhà họ Nguyễn gả con gái xấu nhất cho anh là có nguyên cớ gì đấy, anh nên để ý đến nàng”. Nghe lời Tuyên Phạm, Hứa Doãn trở về, bước vào phòng vợ. Nhưng nhìn thấy dung mạo của vợ, anh lại rụt chân, định chuồn thẳng, người vợ bèn níu anh lại. Hứa Doãn vừa gỡ tay ra vừa nói với vợ: “Phụ nữ cần có “tứ đức” (công, dung, ngôn, hạnh), vậy nàng đạt được mấy điều?”. Vợ đáp: “Thiếp chỉ thiếu có mỗi cái là sắc đẹp, còn người đọc sách cần có “bách hạnh”, vậy chàng đạt được mấy điều?”. Hứa Doãn đáp: “Ta bách hạnh đầy đủ cả”. Người vợ nói: “Trong bách hạnh thì đức là đầu, chàng hiếu sắc chứ không hiếu đức, sao nói là đầy đủ cả?”. Hứa Doãn câm như hến, không đối đáp được câu nào nữa. Từ đó, vợ chồng sống hòa thuận, tương kính tương ái.

Những người đàn bà xấu người nhưng tốt nết còn có nhiều, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bốn người kể trên.

Lê Huy Tiêu