“Địa chấn chính trị” tại Liên minh châu Âu 2014

Cho đến giờ, những tiếng nói có tính cách phê bình chính sách Toàn cầu hóa kinh tế chính trị thế giới bị coi là những phát biểu thù nghịch, đả phá chế độ kinh tế “Tân tự do”. Đúng ra, những tiếng nói ấy chỉ ra những điểm yếu cần phải được điều chỉnh lại để đem lại lợi ích cho người dân, không riêng chỉ cho một quốc gia, mà hầu như cho nhiều người dân trên thế giới. Nhưng hiện nay, sau hơn hai mươi năm đi vào Toàn cầu hóa, người dân tại những cường quốc xưa nay của châu Âu, dù có ít kiến thức chính trị nhất, cũng đã tự nhận ra những điểm yếu đó, vì bản thân họ, gia đình họ bị đụng chạm: các hãng xưởng đóng cửa, bị mua đi bán lại, bị dời sản xuất qua những nước nhân công rẻ, bản thân bị thất nghiệp, bị dồn vào con đường túng thiếu nghèo đói liên miên, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa cách, vật giá sinh hoạt ngày một tăng, tuổi về hưu bị đẩy xa hơn, lương hưu bị tính lại, giảm bớt, các quỹ phúc lợi xã hội (trong mục đích để tạo cân bằng, an ninh xã hội) thì ngày càng bị cắt bớt, người trẻ rời nhà trường là đi vào quỹ đạo thất nghiệp, sống lây lất, bất mãn, tầng lớp trung lưu nhỏ lại, và vì lợi ích của chính mình họ quay lại, đánh vào những người thất nghiệp “lười biếng”… Những phản kháng yếu đuối vì bộ máy kiểm soát quá mạnh mẽ, tinh vi.

Trong bối cảnh đó, kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu vừa rồi không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng tại sao nó lại gây nên một trận địa chấn chính trị tại châu Âu nói chung, tại Pháp, tại Đức nói riêng?

Từ năm 2009 sự nổi lên của thành phần chính trị cực hữu đã được ghi nhận. Năm 2014, nhận định chung của báo chí Pháp, hữu có nghĩa là chống nhập cư, tả có nghĩa là đòi bình đẳng nam nữ, bình đẳng sinh lý giới tính…, cả hai khuynh hướng này đều có lợi cho thành phần cực hữu, vì họ chống nhập cư và cũng chống luôn những thay đổi xã hội như đạo luật cho phép người cùng giới tính được kết hôn chính thức và được hưởng mọi quyền lợi xã hội “Mariage pour tous” vừa rồi của chính phủ Pháp.
Các chính phủ châu Âu đều có khuynh hướng chống lại mọi cực đoan để giữ an ninh trật tự xã hội, như ở Pháp, ở Đức đã có những biện pháp mạnh đối với thành phần cực tả và cực hữu như cấm hành nghề, cấm biểu tình, cấm tuyên truyền kỳ thị người nước ngoài.

Nhưng hiện nay, cách dùng chữ của phía cực hữu đã thay đổi, thay vì dùng các từ như “les étrangers”, “die Ausländer” (người nước ngoài), họ sử dụng từ “les émigrés”, “die Emigranten/Auswanderern” cụ thể hơn, thứ nhất là để tránh việc bị mang tiếng là kỳ thị khách du lịch (đa số là người nước ngoài), đồng thời “nêu tên chỉ mặt” những người bị họ chống đối, đó là những người nhập cư vào sinh sống, làm việc tại các quốc gia châu Âu; người nhập cư bị cho là ăn bám, lạm dụng phúc lợi xã hội và cướp công ăn việc làm của người dân chính gốc sở tại.

Trong lần bầu cử châu Âu năm nay, đảng cực hữu FN (Mặt trận quốc gia) tại Pháp do bà Marine Le Pen, một nữ luật sư, lãnh đạo, đã vui mừng tuyên bố là đã thực hiện thành công được sự “dédiabolisation” chính trị (chống lại quỷ dữ hóa) đối với đảng cực hữu của họ, tức là sự tuyên truyền chống lại người nhập cư của họ đã đến gần được với một thành phần dân chúng và đã được thành phần này ủng hộ, bỏ phiếu.

Nói một cách khác, tức là họ đã vượt qua được “lằn mức tâm lý chính trị” trong dân chúng, người dân đã cầm lá phiếu đi bầu cho đảng cực hữu - một thái độ tích cực - , đó chính là “địa chấn chính trị” tại Pháp do họ gây ra, một sự kiện “tâm lý chính trị” không thể coi thường, vì nó nhắc nhở lại một quá trình lịch sử giai đoạn 1930 khi chính dân chúng ủng hộ chế độ phát xít quân phiệt Đức quốc xã tại Đức.

Có lẽ vì thế mà đúng vào ngày bầu cử 22-5-2014, nữ Thủ tướng Angela Merkel cũng đã phải vượt “ranh giới chính trị” của đảng CDU, vì sợ bị mất phiếu cho phía đảng cực hữu, phải nắm lấy chủ đề “Lạm dụng phúc lợi xã hội của người nước ngoài” (Sozialmissbrauch durch Ausländer) của đảng cực hữu, bà Merkel tuyên bố chính thức là “Die EU ist keine Sozialunion” (Liên minh châu Âu không phải là Liên minh phúc lợi xã hội), không trợ cấp cho người thất nghiệp (nếu họ không phải là người Đức và có quốc tịch Đức) và nói rõ ràng “Wir wollen Hartz IV nicht für EU-Bürger zahlen, die sich allein zur Arbeitssuche in Deutschland aufhalten” (Chúng tôi không muốn trợ cấp Hartz IV cho công dân của những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đến nước Đức chỉ để tìm việc làm) trên tờ nhật báo Passauer Neue Presse. Đó cũng chính là địa chấn chính trị tại Đức.

Nhà sử học Pháp Anne-Marie Thiesse phân tích: “Không phải là một chuyện tình cờ khi khái niệm “bản sắc quốc gia” đã xuất hiện trong những năm 1980, khi nước Pháp bị mất cương vị lãnh đạo và cảm thấy từ đó dễ bị tổn thương”, đó là thời điểm mà đảng cực hữu Front national (FN) đã thành công trong việc “chen” vào chính trường, khi mà chủ đề “nhập cư” trở thành một đề tài chính trong giai đoạn tranh cử(1).
Đánh lên những nạn nhân nghèo, thất nghiệp, quẫn, dốt… hoàn toàn không có phương tiện để tự bảo vệ, thì không còn gì dễ hơn là đi đánh những nguyên nhân gây ra tình trạng nhập cư.

Nhìn trên bản đồ châu Âu thì thấy một vòng đai bao quanh châu Âu ở phía Nam biển Địa Trung Hải và ở phía Tây, gồm những quốc gia A Rập Trung Đông và các nước Bắc Phi, đều là những chiến trường nóng, dân chúng khốn khổ tìm cách tháo chạy, di tản. Chiến tranh là nguyên nhân, con người chỉ là nạn nhân thời cuộc. Những quốc gia bán vũ khí cho những chiến trường nóng, để con người giết và đầy đọa con người thì phải biết điều đó.

Khi nghe từ những người bán hàng, thâu tiền, y tá, bác sĩ, nhân viên hành chánh... những câu đại loại như “người nhập cư đến đây ăn bám và lợi dụng phúc lợi xã hội Pháp”, “có quá nhiều người nhập cư ở Pháp”… thấy rõ tinh thần chống nhập cư đã thấm sâu trong các tầng lớp xã hội Pháp, họ ghét luôn những người nhập cư đã “lấy” được “Tây trắng”, trở thành công dân Pháp, trên nguyên tắc bình đẳng như người Pháp “chính gốc”! Không khí và tình trạng chung ở Đức cũng không khác gì hơn. Chỉ có du khách nước ngoài ăn mặc sang trọng khi ra đường thì không bị nhìn ngang liếc xéo.

 

 Bà Marine Le Pen vừa giành thắng lợi lớn trong

cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu tại Pháp

Kết quả bầu cử ở Pháp - nước Pháp được tổng cộng 74 ghế trong Quốc hội EU - là đảng FN của bà Marine Le Pen thắng lớn, về nhất với 24,95% số phiếu, đoạt 24 ghế trong Quốc hội Liên minh châu Âu, UMP (hữu) đạt 20 ghế (20,79%), PS-PRG (Xã hội+cánh tả) đạt 13 ghế (13,98%), UDI+Modem (trung lập) đạt 7 ghế (9,9%), đảng Xanh đạt 6 ghế (8,91%), các đảng nhỏ cánh tả đạt 4 ghế…

Nước Đức có tổng cộng 96 ghế trong Quốc hội EU, đảng đang cầm quyền của bà Merkel (CDU/CSU) thắng 34 ghế (35,3%), SPD (Xã hội) đạt 27 ghế (27,3%), đảng Xanh đạt 11 ghế (10,7%), Die Linke (cánh tả) đạt 7 ghế (7,4%)…, các đảng cực hữu như AfD, NPD… đạt được 11 ghế.
Sau bầu cử, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ý lo ngại cho tình hình nước Pháp, vì đảng đang cầm quyền PS của tổng thống François Hollande ít được dân chúng ủng hộ, chỉ được có 13,98% số phiếu cử tri.

Tinh thần quốc gia, khi nổi lên, không phải là điều xấu. Nó là xấu khi bị lạm dụng để đầu cơ chính trị và thế lực cuồng tín. Ông Arnaud Montebourg, đương kim Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Chấn chỉnh sản xuất và Vi tính (kể từ nhiệm kỳ Tổng thống François Hollande năm 2012), đã làm được một việc tốt cho nước Pháp, khi trên tất cả sản phẩm của Pháp đều xuất hiện hàng chữ “Sản xuất tại Pháp”, “Sản phẩm của Pháp”, hay “Khoai tây của vùng Bretagne”... và lá cờ Pháp, để khuyến khích dân chúng mua hàng do chính nước mình sản xuất. Đó là một phương cách thể hiện tinh thần quốc gia một cách tích cực.
Nhưng sử dụng tinh thần quốc gia để gây chia rẽ, tạo nên oán thù giữa người và người một cách bất công vô lý, gây tổn hại cho người, cho nạn nhân thời cuộc thì không có chính nghĩa và công lý, một điều đáng tiếc và đáng lo!

Trong khi đó, Quốc hội châu Âu ở đâu? làm gì? có ai biết? Xa vời quá. Nhất là khi người có quyền cầm lá phiếu bầu cử tự hỏi, bầu họ để làm gì? để giải quyết được gì tại Pháp, tại Đức, tại Hy Lạp, tại Tây Ban Nha, tại tất cả các nước thành viên?
Khuynh hướng chống “Bruxelles”, tên thủ đô của nước Bỉ bị trở thành một biểu tượng tiêu cực, đòi lại quyền tự trị tự quyết quốc gia ngày càng rõ nét thêm, ý thức “một khối” chính trị và kinh tế của người dân châu Âu ngày thêm mờ nhạt.

Liên minh châu Âu thành lập năm 1957 với 6 quốc gia thành viên sáng lập (Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Luxemburg và Hà Lan), sau 57 năm đã tăng lên thành một khối với 28 quốc gia thành viên. Thống kê năm 2013 cho biết dân số trong khối Liên minh châu Âu lên tới 505,7 triệu người. Năm 2001 đồng euro được phát hành, tạo thành một khu vực kinh tế đồng euro, và trở thành khu vực kinh tế mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, mọi việc đổi tiền vì mục đích chính trị, kinh tế đều mang lại một tác động xấu đối với dân chúng, họ là những người phải gánh chịu các hậu quả do việc đổi tiền gây ra như mất giá trị tài sản, tăng giá sinh hoạt… Theo thống kê chính thức, thì giá sinh hoạt tăng liên tục từ 10 năm nay, nếu lấy năm 2004 làm mức chuẩn, giá nhiên vật liệu tăng 62%, giá dịch vụ tăng 21%, giá thực phẩm tăng 16%... gộp chung tất cả thì mức giá sinh hoạt tăng 17% trong năm 2013, chỉ số lạm phát từ 2001 là năm đổi tiền euro cho đến cuối năm 2013 là 24,5%, nhưng trên thực tế nhiều giá sinh hoạt đã tăng 100% hay nhiều hơn nữa.

Hơn thế nữa, khối nợ công của các nước châu Âu đè nặng lên người dân, nguyên do chính là điều số 123 của Hiệp ước về Hoạt động của Liên minh châu Âu kể từ năm 2009 ký tại Lisbonne, nên còn được gọi là Hiệp ước Lisbonne (Traité sur le fonctionnement de l’Union européenne, Titre VIII: la politique économique et monétaire, Chapitre 1: la politique économique). Điều khoản Art. 123 Lisbonne này cấm Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng quốc gia các nước thành viên không được cho các cơ quan công quyền vay nợ, hay được sử dụng quá mức ngân quỹ. Hậu quả là các chính phủ, các cơ quan công quyền phải vay nợ từ thị trường tài chính tư và phải trả những số lãi mẹ lãi con chồng chất, đến nỗi hàng năm chỉ vay thêm nợ để trả tiền lời lãi mà không trả được vốn. Những con số này lại đè nặng lên người dân, vì phải tăng thâu thuế của dân để trả nợ và lời lãi. Trước kia, các chính phủ vay tiền của chính ngân hàng quốc gia của mình mà không phải trả tiền lời lãi, họ có những khả năng chính trị tiền tệ linh động hơn.

Tỷ lệ tham dự bầu cử quốc hội Liên minh châu Âu năm 2014 trên tất cả quốc gia thành viên là 43,09% danh sách cử tri được đi bầu (kể luôn cả phiếu trắng và phiếu bất hợp lệ), tức là có đến 56,91% cử tri không đi bỏ phiếu tín nhiệm ai hết.

Quốc hội Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 2014-2019 có tổng cộng 751 ghế, trong đó cánh hữu gồm có các nhóm chính PPE, ECR, EFD và các thành phần khác chiếm 339 ghế, nhóm trung lập ADLE chiếm 65 ghế, nhóm đảng Xanh (Verts/ALE) chiếm 52 ghế, cánh tả gồm có hai nhóm S&D và GUE/NGL chiếm 234 ghế, nhóm dân biểu mới được bầu vào lần thứ nhất có 61 ghế (Autres, cực hữu). Trên sân khấu chính trị châu Âu thì hai nhóm Trung lập, đảng Xanh đều có thể liên kết hoặc với cánh hữu, hoặc với cánh tả, tùy theo mục đích và lợi ích của họ đặt ra, nên tình hình cấu trúc chung là phe hữu mạnh hơn phe tả.

Dù còn hai năm nữa, nhưng các đảng phái tại Pháp đang sửa soạn đi vào mùa tranh cử tổng thống 2017. Người ta vẫn còn nhớ tình trạng vòng 2 bầu cử tổng thống năm 2002 khi chỉ còn lại hai ứng cử viên mặt đối mặt: Jacques Chirac (RPR) đối với Jean-Marie Le Pen (FN), cánh hữu đối với cánh cực hữu. Kết quả là dân chúng dồn phiếu cho Tổng thống Jacques Chirac đoạt 82,21% số phiếu, ông Jean-Marie Le Pen thất cử với 17,79% số phiếu. Nhưng tình hình năm 2017 sẽ khác đi, sẽ gay go hơn, vì thủ lĩnh của đảng cực hữu FN hiện tại là bà Marine Le Pen, đã đạt được những kết quả khác với thân phụ của bà.

Theo bảng tổng kết so sánh kết quả của hai lần bầu cử cuối của Quốc hội Liên minh châu Âu 2009-2014 và 2014-2019, kết quả bầu cử năm 2014 có tổng cộng 61 dân biểu quốc hội thuộc cánh cực hữu từ các quốc gia thành viên châu Âu mới được bầu vào (Autres, vì họ chưa lập thành nhóm trong quốc hội, nên chưa có tên nhóm), trong số này có 24 dân biểu cực hữu của Pháp, đó chính là trận địa chấn chính trị tại Liên minh châu Âu. Tuy họ còn là số ít, nhưng sự kiện họ “mở được cánh cửa và bước qua được ngưỡng cửa” trong dân chúng, lần đầu tiên bước vào Quốc hội Liên minh châu Âu, đúng là một sự kiện “địa chấn chính trị”!(2).

_____
(1) Theo báo Pháp Le Monde 6-11-2009, Aux racines de l’identité nationale.
(2) Theo các thống kê chính thức bầu cử Liên minh châu Âu.

(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 49)

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Pháp)