Ngày 16/11 năm nay, vừa tròn 200 năm kể từ khi Karel Hynek Makha - nhà thơ lãng mạn lớn nhất của nền văn học Tiệp - qua đời. Đây không chỉ là ngày kỷ niệm của riêng giới văn học, mà là của đông đảo nhân dân, nhất là những người hâm mộ thơ. Vào dịp này, Hội Nhà văn Tiệp dưới sự bảo trợ của Quốc hội Cộng hòa Séc đã tổ chức một cuộc triển lãm mang tên: Điều kỳ diệu mang tên Macha (khai mạc ngày 20/9/2010 tại sảnh chính nhà Quốc hội) và tiếp theo là những cuộc hội thảo cùng các hoạt động khác sẽ diễn ra trong tháng 11 tại Praha và Litomeritxê - nơi nhà thơ đã sống và qua đời.
“Đóa hoa trắng” lỗi hẹn nàng Lore
Karel Hynek Makha sinh ngày 16/11/1810 tại Praha, bố làm thợ xay bột, mẹ xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc. Makha học Triết rồi sau đó học Luật. Do khả năng vượt trội về văn chương, từ rất sớm, ông đã xuất hiện trên các diễn đàn văn học và tham gia hoạt động sân khấu trong nhóm nghệ sĩ dưới sự chỉ đạo của nhà thơ Josef Kajetán Tyl - người đã viết lời Quốc ca Tiệp.
Trong những năm học Luật, cuộc tình duyên giữa ông với nàng Lora - con gái một gia đình làm nghề thủ công - đã chớm nở và gắn bó keo sơn. Hai người có một đứa con chung, nhưng việc cưới xin trắc trở không thực hiện được. Mãi đến năm 1836, ngày 8/11 dự định tổ chức đám cưới thì hai ngày trước đó, ngày 6/11/1836 Makha lâm bệnh và đột ngột qua đời. Thế là đóa hoa trắng lỗi hẹn mà đáng lý nhà thơ đã đem đến tặng nàng Lora tại nhà thờ Thánh Stêpan trong lễ cưới, ngày nay thường được thay thế bằng những đóa hoa hồng mà hằng năm cứ vào mùa xuân, các chàng trai và cô gái Tiệp thường tụ tập vui chơi rồi đem đóa hoa đó đặt dưới chân tượng nhà thơ trên đồi Pêtrin - cứ như để hồi nhớ về một cuộc hôn nhân không thành giữa nhà thơ và nàng Lora.

Nhà thơ Karel Hynek Makha (1810-1836).
Với tuổi đời ngắn ngủi của mình, Makha để lại phần lớn là những phác thảo, trong đó có thơ bằng tiếng Tiệp, tiếng Đức, truyện lịch sử, tiểu thuyết và khoảng bốn vở kịch. Nhưng duy nhất có một áng thơ khoảng 50 trang được xuất bản vào tháng 4/1836 là một tác phẩm trọn vẹn, khắc sâu vào tâm hồn người Tiệp. Trải qua không đầy 200 năm, áng thơ này đã được xuất bản trên 35 lần bằng tiếng Tiệp và dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Có nhà văn đã ví ông như cây có một lần đơm hoa và một lần kết trái mang lại quả ngọt cho đời, quả ngọt đó chính là áng thơ Tháng Xuân (Máj).
Tháng Xuân - áng thơ bất hủ
Nói đến Makha, trước hết người ta nghĩ đó là một nhà thơ lãng mạn, một nhà thơ của mùa xuân. Trong khuôn khổ giao lưu của nền văn hóa châu Âu, cuộc cách mạng Pháp 1789 cùng với những luồng tư duy mới, khát khao tự do cá nhân, lý tưởng đón nhận tình yêu như cái quyền chính đáng của con người, là bối cảnh thuận lợi cho những tâm hồn lãng mạn nảy nở. Makha đọc say mê những tác phẩm của Bayron và các nhà thơ của châu Âu. Chàng thanh niên này cũng rất thích hành trình đến các miền đất lạ của Áo và Italia, và ước vọng viết tác phẩm với những nhân vật có số phận éo le, tình yêu trắc trở, đau khổ và thất vọng như chính tác giả. Nội dung áng thơ Tháng Xuân có thể tóm lược như sau:
Một buổi tối mùa xuân thanh bình êm ả, cây cối nở hoa, rừng sồi ngát hương, chim muông ríu rít gợi tình gọi bạn, tất cả vạn vật như rạo rực yêu đương. Một cô gái trẻ chờ người yêu, nàng đã 20 ngày đêm mong ngóng mỏi mòn. Nhưng tin không lành đã đến với nàng: chàng Vilem - người yêu ấy - lúc này đang bị khóa chân bằng xích sắt và giam cầm trong nhà ngục nằm giữa đảo.
Anh chàng Vilem đã phạm tội giết cha đẻ của mình mà không hề biết. Bởi vì từ khi còn nhỏ, cậu bé đã bị ông bố ruồng bỏ và đẩy ra khỏi nhà. Vilem vào rừng gia nhập đội cướp, từ đó đã lớn lên và trở thành thủ lĩnh rừng xanh, cai quản cả một vùng đất, những tội ác tày trời cũng không thấm gì với cậu. Việc giết bố đẻ là dính đến quan hệ yêu đương đối với người tình của Vilem.
Trọng tội của Vilem xã hội không tha thứ, chàng đã bị tống giam với điều kiện nghiêm ngặt nhất chờ ngày ra pháp trường. Việc xử tử chàng thanh niên này đã diễn ra theo tục lệ thời phong kiến: trước công chúng đông đúc và công khai, người tử tù được đưa lên một ngọn đồi cao, có cột chôn sẵn tựa như nhà mồ phơi xác. Đứng trước đao phủ, tử tù được nhìn trời đất lần cuối, sau đó lính đao phủ chặt đầu, chiếc đầu lâu đem cắm trên cọc để làm gương cho thiên hạ. Sau đây, chúng tôi xin trích dịch một số đoạn trong bài thơ:
Buổi tối mùa xuân, trời đã muộn Cái đêm xuân rạo rực tình yêu Tiếng chim gáy gợi tình - gọi bạn Rừng sồi ngát hương. Rêu xanh thầm lặng thủ thỉ lời yêu thương Cây nở hoa che dấu nỗi đau lòng Sơn ca hót gọi bông hồng thắm Và bông hồng đáp lại hương thơm. … Xa xa những ngọn núi mờ ảo Bóng sồi nghiêng ngả bóng bạch dương Những con sóng dập dìu vội vã Phút dây này rộn rã yêu đương … * Buổi tối rực hồng Bên gốc sồi một cô gái mộng mơ Nàng đưa mắt nhìn xa bờ, ngơ ngác Qua hồ nước, một cái nhìn thơ mộng Dưới chân nàng, hoa nở một màu xanh Nước biếc chân trời hòa làm một Mắt cô gái nhìn trời sao mải miết Mà chẳng thấy sao chuyển đổi di dời Cô gái đẹp như thiên thần rơi xuống, Như bông mào gà tàn úa giữa ngày xuân Trên đôi má một vẻ đẹp thiên thần Sao nỡ cướp đi của nàng tất cả * Xem kìa thuyền đậu ven hồ, Người đàn ông đến bên nàng nhỏ to Kìa xa ngọn tháp cao cao Bóng đêm phủ kín đường vào âm u Chìm trong lòng nước tối mù Nhìn qua cửa hẹp thấy chàng Vilem Người đang quằn quại ngày đêm Một cái chết biết bao giờ rửa hận Vì nàng hắn đã giết cha đẻ mình Tội không tha thứ, tầy đình Chẳng bao lâu nữa sẽ rời thế gian Trời không dung, đất không tha Hắn ta sẽ nhận tội ra pháp trường, Mặt mày tái nhợt đáng thương Tứ chi rải khắp xung quanh nhà mồ (2) Thủ lĩnh rừng xanh không còn đường nào khác Nỗi nhục của y, tội lỗi của nàng Mong cho cái chết đáng đời với y |
(Trước cái chết bi đát của người yêu, nàng Jarmila đã từ núi đá lao xuống hồ tự tử. Hồ này, vốn là một hồ rộng nằm ven rừng, được kiến tạo từ thời vua Karel IV năm 1366. Nay hồ đổi tên thành Hồ Makha (Machovo jezero) thuộc huyện Ceska Lipa và núi đá mang tên Núi Jarmila (Jarmilina skála) và là những thắng cảnh du lịch được nhiều người tìm đến. Đoạn cuối bài thơ, tác giả cho biết trong một đêm cuối năm, Makha đã đi ngựa trở lại nơi pháp trường xưa và những cảnh thấy được, nhà thơ đã ghi lại trong áng thơ này).
Một mùa xuân đẹp trôi qua, hoa xuân đã nở Rồi mùa hè đến, tháng hè cũng qua nhanh Mùa thu rồi đông cũng vậy - xuân lại tới Năm tháng trôi qua và thời gian không đọng lại … Khoảng bảy năm sau - vào ngày cuối năm Cái đêm cuối năm lạnh buốt giao thừa Một đêm mơ mộng, bên hồ chỉ nghe tiếng vó ngựa Chính là ngựa của tôi. Tôi tiến vào thị trấn Phóng lên đồi, nơi ngày xưa là pháp trường Và nghe đó là nơi nằm lại của thủ lĩnh rừng xanh Lần đầu tiên tôi nhìn thấy sọ anh Đêm khuya khoắt tôi lần đường dò dẫm Lên núi, xuống đèo, qua bao thung lũng Mọi nẻo đường đi tuyết phủ trắng Kể cả cái sọ đã từng dầm mưa dãi nắng Đêm sâu lắng, trăng khi mờ khi tỏ Tiếng cú kêu từng hồi, gió thoảng bay Làm rung chiếc sọ người cắm trên đỉnh cột Nỗi sợ hãi khiến tim tôi giật thột Và con ngựa cũng hí lên kinh hoàng Tôi quay ngựa lao nhanh về thị trấn Ngày hôm sau tôi hỏi chuyện ân cần Ông già chủ quán chỉ cho tôi ngọn đồi ấy Và kể tôi nghe câu chuyện ngày xưa. Cuộc đời đã dẫn dắt tôi đi khắp chốn Nhiều lúc gian truân, bão tuyết khôn lường Riêng câu chuyện buồn đã thấm sâu trong tâm tưởng Khiến mỗi mùa xuân tôi trở lại nơi đây. |
KAREL HYNEK MAKHA
DƯƠNG TẤT TỪ giới thiệu và dịch
(1) | Karel Hynek Macha - họ và tên đệm nhà thơ chúng tôi giữ nguyên, chỉ thay đổi cách viết tên Makha cho đúng cách phát âm trong tiếng Việt. |
(2) | Ngọn đồi và nơi hành quyết chàng Vilem cũng tựa như nhà mồ Tây Nguyên ở nước ta: nơi đây có cọc trưng đầu lâu, tứ chi rơi vãi xung quanh và lưng chừng cọc là một cái vòng tử thần. |