Tình yêu quê hương ở đây được thể hiện không phải bằng những câu đại ngôn, những lời hoa mỹ mà nó bắt nguồn từ những cái rất nhỏ như cành tre, con bướm, đám cỏ, chòm cây đến em bé ngất nghểu trên mình trâu… Tình yêu đó được nuôi dưỡng từ khi mới cắp sách tới trường và bắt đầu làm quen với những câu ca dao muôn thuở như:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

Chăn trâu thổi sáo - tranh dân gian Đông Hồ.
Chính cái tình yêu quê hương cụ thể đó được hình thành từ lúc mới bắt đầu làm quen với sách vở mà sau này nhà thơ Giang Nam đã có bài thơ Quê hương xinh xắn, đáng yêu:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…
… Xưa tôi yêu quê hương vì có hoa có bướm
Có những ngày bỏ học bị đòn roi
Nay tôi yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Còn nhà văn Sơn Nam có truyện Tình nghĩa giáo khoa thư trong cuốn Hương rừng Cà Mau thật thú vị, kể chuyện hai người bạn tâm giao nằm đọc thuộc lòng cho nhau nghe từng đoạn trong cuốn Quốc văn Giáo khoa thư cũng có nhắc đến thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: Ai bảo chăn trâu là khổ… Và hai người còn bình luận: “Văn chương như vậy là cảm động lòng người”.
Có những nhân vật lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh lúc nhỏ đã từng chăn trâu, dùng cờ lau tập trận và sau này đã dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất quốc gia và lập nên nhà Đinh đã được sử sách ca ngợi:
Khác thường từ thuở còn thơ Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau Dập dìu kẻ trước người sau Trần ai đã thấy vương hầu uy dung… (Đại Nam quốc sử diễn ca) |
Đào Duy Từ danh thần thời chúa Nguyễn, người có công trong quá trình mở bờ cõi về phía Nam, lúc chưa gặp thời cũng đã từng đi ở chăn trâu. Ông đã được người đời sau khen ngợi bằng đôi câu đối:
Kim thành thiết luỹ sơn hà tráng Nghĩa sĩ trung thần sự nghiệp lưu (Thành đồng luỹ sắt non sông vững Tớ nghĩa tôi trung sự nghiệp còn) |
Nhân tiện, chúng tôi xin kể một giai thoại về nhân vật này:
Một hôm, Đào Duy Từ đi chăn trâu, ngang qua cửa một vị tướng, nghe trong nhà có tiếng đọc sách, ông liền buộc trâu lại đứng nghe. Chủ nhà cho gọi vào và hỏi:
- Anh có biết chữ không?
- Thưa, tôi vừa nghe các ngài bàn về Nho quân tử và Nho tiểu nhân, tôi rất thích.
- Thế anh hiểu thế nào là Nho quân tử, Nho tiểu nhân?
- Thưa ngài, về Nho tôi chưa được hiểu lắm, nhưng chăn trâu thì cũng có kẻ quân tử và kẻ tiểu nhân như các ngài bàn luận đấy ạ. Chăn trâu tiểu nhân là những kẻ dắt trâu ăn cỏ ngoài đồng, tối về không lo lắng suy nghĩ gì cả, còn kẻ chăn trâu quân tử là những người ôn tài luyện chí, khi chưa gặp dịp thì phải tạm tìm kế sinh nhai. Sử sách ngày xưa không hiếm những người chăn trâu quân tử như Ninh Thích làm tướng nước Tề, Bách Lý Hề làm tướng nước Tần đều là những kẻ chăn trâu từ thuở hàn vi khi chưa gặp thời vận.
Vị tướng biết đây là một người tài, liền báo với chúa Nguyễn mời Đào Duy Từ lo chung việc nước và đã tạo nên cơ nghiệp ở xứ Đàng Trong.