Thoạt nghe chuyện này, một số người cho là “sáng kiến hay” (?). Báo Pháp Luật điện tử (phapluat.online - PLO) đăng bài phỏng vấn ông Chu Hảo, một thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ VHPCT, đã được ông nói rõ: “Quỹ VHPCT bình chọn và tôn vinh danh nhân văn hóa đích thực của đất nước trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20”… “Những người mà Quỹ VHPCT tôn vinh là những nhân vật xuất chúng, cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của họ đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong đời sống tinh thần, văn hóa dân tộc…”. Việc tôn vinh đó, theo ông Chu Hảo, “do Quỹ VHPCT tự chịu trách nhiệm về sự bình chọn của mình mà không bị chi phối bởi yếu tố nào khác (người viết nhấn mạnh). Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học, có sự tham khảo ý kiến của các học giả có uy tín trong và ngoài nước”.
Thế là rõ: Một tổ chức phi chính phủ (NGO), như Quỹ VHPCT, đã tự cho mình cái quyền quyết định tính chất, giá trị những nhân vật mà họ cho là “xuất chúng” của lịch sử Việt Nam vào thời kỳ đặc biệt quan trọng: Một thế kỷ đầy những biến động xã hội gây ra bởi cuộc xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đối với đất nước Việt Nam, từ 1858 đến 1975 (117 năm). Việc đánh giá nhân vật và sự kiện lịch sử giai đoạn này có nhiều vấn đề cần làm rõ:
- Một là, những tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam không thể thoát ly bối cảnh đấu tranh giữa chủ nghĩa yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc với chủ nghĩa thực dân đế quốc cùng số tay sai của chúng, núp dưới danh nghĩa “khai hóa”, “bảo hộ”, “thế giới tự do” v.v… trong thời kỳ này. Đánh giá “đích thực” nhân vật, sự kiện lịch sử mang tính quốc gia (của cả Đất nước và Dân tộc Việt Nam) cần tuân thủ nguyên tắc: Phải do cơ quan thẩm quyền đại diện cho đất nước, dân tộc tiến hành. Một tổ chức tư nhân không thể nhân danh dân tộc, đất nước để vinh danh bất cứ ai “đích thực” là danh nhân tinh hoa văn hóa của Việt Nam. Chúng tôi thiết nghĩ: một “tòa nhà” (dù là “tòa nhà ảo”) mang danh là “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam”, nhất thiết phải do một thiết chế đại diện chính thống của nước Việt Nam thành lập và có quy chế điều hành, tuyển chọn chính thức, được Nhà nước thông qua và Chủ tịch nước ký ban hành. Mọi hoạt động trái với quy tắc trên đều là vi hiến. Nay Quỹ VHPCT tự cho mình cái quyền trên, vừa là hành động vi hiến, vừa là thái độ khinh thường dư luận xã hội.
- Hai là, thời kỳ từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, thuộc một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt: 117 năm kháng chiến giành Độc lập, thống nhất đất nước. Chế độ cũ do thực dân đế quốc dựng lên đã nhiều lần vinh danh những kẻ tay sai, tận tụy phục vụ thực dân đế quốc xâm lược. Nay việc đánh giá lại dưới góc độ “chủ nghĩa yêu nước Việt Nam” là cần thiết, nhưng tuyệt đối không thể nhân danh viết lại lịch sử để tôn vinh kẻ bán nước, phản quốc. Thực tế trong ngày 24-3-2015 vừa qua chính Quỹ VHPCT đã vinh danh Trương Vĩnh Ký là một “thiên tài, bác học kiệt xuất”, đưa vào “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam”, trong khi tư liệu lưu trữ trong văn khố Pháp nay tìm được đã vạch trần bản chất làm tay sai cho quân viễn chinh Pháp từ năm ông ta mới 22 tuổi (1859), cam tâm theo giặc suốt cuộc đời, cho đến ngày bị thất sủng (phục vụ từ viên Quyền tư lệnh quân viễn chinh Pháp Jauréguiberry, đến các tướng Bonard, Charner… cho đến Tổng trú sứ Bắc, Trung Kỳ Paul Bert (ta thường gọi là Toàn quyền). Các trước tác của Trương Vĩnh Ký rất nhiều, rất phong phú, nhưng chính là nhằm phục vụ cho đường lối “chinh phục nhân tâm” vùng đất mới xâm lược của địch, nối tiếp đường lối “chinh phục bằng vũ lực” đã cơ bản hoàn thành sau khi Phan Thanh Giản dâng tiếp 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho thực dân Pháp năm 1867 (xem tạp chí Hồn Việt số 92 tháng 5-2015, tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 352 ngày 7-5-2015). Kiểu vinh danh như vậy là một sỉ nhục cho đất nước và cho chính những người công bố sự “vinh danh” trên.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quốc hội cần có ý kiến về vấn đề trọng đại này, không thể để cho bất cứ ai hoặc tổ chức tư nhân nào cũng có thể nhân danh văn hóa để xuyên tạc lịch sử, bằng cách tự cho mình cái quyền thay mặt nhân dân Việt Nam vinh danh bất cứ ai, theo quan điểm riêng của họ.