Ngày nay, đến với Nha Trang (Khánh Hoà) tìm hiểu về văn hóa và con người nơi đây, nhiều khách nước ngoài không khỏi ngạc nhiên về tình cảm và sự ngưỡng mộ của người dân vùng đất này dành cho một con người đến từ trời Âu ở thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 và đã mất cách đây hơn 60 năm. Ông được đưa vào chùa thờ như một vị bồ tát, ngày giỗ của ông được tổ chức trang nghiêm, thành kính như một tiền nhân được hậu thế trân trọng với niềm tri ân sâu sắc. Con người đó chính là nhà bác học Alexandre Yersin.
Alexandre Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Thụy Sĩ trong một gia đình gốc Pháp, theo đạo Tin Lành. Sớm mồ côi cha từ nhỏ, phải quen với cuộc sống tự lập, năm 19 tuổi, chàng thanh niên Yersin rời Thụy Sĩ sang Đức, xin vào học ngành Y trường Đại học của thành phố Marburg. Lòng thương người ở Yersin đã bộc lộ rất sớm.
Trong nhiều lá thư gửi về cho mẹ, ông thường kể lại tỉ mỉ việc học tập cùng những suy nghĩ buồn, vui của mình khi có dịp tiếp xúc với bệnh nhân, đặc biệt với những bệnh nhân là trẻ em: “Hôm thứ hai, con bị một nỗi buồn sâu sắc, một trong các bạn nhỏ của con trong bệnh viện, đứa trẻ mà con yêu quý nhất, đã đột ngột qua đời trong đêm chủ nhật...”. Ở tuổi 26, Yersin từng viết: “Sống mà không hoạt động thì không phải là một cuộc sống”. Cả đời ông đã kiên trì thực hiện phương châm này.

Xóm Cồn - Nha Trang
Sau khi từ Thụy Sĩ sang Đức rồi Pháp du học, tốt nghiệp đại học Y khoa năm 1888 tại Paris với một luận văn xuất sắc nghiên cứu về bệnh lao, Yersin được nhận vào làm việc tại Viện Pasteur Paris.
Cùng với các bác sĩ Emile Roux, ông khám phá ra độc tố của bệnh bạch cầu. Khám phá này mở đường cho việc bào chế thành công huyết thanh và các chất giải độc tố, đồng thời làm cho tên tuổi của nhà khoa học trẻ mới 30 tuổi A. Yersin được biết đến trong giới khoa học Pháp và thế giới với sự kính nể bên cạnh hai nhà khoa học bậc thầy là Louis Pasteur và Emile Roux.
Những tưởng với công việc ổn định, con đường khoa học rộng mở thênh thang sẽ giữ chân nhà khoa học trẻ ở Paris với cuộc sống đầy đủ, sung túc và bao điều hứa hẹn tốt lành phía trước. Nhưng rồi các đồng nghiệp của ông và cả L. Pasteur, người sáng lập và lãnh đạo Viện, người thầy rất mực yêu quý A. Yersin đã phải vô cùng ngạc nhiên khi Yersin bất ngờ rời bỏ Paris để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu khám phá những vùng đất mới để cuối cùng ông chọn Nha Trang, Việt Nam làm nơi sống và làm việc trọn đời.
Ngày 29.7.1891, có thể coi là một ngày đặc biệt rất đáng nhớ trong cuộc đời A. Yersin khi ông từ dưới tàu đặt chân lên bờ biển Nha Trang. Ông quyết định không theo tàu vào Sài Gòn mà dành thời gian làm cuộc thám hiểm miền đất còn xa lạ nhưng có sức cuốn hút đến say người ở nơi này.
Không chỉ là cảnh quan thiên nhiên, Yersin còn rất quan tâm đến cuộc sống của người dân bản địa, cảm thông và chia sẻ với họ những khó khăn hiện thời và hình dung ra những đổi thay tốt đẹp ngày mai ở nơi đây khi con người biết đưa khoa học kỹ thuật vào đời sống. Cuộc thám hiểm bất ngờ mang tính định mệnh này khiến bốn năm sau đó, sau khi kết thúc cuộc hành trình qua nhiều nơi trên thế giới, ông đã quyết định chọn Nha Trang để sống và làm việc cho suốt cuộc đời mình.
Ông viết cho E. Roux: “Hãy đến đây với tôi, ông sẽ thấy ở đây thú vị biết nhường nào. Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một không khí thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”. Vậy là mục đích của A. Yersin đã được xác định rõ. Ông đến đây không chỉ để thưởng thức cảnh thiên nhiên tuyệt vời và khí hậu lý tưởng của vùng nhiệt đới như sau này có lúc ông đã nói lên cảm nhận của một nhà khoa học: “Sống ở đây, con người ta có thể được tăng thêm mấy tuổi”, mà mục đích lớn của ông là làm được nhiều công việc cần làm cho cuộc sống con người.
85 tuổi đời, 57 năm hoạt động khoa học sôi nổi không ngừng nghỉ, ông đã công bố tới 55 công trình khoa học, phần lớn thuộc lĩnh vực y học trong đó có 50 công trình nghiên cứu tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và vắc xin phòng chống loại bệnh vô cùng nguy hiểm này cho nhân loại đã đưa A. Yersin vào danh sách những nhà khoa học có công lớn của thế kỷ 20.
Với Việt Nam và Đông Dương, sự nghiệp khoa học và những gì A. Yersin để lại thật đồ sộ, vô giá. Người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang và quản lý toàn hệ thống Viện Pasteur Đông Dương. Người sáng lập ngành thú y ở Việt Nam và Đông Dương. Người phát hiện ra Đà Lạt và đề nghị xây dựng nơi đây một thành phố du lịch nghỉ dưỡng. Người đầu tiên đưa cây cao su, cây canh-ki-na vào Việt Nam và phát triển thành công, nay cây cao su đã trở thành một trong những cây trồng mang lại lợi ích vào loại hàng đầu cho xuất khẩu của Việt Nam.
Người đưa hàng chục giống hoa mới vào loại quý hiếm nhập vào Đà Lạt. Người sáng lập trường Y đầu tiên cho Việt Nam và Đông Dương. Rồi người chụp ảnh đầu tiên, người xây dựng trạm khí tượng đầu tiên để dự báo thời tiết vùng ven biển. Người tìm ra Hòn Bà với những khai phá, tạo dựng ban đầu mà ngày nay, qua hơn một trăm năm, Hòn Bà đang được đầu tư để trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, một “Đà Lạt thứ hai” của Khánh Hòa đang dần thành hiện thực.
Không chỉ là một nhà khoa học, A. Yersin còn là một nhà văn lớn. Như mọi người biết, A. Yersin suốt đời sống độc thân, không lập gia đình, lại mồ côi cha từ nhỏ, sớm sống tự lập. Những người thân trong gia đình còn lại mà ông rất quý mến chỉ có người mẹ và người chị, luôn ở cách xa ông nhiều ngàn cây số mà ông chỉ có thể liên lạc qua thư từ. Ông sống trầm lặng, ít bộc lộ, không bao giờ nói về mình.
Vậy mà Yersin không hề khô khan. Trái lại, ông là một con người rất giàu tình cảm và lòng yêu thương. Gần một ngàn bức thư của Yersin viết cho mẹ và cho chị còn lưu giữ được đã nói lên rất nhiều về tình cảm gia đình, ý thức trách nhiệm với người thân và cộng đồng cùng thế giới nội tâm của ông sâu sắc, phong phú biết chừng nào.
Ngôi nhà hai tầng như chiếc lô cốt của ông trước cửa sông Cái Nha Trang trong một khuôn viên hoa, cây cảnh dùng làm nơi ở và làm việc có đặt kính thiên văn và cây cột cao treo những cái bồ đen hoặc trắng tuỳ theo thời tiết để báo hiệu cho ngư dân ngoài biển; tầng trệt có bày những cuốn sách có tranh ảnh cho các em nhỏ đến tìm đọc.
Bộ quần áo kaki giản dị; chiếc xe đạp để đi làm việc; những bữa tiệc đạm bạc thường chỉ là súp laghim ăn với bánh mì, biscốt… Nhưng khi có những con bệnh hiểm nghèo đòi hỏi nhiều tốn phí hay cần xây dựng cơ sở làm việc, đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học, ông tỏ ra rất kiên quyết, hào phóng.

Đồn Thủ sở, có hai tầng lầu, nơi A.Yersin ở từ năm 1895
Tình yêu của ông dành cho Nha Trang, Việt Nam thật sâu sắc, cảm động. Ngay cả trước khi chết, trong di chúc ông để lại cho người giúp việc thân cận nhất là Bùi Quang Phương có đoạn: “Khi tôi chết, tôi ước muốn được chôn cất ở Suối Dầu. Yêu cầu Phương hãy giữ tôi lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và một số người giúp việc lâu năm. Tôi muốn được an táng đơn giản không phô trương, không điếu văn, điếu từ gì cả”.
Ngày nay, khu mộ A. Yersin ở Suối Dầu, nơi ông lập trại thí nghiệm nuôi ngựa làm vắc xin và trồng cây cao su; chùa Linh Sơn gần đó có di ảnh của ông được đưa vào thờ như một vị bồ tát; thư viện Yersin, bảo tàng Yersin trong khuôn viên viện Pasteur Nha Trang được nhà nước ta ra quyết định công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia.
Trong cuộc hội thảo về Yersin được tổ chức tại Nha Trang tháng 3 năm 1951, có nhiều đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, ngài Peter Friederich, Đại sứ Liên Bang Thuỵ Sĩ tại Việt Nam trong bài phát biểu của mình đã khẳng định: “…Không bao giờ nghĩ về bản thân mình mà chỉ nghĩ về những người xung quanh và những người sẽ được hưởng những thành tựu nghiên cứu của mình, chính vì lẽ đó mà Chính phủ Việt Nam đã vô cùng đúng đắn trong việc ca ngợi con người chí công vô tư xuất thân từ Pháp, từ Thụy Sĩ và con người này bây giờ cũng đã trở thành người Việt Nam”.
Còn với người dân Nha Trang (Khánh Hoà) thì từ lâu ông Năm Yersin đã là người Việt Nam, người Nha Trang và hơn thế nữa là người thân yêu đáng kính trọng nhất với mọi người, mọi gia đình. Hội Ái mộ A. Yersin, một tổ chức phi chính phủ được hình thành và hoạt động rất có hiệu quả từ nhiều năm nay với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, trí thức, nhà hoạt động văn hoá – xã hội cả trong và ngoài nước được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức ở Pháp, Thụy Sĩ, Đức… và nhiều nơi khác càng khẳng định thêm lòng yêu mến, kính trọng và sự đánh giá những cống hiến lớn lao của nhà bác học cho Nha Trang, Việt Nam và toàn nhân loại.
Chính ông đã góp phần làm đẹp cho Nha Trang - Khánh Hoà, cho Việt Nam từ hơn một thế kỷ trước và vẻ đẹp ấy càng thêm rạng rỡ trước con mắt bạn bè quốc tế. Ông xứng đáng được nhận “huân chương” Người công dân danh dự của Việt Nam.