Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa phát triển ở Bến Tre khá sớm. Trên vùng đất địa linh nhân kiệt này, từ các xã ở phía cuối các cù lao đến bờ biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, phụ nữ có dấu ấn đặc biệt trong từng địa danh. Đó là các con rạch mang tên “Bà” như rạch Bà Khoai, rạch Bà Thầy Vân, rạch Bà Tư Rựa, rạch Bà Nhựt, rạch Bà Tam, rạch Bà Hiền, rạch Bà Giải… Đó là những giồng cát mang tên “Bà” như giồng Bà Nhiên, giồng Bà Khoai, giồng Bà Trương, giồng Bà Ngãi, giồng Bà Thủ, giồng Bà Thiện… Có một số cồn nổi trên sông mang tên cồn Bà Tư, cồn Bà Tam, cồn Bà Thiết, cồn Bà Nở… Bến Tre cũng là quê hương của mạng lưới kênh mương chằng chịt. Và vì thế, không hiếm những cây cầu mang tên phụ nữ như: cầu Bà Mụ, cầu Bà Vụ, cầu Bà Ươm, cầu Bà Ba Ngỡi… Ngoài ra, còn có hai ngôi chợ mang tên “Bà”. Đó là chợ Bà Khoai ở Bình Đại, chợ Bà Hiền ở Ba Tri. Ngay cả ao, đìa cũng mang tên “Bà” như đìa Bà Thầy ở Mỏ Cày, tên một bà thầy thuốc Nam tận tụy với nghề, giàu lòng nhân ái đã cứu sống nhiều người bệnh. Nhưng câu chuyện về bà Lê Thị Mẫn, người mẹ của ba cử nhân, được vua Tự Đức phong bốn chữ vàng “hiếu nghĩa khả phong” trở thành biểu tượng của tình mẫu tử và niềm tự hào của nhân dân Bến Tre…

Bốn chữ vàng “Hiếu nghĩa khả phong”
do vua Tự Đức ban tặng cho bà Từ Mẫu là niềm tự hào to lớn của gia tộc họ Bùi.
Ngày nay, ở xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày, khu mộ của gia tộc họ Bùi Quang và nơi yên nghỉ ngàn thu của bà Lê Thị Mẫn trở thành một di tích đầy tự hào của nhân dân Bến Tre. Là một thiếu nữ có nhan sắc, giỏi nữ công gia chánh ở làng Thuộc Nhiêu - Mỹ Tho, bà chấp nhận làm vợ thứ của “công tử họ Bùi Quang”. Mới 33 tuổi, ông Bùi Văn Liệu - một học trò của thầy Võ Trường Toản mất, để lại người vợ thứ mới 33 tuổi và đàn con thơ dại. Là một phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, tháo vát, sau khi chồng chết, nhiều người đàn ông giàu có, quyền thế xin cưới nhưng bà quyết ở vậy nuôi con, cho con học hành đến nơi đến chốn nhằm kế tục nề nếp, gia phong. Không phụ công sinh thành dạy dỗ của mẹ, ba người con trai của bà là Bùi Quang Nghi, Bùi Văn Phong và Bùi Hữu Thành đều đỗ cử nhân.
Vào đầu thế kỷ XIX, ở đất Nam Kỳ, nơi một xã cù lao có ba người đỗ cử nhân là một chuyện vô cùng đặc biệt. Các bậc chức sắc trong làng cho hiện tượng đó là một phúc lớn nên đổi tên làng Đa Hòa thành Đa Phước (nghĩa là nhiều phước đức). Sau này, làng Đa Phước sáp nhập với Hội Yên và Tân Phước mang tên Đa Phước Hội (nay thuộc thị trấn Mỏ Cày).
Ảnh hưởng chí khí thù quân xâm lược, trọng người nghĩa khí từ cha, người con trai lớn của dòng họ Bùi Quang là Bùi Quang Nghi lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già, lo việc nông, khai phá thêm đất đai và ngày càng trở nên giàu có. Ông Bùi Văn Phong được bổ làm Án sát ở Nam Định, về sau làm quyền Án sát Thương biện tỉnh Vĩnh Long. Bà Lê Thị Mẫn nổi tiếng dạy con rất nghiêm. Khi ông Bùi Văn Phong còn đương chức Án sát ở Nam Định, nhân dịp tết Nguyên Đán, xa quê chạnh lòng nhớ mẹ, ông nhờ người mang mấy vóc lụa tốt và hộp trà về biếu mẹ. Bà Mẫn nhận quà của con, lòng đầy vui sướng, mở ra xem rồi đóng lại hộp quà, nét mặt đăm chiêu, ngẫm ngợi. Một lúc sau bà đem tất cả vóc lụa quý ấy đốt thành tro.
Sau đó, bà gom tro, gói lại, lặng lẽ thảo bức thư rồi trao cho người đưa quà cái gói tro ấy cùng với phong thư, trong đó có đoạn: “…Khi mẹ nhận quà và lụa, lòng chạnh phút bùi ngùi, e ngại. Mẹ biết con làm quan nhà thanh bạch, nay con nhận quà biếu của người ta dâng mừng ngày Tết, vẫn biết đó là lòng thành của họ, nhưng lâu ngày nó thành tập quán và khêu gợi lòng tham của con. Nghĩ vậy, nên mẹ bèn đốt vật quý ra tro mà hoàn lại cho con, chẳng có ý gì hơn là nhắc con trên vua, dưới dân, một lòng trung trinh, liêm khiết để lưu danh hậu thế, rạng mặt tổ tiên và không uổng công nuôi dưỡng của mẹ…”.

Bà Nguyễn Ngọc Nguyệt (85 tuổi)
chắt ngoại của dòng họ Bùi Quang, đắc phẩm phối sư của Cao Đài Ban chỉnh Đạo.
Nhận được thư mẹ, Án sát Bùi Văn Phong không khỏi ngỡ ngàng. Khi hiểu được lòng mẹ, ông lặng đi, đăm chiêu suy nghĩ rất lâu. Ông bèn viết thư tạ lỗi mẹ, rồi cho nhúm tro vào chiếc lọ thủy tinh, để ngay truớc mặt trên bàn làm việc, cùng với bức thư của mẹ, lòng tự nhắc mình phải luôn công tâm, cẩn trọng trước chốn công đường.
Có lần, khi từ Nam Định đổi về trấn nhậm ở Vĩnh Long, nhân một chuyến ghé thăm quê, ông Phong được Tri huyện Mỏ Cày tiếp đón linh đình, chiêng trống nhộn nhịp, cờ xí rợp trời. Đây cũng là dịp để quan huyện và bà con địa phương bày tỏ lòng tôn trọng, quý mến những người đỗ đạt, làm quan to, mang lại vinh dự cho địa phương, làng nước. Bà Từ Mẫu rất không bằng lòng về cuộc đón tiếp này. Tuy nhiên, bà vẫn cố trấn tĩnh, tìm lời dạy con. Bà suy nghĩ: “Dù sao con mình đường đường cũng làm đến quan Án sát - “phụ mẫu chi dân”, ta không thể bỗ bã rầy la con, nói toạc ý mình, cho dù đó là ý tốt, phải rầy sao cho con hiểu được ý mẹ nhưng vẫn giữ được thể diện trước mọi người”. Khi ông Phong về đến nhà, chào mẹ, bà Từ Mẫu nhẹ nhàng nói với con: “…Mẹ nay đã có tuổi, mà tuổi già thường sợ những gì ồn ào, gây kinh động…”. Chỉ mấy lời của mẹ thốt ra, quan Án sát đã hiểu, vội quỳ xuống hứa với mẹ sẽ không để xảy ra chuyện “đón tiếp” làm mẹ “kinh động” nữa…
Không chỉ giáo dục con thâm thúy và nghiêm khắc, bà Lê Thị Mẫn còn là một người phụ nữ giàu lòng nhân ái. Gia phả họ Bùi có ghi lại: “Một năm mất mùa, trời nắng hạn, mùa màng thất bát lớn, dân trong vùng nhiều người đói. Bà Mẫn đã xuất lúa trong kho và cúng cho chính quyền sở tại cả ngàn quan tiền để cứu trợ dân trong hoàn cảnh khó khăn”. Tiếng tăm của bà Từ Mẫu vang xa, ra tận kinh thành Huế. Vua Tự Đức ban tặng cho bà bốn chữ vàng “Hiếu nghĩa khả phong”. Trong sắc phong của vua Tự Đức cho bà có đoạn viết:
“Ta nghĩ rằng ngươi đã có tiếng tốt như vậy, không lẽ nào ta không ban ơn biểu dương đức tính của ngươi. Vậy nay ta ban ơn riêng cho ngươi. “Chánh lục phẩm An Nhơn” chiếu theo tờ cáo mạng này.
Năm Tự Đức thứ 13, tháng 2, ngày 22”.
Ngày nay, bà Nguyễn Ngọc Nguyệt - người con gái út của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương và bà Bùi Thị Giàu, là chắt ngoại của dòng họ Bùi Quang đắc phẩm phối sư của Cao Đài Ban chỉnh Đạo. Bà đã bước sang tuổi 85 nhưng còn rất minh mẫn, không giấu được niềm tự hào khi nói về bà Từ Mẫu. Lần giở lại gia phả tộc học, chúng tôi được biết kỹ sư tạo tác Nguyễn Ngọc Nhựt cũng là chắt ngoại của dòng họ Bùi Quang, được gặp Bác Hồ bên Pháp vào năm 1946, đã từ bỏ tiện nghi, nhiều cơ hội thăng tiến, hạnh phúc riêng tư, quyết về nước, tham gia kháng chiến với vai trò Ủy viên Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, phụ trách Bộ Thương binh và Xã hội.
Trong một trận địch phục kích, nhảy dù xuống Đồng Tháp Mười, Nguyễn Ngọc Nhựt bị bắt. Phát hiện Nguyễn Ngọc Nhựt là một trí thức được đào tạo ở Pháp, về nước, tham gia kháng chiến với chức vụ cao cấp, ông bị quân Pháp dùng mọi thủ đoạn tra tấn. Người vợ Pháp bay sang, thuyết phục Nguyễn Ngọc Nhựt tạm thời đầu thú để bảo toàn tính mạng, cùng bà trở về Pháp. Dù rất yêu vợ nhưng ông từ chối giải pháp này. Ông bị tra tấn đến điên loạn, bị đưa đến nhà tù Biên Hòa, rồi hy sinh khi mới ngoài 30 tuổi. Trải qua những thăng trầm lịch sử, còn có những nỗi niềm chưa được giải tỏa, dòng họ Bùi Quang vẫn cử ban lãnh đạo giữ lấy nhà thờ của gia tộc, nhắc nhở con cháu đừng quên gia phong.
Trong hoàn cảnh xã hội ta hiện nay, có biết bao bà mẹ rơi vào cảnh đau khổ khi vòng tay của mình không còn ôm giữ nổi con. Có biết bao bà mẹ vì quá yêu thương con mà nuông chiều, bao che, khiến con hư hỏng, tàn phá đời mình, tàn phá cả danh tiếng tổ tông. Câu tục ngữ: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” có nguyên nhân sâu xa của nó.
Nạn tham nhũng hoành hành khiến lòng tin nhân dân giảm sút. Cách dạy con của bà Từ Mẫu dám đốt lụa quý, đốt những món quà tặng đáng giá không rõ nguồn gốc, phản đối việc con về làng rình rang, tốn kém làm mẹ bị “kinh động” quả là điều đáng cho người hôm nay suy ngẫm.