Khi tôi được 5, 6 tuổi ở với má tại làng Ông Văn huyện Chợ Gạo tỉnh Mỹ Tho thì ba tôi đang làm giáo viên ở Sài Gòn. Chiều thứ 7 nào cũng vậy, tôi dắt em trai 3 tuổi đứng rất lâu bên hông chợ, có khi cho đến tối, trông ngóng chuyến xe đò duy nhất trong ngày trở về để đón ba. Nhưng nếu như ốm đau bất ngờ thì tôi cũng sẽ gặp được ba tôi bất ngờ.
Đó là những buổi chiều mà sau khi tan trường, không còn chuyến xe đò nào nữa, bất kể thứ hai hay thứ sáu, ba vội vàng lên xe đạp đạp đi. Tám mươi cây số đường dài. Đêm, cắm ba cây nhang làm đèn, ba tôi phập phù vượt qua những cánh đồng, những ụ mô bất trắc, sinh tử của súng đạn chiến tranh… để về thăm con. Dù chỉ trong chốc lát. Đó là lúc tôi đột ngột thức trên vai ba với nỗi mừng vui cũng đột ngột. Để rồi trong giấc ngủ trở lại của tôi, ba tôi lẳng lặng theo chuyến xe đêm trở lên cho kịp có mặt tại trường vào sáng sớm. Bàn tay má tôi đã thay thế chỗ ba, ấm áp cho tôi nắm đến sáng.
Nỗi khao khát được có ba bên cạnh sâu sắc đến độ, hơn 40 năm trôi qua rồi mà giờ đây có lúc ngồi trước ba, tôi vẫn nghẹn ngào như là ông hãy còn đang vắng mặt…
Những tháng năm sau đó, tôi đã được hưởng khoảng thời gian sum họp gia đình sung sướng khi nhà dời lên đô thành. Sung sướng là của riêng tôi thôi chớ nhọc nhằn đã nghiêng hết về ba má tôi rồi. Không mua nhà được bởi vì ba má tôi phải dành món tiền lớn để mua chiếc taxi. Gia đình tôi nhiều năm dài ở mướn trong những căn nhà nhỏ, xóm Bàn Cờ. Má tôi sinh thêm bốn em nữa để cho đủ “sáu con được miễn dịch” theo luật nhà nước lúc đó. Hơn nữa, có một lý do rất sâu kín mà lớn lên tôi mới hiểu là làm sao ba tôi để vướng lính cho được khi ông nội tôi, một người đang còn bị giam cầm ngoài Côn Đảo với cái án tù chính trị “khổ sai, lưu đày biệt xứ”?

Mùa lúa, Tiền Giang.
Con đông, hai cánh tay và đôi chân ba không lúc nào ngơi nghỉ. Vậy mà chưa một lần nào nghe tiếng gắt gỏng, cằn nhằn. Và tôi, một con nhỏ vô tâm và lơ đễnh - chưa bị ba la mắng bao giờ. Tát tai hay roi quất lại càng tuyệt đối không. Nói điều này có nên hay không, là đứng trước ba, tôi không biết tới cảm giác run sợ là gì (khác với đám bạn tiểu học của tôi)!
Sau hai buổi dạy học, chiếc taxi nhà như con ngựa trung thành, ruổi vó theo ba tôi cho đến tận, có khi qua cả giờ giới nghiêm mới về. Nghĩa là sau ba tôi, không còn bất cứ một tiếng xe nào khác. Không còn bất cứ người đàn ông can đảm nào khác! Chỉ còn một người đàn bà ngồi chờ cơm một giờ khuya với ba tôi, đó là má tôi! Ròng rã năm này qua năm khác. Đôi khi có khách về gần nhà thế nào ba tôi tạt về ẵm bồng em nhỏ, ca hát với chúng tôi. Cây đàn hawaïenne vừa được mở bao ra đặt nằm ngang xuống là đứa em trai út mới biết nói của tôi hăng hái cất giọng lên tung cánh chim tìm về tổ ấm/ nơi sống bao ngày giờ đằm thắm… Còn nhớ, bài này hồi ấy đài phát thanh dùng để… chiêu hồi!
Nhà gần sông, hôm nào nước lớn tôi và em trai được ba dẫn ra sông tập bơi. Nhát nước, tôi chỉ có mỗi một việc là cố đừng để cho sặc sụa nhiều quá rồi thì trèo lên lưng ba mà bám chặt. “Tấm ván” ấy đã nâng tôi bình yên giữa chơi vơi trời nước, cho tôi một chốn tin cậy, một lý lẽ để trấn áp nỗi sợ hãi khi con sóng lớn chồm qua…

Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang.
Biết tôi học không khá môn toán mà lại hay ngủ sớm, ba tôi bỏ những chuyến xe khuya để về khuyên tôi đem bài tập ra hai cha con cùng làm. Những câu mà ba hay nói, kiểu như: Hiểu hông con? Hễ mình thấy nó dễ thì không bao giờ nó khó… đã cho tôi tự tin hơn trước những trang đại số khó, những bài hình học không gian rối rắm để mạnh dạn học hành… Có thể nói một cách ngắn gọn là, nếu không có cha, người ta thật vất vả để trở thành một người tử tế!
Tôi ra trường, dạy môn văn. Các em lần lượt tốt nghiệp đại học. Chen vào những năm đó là những biến cố dội về: em Ba xong mấy năm học trường Sĩ quan lục quân, có lệnh ra chiến trường biên giới; thằng Bảy bị tai nạn giao thông! Đó là những lúc tôi thấy ba cứng rắn nhất.
Tôi không được thấy tuổi thơ của ông từng ngụp nước nguyên một ngày cùng với ông nội tôi dưới rặng ô rô, bên trên là dãy họng súng của Pháp canh bắt ông nội tôi đi họp Tỉnh ủy về ngang sông Soài Rạp. Cũng không được thấy ông đã sống chết đè lại cái cửa hầm tự tạo bằng đất sét bọc kẽm gai để đánh lừa đám lính Marốc và lê dương không cho chúng vô bắt bà nội tôi đang còn trẻ đẹp… Nhưng tôi biết ba đã băng rừng lội suối suốt bao nhiêu ngày trời để đến nơi đóng quân của thằng Ba để nhìn, vuốt đầu nó và trao cho nó mấy lon guigoz ruốc chấy, muối đậu… Và tôi cũng thấy, dù bác sĩ có nói: Cậu ấy không việc gì đâu, ba vẫn khòm xuống cõng em Bảy trong ngày xuất viện, ba tôi sợ nó đi động đau vết thương trong mắt, dù lúc đó nó đang hai mươi tuổi!
Những đứa con bé bỏng từ tay ba ẵm bồng nuôi nấng dần lớn lên, tách ra nhiều hoàn cảnh khác nhau. Hạnh phúc có, đớn đau có, sinh tử có… Gom tất cả sai biệt đó lại, ba tôi một thân một mình nhận về cho mình năm bảy số phận.

Khi bệnh má tôi chuyển sang giai đoạn cuối, ba đã nói với tôi rằng: Phải chi má cứ nằm hoài như vậy, nuôi má suốt đời cũng được, để ba còn thấy má!… Nhưng rồi cái giây phút cuối cùng cũng phải đến. Lúc nắp quan tài sắp đậy xuống, ba tôi bất chợt ngáng tay chặn lại. Ông chặn cái lối đường sắp mang má tôi đi! Còn tay kia, ông miết mãi lớp vải trên cùng, nghẹn ngào: Cúc ơi!, và đứt quãng, và lại nghẹn ngào: Cúc ơi! Ba tôi ở kiếp này đi trả má tôi cho kiếp sau…
Vắng má, ba tôi bỗng trở thành con người khác. Không nói với ai một tiếng nào. Không nghe điện thoại. Không ngủ mà cũng không thức… Với cái diện tích giới hạn của căn nhà bởi mang thêm khổ đau mà trở nên thừa thãi. Tôi nửa buổi chồng con, nửa buổi tạt qua nhà để bưng cơm lên bàn thờ theo lời ba nhắc: Dọn cơm con, tới giờ má ăn rồi!
Nhiều lần, tôi định nói: Thôi ba ơi, đốt chi nhiều nhang quá hít mấy khí độc… nhưng chợt thôi. Bởi tôi sợ sau cái gật đầu ờ ờ ra vẻ đồng ý của ông, là một nỗi buồn. Ông sợ đèn tắt, sợ lửa tàn, sợ má tôi lạnh lẽo. Nếu cần phải cực nhọc hơn nữa, hi sinh hơn nữa để má tôi được ấm áp, ông cũng không từ nan, huống chi cái chuyện thắp nhang? Có lẽ chỉ có khói, những sợi khói xam xám mơ hồ lúc tụ lúc tan, mới kết nối được ba tôi với má tôi trong cái thế giới hữu hạn mà vô tận này! Có khi ông đưa tôi ra cổng để về, bỗng thấy thương quá, tôi ngoái lại cười với ông. Một chút gượng vui hiện lên trong mắt. Tôi biết ông đang cố vượt, đang âm thầm xâu lại tất cả những biến cố buồn vui sung sướng khổ đau… cho thành chiều dài bắt buộc của đường đời.
Trong cuộc đời này, tôi đã nhận của ba tôi quá nhiều diễm phúc. Nếu còn có một kiếp nào khác nữa, tôi lại xin làm con gái của ba! Trong cái tổ khi ấm và cũng nhiều khi lạnh của riêng mình, tôi đã luôn quên bản thân bằng cách cố gắng xóa bỏ những xa biệt với cha của các con tôi để dung hòa, để các con tôi không phải bất hạnh, không phải thiếu những ngọt bùi mà tôi từng có được từ tình phụ tử.