Bài học HỒ CHÍ MINH

LTS: Nhà phê bình văn học Thiếu Sơn (1908-1978) là một cây bút phê bình - chính luận nổi tiếng từ trước năm 1945 với tác phẩm Phê bình và cảo luận (1933). Năm 1949, ông ra bưng biền kháng chiến, tham gia Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, làm việc ở Đài Phát thanh Nam Bộ và là Thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc Nam Bộ. Sau năm 1954, ông trở lại Sài Gòn, rồi cùng với Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm viết báo Công Lý, Điện Báo, Thần Chung đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Những bài viết công khai, hợp pháp của ông trên báo chí Sài Gòn thời đó là tấm lòng ông, tình cảm và suy nghĩ của ông hướng về kháng chiến, hướng về Hồ Chủ tịch. Ông bị địch bắt đi tù Côn Đảo (năm 1972) và được trao trả ở Lộc Ninh năm 1973 theo Hiệp định Paris. Từ đó cho đến cuối đời, ông hiến trọn tâm sức cho Cách mạng. Ông qua đời năm 1978 tại TP.Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi.

Dưới đây, chúng tôi trích đăng một bài báo của ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách đây tới 10 năm, tôi có viết trên báo Thần Chung ở Sài Gòn một loạt bài về một số nhân vật mà tôi đã theo dõi từ thời Pháp thuộc qua Cách mạng tháng Tám và suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi đề cao những ai hưởng ứng cách mạng, tham gia kháng chiến và giữ tròn tiết tháo nếu phải sống trong vùng kiểm soát của thực dân và phê bình nghiêm khắc những kẻ không làm được như thế. Tôi nhớ là tôi viết mấy chục bài về nhiều nhân vật trong đó có những bài về Nguyễn Văn Tố, Thái Văn Lung, Lưu Văn Lang v.v… Trong khi ấy, tôi nhận được một bức thư của một độc giả vô danh viết tới tòa soạn hỏi tôi đại khái như sau: “Ông Thiếu Sơn đã cho chúng tôi rất nhiều bài học nhưng tôi ao ước được thấy Bài học Hồ Chí Minh”.

Nhưng Bài học Hồ Chí Minh thật quả không thể nào viết được ở Sài Gòn, có viết thì báo cũng không dám đăng. Nếu đăng thì chẳng những tác giả phải vào tù phen nữa và anh bạn Nam Đình của tôi cũng không tránh khỏi vạ lây.

Hơn nữa, đề tài lớn quá, vì Cụ là kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhứt của dân tộc và thời đại, tôi không đủ tài trí thấu triệt trong một bài báo.

Nhưng nghĩ cho kỹ thì tất cả các bài học tôi đã viết đều có hình bóng vị Cha già dân tộc.

Những nhân vật tôi đề cao đều có liên quan tới cách mạng, tới kháng chiến và tất nhiên đều dưới quyền lãnh đạo trực tiếp hay gián tiếp của Cụ Hồ. Cụ đã mở mắt, mở lòng cho những người đã làm việc cho Tây, đã vô dân Pháp và cũng biết trở về với dân tộc, hy sinh danh lợi, hy sinh xương máu để không hổ thẹn với non sông.

Cách mạng tháng Tám là do Cụ tạo nên. Kháng chiến chống Pháp là do Cụ tổ chức. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng oanh liệt nhứt trong lịch sử Việt Nam, vật ngã một cường quốc như Pháp là một kỳ công. Đương đầu với một siêu cường quốc như Mỹ thật là kỳ diệu.

Đồng bào ở khu giải phóng công khai tôn thờ Cụ. Nhưng đồng bào ở vùng tạm chiếm cũng âm thầm nuốt lệ khi nghe tin Cụ qua đời. Lúc đó ở Sài Gòn cũng có một vài nhà báo dám công khai thương tiếc một người đã làm vinh dự cho dân tộc. Riêng phần tôi không dám ho he một tiếng nào, biết rằng người ta nói được mà mình nói ra là mang vạ vào thân.

* * *

Cố nhiên tôi không dám treo ảnh Cụ Hồ ở nhà tôi tại Sài Gòn, nhưng trong tủ sách tôi có số tạp chí Regards ở ngoài bìa có in hình Cụ đẹp lắm. Tạp chí đó đã có lần bán công khai ở Sài Gòn. Nhưng ngày 29-2-1972, cảnh sát đem giấy biện lý tới xét nhà tôi, đã tịch thu sách này mà họ cho là bất hợp pháp. Tôi cãi với họ không được. Họ cứ điệu tôi ra xe và đưa về Tổng nha rồi giữ tôi hơn 2 năm tù cho tới ngày trao trả. Nói cho công bằng, không phải chỉ vì tấm ảnh Bác Hồ mà họ kết tội tôi. Họ còn kết tội tôi đủ thứ tội và nặng nhứt là tội phản nghịch.

Tới sân bay Lộc Ninh, giữa một số đông đồng bào đón tiếp tôi, tôi thấy rất nhiều hình của Cụ, lại nhớ tới số tạp chí Regards bị tịch thu với tấm hình vị cha già của dân tộc mà tôi đã cất giữ cả mấy năm trời.

Huy Cận đã viết:

Bác Hồ ơi!

Chẳng có bao giờ vắng Bác

Bác là mặt trời mỗi sáng mọc lên

Bác là mặt trăng mỗi đêm dịu mát

Bác là biển sông muôn trùng dào dạt

Huy Cận còn viết:

Việt Nam - Hồ Chí Minh

Tiếng gọi Bác chuyển rền lưng trái đất

Từ Á, Âu, Phi đến Mỹ La tinh…

Hồ Chí Minh là nghĩa lớn, là ngọn cờ, là hiệu lệnh điểm những giờ chiến đấu…

Huy Cận nói đúng. Bài học Hồ Chí Minh không phải là bài học riêng cho dân tộc Việt Nam mà là chung cho nhân dân thế giới, nhứt là nhân dân bị áp bức. Chính nhờ bài học đó mà nhiều dân tộc đã thoát khỏi ách nô lệ của thực dân. Nhưng Huy Cận chưa nói hết. Bài học Hồ Chí Minh còn ảnh hưởng ngay tới những đầu óc thực dân hạng bự. Điển hình là tướng De Gaulle. Khi ông tuyên bố ở Brazaville về Đông Dương thì ông có khác gì mấy chú thực dân khác. Nhưng sau Điện Biên Phủ, sau Hiệp định Genève, ông đã thay đổi một cách rõ rệt. Ông đã chấm dứt cuộc chiến tranh thuộc địa ở Algeria và đã công khai tuyên bố giải thể chế độ thực dân một cách thành khẩn rõ ràng. Ông còn rút ra khỏi minh ước Bắc Đại Tây Dương, liên phòng Đông Nam Á và chỉ trích cuộc chiến tranh nhơ bẩn của Mỹ ở Đông Dương. Ông làm cho Mỹ chới với, mới đầu còn giận dữ, sau phải làm hòa và rốt cuộc phải năn nỉ ông giúp kế hoạch để thoát khỏi vũng lầy ở Đông Dương.

Tôi thích đọc tiểu sử của những bậc vĩ nhân và tôi lấy làm hãnh diện là dân tộc nhỏ bé như dân tộc mình lại sản sinh ra một nhân vật vĩ đại như thế. Hồi tôi kháng chiến ở Nam Bộ, tôi có gặp được một cụ tú già trên 80 tuổi. Cụ đã làm cho tôi một câu đối mà nay tôi chỉ còn nhớ được một vế:

Chí thành, chí thánh, chí minh, thiên hạ anh hùng vô đối thủ.

Cố nhiên ta phải nhìn nhận rằng trong thế giới còn có lắm vị anh hùng được sánh ngang hàng với Hồ Chủ tịch. Nhưng chưa có một dân tộc nhỏ bé nào như dân tộc Việt Nam mà sản sinh được một anh hùng như Cụ.

Có những bực tiền bối đã làm quốc sự nhưng không thành công. Đơn cử hai cụ Phan ở thời cận đại. Cụ Phan Tây Hồ đả kích một cách hăng say cái triều đình thối nát ở Huế nhưng Cụ lại viết thơ cho toàn quyền Beau muốn dựa vào Pháp để thủ tiêu cái triều đình đó. Giả thiết như Pháp nghe theo lời Cụ thì rồi Pháp có chịu rút khỏi Việt Nam mà trả lại độc lập cho ta hay không?

Cụ Phan Sào Nam bôn ba hải ngoại muốn nhờ quân lực ngoại quốc giải phóng cho ta nhưng Cụ lại ỷ vào những nước tư bản. Kết quả là tư bản cấu kết với tư bản làm cho phong trào Đông Du tan rã và rồi Cụ phải thất bại một cách đau thương.

Lòng yêu nước của các bậc tiền bối đó cố nhiên đã tài bồi cho người đi sau. Nhưng Cụ Hồ đã rút kinh nghiệm của những người đi trước mà tránh khỏi được những lầm lạc của các bậc nói trên. Cụ lấy căn bản là nhân dân trong nước, không đồng minh với những chánh phủ tư bản mà đồng minh với nhân dân bị áp bức trên thế giới. Cụ xây dựng một số cán bộ trung kiên ở trong nước và liên kết với một số đồng chí đáng tin cậy ở ngoài nước. Nhờ đó mà Cụ thành công. Cụ ít sai lầm vì có làm việc tập thể và tin tưởng vào nhân dân, nhứt là nhân dân lao động, công nhân và nông dân. Cụ thấy xa, biết rộng, từ bỏ những cơ hội may mắn nhứt thời và chấp nhận mọi khó khăn để đạt tới mục đích.

De Gaulle là một anh hùng cứu quốc của Pháp nhưng chính nhờ Bài học Hồ Chí Minh mà ông mới có những ý kiến tốt đẹp lúc về già. Ông chết năm 79 tuổi, cũng được thế giới coi là một bậc vĩ nhân. Nhưng so sánh với Hồ Chí Minh, xuất thân từ một cậu bé nhà quê ở một nước nô lệ làm đủ nghề để độ nhựt và để xuất ngoại, suốt đời lo cho nước cho dân, chịu nhiều hy sinh gian khổ để đạt thành hoài bão - thì tướng De Gaulle còn thua xa Cụ Hồ của chúng ta.

Cụ Hồ cũng qua đời năm 79 tuổi. Định mạng muốn rằng tuổi 79 là tuổi thọ của vĩ nhân chăng? Nhưng trong số vĩ nhân trên thế giới, tôi nghĩ rằng Hồ Chủ tịch phải là người được nhân dân thế giới khâm phục và kính thương hơn hết. Những kẻ bị áp bức nhờ Cụ mà thấy rõ cảnh cá chậu chim lồng và phải tranh đấu để được tự do độc lập.

Những kẻ đi áp bức người ta cũng thấy ghê tởm về hành động của mình mà biết tôn trọng công lý và lẽ phải.

Bài học Hồ Chí Minh không phải chỉ bổ ích cho mỗi người trong chúng ta. Bài học đó còn bổ ích cho toàn dân thiên hạ.

(Trích Nhng văn nhân chính khách một thời, NXB Công An Nhân Dân, 2006)

THIẾU SƠN