Bao giờ sữa hết làm giá?

Là một nước còn nghèo nhưng Việt Nam được biết đến với những sản phẩm tiêu dùng đắt nhất thế giới, ví như sữa, có 80% thị phần sữa trong nước là hàng ngoại của các công ty nước ngoài. Thế mới lạ! đắt nhất không phải vì hàng hiệu cao cấp dành cho giới quý tộc; mà ngay cả những mặt hàng thiết yếu cũng đắt. Trong khi sữa là nguồn sống hàng ngày cho hàng chục triệu trẻ em Việt Nam mà lâu nay luôn bị “làm dáng, làm giá” như vậy...

Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan. Đó là thông tin từ hội thảo về chất lượng sữa do hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Dân ta đang cố gắng lao động, chắt chiu, thắt lưng buộc bụng dành dụm tiền mua sữa cho con với giá cao ngất ngưởng đồng thời làm giàu các công ty sữa nhanh chóng hơn... Họ quảng cáo rầm rộ... sữa nào cũng đạt quá trời “chuẩn”...

Bà con mình xem quảng cáo với hình ảnh đẹp “sướng mắt”, những câu quảng cáo nghe “sướng tai” cứ tưởng là miễn phí, ai dè tiền làm quảng cáo cũng được tính vào tiền sữa rồi... Các nhà đài thì sướng thiệt, túi tiền quảng cáo ngày càng tăng... rồi cũng chỉ một số người và các tập đoàn kinh tế được hưởng nhiều quyền lợi còn đa số dân lao động, công nhân, viên chức thì cày cật lực để có tiền mua sữa cho con.

Để con cái họ có các dưỡng chất như DHA, ARA, Taurin, Cholin, A++… và hàng chục chất dinh dưỡng khác, với mong ước giản dị của bao bậc cha mẹ, con mình rồi cũng sẽ khỏe mạnh, thông minh, học giỏi, sánh bước với đời... Các công ty sữa đã đánh trúng tâm lý này, và tất cả các quảng cáo đều đánh vào tâm lý đó.


Sữa nhập khẩu đắt kinh hoàng vì bị làm giá. Ảnh: VNN.

Lời than của các bà mẹ trẻ nghe thật xót xa… “Nay sữa mắc quá em ơi! Mỗi tháng tiền sữa cho bé đã nửa tháng lương của chị, chưa tính tiền nhà, tiền ăn, tiền thuốc men, tiền học phí và bao chi phí khác. Chắc chỉ dám đẻ một đứa, hai đứa làm sao mà nuôi nổi…”. Đa số các chị thuộc tầng lớp trí thức, có thu nhập khá ổn định - ở mức trung bình khá trở lên đã than như thế, không biết bao công nhân, nông dân sẽ chật vật như thế nào - có lẽ sữa vẫn là sản phẩm xa xỉ đối với con cái họ.

Mong rằng Nhà nước có chính sách bình ổn giá sữa hợp lý, cân đối thị trường để các công ty sữa không “làm giá, làm dáng” như lâu nay; dù là vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn nằm dưới sự điều hành và quản lý của Nhà nước chứ.

Hơn 70% dân số sống ở nông thôn và con cái họ luôn cần sữa, vì đây là mặt hàng thiết yếu nên chúng ta phải quan tâm nhiều hơn để dân mình đỡ khổ, để người dân còn dành tiền mà lo bao chuyện khác, cuộc sống này, đâu chỉ có sữa và sữa đâu phải là số một. Và người dân cần những chính sách và hành động cụ thể, thiết thực chứ không chỉ là lời hứa suông và những hành động nửa vời…

THIÊN THANH