Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đánh lớn, đánh tập trung. Thấy cán bộ chưa nhận thức đầy đủ tình hình, nhiệm vụ. Bộ Chính trị quyết định triệu tập cán bộ, mở lớp học ngắn ngày. Nội dung lớp học là “Quán triệt tình hình, nhiệm vụ, chống tham ô lãng phí, quan liêu, quân phiệt”.
Học viên là cán bộ cao cấp các ngành quân, dân, chính, đảng trên mọi chiến trường trong cả nước. Lớp học được tổ chức giữa khu rừng đại ngàn khá đẹp, cạnh cơ quan Trung ương, gần nơi Bác ở và làm việc.
Đồng chí Lê Văn Lương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng được Bác chỉ định phụ trách lớp. Bác trực tiếp biên soạn giáo án, làm giáo viên hướng dẫn học tập, kiểm điểm. Công việc dạy và học được tiến hành rất thuận lợi, kết quả khả quan, Bác rất vui. Hôm làm kiểm thảo Bác nói:
- Các chú học đã thông lý thuyết, tranh luận cũng đã nhiều. Vận dụng lý luận đã học vào kiểm thảo là rất cần thiết. Bác bận không có thời gian xem hết lý luận của các chú. Tình hình, nhiệm vụ, các chú đã quán triệt, không cần thiết phải trình bày. Các chú đi vào kiểm điểm cá nhân, viết cụ thể xem mình tham ô, lãng phí bao nhiêu? Tất cả quy thành tiền. Quan liêu, quân phiệt bao nhiêu lần? Hành động thô bạo với nhân dân, với chiến sĩ bao nhiêu lần? Bao nhiêu người? Vậy thôi, không cần dài dòng.
Hôm trả bài, mọi người vừa có mặt đông đủ ở hội trường thì Bác bước vào. Nét mặt của Bác hôm đó không được vui. Đồng chí trực ban hô “Nghiêm!” rồi báo cáo Bác. Bác vừa ra hiệu cho mọi người ngồi xuống thì một đồng chí đứng lên hô to:
- Đả đảo tham ô, lãng phí, quan liêu, quân phiệt!
Bác giơ cao tập kiểm thảo của học viên lên nói:
- Lý thuyết! Lý thuyết! Thực tế đây này. Nhiều đồng chí sợ địch, ngại gian khổ, ngại hy sinh, ngại kháng chiến lâu dài. Nhiều đồng chí thiếu trách nhiệm để kẻ địch đốt hàng trăm tấn gạo, đổ xuống sông hàng trăm tấn muối, phá hủy hàng chục tấn súng đạn. Có đồng chí tham ô hàng vạn, hàng triệu đồng…, đánh đập, chửi mắng chiến sĩ, nhân dân.
Bác phân tích tác hại của hành động, làm ảnh hưởng xấu tới chính sách đại đoàn kết dân tộc, tới chính sách mặt trận, tới tài sản của nhân dân, ảnh hưởng tới thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Cả hội trường im phăng phắc nghe Bác nói.
Trưa hôm đó, một trưa hè oi nồng, vì không ngủ được nên một số anh em rủ nhau ra suối tắm. Giữa rừng sâu nên anh em tha hồ vừa thoải mái ngâm mình dưới dòng nước, vừa trao đổi về bài tổng kết của Bác. Ngay lúc đó, Bác từ trên nhà sàn bước xuống. Ai cũng đoán Bác đi sang khu Trung ương.
Người thoăn thoắt đi về phía anh em đang tắm. Mọi người hoảng, chưa biết xử trí ra sao, thì một đồng chí nhanh nhẹn mặc quần áo lên hướng dẫn Bác đi lối khác. Bác gạt đi:
- Bác cùng tắm với các chú cho vui!
Thế là Bác cháu cùng ngâm mình xuống dòng nước trong mát. Đàn cá con luồn lách trong khe đá, lượn lờ chung quanh mọi người. Đồng chí Lương Tuấn Khang cọ lưng cho Bác, xúc động thưa với Bác:
- Thưa Bác, Bác gầy quá!
Bác im lặng một chút, rồi hỏi đồng chí Khang:
- Kiểm thảo vừa rồi, chú có khuyết điểm gì không?
- Thưa Bác có chứ ạ! Cháu tham ô một vạn tư.
- Chú một vạn tư, chú kia một vạn tư, chú này một vạn tư thì Bác làm sao béo được!
Anh em tắm quanh đó lặng người, chú ý theo dõi câu chuyện của hai Bác cháu.
Đồng chí Khang lại hỏi Bác:
- Thưa Bác, không phải cháu tham ô, mà vì cháu đã có áo mưa, quân nhu không biết lại phát cho cháu một chiếc nữa. Cháu lãnh, rồi đem cho đồng chí khác chưa có (chiếc áo mưa hồi đó trị giá một vạn tư). Thưa Bác, như vậy có phải khuyết điểm không ạ?
Bác quay lại:
- Thôi chú cọ lưng cho Bác sạch rồi. Ta đổi công cho nhau.
Bác cọ lưng cho đồng chí Khang, rồi nói:
- Phải xem xét động cơ. Chú cho anh em không có sự đòi hỏi gì, cho với tinh thần vô tư thì việc cho của chú là tốt. Còn, chú cho bạn với động cơ có đi, có lại hoặc có điều kiện nào đó, thì việc cho áo mưa của chú cần phải xem xét.
Thời hạn lớp học sắp kết thúc. Hôm đó, Bác giải đáp để hôm sau các học viên trở về đơn vị. Bác yêu cầu anh em kể Tây du ký cho mọi người nghe… Câu chuyện cần phù hợp với nội dung bài học.

Bác Hồ với các chiến sĩ tại khu di tích Đền Hùng năm 1954. Ảnh TL.
Đồng chí Tôn Quang Phiệt được Bác chỉ định kể đầu tiên. Suy nghĩ một hồi, đồng chí Phiệt kể cho anh em nghe đoạn Tôn Hành Giả ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Một lần Tôn đánh chết ông cụ, một lần đánh chết bà cụ, một lần đánh chết cô gái, nên bị Tam Tạng đuổi về Hoa Quả Sơn.
Đồng chí Tôn Quang Phiệt tóm tắt:
- Tôn Hành Giả biết phân biệt kẻ thù. Đã phân biệt chính xác kẻ thù thì tấn công quyết liệt, gặp bất cứ trở ngại gì cũng vượt qua.
Bác chỉ định một đồng chí khác kể. Đồng chí đó kể đoạn Bát Giới xin ở lại làm con rể phú ông. Đồng chí kết luận:
- Làm cách mạng là phải triệt để đừng như Bát Giới ham phú quý, giàu sang giữa đường định bỏ dở sự nghiệp.
Đồng chí nữa xin Bác cho phép kể đoạn Đại Thánh đại náo thiên cung. Đồng chí kết luận:
- Đã là người anh hùng nắm chắc chân lý, thì ông trời cũng không sợ.
Bác cười khen:
- Các chú nhớ cả đấy. Chuyện nào cũng vậy, đều có thiện, có ác, có chính, có tà. Chuyện nào cũng dạy người ta ăn ở nhân nghĩa, bỏ điều ác, làm điều thiện. Có gian khổ mới có vinh quang thắng lợi. Thầy trò Đường Tam Tạng từ Đại Đường sang tận Tây Trúc lấy kinh, trải qua không biết bao nhiêu gian khổ, thử thách, gặp bao nhiêu yêu quái mới thỉnh được kinh đem về cho vua Đường. Thầy trò Đường Tăng đã vượt qua ba điều cấm: Một là không ham tiền tài, hai là không ham địa vị, ba là không ham gái đẹp.
Khi gặp Phật tổ Như Lai, lấy được kinh, Đại Thánh thưa với sư phụ: “Thưa thầy, chúng ta đã thành chính quả”. Tam Tạng nói với Đại Thánh: “Chưa đâu, đây mới là thành công bước đầu của thầy trò ta, đạt đến chính quả còn gian khổ lắm”.
Cuộc kháng chiến của chúng ta mới chỉ là những bước giống như những bước đi đầu tiên trên chặng đường thầy trò Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh mà thôi. Kháng chiến thành công, nước nhà độc lập cũng mới chỉ là bước đầu. Bác cháu ta còn phải kiến quốc làm cho dân giàu, nước mạnh, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Điều đó mới thực vất vả, khó khăn.
Bác cháu ta hiện nay mới chỉ bước những bước đầu tiên trên con đường kháng chiến, mà đã có nhiều đồng chí ham tiền tài, địa vị, gái đẹp thì kháng chiến ta làm sao thành công được. Xưa cũng như nay, muốn thành chính quả thì phải tránh ba điều răn. Muốn kháng chiến thắng lợi phải tránh ba điều cấm. Vì cuộc kháng chiến của Bác cháu ta còn phải trải qua muôn vàn gian khổ, có nỗ lực vượt qua được thì mới thành công, thắng lợi. Kết luận của Bác có thế thôi.
Sau đó, Bác cho phép mọi người nêu thắc mắc để Bác giải đáp. Đồng chí Nam Long đứng lên xin phép Bác được nêu thắc mắc:
- Thưa Bác, Bác nói trong con người ta có ông Thiện, ông Ác. Ông Thiện bảo ta làm những điều tốt lành. Ông Ác xúi ta làm những việc độc ác. Thưa Bác, trong Bác có ông Thiện, ông Ác không ạ?
Bác cười tủm tỉm:
- Có chứ! Bác cũng như mọi người đều có ông Thiện ông Ác. Từ nơi Bác ở tới lớp học phải qua một cái đèo cao. Leo tới đỉnh đèo thì Bác đã mệt. Phong cảnh tuyệt đẹp, trời trong xanh, mây bay vượn hót, chim kêu, nước chảy.
Ông Ác nói với Bác: “Dừng chân nghỉ một chút cho đỡ mệt, ngắm mây trôi, nước chảy, nghe vượn hót chim kêu, hút một điếu thuốc cho sảng khoái rồi lại lên đường. Kháng chiến còn lâu dài gian khổ, nghỉ một chút có sao đâu”. Ông Thiện lại nói với Bác: “Không được! Hàng trăm người đang chờ đợi Bác. Chỉ cần chậm một phút là lãng phí hàng trăm phút. Mình là giảng viên, lại càng cần phải gương mẫu”.
Ông Ác nói cũng phải - mệt ngồi nghỉ một chút là lẽ thường tình, có chi phương hại. Ông Thiện nói cũng đúng - bắt hàng trăm con người chờ đợi, hao phí thời gian, đành tâm sao được.
Biết nghe ai bây giờ? Nghe ai và không nghe ai? Khó thật đấy! Song, cái quyết định cuối cùng vẫn là ở mình. Suy nghĩ một hồi, Bác quyết định nghe theo ông Thiện. Bác nhét điếu thuốc lá vào bao, cất bật lửa vào túi. Bác đi tới lớp học.
Đó, ai dạy mình điều phải. Ai xui mình làm điều sai. Cái quyết định cuối cùng vẫn là ở mình.
Mỗi khi gặp khó khăn, các học viên lớp học ngày ấy lại nhớ tới lời dạy của Bác qua các câu chuyện trong Tây du ký.