Bác Hồ rất yêu âm nhạc

Báo Việt Nam Độc Lập, số 117, ra ngày 1/2/1942, khoảng một năm sau ngày Bác Hồ trở về nước sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, có đăng bài ca đội tự vệ, do Bác sáng tác. Toàn văn bài ca như sau:

I
Gươm dao ta
Đem mài đi!
Mài cho bén,
Mài cho sắc
Nhật ta đâm,
Pháp ta chặt.

II
Sắp hàng ra!
Xung phong lên!
Người ta đông
Sức ta bền
Việc giải phóng,
Nhất định nên.

Đáng chú ý là lời dẫn của tác giả về cách hát: chia người làm hai tổ. Bốn câu trên tổ A hát trước, hát giọng cao (nếu có phụ nữ, thì phụ nữ là tổ A). Tổ B hát giọng thấp, theo sau. Ví dụ:

Tổ A hát: Gươm dao ta

Tổ B hát: Gườm dào tà.

Những chữ sắc, bén, đông, bền phải hát dài như: bé-én, sắ-ắc, đô-ông, bề-ền. Hai câu dòng sau cùng (ở mỗi đoạn) thì cả hai tổ đều hát như nhau. Chữ chặt và chữ nên phải hát rất mạnh.

Vào thời gian ấy phần lớn người dân Việt Nam còn mù chữ, nói chi tới những chuyện “cao siêu” như biết đọc ký âm pháp. Nhưng do yêu cầu cần có những bài hát cách mạng, những bài thơ cách mạng dễ đọc, dễ hát, dễ phổ biến, nên mặc dù không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, Bác Hồ đã sáng tác bài thơ để hát (theo cách nói của Lữ Huy Nguyên) này để động viên, khuyến khích tinh thần cách mạng của bà con ta.

Trong lời ghi chú của tác giả bài thơ để hát này đã ghi những yếu tố âm nhạc, mà ngày nay người ta dùng những danh từ âm nhạc để diễn tả như:

- Cao độ: giọng cao, giọng thấp.

- Trường độ: những từ cần được kéo dài ra khi đọc hoặc hát như: bén-bé-én, sắc-sắ-ắc, đông-đô-ông, bền-bề-ền.

- Cường độ: chữ chặt và chữ nên phải hát rất mạnh.

- Hòa âm: hát bè.

- Cấu trúc của bài ca rất gọn gàng, câu ngắn chỉ ba chữ, dễ học, dễ nhớ.


Bác chơi guitar ở Hải Phòng (1963). Ảnh: TL.

Chúng tôi cũng muốn nói ngay rằng, Bác là người thuộc khá nhiều bài hát của nước Nga cách mạng, của Liên Xô. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, báo Sao Đỏ của Hồng Quân Liên Xô từng tường thuật buổi gặp mặt giữa Bác và đồng chí Nguyên soái Liên Xô Kli-men Vô-rô-si-lốp (1881-1969), người mà Bác đã có dịp quen biết từ năm 1924, trong lần đầu tiên tới Liên Xô. Trong buổi tới thăm đó, hai vị lãnh tụ cao niên đã cầm tay nhau, say sưa hát những bài ca cách mạng của Liên Xô từ những năm 20, 30 của thế kỷ trước.

Còn chị An-na Xta-xi-a Va-xi-lốp-na và anh Đmi-tri Gri-gô-ri-ê-vích Đi-ô-mi-nưi, những công dân của Liên Xô, đã tâm sự: Năm 1960, trong dịp sang Mát-xcơ-va dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Bác Hồ đã có thư mời anh chị và cháu I-ra-ska, con gái của anh chị và là con đỡ đầu của Bác Hồ, tới gặp mặt. Cuộc gặp gỡ ấm cúng đó đã diễn ra vào ngày 13/11/1960 tại một biệt thự cổ kính ở phố A-lếch-xây Tôn-xtôi. Chị An-na kể lại:

Bác Hồ nói tiếng Nga thoải mái, tự nhiên như người Nga chúng ta vậy. Người biết nhiều thứ tiếng và coi tiếng Nga là tiếng mà người cách mạng nào cũng nên biết, vì đó là tiếng nói của Lê-nin. Người cũng biết những bài hát Nga. Người và chúng tôi đã cùng nhau hát bài Ca-chiu-saChiều ngoại ô Mát-xcơ-va(1).


Bác cùng các em thiếu nhi Liên Xô. Ảnh: TL.

Chúng ta ai cũng biết những năm tháng sống và hoạt động ở Paris vào những năm cuối thập kỷ 1 và đầu thập kỷ 2 - thế kỷ 20, ngoài giờ làm việc, Bác đã tham gia những câu lạc bộ và vào các thư viện đọc sách để nâng cao trình độ về văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật… Chính vì thế Bác đã tích lũy được một khối lượng kiến thức rộng lớn về nhiều mặt, về nhiều bộ môn nghệ thuật.

Bà Giô-tơ-vôn - phu nhân của cố Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Đức Ôt-tô Grốt-tơ-vôn - đã có một bài hồi ký vô cùng xúc động về Bác Hồ của chúng ta vào tháng 5/1975 (do Trần Đương ghi), trong đó có một đoạn như sau: “… Bác và nhà tôi đã trao đổi rất nhiều về nghệ thuật. Tôi còn nhớ, một buổi tối, khi Bác tới, nhà tôi mời Bác nghe một đĩa hát thu bản nhạc giao hưởng số 9 của Bít-tô-ven sáng tác trong những năm 1822-1824. Sự xúc động lộ rõ trên gương mặt Bác. Trong những phút này, tôi lại thấy đôi mắt Bác mơ màng, tư lự, đúng là đôi mắt của nhà nghệ sĩ giàu cảm xúc. Nhìn gương mặt ấy, người ta có thể liên tưởng đến Lê-nin khi nghe bản nhạc Áp-pa-xi-ô-na-ta cũng của Bít-tô-ven. Khi bản nhạc vừa dứt, Bác thong thả nói:

- Quả đúng như Bít-tô-ven có lần nói: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa từ trong tâm hồn kiên cường bừng cháy!”.

Người Việt Nam ta chắc ai cũng đã một lần nhìn thấy tấm ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long: Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (1930-1960). Tôi là người may mắn chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời ấy trong đêm hôm đó tại vườn Bách Thảo (Hà Nội).


Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: Lâm Hồng Long.

Khi dàn nhạc giao hưởng gồm 120 nhạc công và đội đồng ca gồm hơn 800 diễn viên là thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội đang sẵn sàng biểu diễn thì Bác Hồ và các vị khách quốc tế xuất hiện trước khu vực sân khấu. Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay như những đợt sóng truyền từ khu vực này đến khu vực khác.

Bác từ từ bước lên sân khấu, mượn nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu chiếc đũa chỉ huy trước con mắt tò mò và ngạc nhiên của mọi người, rồi Bác hỏi các nhạc công và các diễn viên: “Các cháu đã sẵn sàng chưa?” – mọi người vui vẻ trả lời: “Thưa Bác, đã sẵn sàng”. Bác nói tiếp: “Bây giờ chúng ta cùng hát và cùng biểu diễn bài Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh!”. Mọi người chăm chú nhìn vào cánh tay chỉ huy của Bác. Sau một tích tắc im lặng, Bác vung cây đũa chỉ huy lên!... Và nhà nhiếp ảnh Hồng Long đã chớp được phút giây tuyệt vời đó!

Tôi cứ tưởng đó là bức ảnh duy nhất chụp Bác chỉ huy dàn nhạc, dàn đồng ca. Không phải! Gần đây, Trung Quốc phát hành một cuốn ảnh tuyệt đẹp và quý hiếm về Bác Hồ tại Trung Quốc và Hồng Kông. Trong tập ảnh cũng có một tấm ảnh chụp Bác Hồ đang “cầm càng” chỉ huy các thanh niên Trung Quốc hát. Quả là hết sức thú vị! Như vậy là Bác Hồ cũng phải biết cả bài hát Trung Quốc nữa. Có biết hát thì mới “cầm càng” được bài hát đó chứ? Tôi cứ tò mò muốn biết: đó là bài hát nào?


Bác cùng với thiếu nhi Trung Quốc. Ảnh: TL.

Một con người trong vòng 30 năm từng bôn ba khắp năm châu bốn biển, đã tích lũy cho mình một vốn văn hóa sâu rộng của cả Đông lẫn Tây, nhưng trong lòng vẫn đau đáu nhớ một giọng ru con của bà mẹ Việt Nam, nhớ từng câu Kiều. Thật xúc động khi đọc những dòng hồi ức sau đây của đồng chí Trần Lam, người từng hoạt động với Bác trong những ngày Người sống ở Thái Lan (1929): “Có một lần đi đến nửa đường thì trời tối. Bác và tôi ghé vào một nhà kiều bào người Bắc làm thợ mộc. Anh chị thợ mộc đón tiếp rất tử tế. Cơm nước xong, hai bác cháu nghỉ thì cũng vừa lúc chị thợ mộc ru cháu bé ngủ. Giọng chị ngâm Kiều rất hay, hai bác cháu lắng nghe, rồi ngủ đi bao giờ không biết. Sáng hôm sau, lúc đi đường, với một giọng âu yếm, Bác bảo tôi: Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Tối qua nghe giọng mẹ hiền ru con!”.

Sau này, khi tuổi đã cao, Người vẫn còn nhớ từng câu dân ca, từng làn điệu hát phường vải mà Người từng được nghe, từng nhập tâm từ những ngày thơ ấu. Chị Minh Huệ, một diễn viên văn công, nhớ lại: “Khi Người về thăm quê hương xứ Nghệ sau hơn nửa thế kỷ xa cách, trong phần biểu diễn văn nghệ để chào mừng Bác, tôi đã thưa với Bác:

- Thưa Bác, bây giờ cháu xin hát điệu ru em, dân ca miền Trung theo lời cũ ạ.

Tôi cất giọng:

- A ờ ơ… Ru em em ngủ cho muồi

Bác sửa lại:

- Ru tam tam théc cho muồi (“tam” là tiếng miền Trung dùng để chỉ “em”, “théc” là “ngủ”).

Tôi hát lại:

- Ru tam tam théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Bác sửa lại:

- Để “mạ” chứ không phải để “mẹ”.

Tôi sung sướng hát tiếp:

- Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau chợ Sải, mua cầu chợ Dinh.

Bác cười, ân cần sửa nốt:

- Mua cau Cam Phổ chứ không phải chợ Sải.(2)

Người không chỉ nhớ những làn điệu dân ca ở quê hương xứ Nghệ, Người còn yêu thích những làn điệu dân ca ở các vùng quê khác nhau của đất nước ta. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã kể lại trên báo Văn Nghệ số 36 (tháng 10/1952) câu chuyện sau đây: “Giữa hai phần nói chuyện về: “cách viết” tối 17/8/1952, trong giờ nghỉ anh chị em hò những điệu hò bình dân, ca những lời ca dân tộc cò lả, hò giã gạo, chèo, ngâm thơ. Thỉnh thoảng Bác hỏi: - Cô, chú nào ngâm sa mạc? Bác thích nghe những điệu quen thuộc, nhẹ nhàng đó”.


Bác Hồ tại phòng khách Phủ Chủ tịch. Ảnh TL.

Bác không chỉ yêu mến những làn điệu dân ca của nước ta, Bác còn yêu thích cả những nhạc cụ dân tộc nữa. Nghệ sĩ sáo Đinh Thìn, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, người đã nhiều lần biểu diễn cho Bác Hồ nghe, đã kể lại câu chuyện thú vị sau đây: “Hôm đó Bác tiếp khách riêng của Bác. Trong phòng người nghe không đông lắm, tôi thổi bài Nhớ về Nam. Bác ngồi ngay trước mặt tôi. Bác nghe chăm chú. Thổi xong tôi cúi đầu chào, định quay về chỗ ngồi, thì Bác đứng dậy, Bác cầm xem chiếc sáo của tôi, Bác hỏi:

- Chiếc sáo này cháu tự làm lấy hay mua?

- Thưa Bác cháu làm lấy ạ.

- Tự làm như thế là giỏi. Làm sáo khó lắm không cháu? Trong kháng chiến chống Pháp, Bác thấy các chú bộ đội làm sáo nhanh lắm. Đi hành quân, đi tập đều mang theo, thổi rất vui…

Bác để sáo lên miệng thổi. Không khí trong phòng bấy giờ như ngưng đọng lại, mọi người nín thở chờ đợi tiếng sáo của Bác. Bác lắng hơi, nhẹ thổi. Hơi chạy vào trong ống sáo, thoát ra các ngón tay của Bác, gợi thành một làn điệu dân ca. Bác thổi vừa dứt, tiếng vỗ tay trong phòng rộn lên, vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng. Bác bỏ ống sáo xuống, lấy dáng điệu, cúi chào như một diễn viên thực thụ. Tiếng vỗ tay, tiếng cười vui vẻ lại vang lên. Bác cũng vui vẻ cười”.

Cụ Hoàng Đạo Thúy, một nhà trí thức lớn của ta, từng giữ trọng trách Cục trưởng Cục Thông tin Liên lạc, Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thi đua Toàn quốc, có lần kể lại chuyện thời ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp:

“Một lần, Cụ Hồ tóm lấy cánh tay tôi:

- Tối hôm nay, cụ tổ chức lửa trại nhé!

- Cụ cho lệnh tổ chức, tôi xin làm. Nhưng thưa cụ, ở lửa trại thì người giữ lửa có quyền to lắm, ai cũng phải nghe đấy.

- Nhất định thế!

Bọn chúng tôi vẫn có cái thói cứ hay “chọc” Cụ một cách kính mến, không dám làm Cụ bí, vì Cụ có bí bao giờ đâu, nhưng để xem Cụ đối phó thế nào, rồi ngồi cười cùng nhau, lý thú về cách trả lời của Cụ. Cụ cũng hiểu thế và mỉm cười.

Mọi người đã ngồi quanh đống lửa. Tôi châm lửa và tuyên bố:

- Thi hành quyền lực của trùm lửa trại, tôi xin đề nghị Cụ Chủ tịch hát mở đầu cuộc vui.

Mọi người nhìn cả về phía Cụ. Cụ nhẹ nhàng đứng dậy, vừa đi quanh vừa hát:“Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu/Dấy binh lấy lau làm cờ/Quên mình là mình giúp nước…”.

Già trẻ ai nấy con mắt long lanh, nhìn âu yếm Cụ Chủ tịch của mình, mà như thế là cuộc lửa trại vui lên…”

Chúng ta đã rất quen với hình ảnh Bác Hồ tặng hoa cho những diễn viên có những tiết mục hát, múa, chơi đàn, thổi sáo, ngâm thơ…, thường chỉ là một bông hồng, một nụ hôn thân thiết, nhưng đã làm cho các diễn viên trong và ngoài nước nhớ suốt đời.

Chính do tâm hồn nghệ sĩ và lòng yêu âm nhạc của Bác mà ngày nay chúng ta được thưởng thức rất nhiều câu thơ và những đoạn văn, những lời phát biểu có nhắc tới âm nhạc, giàu chất thơ, chất nhạc.

Sau này, trong tác phẩm Nhật ký trong tù, đã bao nhiêu lần Bác nói về lời ca, câu hát, điệu nhạc, những thứ đã động viên tinh thần, nghị lực của Bác trong những giờ phút khó khăn, gian khổ nhất, khi cái chết kề bên. Trong ngục tù u ám của huyện Tĩnh Tây, Người vẫn thấy có những lúc khắp nơi “vang tiếng dân ca, rộn tiếng ngâm”. Người viết về bạn tù thổi sáo:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.

(Nam Trân dịch)

Mặc dù tay bị trói, chân bị còng, nhưng Người vẫn nghe tiếng chim hót: “Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần” (Đêm ngủ ở Long Tuyền);“Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi, hướng bay ngát rừng/ Vui say ai cấm ta đừng/ Đường xa âu cũng bớt phần quạnh hiu” (Trên đường - Nam Trân dịch).

Về việc chọn Quốc ca thì theo Bác Quốc ca phải sâu sắc về nội dung và đẹp về lời ca. Bác đồng ý chọn bài Tiến quân ca, một bài hành khúc nghiêm trang, hào hùng, nhịp lại thong thả, dễ hát. Bác tham gia ý kiến sửa lại lời ở một số câu cho chính xác hơn, đẹp hơn, phù hợp với Quốc ca như: Đoàn quân Việt Minh… sửa là Đoàn quân Việt Nam…; Thề phanh thây uống máu quân thù sửa lại là Đường vinh quang xây xác quân thù.


Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca được vang lên tại Quảng trường Ba Đình, trong ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(3).

Nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết một ca khúc rất đẹp Lời Bác dặn trước lúc đi xa mà chúng ta ai cũng yêu thích. Nội dung bài hát dựa vào một câu chuyện có thật: Ngày 27/8/1969, sức khỏe của Bác đã kém lắm, nhưng Bác vẫn giữ yên lặng, không hề rên la kêu đau. Khoảng 9 giờ sáng, y tá Nguyễn Thị Oanh đưa thuốc vào mời Bác uống và nhẹ nhàng cắt móng tay cho Bác, Bác đã hỏi chuyện cô và bảo cô hát cho Bác nghe. Y tá Nguyễn Thị Oanh đã hát bài Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác, Bác nhìn Oanh âu yếm, khích lệ. Oanh đã hát tiếp bài dân ca Quan họ Bắc Ninh Người ơi, Người ở đừng về, nghe xong Bác rất hài lòng, mỉm cười và bảo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, tặng một bông hoa cho Oanh. Đó là bông hoa cuối cùng của Bác tặng một ca sĩ nghiệp dư, trước lúc Bác vĩnh viễn ra đi(4)

Có một chuyện liên quan tới lòng yêu âm nhạc của Bác Hồ mà mãi tới tháng 9/1969, chúng ta mới được biết qua bài báo của nhà báo Pháp nổi tiếng, bà Ma-đơ-len Ríp-phô (Madeleine Riffaud), người con gái đỡ đầu của Bác, đăng trên báo L’Humanité ngay sau ngày Bác mất. Bà Ma-đơ-len Ríp-phô kể rằng: Có một lần Bác Hồ bảo tôi: “Con ạ, nếu con muốn làm vui lòng Bác thì hãy gửi cho Bác cái đĩa hát có những bài trước đây của Mô-rít Sơ-va-li-ê (Maurice Chevalier). Hồi ở Paris xưa kia Bác vẫn thường nghe, hồi ấy con còn chưa ra đời”.

Trở về nước, bà tìm mãi những đĩa hát ấy mà không thấy. Mãi tới dịp kỷ niệm thượng thọ 80 tuổi Mô-rít Sơ-va-li-ê, người ta mới tái bản những đĩa hát đó. Bà mua ngay và gửi biếu Bác Hồ. Hai ngày sau khi Bác qua đời, Ma-đơ-len Ríp-phô nhận được một bức thư của Tê-ô Rông-cô, phóng viên thường trú của báo Nhân Đạo tại Hà Nội. Lá thư được viết trước đó ba tuần, trong đó kể rằng: “Bác Hồ đã nhận được cái đĩa hát. Bác đã nghe các đĩa đó rất thích thú và rất hài lòng”.

Năm 1946, khi Bác Hồ sang thăm chính thức nước Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp, các cháu thiếu nhi con em Việt kiều mang hoa tới tặng Người và hát những bài hát Việt Nam mà các cháu mới học được để chào mừng Bác. Bác rất xúc động và hỏi các cháu:

- Các cháu có biết bài Quốc ca của Pháp không?

Các em đồng thanh trả lời:

- Thưa Bác có ạ.

- Thế thì các cháu hát xem nào!

Và bài Marseillaise đã hùng dũng vang lên trong căn phòng qua giọng hát trong trẻo của các cháu.

Trở lại với câu chuyện về đĩa hát của Mô-rít Sơ-va-li-ê. Cuối cùng bài báo Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta giữa những ngày thu, Ma-đơ-len Ríp-phô đã xúc động thốt lên: “Chúng tôi tự hào rằng đồng chí Hồ Chí Minh yêu mến nhân dân Pháp. Vì thế chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình trước những nỗi đau mà nước Việt Nam đang phải chịu đựng. Chúng tôi thề sẽ xứng đáng với tình bạn của một trong số những nhà cách mạng vĩ đại nhất của thời đại hiện nay, chúng tôi sẽ ra sức chiến đấu bên cạnh nhân dân Việt Nam”.


(1)

Những người con đỡ đầu của Bác Hồ (Trần Đương), NXB Quân Đội Nhân Dân, tr.57.

(2)

Bác Hồ với văn nghệ sĩ, tr.231-232.

(3)

Chuyện kể về Bác Hồ, tập 1, NXB Nghệ An, tr.133-135.

(4)

Chuyện thường ngày của Bác Hồ (Hồng Khanh), NXB Thanh Niên, tr.201.

TRẦN QUÂN NGỌC