Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 12 tháng 12-1965 - “Hội nghị Diên Hồng” chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ và Bộ Chính trị (BCT) đã tập trung chuẩn bị các bước tiếp theo để thực hiện nhiệm vụ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bối cảnh Mỹ đang ráo riết thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam.
Tháng 1-1967, sau những thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam trong hai năm 1965-1966, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa III) đã ra Nghị quyết “Về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(2). Nhưng khi nào mở mặt trận ngoại giao thì còn phải tính tới thực lực của ta. Từ tháng 12-1945, Bác đã chỉ đạo: “Phải trông vào thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(3). Tháng 2-1967, Mỹ đã gửi thông điệp thương lượng “kẻ cả” với Hà Nội. Đáp lại, trong “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn” đăng trên báo Nhân Dân ngày 22-3-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”(4). Để tạo thực lực cho ngoại giao, Người cùng BCT xúc tiến kế hoạch mở một cuộc tiến công chiến lược ở chiến trường miền Nam “nhằm giáng cho chúng những đòn tiến công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh”(5).
Tháng 5-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội để báo cáo với BCT và Bác Hồ về kế hoạch Đông-Xuân 1967-1968. Sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất đột ngột (6-7-1967), BCT và Bác Hồ đã cử đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ vào làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân Giải phóng; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục chuẩn bị kế hoạch cho cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân năm 1968. Từ ngày 15 đến 20-8-1967, Đại hội bất thường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được tổ chức tại vùng căn cứ Tây Ninh. Đại hội đã thông qua “Cương lĩnh chính trị” làm cơ sở cho việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời khi thời cơ đến. Ngày 6-9-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN, khẳng định: “Đó là một Cương lĩnh đại đoàn kết toàn dân, một Cương lĩnh quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước”(6).
Tháng 9-1967, Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền tổ chức Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai. Trong thư gửi Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năm 1965, Đại hội Anh hùng miền Nam lần thứ nhất là Đại hội đánh thắng ‘chiến tranh đặc biệt’ của giặc Mỹ. Đại hội Anh hùng lần này là đại hội của những người sẽ đánh thắng ‘chiến tranh cục bộ’ của chúng”(7).
Ngày 10-11-1967, để chấn chỉnh tình hình nội bộ, khẳng định quyết tâm đánh Mỹ của toàn Đảng và toàn dân, tập trung sức chuẩn bị cho cuộc tiến công Xuân 68, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng. Pháp lệnh có 3 mục và 22 điều, quy định rõ những tội danh phản cách mạng và những nguyên tắc trừng trị đối với người phạm tội(8).
Ngày 28-12-1967, BCT đã họp ra Nghị quyết về “Tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam”, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Trong cuộc họp lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho chỉ huy các chiến trường: “Kế hoạch phải thật tỉ mỉ; hợp đồng phải thật ăn khớp; bí mật phải thật tuyệt đối; hành động phải thật kiên quyết; cán bộ phải thật gương mẫu”(9). Nghị quyết này của BCT sau đó được Hội nghị lần thứ 14 BCH Trung ương Đảng thông qua và trở thành Nghị quyết 14 BCH Trung ương khóa III tháng 1-1968. Nghị quyết chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định…”(10).
Ngày 1-1-1968, Bác Hồ gửi thơ chúc tết tới đồng bào và chiến sĩ cả nước:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!”
14 giờ 30 cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đồng chí trong BCT vào thăm. Người căn dặn một số công việc cần giải quyết trong thời gian tới. Tới 16 giờ, Người rời Hà Nội đi Trung Quốc chữa bệnh. Ra sân bay tiễn Người có các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và một số đồng chí lãnh đạo khác...(11).
Trước khi mở cuộc Tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 68, Bác Hồ đã muốn được vào miền Nam để động viên chiến sĩ và đồng bào. Trong thư “Gửi Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam” ngày 18-1-1968, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Các anh sắp bước vào giai đoạn chiến đấu chưa từng có trong cuộc chiến tranh giải phóng này. Đồng bào miền Nam đau khổ đã nhiều. Bác Hồ hết sức quan tâm theo dõi đợt chiến đấu sắp tới. Bác muốn đích thân vào miền Nam để động việc chiến sĩ, đồng bào; nhưng Bộ Chính trị đề nghị Bác chưa nên đi vì cần giữ gìn sức khỏe cho Bác. Tôi tha thiết mong rằng các đồng chí cùng chiến sĩ, đồng bào miền Nam sẽ đem hết tinh thần và lực lượng vào trận đánh chiến lược này, giành thắng lợi to lớn nhất để sớm đón Bác vào thăm”(12). Rạng ngày 31-1-1968, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền và Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN ra lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam. Trước giờ xuất kích, Quân ủy Miền ra Nhật lệnh, mở đầu bằng câu cuối trong Thơ chúc Tết của Bác: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”. Tại Sài Gòn, Quân giải phóng đã tiến công tất cả các cơ quan đầu não, các vị trí quan trọng của địch như Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài Phát thanh Sài Gòn v.v… Ở thành phố Huế, chỉ sau 4 ngày tấn công liên tục, ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu và làm chủ thành phố.
Ngày 4-2-1968, từ Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Điện chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN nhân chiến thắng vang dội của quân dân miền Nam đầu Xuân Mậu Thân 1968. Cuối bức điện, Người viết: “Quân địch như con thú dữ đến bước đường cùng càng giãy giụa điên cuồng, quân và dân ta càng phải tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu, đánh mạnh, đánh liên tục..., đồng bào, chiến sĩ cả nước ta một lòng, anh dũng và mưu trí, quyết chiến, quyết thắng, lại được cả phe xã hội chủ nghĩa và loài người tiến bộ đồng tình và ủng hộ, chúng ta nhất định toàn thắng”(13).
Cuối tháng 3-1968, Hội nghị lần thứ sáu (mở rộng) Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết về đánh giá đợt 1 và chủ trương mở đợt 2 Tổng tiến công và nổi dậy. Đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đại diện Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền được cử ra Hà Nội trực tiếp báo cáo và đề nghị cho phép mở tiếp đợt 2 tấn công vào Sài Gòn-Gia Định(14).
Mặc dù chưa đạt được kết quả như khả năng tốt nhất đã được BCT dự kiến, nhưng thắng lợi to lớn của đợt 1 đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của chúng trên chiến trường. Đêm 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã phải đơn phương tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt vai trò chiến đấu trực tiếp của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam, trao trách nhiệm cho quân đội Sài Gòn, ngừng mọi hành động không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và sẵn sàng cử đại diện đàm phán với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, Mỹ đã phải thừa nhận sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Đây là thời cơ để ta kéo Mỹ vào cục diện vừa đánh vừa đàm, nhưng để đàm phán thực sự thì vẫn còn quá sớm, nên BCT chủ trương ta chỉ tiếp xúc nói chuyện với Mỹ để xác nhận việc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, sau đó mới bàn tiếp các vấn đề liên quan. Theo chủ trương này, Chính phủ ta đã ra Tuyên bố ngày 3-4-1968 (15).
Ngày 22-4-1968 (chỉ một ngày sau khi từ Bắc Kinh về tới Hà Nội), Bác Hồ đã họp BCT, nghe báo cáo diễn biến toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 68. Người nhắc một số vấn đề sau:
“- Dùng lời trên báo phải cân nhắc.
- Trí thức thế giới ủng hộ ta ngày càng mạnh. Ta nên có lời cảm ơn...
- Họp Quốc hội ở Hà Nội có lợi hơn. Nên làm vào khoảng 10-5.
- Việc tiếp xúc với Mỹ phải chuẩn bị kỹ, nên hỏi kinh nghiệm Triều Tiên. Lấy anh Sáu (tức đồng chí Lê Đức Thọ) về tham gia đoàn, có thể làm cố vấn...”(16).
Ngày 24-4-1968, BCT họp, chấp thuận đề nghị mở tiếp cuộc tiến công đợt 2 của Trung ương Cục miền Nam và để phối hợp với mặt trận ngoại giao, BCT đã ra Nghị quyết về việc mở tiếp đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Đợt 2 được bắt đầu vào đêm 4 rạng 5-5-1968 và tám ngày sau, ngày 13-5-1968, phiên họp công khai đầu tiên giữa đoàn Mỹ với đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khai mạc tại Hội trường Kléber, Paris(17).
Ngày 10-6-1968, Hội nghị lần thứ 7 Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết nêu rõ những thắng lợi to lớn của đợt 2 tổng công kích-tổng khởi nghĩa, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra 4 nhược điểm chính là: tác chiến ở điểm nổi bật, nhưng diện không đạt yêu cầu; khởi nghĩa của quần chúng còn ì ạch; binh địch vận quá yếu; phát triển lực lượng chính trị, vũ trang, củng cố hậu phương còn kém(18).
Ngày 16-6-1968 (trước khi kết thúc đợt 2 hai ngày), Bác Hồ nghe đồng chí Phạm Hùng từ miền Nam ra báo cáo về tình hình miền Nam.
Ngày 23-6-1968, Bác Hồ họp BCT nghe báo cáo về tình hình quân sự ở miền Nam. Ngày 29-6-1968, Bác Hồ họp BCT nghe báo cáo tình hình quân sự ở Trị - Thiên. Phát biểu tại cuộc họp, Người khen: “Dân ta rất tốt, bộ đội anh dũng, cán bộ ta tận tụy và phê bình ‘Báo cáo còn nói ít đến khuyết điểm’”(19). Ngày 30-6-1968, Trung ương Cục miền Nam ra chủ trương mở đợt hoạt động tiến công mùa Thu (đợt 3)(20).
Ngày 13-7-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, khen ngợi quân và dân Trị - Thiên - Huế đã đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh. Cuối bức điện, Người viết:
“Nam Bắc một nhà, ra sức đánh giặc
Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(9)
Trong “Lời kêu gọi nhân ngày 20 tháng 7” năm 1968, Bác viết:
“Từ đầu Xuân 1968 đến nay, cuộc kháng chiến ở miền Nam tiến lên một thời kỳ mới: đồng bào và chiến sĩ miền Nam đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào các thành thị, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, làm rung chuyển nước Mỹ và chấn động năm châu…
Đồng bào và chiến sĩ miền Nam đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi dưới ngọn cờ vẻ vang của MTDTGP, nhất định sẽ chiến đấu mạnh mẽ hơn nữa, giành những thắng lợi vĩ đại hơn nữa”(21).
Cũng trong ngày 20-7-1968, Người đã tiếp đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ và ăn cơm với đồng chí Phạm Hùng, Lê Trọng Tấn, nhân hai đồng chí trở lại chiến trường miền Nam(22).
Tháng 8-1968, BCT họp quyết định mở tiếp đợt 3 tổng tiến công nhằm làm cho địch “thất bại trên chiến trường, thất bại ở các thành thị lớn và thất bại ở ngay nước Mỹ”(23). Ngay từ khi sắp kết thúc đợt 1 của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, ngày 10-3-1968 từ Bắc Kinh, Bác đã viết thư “Gửi chú Ba Duẩn”, trong đó đề cập tới việc “mở màn thứ ba”:
“Chú Duẩn thân mến,
Nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, chú có ý khuyên B. đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B. rất tán thành.
Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em.
Cách đi, B. sẽ làm công trên một chiếc tàu thủy. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ. Việc này B. tự thu xếp, dễ thôi.
Lúc đến anh em trỏng chỉ phụ trách đón khi tàu cặp bến Miên và đưa B. đến nhà anh Sáu, anh Bảy.
Ở lại. Tùy điều kiện mà quyết định: ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong một tháng, Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trỏng bàn định.
Có lẽ chú và đồng chí khác e rằng sức khỏe của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn.
Lịch trình đi thăm - cần mười ngày để chuẩn bị.
Vượt biển độ 6 ngày.
Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm.
Vậy nhờ chú tính ngày cho khớp, một mặt cho B. biết trước để chuẩn bị, một mặt cho anh em trỏng biết để chờ đón.
Để đảm bảo thật bí mật, chú chỉ bàn việc này với một số ít đồng chí trong B.C.T.
Mong chờ chú trả lời.
…
Trước khi đi Rumani, hai đồng chí Côn và Lành có ghé thăm Bắc Kinh và ở lại chơi mấy hôm, rất vui vẻ.
Sức khỏe của B. không ngừng tiến bộ, càng gần ngày ấm, càng tiến bộ hơn. Chúc chú và tất cả anh em mạnh khỏe.
Chào thân ái và quyết thắng
B.”(24)
Đợt 3 của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân mở màn ngày 17-8-1968. Bốn ngày sau, ngày 21-8-1968, tại Paris phía Mỹ đã ngỏ ý tiếp xúc cấp cao. Ta chấp nhận. Tới thời điểm này, hai bên đã có 18 phiên họp công khai và 4 cuộc tiếp xúc riêng cấp phó đoàn. Phía Mỹ vẫn “cò cưa” đòi “có đi có lại”, nhưng ta đề nghị Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc vô điều kiện thì mới đi vào bàn giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam(25).
Trong “Thư gửi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các lực lượng cách mạng thành phố Huế” tháng 8-1968, Bác động viên: “... Khi thắng lợi chớ kiêu căng, khi tạm thời có khó khăn, quyết không nản chí...”(26). Trong đợt ba, quân và dân ta tiến công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố, thị xã, 100 trị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự v.v... Trong “Thư khen đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam” ngày 8-9-1968, Bác viết: “Quân và dân miến Nam anh hùng nêu cao tinh thần liên tục tiến công, liên tục đánh thắng. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và chúc mừng Quốc khánh vừa qua đã giành thêm nhiều thắng lợi mới. Đã mở hàng trăm cuộc tiến công và nổi dậy ở khắp miền Nam và đã thu được nhiều thành tích vẻ vang”(27). Cũng trong ngày 8-9-1968, cuộc họp riêng cấp trưởng đoàn đã diễn ra tại nhà riêng của đoàn ta ở Paris.
Đợt 3 của cuộc Tổng tiến công kết thúc vào cuối tháng 9-1968. Mặc dù chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng cuộc tiến công chiến lược Mậu Thân 1968 đã đánh bại một bước rất quan trọng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, tạo ra cục diện mới cả trên chiến trường miền Nam và ở Mặt trận ngoại giao tại Paris, từ đó ta từng bước tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Để thay đổi cục diện chiến tranh trong cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 68 với tương quan lực lượng không cân sức, không có lợi cho ta, là một thách thức chiến lược rất lớn. “Lúc ấy về bộ binh ta chưa đầy 30 vạn trong toàn miền Nam, còn Mỹ-ngụy và chư hầu vượt quá một triệu hai trăm ngàn quân. Tỷ lệ gần một phần năm. Nhưng ngay về bộ binh thì các binh chủng hợp thành của ta cũng rất ít và đơn giản như công binh, pháo binh, thông tin, vận tải… Địch rất mạnh về binh chủng, có ưu thế tuyệt đối về hỏa lực và cơ động, về xe bọc thép và xe tăng, làm chủ hoàn toàn bầu trời, mặt sông, mặt biển, làm chủ đường bộ và các trung tâm dân cư. Đấy là chưa kể quân Mỹ trên Hạm đội 7, ở các căn cứ tại Nhật, Philippin và Thái Lan cũng tham gia vào chiến trận”(28).
Trong Tổng tiến công Mậu Thân, chỉ tính từ khi mở màn (31-1) tới ngày 20-3-1968, ta đã tiêu diệt được 147.000 tên địch trong đó có 43.000 tên Mỹ; làm đào ngũ và rã ngũ 20.000 quân ngụy; bắn rơi và phá hủy 2.370 máy bay; phá hủy 1.700 xe tăng và xe bọc thép, 350 pháo, 230 tàu xuồng...(29). Ngày 26-3-1968, phấn khởi trước thắng lợi to lớn này, từ Bắc Kinh, Bác Hồ đã đọc cho đồng chí thư ký chép bài thơ Không đề gửi một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng:
“Đã lâu chưa làm bài thơ nào,
Đến nay thử làm xem ra sao.
Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy,
Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao”(30).
Trong “Lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” ngày 3-11-1968, Bác khẳng định: “Trước những thắng lợi to lớn của quân và dân ta cả hai miền, nhất là ở miền Nam từ đầu xuân đến nay, ngày 1-11-1968, Chính phủ Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi.
Đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng, dưới ngọn cờ vẻ vang của MTDTGP, liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, kiên quyết tiến lên, giành lấy thắng lợi hoàn toàn”(31).
Đọc lại những trang biên niên tiểu sử những năm cuối của Bác Hồ, càng thấm thía câu nói của Người “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Bác đã cùng Trung ương Đảng và BCT trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo sát sao từng bước cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Người đã dự kiến trước được các tình huống và chủ động chỉ đạo kết hợp đánh với đàm. Tư tưởng của Người về ngoại giao thực lực vẫn là kim chỉ nam cho chúng ta hôm nay.
_____
(1) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2008, tr.746.
(2) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.28, NXB CTQG, HN, 2003, tr.171.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, NXB CTQG, HN, 2009, tr.126.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.232.
(5) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB Quân Đội Nhân Dân, HN, 2005, tr.185.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.286.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.292.
(8) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.10, 1967-1969, NXB CTQG, HN, 2009, tr.141-142.
(9) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.746.
(10) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.29, NXB CTQG, HN, 2004, tr.50.
(11) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.10, 1967-1969, NXB CTQG, HN, 2009, tr.161-162.
(12) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB QĐND, HN, 2005, tr.187-188.
(13) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.10, 1967-1969, NXB CTQG, HN, 2009, tr.180 (người viết in đậm).
(14) Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2010, tr.351-352.
(15) Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, HN, 2004, tr.514.
(16) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.10, 1967-1969, NXB CTQG, HN, 2009, tr.194.
(17) Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2010, tr.353.
(18) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.817.
(19) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.10, 1967-1969, NXB CTQG, HN, 2009, tr.227, 229.
(20) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.824.
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.372-373.
(22) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.10, 1967-1969, NXB CTQG, HN, 2009, tr.235.
(23) Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2010, tr.356.
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.337-338 (B. là Bác Hồ, anh em trỏng là anh em trong ấy, B.C.T là Bộ Chính trị, anh Sáu là đồng chí Lê Đức Thọ, anh Bảy là đồng chí Phạm Hùng) (người viết in đậm).
(25) Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, NXB CTQG, HN, 2004, tr.517.
(26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.383.
(27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.367.
(28) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Những mốc son lịch sử, NXB CTQG, HN, 2010, tr.146.
(29) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.768.
(30) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.10, 1967-1969, NXB CTQG, HN, 2009, tr.187-188.
(31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 1996, tr.407 (người viết in đậm).