Ca kịch bài chòi có nhiều điểm tương đồng với nghệ thuật Pansori của Hàn Quốc. Nghệ thuật Pansori từng bị mọi người quên lãng vì cho là lỗi thời, nhưng về sau Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định thành lập một Uỷ ban nghiên cứu sâu về bộ môn này, nhờ vậy được thế giới biết đến rộng rãi và thừa nhận đây là loại Đại ca kịch với một diễn viên. Ca kịch bài chòi của Việt Nam cũng không hề thua kém về mặt nghệ thuật, nhưng tiếc thay lại không có may mắn như Pansori.
Rủ nhau đi đánh bài chòi Để con nó khóc, mà lòi rún ra |
Chỉ qua hai câu ca dao bình dị nhưng chúng ta có thể thấy được niềm say mê bài chòi của dân lao động miền Nam Trung Bộ ngày xưa. Còn nhớ, khi lên bảy lên tám tuổi, Tết đến thì các bãi đất trống ở quê tôi rất đông vui; tôi thường được ông nội dắt đi chơi bài chòi, được ngồi vắt vẻo trên các chòi con, cùng đung đưa theo điệu hô của anh hiệu mà nghe sướng tai, nhìn thoả mắt và cười no nê… Hội đánh bài chòi rộn ràng từ làng trên đến xóm dưới… Những câu thai của anh hiệu rất sinh động, phản ánh muôn mặt đời sống thường ngày, là lời nói hộ của người dân về niềm vui - nỗi buồn, thế thái nhân tình, những giận hờn - khen chê hay trách móc - yêu thương…

Hội đánh bài chòi ở Hội An - Quảng Nam
Một hai bậu nói rằng không Dấu chân ai đứng bờ sông hai người (Tứ cẳng bốn chân) |
Đi đâu mang sách đi hoài Cử nhân không thấy, tú tài cũng không (Nhất trò) |
Chầu rầy đã có trăng non Để anh lên xuống có con em bồng (Bát Bồng)… |
Ngoài ra, bài chòi có một nét độc đáo là từ khi hình thành với hội đánh bài chòi, sau đó là bài chòi hát rong, bài chòi trải chiếu rồi đỉnh cao là ca kịch bài chòi thì các hình thức này cùng tồn tại để phục vụ đa dạng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân: trong chiến đấu, trong lao động sản xuất và sinh hoạt hội hè, lễ, tết… thể hiện tâm tư của người xưa, tuy mộc mạc, chân thành nhưng dạt dào tình cảm, với những lời thai, câu hát mang hơi thở cuộc sống.
Nhà thơ Thế Lữ từng nói: “Bài chòi biến đổi rất mau lẹ, trót lọt và có khả năng thích ứng với bất kỳ hoàn cảnh mới nào. Nếu nhạc điệu chèo, tuồng đã tiến đến trình độ điêu luyện mẫu mực, thì cũng chính vì thế mà chèo phải khó khăn lắm mới tìm cách tự biến đổi mình cho thích nghi với cuộc sống cách mạng”.
Khi phát triển thành Bài chòi hát rong, các ban hát đi khắp nơi để phục vụ nhân dân lao động và có khi theo thuyền buôn vào miền Nam. Trong kí ức những người cao niên còn lưu giữ: “Họ kể cho chúng tôi nghe đêm đảo chánh đã xảy ra như thế nào ở Qui Nhơn, ở ngoài Bắc, ở trong Nam. Riêng ở địa phương họ tỏ ra thông thuộc rõ ràng sự kiện như một phóng viên nhà nghề”.
Khi Bài chòi trải chiếu ra đời tương ứng với chèo chiếu, chèo sân đình ở miền Bắc. Lúc này, các anh hiệu không còn độc diễn và hát các câu ngắn nữa, mà chuyển sang những câu dài, chia vai nhau đến ai thì người đó hát, có khi kiêm luôn, vừa thay lời tác giả kể chuyện vừa đóng vai nhân vật.
Đến Ca kịch bài chòi là đỉnh cao nhất nhưng sân khấu cũng rất đơn giản chỉ một phông màn và “Điểm độc đáo nhất của ca kịch bài chòi là một diễn viên có thể thủ một lúc nhiều vai, cùng với vài nhạc cụ thô sơ phụ họa mà đủ sức lôi cuốn khán thính giả thích thú theo dõi. (Cách biểu diễn này ở châu Á chỉ có thể loại Pansori của Hàn Quốc với một diễn viên thủ nhiều vai cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, được sự phụ họa của một trống puk)” (GS Trần Văn Khê). Vở Thoại Khanh - Châu Tuấn của Đoàn Ca kịch bài chòi Liên Khu V được diễn trong 20 năm từ Nam chí Bắc, được nhân dân cả nước đón nhận nồng nhiệt, say mê.
Cũng như chèo, nghệ sĩ hát bài chòi từ địa vị hát tài tử tiến đến hát chuyên nghiệp cha truyền, con nối. Rồi từ đó những người mang nghiệp cầm ca phải rày đây mai đó, gắn bó với đoàn cả cuộc đời.
Nhưng bài chòi cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác ở nước ta cũng không nằm ngoài quy luật lụi tàn dần… Ngày nay, các vùng nông thôn cũng hiếm nơi nào còn hội đánh bài chòi vào dịp đầu xuân, các sân khấu hiếm khi diễn ca kịch bài chòi. Có một vài đoàn ở Bình Định, Khánh Hòa sống thoi thóp… nghệ sĩ phải từ từ bỏ sân khấu vì không sống được với nghề. Tiếc nuối cho loại hình văn hoá dân gian này, nhiều dự án, hội thảo, kiến nghị được đưa ra nhưng vẫn chưa có giải pháp nào thực sự khả thi, đưa bài chòi quay trở lại cuộc sống của nhân dân.
“Nghệ thuật Pansori của Hàn Quốc cũng từng bị mọi người quên lãng vì cho là lỗi thời, nhưng về sau tại Hàn Quốc đã thành lập một Uỷ ban nghiên cứu sâu về bộ môn này, nhờ vậy được thế giới biết đến rộng rãi và thừa nhận đây là loại Đại ca kịch với một diễn viên. Ca kịch bài chòi của chúng ta cũng không hề thua kém về mặt nghệ thuật, vậy mà tiếc thay lại không có may mắn như Pansori”. Đó cũng là sự tiếc nuối của GS Trần Văn Khê khi nhắc đến ca kịch bài chòi.

Nghệ sĩ hát Pansori (Hàn Quốc).
Pansori của Hàn Quốc đã thực sự sống lại sau khi bộ phim Seopyeonje - Cô gái hát Pansori (1993) của đạo diễn Im Kwon Teak trình chiếu, đã làm lay động hàng triệu người xem, đánh thức một làn sóng ý thức xã hội đối với nghệ thuật truyền thống. Đạo diễn Im Kwon Taek từng thổ lộ: “Tôi sẽ vẫn nói về tình yêu, tình yêu suốt cuộc đời của những người có Pansori chảy trong huyết mạch. Trong phim, Pansori là âm thanh của nhân dân, thứ âm thanh mà người ta dùng để biểu hiện tình yêu của mình với nhau, Pansori với tình yêu là một…”.
Gần đây, bài chòi đã được nhân dân đón nhận trở lại. Và hiện nay, hội đánh bài chòi được tái hiện trong không gian mới là các khu du lịch trong một số nhà hàng ở Quy Nhơn - Bình Định và trong khu phố cổ Hội An - Quảng Nam… Khôi phục vốn văn hóa dân gian là “món lạ”, thành sản phẩm du lịch thì nhiều nước trên thế giới đã làm và thành công.
Ca kịch bài chòi vẫn còn niềm hi vọng với những nghệ sĩ tâm huyết như Bích Vương. Gần 30 năm chị đứng trên sân khấu ca kịch bài chòi và liên tục đạt được giải thưởng qua các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Gần đây nhất là Huy chương Vàng với vai cô giáo Huệ trong vở Nước mắt người mẹ trẻ ở Hội diễn Tuồng - Dân ca năm 2005 tổ chức tại Nghệ An. Chị tâm sự: “Hoạt động sân khấu hôm nay có khó khăn do tác động nhiều mặt của cơ chế thị trường, bị các phương tiện nghe nhìn hiện đại chi phối, nhưng tôi tin khán giả sẽ quay trở lại với sân khấu, khi ấy người nghệ sĩ lại thăng hoa. Hạnh phúc của người nghệ sĩ là trung thành với nghề, yêu quý nghề, biết sống và chờ đợi”.
Nhưng một cánh én không làm nên mùa xuân nên bài chòi vẫn cần biết bao sự hỗ trợ của các cơ quan quản lí văn hóa nước nhà, để những nghệ sĩ tâm huyết như Bích Vương vẫn tiếp tục sống được với nghề và truyền nghề; bên cạnh đó là công tác sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn những câu thai giá trị. Vì qua câu thai, chúng ta có thể biết được văn hoá, lịch sử, địa lý, cuộc sống của cư dân một vùng đất…, đó là tài liệu vô giá dành cho các thế hệ hôm nay và mai sau.