Bài hát “Chị tôi” - từ một bài thơ hơn 20 năm tặng chị…

VƯƠNG TÂM

Hai chị em nhà văn - Họa sĩ Đoàn Lê và nữ sĩ Đoàn Thị Tảo hiện đang sống tại một nhà vườn ở phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Con ngõ nhỏ quanh co dẫn lối tới chân núi đầy hương thơm của rừng thông xanh mướt, bên bờ biển suốt ngày lộng gió…

Đoàn Lê - Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan

Ngày ấy, cô diễn viên trẻ trung, xinh đẹp Đoàn Lê ngày ngày khoác giá vẽ đi theo các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… để học những nét vẽ đầu tiên cùng với những kiến thức cơ bản về bố cục, màu sắc và hình tượng.


Họa sĩ Đoàn Lê

Với nhiều khát vọng trong nghệ thuật của tuổi 20, Đoàn Lê vừa viết văn, vừa biên kịch và sau này còn làm đạo diễn nữa, nhưng riêng với giá vẽ thì lại đeo đẳng một cách không thể cưỡng lại như một bản mệnh khó rời xa. Chính vì vậy mà sau bao thành tựu ở các lĩnh vực tiểu thuyết, điện ảnh, truyện ngắn, Đoàn Lê luôn luôn sống trọn vẹn với cuộc tình trong thế giới hội họa. Những năm sau này chị vẽ liên tục và tham gia trưng bày tranh tới bốn cuộc triển lãm là vì vậy.

Khi nghĩ tới một nhà văn Đoàn Lê là người đọc thường nhắc đến giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1990 với tiểu thuyết “Gia phả để lại”, hoặc gần đây nhất là giải thưởng tập truyện ngắn “Trinh tiết Xóm Chùa” năm 2005. Và khi nhắc đến một Đoàn Lê biên kịch điện ảnh, người xem không thể quên bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Còn Đoàn Lê hội hoạ ư? Đó dường như là một sự quay về với một Đoàn Lê trẻ trung dịu dàng của thời con gái vậy.

Hẳn thế, sự run rẩy của cảm xúc luôn luôn như mới bắt đầu mỗi khi Đoàn Lê cầm cây cọ để giải toả những ẩn ức trong tâm hồn mình. Nên, mỗi bức tranh của chị là một ẩn dụ, thông qua hình tượng để bày tỏ những xúc động sâu thẳm trong con tim.

Có lẽ, trái tim thi sĩ đa cảm hiện lên qua màu sắc, đường nét và được chắt lọc bởi bố cục khá tiết chế. Ở đây, trong cõi sắc màu này, cái thuở dậy thì thơ ca cách đây nửa thế kỷ với bài thơ “Bói hoa” của nữ sĩ Đoàn Lê đã trở lại. Vì thế chăng mà đứng trước các bức tranh về hoa của chị, tôi bỗng nhớ lại những câu thơ ngày ấy:

Ngày xưa em thơ ngây
Ngồi bói hồng mới nở
Đoán tình yêu sau này
Vẹn tròn hay dang dở…

Cái kiếp hoa ấy sau này nhập hồn vào giá vẽ của Đoàn Lê với các tên khác nhau như “Hoa Bèo”, “Hoa Lan Tiêu”, “Hoa Hồng”… Nhưng có thể nói, ngoài những đề tài tập trung về phụ nữ và phong cảnh, thì mảng tranh “Nuy” của Đoàn Lê có sức thu hút đặc biệt. Đây thật sự là một nét phá cách của một thân phận đầy gian truân, trần ai với cuộc sống mà Đoàn Lê đã trải nghiệm.

Tác phẩm mang tên “Một góc đàn ông”, với hình ảnh còn in dấu lờ mờ một con chó nằm gác hai chân lên đôi guốc mộc, phía sau là một cái “ba toong” không có điểm tựa như trượt rơi từ trên xuống, chông chênh. Thấy lạ, tôi tò mò hỏi, Đoàn Lê kể đó là ký ức của một chuyện tình buồn thuở xa xưa, một cuộc tình không tới, nhưng kỷ niệm của hai người không bao giờ nhạt phai. “Một góc đàn ông” mà Đoàn Lê đã gìn giữ để nhớ, để tôn thờ và sáng tạo ở nơi chân núi xa xôi kia. Ở đó có giàn nho đang trổ hoa với những cây cau quả vàng mà Đoàn Lê đang dành phần đời còn lại bên giá vẽ.

Đoàn Thị Tảo với bài thơ tặng chị…

Bài thơ “Cho một ngày chị sinh” của Đoàn Thị Tảo viết tặng cho chị gái Đoàn Lê của mình có duyên với nhạc sĩ Trọng Đài. Khi trở thành lời bài hát “Chị tôi”, câu thứ hai nhạc sĩ chỉ đổi một từ: Rụng bông gạo đỏ thành Rụng bông hoa gạo để cho dễ hát trong phim “Người Hà Nội” được chiếu quãng năm 1985.


Giếng Lan Tiêu, tranh của Đoàn Lê.

Vậy là bài thơ “Cho một ngày chị sinh” sau hai mươi năm ra đời, mới được hàng triệu người Việt Nam biết đến và thuộc lòng qua giọng hát đầy biểu cảm của ca sĩ Mỹ Linh. Nhà thơ Đoàn Thị Tảo viết bài thơ này lúc mới hai mươi tuổi. Viết tặng chị gái trong ngày sinh nhật nhưng thực sự những câu thơ ấy lại ám ảnh và đeo đuổi với chính tác giả trong cuộc sống lẻ bóng của mình cho đến nay:

Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan

Chính cái vận vào mình ấy mà những sự dang dở, lỡ làng đã làm nên một chân dung thơ Đoàn Thị Tảo nặng trĩu và đa cảm. Có lẽ, chị đã luôn luôn dằn vặt với chính mình:

Mải vui để lỡ chuyến đò
Ngẩn ngơ trách bến, oán bờ, giận sông

(Đề từ tập thơ “Lỡ”)

Nhà thơ luôn tự đi tìm mình trong cái bóng của chính mình khi đối diện với tình yêu. Rồi sự đổ vỡ, rồi nuối tiếc và cay đắng. Sự cô đơn, trống trải đến cuồng dại khi nhà thơ tự ví mình là Thị Mầu và Xúy Vân. Có đến hai lần nhà thơ gọi hồn và làm ma cho cái thì con gái của mình:

Bán cho tôi một xu vô tư
Nửa xu nụ cười
Tình một lá thư
Là ba xu chẵn

(Tôi - Thị Mầu - Xúy Vân)

Và rồi quay lại những chuyến đò lỡ làng của mình, Đoàn Thị Tảo tự than:

Cầm bằng như giấc ngủ say
Bao năm coi tựa một ngày tháng qua

(Lỡ 1)

Bởi lẽ một đời cứ:

Dùng dằng cau héo, trầu ôi
Chợ trưa quán vắng trách người dửng dưng

(Lỡ 2)

Bởi thế tập thơ Lỡ (NXB Hội Nhà Văn năm 2001) mới ra đời bởi từ cái lẽ:

Cái duyên giá những bao đồng
Bán đi thì tiếc, cho không ngậm ngùi

Tảo thương người chị, một hồng nhan bạc phận, nhưng cũng là thương chính mình khi thắc thỏm: Có ai đi tìm tôi? Rồi nhà thơ lại tựa vào những ký ức tuổi thơ của hai chị em để sống một cách khép kín. Tảo ít khi ra khỏi nhà là vì vậy. Tảo chơi với những kỷ niệm, tiếc những bông hoa bưởi chị đánh rơi trên đường gồ ghề xa xôi.

Và đến nay, hai chị em vẫn cùng chơi với những bông hoa bưởi nhặt về tự ngày nào khi đã bước sang tuổi 60. Vậy là cách đây hơn hai mươi năm, những kỷ niệm ấy đã gọi chị về ở ẩn với em, sống với rừng thông xanh biếc bên bờ sóng biển xanh. Chính vì vậy, sau này Tảo đã có thêm những bài thơ về chị.


Hoa Bèo, tranh của Đoàn Lê.

“Chị tôi bây giờ” mà Tảo chép cho tôi có những câu thật buồn về thân phận và cũng như bài thơ “Cho một ngày chị sinh”, Tảo viết “Chị tôi bây giờ” cũng là tự vận về nỗi cô đơn của mình ở những câu kết:

Lên rừng, rừng lắm gai
Xuống bể, bể sóng lớn
Cả tin nhiều lận đận
Trừ dần mà vẫn sai

Vậy là hơn bốn mươi năm sau, hình ảnh chị lang thang cuối chiều nắng úa ấy lại nhập vào hồn mình và Tảo cũng chả biết đi đâu trong nỗi giận hờn bởi những cuộc tình vụt mất. Bởi vậy, Tảo đã có một chặng cuối của mình rằng:

Hoàng hôn giật mình
Quỹ đời tiêu gần hết
Chút thời gian còn loay hoay tổng kết
Thừa: Mồ hôi nước mắt
Thiếu: Hạnh phúc nụ cười

(Chặng cuối - 2006)