Bi kịch Albert Peter Dewey

Cách nay 70 năm, chiều ngày 26-9-1945, Albert Peter Dewey đã ngã xuống trên một con đường vắng ở ngoại ô Sài Gòn. Anh là quân nhân Mỹ đầu tiên chết và mất tích tại Việt Nam. Tuy nhiên, anh không nằm trong số hơn 58 nghìn binh sĩ Mỹ có tên khắc trên bức tường đá hoa cương màu đen ở Washington, D.C. vì anh không dính dáng gì đến cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam trong những thập niên sau đó.

Dù vậy, trong 70 năm qua, vì thiếu thông tin, nên vẫn tồn tại nhiều ngộ nhận về anh.

Trong cuốn Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Khó có những nhận định đúng đắn về một cuộc chiến tranh nếu chỉ nhìn từ một phía”. Trong bài này, chúng tôi xin cung cấp cho bạn đọc cái nhìn từ hai phía.

Mỗi năm bị bắn một lần

Cái chết của Albert Peter Dewey được các nhà chép sử nước ta mô tả như sau (trong các đoạn trích dẫn làm ví dụ dưới đây, chúng tôi xin chép lại đúng nguyên văn, kể cả những chi tiết không chính xác về họ tên, ngày giờ, cấp bậc…):

“Ngày 28 tháng 9, một chiếc xe jeep chở 2 sĩ quan địch từ cầu Kiệu theo đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng) lên Gò Vấp để dò xét tình hình. Đến hẻm Cây Dương ngang chùa Bà Chúa, cách ngã ba Chú Ía vài trăm mét, xe lọt vào trận địa phục kích của ta. Du kích đã bắn chết tên sĩ quan da trắng và bắt sống tên sĩ quan Nhật.

[Chú thích cuối trang] Ngay hôm sau, báo chí địch ở Sài Gòn đưa tin: Người bị giết là đại tá Mỹ Peter Dewey. Dewey là cháu viên thống đốc Dewey bang New York, là cố vấn tình báo cho Pháp và Đồng minh. Đó là tên sĩ quan cao cấp Mỹ đầu tiên bị giết chết ở Việt Nam”.

(Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến 1945-1975, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.52)

“Chiều ngày 28 tháng 9 năm 1945, khoảng bốn giờ chiều, một chiếc xe jeep từ Phú Nhuận chạy vào Gò Vấp. Ngồi trên xe là một tên sĩ quan to lớn, đeo ống nhòm quan sát. Đến ngã ba Chú Ía thì đụng phải một tiểu đội du kích đang phục kích. Du kích ta nổ súng. Tên sĩ quan ngã gục trên xe, tên lái xe dừng lại, nhảy xuống xe và chạy trốn. Du kích ta không quan tâm đến tên lái xe người Việt mà lo thu chiến lợi phẩm… Anh em du kích được lệnh đem xác tên giặc chôn trong xóm gần bên đường.

Trận đánh diễn ra nhanh gọn. Một loạt súng giết được một tên sĩ quan của địch, thu được một xe jeep và một khẩu súng lục… Hai hôm sau, báo chí Sài Gòn đưa tin đại tá Dewey, bang New York (Mỹ), con trai của thống tướng Dewey, bị mất tích… Chỉ bằng mấy phát súng, du kích Gia Định đã diệt được một tên đại tá Mỹ. Có lẽ đây là tên Mỹ đầu tiên bỏ mạng ở Việt Nam… Đây là một trận đánh nhỏ trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, nhưng tiếng vang của nó, ảnh hưởng của nó như một trận đánh lớn, một chiến dịch lớn của quân đội chính quy, nó được lưu truyền như một huyền thoại trong cuộc kháng chiến trên đất Gia Định”.

(Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định 1945-1954, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003, tr.43-45)

ALBERT PETER DEWEY

• Sinh năm 1916 tại Chicago, bang Illinois, Mỹ.

• Con của ông Charles Schuveldt Dewey (1880-1980, từng làm trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nghị sĩ bang Illinois) và bà Marie Suzette de Marigny Hall (1886-1957).

• Cháu họ của ông Thomas E. Dewey (thống đốc bang New York, hai lần ra tranh chức tổng thống Mỹ (1944 và 1948) nhưng đều thất cử).

• Học tại Thụy Sĩ, bang New Hampshire, Đại học Yale, Đại học Virginia; nói tiếng Pháp trôi chảy.

• 1939: phóng viên báo Chicago Daily News tại Paris, Pháp.

• Trong thế chiến 2, làm sĩ quan tình báo ở châu Phi và Trung Đông. Từ 1943, hoạt động cho tổ chức tình báo Mỹ OSS ở Pháp (lúc đó bị Đức chiếm đóng).

• Năm 1945, được cử sang Sài Gòn cầm đầu Phân đội OSS số 404 để thực hiện Dự án Embankment (cấp bậc thiếu tá).

• Chết ngày 26-9-1945 ở Sài Gòn, hưởng dương 29 tuổi.

• Được truy thăng trung tá.

Vì được xem như “chiến công” đầu tiên của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ nên mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm “Mùa thu rồi, ngày hăm ba…”, các nhà báo lại đem Albert Peter Dewey ra “bắn” một lần nữa trên mặt báo. Chẳng hạn, trên một tờ báo xuất bản ở TP.Hồ Chí Minh ngày 22-9-2009, một tác giả viết:

“Chiều 28-9, ta phục kích ở ngã ba Chú Ía, bắn chết tên đại tá Mỹ Peter Decwey (…). Đại tá Peter Decwey là cố vấn tình báo cho Pháp và Đồng minh”.

Sự thật có phải như thế không? Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc câu trả lời ở phần cuối bài viết này. Nhưng trước hết, cần tìm hiểu Dewey là ai và sang Việt Nam làm gì?

Trong thế chiến 2, 214 quân nhân Mỹ bị phát xít Nhật giam giữ trong hai trại tù binh ở vùng Sài Gòn. Trong số đó, chỉ có 8 người là phi công bị bắn rơi trên bầu trời Đông Dương, số còn lại bị bắt ở Indonesia. Họ từng bị đưa sang Miến Điện (nay là Myanmar) để làm một đường xe lửa trên cây cầu bắc qua sông Kwai. Câu chuyện khổ sai của họ được nhiều người biết đến nhờ bộ phim và bản nhạc nổi tiếng Cầu sông Kwai (The Bridge on the River Kwai).

Vào lúc chiến tranh gần kết thúc, tổ chức tình báo Mỹ OSS(1) giao cho Phân đội số 404 (Detachment 404) sang Nam Bộ thực hiện “Dự án Đường đê” (Project Embankment) nhằm tổ chức hồi hương tù binh Mỹ, tìm mồ mả những người đã chết, bảo vệ tài sản của kiều dân Mỹ, điều tra tội ác chiến tranh của Nhật, tìm hiểu tình hình chính trị ở đó... Thiếu tá Albert Peter Dewey được chỉ định cầm đầu phân đội đó.

Ngày 4-9, Dewey và phân đội đến Sài Gòn. Trong hai ngày sau đó, Dewey tổ chức đưa 214 tù binh về nước trên 7 chiếc máy bay DC3.

Sau đó, Dewey cùng phân đội rời khách sạn Continental, đến ở trong biệt thự Ferrier tại rìa phía nam của một sân golf (nay là công viên Gia Định).

Đứng về phía Việt Nam

Để nắm tình hình chính trị ở Nam Bộ, Dewey thường gặp gỡ trao đổi với các thành viên của Ủy ban nhân dân Nam Bộ, đặc biệt là với Chủ tịch - Tiến sĩ luật khoa Phạm Văn Bạch và Ủy trưởng ngoại giao - bác sĩ y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ủy ban nhân dân Nam Bộ “đề nghị OSS chuyển lời thỉnh cầu của họ đến tổng thống Harry Truman để có được sự ủng hộ tinh thần của Washington”(2). Qua những trí thức yêu nước này, Dewey biết được quá trình đấu tranh cam go của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và phát xít Nhật trong những năm đầu của thập niên 1940. Anh có cảm tình với công cuộc bảo vệ nền độc lập mà người Việt Nam mới giành được. Tiến sĩ Arthur J. Dommen viết: “Theo như thuật lại, Dewey đã thảo luận với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch về việc Mỹ ủng hộ sự nghiệp của Việt Minh. Một sĩ quan OSS - trở về Washington vào đầu tháng 12 [năm 1945] - nói rằng Dewey có kế hoạch đưa bác sĩ Thạch bí mật sang Washington… Các báo cáo khác nói đến việc Dewey hứa [cung cấp] vũ khí cho Việt Minh(3).

Theo nghị quyết của Hội nghị Potsdam, Anh và Trung Hoa dân quốc đưa quân vào phía nam và phía bắc vĩ tuyến 16 của Đông Dương để giải giới và hồi hương quân Nhật.

Đúng như nhận xét của Thiếu tá Archimedes L.A. Patti, trưởng nhóm OSS ở Hà Nội, “trong Nam, người Anh lo đập tan chính quyền của Việt Minh và dọn đường cho Pháp tái chiếm [Việt Nam] hơn là theo đuổi sứ mệnh được tuyên bố”(4).

Ngày 6-9-1945, những người lính Anh đầu tiên đến Sài Gòn. Sáu ngày sau, Anh cho phép một đại đội lính Pháp (mặc quân phục của Anh) trà trộn trong một tiểu đoàn lính Anh - Ấn(5) tới Sài Gòn.

Ngày 13-9, Thiếu tướng Douglas D. Gracey cùng các sĩ quan trong Bộ tham mưu quân Anh ở nam Đông Dương, tới Sài Gòn.

Mặc dù sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Ủy ban nhân dân Nam Bộ là chính quyền duy nhất đang quản lý toàn thể Nam Bộ về mọi mặt, nhưng Gracey không công nhận thực tế đó. Lúc Gracey từ máy bay bước xuống, “các đại biểu Việt Minh bắt đầu tiến tới để nói chuyện [thì] Gracey lại hướng về phía các sĩ quan cao cấp Nhật”. Sau đó, “cả các sĩ quan lẫn binh lính Anh đều không muốn quan hệ với người Việt Nam”, họ chỉ “muốn bàn bạc với người Nhật”(6).

Gracey tạo mọi điều kiện thuận lợi để Pháp lật đổ chính quyền Việt Nam ở Nam Bộ.

“Chỉ vài giờ sau khi xuống máy bay, Gracey ra lệnh cho người Nhật tước vũ khí người Việt Nam, trục xuất Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra khỏi Dinh thống đốc [nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh] ở Sài Gòn”(7).

Ngày 20-9, Gracey đóng cửa tất cả các tờ báo tiếng Việt, chỉ để báo chí tiếng Pháp và Đài Phát thanh Sài Gòn (do Pháp quản lý) hoạt động.

Ngày 21-9, Gracey thiết quân luật ở Sài Gòn, ra lệnh giới nghiêm ban đêm, cấm người Việt Nam hội họp, biểu tình, mang vũ khí (kể cả gậy tầm vông), lập Tòa án quân sự để xét xử các vụ vi phạm trật tự an ninh, dọa xử tử hình bất cứ ai phạm tội phá hoại, cướp bóc v.v…

Ngày 22-9, Gracey thả 1.400 tù binh Pháp (bị Nhật giam trong trại 11è RIC ở Sài Gòn từ ngày đảo chính 9-3-1945) và trang bị súng đạn cho chúng. Như bầy thú sổng chuồng, chúng “đổ về khu trung tâm Sài Gòn, tấn công những người Việt Nam vô tội mà chúng gặp trên đường”(8).

Trước những việc làm sai trái của Gracey, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Tổng thống Mỹ Truman “phản đối mạnh mẽ” các biện pháp mà Chủ tịch cho là “vi phạm rõ ràng đến những quyền tự nhiên của người Việt Nam” và đề nghị Tổng thống Mỹ “can thiệp để nhà chức trách Anh bãi bỏ các biện pháp đó”. Ủy ban nhân dân Nam Bộ cũng ra tuyên bố “lên án Anh đã từ chối công nhận ủy ban là chính quyền hợp pháp duy nhất ở Nam Bộ và phớt lờ đề nghị của ủy ban thu xếp hợp tác để quản lý miền đất này”. Ủy ban kêu gọi dân chúng tổ chức một cuộc tổng bãi công để “phản đối điều mà ủy ban xem là một âm mưu của Pháp và Anh nhằm lật đổ chính quyền của người Việt Nam”. Sáng 18-9, ủy ban gửi cho Phái bộ Đồng minh ở Hà Nội một văn thư khẳng định “nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, người Việt Nam có quyền quyết định vận mệnh của mình”(9).

Tối 18-9, Dewey gặp các thành viên chủ chốt của ủy ban. Ngoài Phạm Văn Bạch và Phạm Ngọc Thạch, còn có Phó chủ tịch kiêm Ủy trưởng quân sự Trần Văn Giàu, Tổng thư ký kiêm Ủy trưởng nội vụ Nguyễn Văn Tạo và Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc (tức Công an Nam Bộ) Dương Bạch Mai.

Gracey “coi việc Dewey gặp gỡ các nhóm người Việt là hành động ủng hộ ngầm cho các hành động của người Việt Nam và gây ra rắc rối”(10). Ông ta yêu cầu Dewey “ngưng giao thiệp với bọn phiến loạn”(11). Dewey phải nhờ George Wickes thay mình đi gặp các nhà cách mạng Việt Nam.

Wickes lúc đó mới 22 tuổi, biết tiếng Pháp và một ít tiếng Việt, là nhân viên mật mã của phân đội (sau này, làm giáo sư văn học Anh tại Đại học Oregon, Mỹ).

Wickes nhớ lại: “Dewey không thể gặp người Việt Nam mà không bị [người Anh và người Pháp] theo dõi. Vì vậy, nhiều lần anh nhờ tôi đi gặp họ vào buổi tối. Đường sá tối tăm, còn nhiều cựu tù binh lang thang đây đó và tôi ăn mặc giống như họ để tránh bị chú ý. Tôi đến một ngôi nhà nằm trên một con đường yên tĩnh. Ở đó, tôi gặp 3 hay 4 người trong chừng 2 tiếng đồng hồ. Rõ ràng họ là những người dấn thân vào công cuộc giải phóng đất nước… Tôi biết họ là những lãnh tụ của phong trào độc lập. Họ muốn chúng tôi làm cho [chính phủ] Washington biết rằng nhân dân Việt Nam quyết tâm giành độc lập từ tay Pháp”.

Wickes cho biết: “Ba tháng sau, tôi biết rằng người Pháp ra giá cho cái đầu của tôi, mặc dù trong thực tế họ gán tên tôi vào cái đầu của Dewey. Theo mô tả, đó là một người bắt đầu hói, có râu mép, thấp hơn tôi 6 inches [khoảng 1 tấc rưỡi]. Rõ ràng đó là Peter Dewey và lý do duy nhất khiến tên tôi bị dính dáng vào là vì một người nào đó hẳn đã nghe nói tới những buổi họp giữa tôi và những người Việt Nam trong phong trào độc lập”(12).

Với sự đồng lõa của tướng Gracey, trong đêm 22 rạng 23-9, Đại tá Jean Cédile, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Nam Bộ, đã điều động quân Pháp ngay trong giờ giới nghiêm để bất ngờ đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ (nay là trụ sở UBND TP.Hồ Chí Minh), Quốc gia tự vệ cuộc, Bưu điện, Kho bạc v.v…

Ủy ban kháng chiến Nam Bộ chủ trương “ngoài vây, trong đánh”: đưa lực lượng vũ trang ra giữ ngoại thành và không cho quân Pháp đánh nống, đêm đêm đột nhập vào nội thành để tổ chức các cuộc tập kích bất ngờ; chợ búa, nhà máy… đều đóng cửa, bao vây quân địch trong một thành phố “3 không”: không điện - không nước máy - không lương thực thực phẩm.

Một sĩ quan OSS tường thuật: Người Pháp hành động “như một bọn người dã man đang trong cơn giận dữ. Chúng tụ tập thành nhóm 3, 4, 6 người hay nhiều hơn nữa, đi lang thang trên đường phố Sài Gòn tìm người Việt Nam. Chúng gặp nhiều người Việt Nam còn chưa hay biết vụ tấn công [trong đêm 22 rạng 23-9] và đánh đập họ một cách dã man bằng tay hay bằng gậy gộc… Chúng không miễn trừ một ai: đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, ngay cả trẻ em cũng bị đấm, đá. Phần lớn những nạn nhân này đều bị đánh một cách dữ dội, một số bị thương tật suốt đời. Thường thường, sau khi bị đánh, các nạn nhân này bị tống lên xe và chở tới nhà tù gần nhất chỉ vì họ là người Việt Nam. Một số bị các vết thương sâu và chảy máu, bị bỏ nằm ngoài đường. Ước tính một cách thận trọng, con số nạn nhân lên tới nhiều trăm và có thể tới cả hàng nghìn người”(13).

Lấy tư cách là người Mỹ có cấp bậc cao nhất ở Sài Gòn, Dewey đến gặp tướng Gracey “để phản đối cách cư xử của người Pháp và sự thông đồng của người Anh”(14), nhưng Gracey từ chối tiếp anh. Anh trút hết sự phẫn nộ lên các sĩ quan cao cấp trong Bộ tham mưu của Gracey. Anh cũng đi gặp Cédile. Cédile trả lời một cách ngang bướng rằng “đây không phải là việc của anh và rõ ràng người Mỹ đáng bị khiển trách về tình trạng này”(15).

Một lệnh cấm tai hại

Trong báo cáo gửi lên cấp trên ngày 24-9, Dewey nhận định: “Nam Bộ đang bùng cháy. Người Pháp và người Anh sẽ bị kết liễu nơi đây và chúng ta [người Mỹ] cũng sẽ phải rời khỏi Đông Nam Á”(16). Nhận định mang tính dự báo này của Dewey đã được chứng minh trong mấy thập niên sau đó.

Đây là báo cáo cuối cùng của Dewey vì cùng ngày hôm đó, Gracey tuyên bố Dewey là “người không được chấp nhận” (persona non grata) và yêu cầu anh rời khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt. Nói một cách khác, Dewey bị trục xuất. Wickes nhận xét: “Rõ ràng Dewey bị xem là người không được chấp nhận vì anh có cảm tình với chính nghĩa của người Việt Nam”(17).

Không hiểu nhằm dụng ý gì, Gracey cấm Dewey và các cộng sự của anh cắm cờ Mỹ trên xe. Theo ông ta, chỉ sĩ quan cấp tướng mới được quyền treo cờ. Dewey phản đối, lấy lý do “công việc của mình rất cần cắm cờ Mỹ”, nhưng Gracey trả lời: “Công việc của anh không buộc anh tới những nơi mà anh thấy cần thiết phải tìm kiếm sự bảo vệ dưới lá cờ Mỹ”(18). Chúng ta sẽ thấy lệnh cấm này của Gracey dẫn tới hậu quả tàn khốc như thế nào!

Sáng 26-9, từ biệt thự Ferrier, Dewey lái xe ra sân bay Tân Sơn Nhất để đáp chuyến bay 9 giờ rưỡi đi Kandy. Đi tiễn Dewey có đại úy Herbert J. Bluechel. Đến nơi, họ được biết chuyến bay bị hoãn tới trưa. Theo Wickes, lý do là vì đêm hôm trước, viên phi công say xỉn đến độ không thể làm việc theo giờ giấc đã định.

11 giờ, Dewey và Bluechel vào Bệnh viện dã chiến số 75 để thăm đại úy Joseph R. Coolidge, một thành viên của phân đội. Hôm qua, trên đường từ Đà Lạt về lại Sài Gòn, Coolidge và những người cùng đi với anh gặp một hàng rào chắn ngang đường do du kích Việt Nam lập ra để không cho quân Pháp qua lại. Họ xuống xe để tháo dỡ rào chắn. Theo Coolidge kể lại, “tất cả đều nói tiếng Pháp” khiến “du kích Việt Nam tưởng nhầm họ là người Pháp”(19). Coolidge bị thương ở cổ khá nặng nhưng không đến nỗi nguy hiểm tới tính mạng. Đây là một kinh nghiệm quan trọng, nhưng lúc đó Dewey không để ý.

12 giờ 15, Dewey và Bluechel ra lại sân bay. Máy bay từ Kandy vẫn chưa tới nên chuyến đi lại tiếp tục hoãn đến chiều. Hai người đành trở về biệt thự Ferrier để ăn trưa.
Dewey qua lại con đường này nhiều lần (lần gần nhất là sáng nay) nên anh cảm thấy cảnh vật hai bên đường rất thân quen.

Khi còn cách biệt thự Ferrier khoảng 500m, Dewey thấy 3 thân cây đặt chắn ngang đường. Anh lái xe chậm lại. Anh thoáng thấy bóng người núp cách đường không xa. Anh đưa nắm tay lên chào họ và nói lớn bằng tiếng Pháp “Je suis Américain” (Tôi là người Mỹ)(20). Anh quên câu chuyện mà Coolidge vừa kể trưa nay. Thật tai hại. “Có thể vì anh nói tiếng Pháp nên bị nhận lầm là người Pháp”(21). Một viên đạn trúng đầu, Dewey gục chết trên tay lái. Chiếc xe tiếp tục chạy, đụng phải lề đường và lật nghiêng. Bluechel chỉ bị thương nhẹ, cố về tới biệt thự Ferrier.

Ai đã bắn Dewey? Trong bối cảnh cực kỳ rối ren ở Sài Gòn lúc đó với nhiều quân đội (Việt Nam, Anh - Ấn, Pháp, Nhật) đóng xen kẽ với nhau, thật không dễ tìm được câu trả lời ngay.

Một số người Mỹ cho rằng Anh và Pháp là thủ phạm. George Wickes đã cho biết người Pháp từng ra giá cho cái đầu của Dewey. Còn người Anh thì đã trục xuất Dewey khỏi Sài Gòn. Khi hay tin Dewey chết, Gracey buột miệng nói ra một suy nghĩ thầm kín: “Thật đáng đời cho Dewey”(22). Theo Patti, cái chết của Dewey khiến “một ít người Mỹ nghi rằng tổ chức tình báo SOE của Anh âm mưu loại trừ sự cạnh tranh của OSS ở Đông Nam Á”(23).

Nhưng theo Bluechel - người có mặt tại chỗ - thì Dewey “bị phục kích và chết vì bị nhận lầm thuộc một quốc tịch không phải là Mỹ”(24). Patti đồng ý với nhận định đó: “Dựa trên những báo cáo của các nhân chứng đáng tin cậy, bằng cớ cho thấy đây là một trường hợp nhầm lẫn gây ra một phần do có thiếu sót trong việc nhận biết về quốc tịch”(25).

Nguồn gốc sâu xa của sự nhận nhầm này là lệnh cấm treo cờ Mỹ của Gracey. Wickes viết: “Dewey muốn treo cờ Mỹ trên xe jeep nhưng tướng Gracey cấm việc đó, nói rằng chỉ ông ta - với tư cách là tư lệnh - mới có quyền treo cờ. Vì thế người Việt Nam không thể biết đâu là xe jeep của người Mỹ, đâu là sĩ quan Mỹ. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã nhận lầm Dewey là người Pháp”(26). Bluechel đi xa hơn khi nêu ra giả thiết: “Nếu lúc sự cố xảy ra, xe jeep của Dewey có cắm cờ Mỹ thì tôi tin chắc rằng người ta đã không bắn. Cờ đã không được treo, theo chỉ thị bằng miệng của tướng Gracey”(27). Người viết bài này xin nêu thêm giả thiết thứ hai: nếu lúc đó Dewey nói lớn, không phải bằng tiếng Pháp, mà bằng tiếng Việt: “Tôi là người Mỹ” thì sẽ không có sự hiểu lầm nào.

Cái chết của Dewey mang lại nỗi buồn sâu sắc cho các thành viên Phân đội OSS số 404, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tình cảm của họ đối với người Việt Nam. Wickes viết: “Mặc dầu việc Dewey bị bắn có làm cho chúng tôi buồn bực, song tất cả chúng tôi ngày càng có cảm tình với người Việt Nam hơn. Chúng tôi không còn tiếp xúc với những người đại diện của phong trào độc lập [vì Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã rút ra ngoại thành] nhưng bọn thực dân Pháp mà chúng tôi gặp đã khiến chúng tôi ngày càng ủng hộ người Việt Nam hơn”(28).

Sau khi sự cố xảy ra, hai đại đội lính Anh - Ấn đến, nã đạn về phía các du kích. Họ rút lui trên xe jeep, mang theo thi thể của Dewey.

Ngay chiều hôm ấy, Đại úy Mỹ Frank M. White cùng một số người khác (trong đó có hai nhà báo William Downs và James McClincy) đến gặp một nhóm du kích Việt Nam để tìm xác của Dewey. Viên chỉ huy nhóm du kích, một thanh niên khoảng 30 tuổi, nói bằng tiếng Pháp rằng “nếu biết nạn nhân là người Mỹ thì anh sẽ không bao giờ cho phép những phát súng kia được bắn ra”(29). Anh hứa sẽ giúp tìm thi thể của Dewey.

Giữa lúc hai bên đang nói chuyện một cách thân thiện thì hai trung đội lính Anh - Ấn (do một thiếu tá Anh chỉ huy) “xuất hiện và nã đạn khiến nhiều dân thường Việt Nam chạy tán loạn phía trước họ… Hai phóng viên cố ngăn đội quân hùng hổ kia để họ tha cho dân thường Việt Nam vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn” nhưng “viên thiếu tá từ chối”(30). Cuộc trao đổi giữa hai bên phải ngưng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động khi hay tin Dewey chết. Ngày 29-9, Chủ tịch gửi cho Tổng thống Truman một thông điệp phân ưu(31).“Chủ tịch cũng chỉ thị việc đi tìm thi thể của Dewey”(32).

Trong bối cảnh chiến tranh cài răng lược ở Sài Gòn lúc đó, nỗ lực tìm xác Dewey của các bên liên quan đều không đem lại kết quả.

Anh của Dewey, Charles Dewey Jr., được gia đình cử sang Sài Gòn tìm xác em trai. Tuy không thành công nhưng gia đình Dewey rất cảm kích khi nhận được thư của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ông Thạch, lúc này đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhắc lại kỷ niệm của người quá cố với tình cảm quý mến: “Một nụ cười thân thiết sáng ngời luôn hiện trên khuôn mặt của Trung tá Dewey. Đó là ánh sáng sáng ngời trong tâm hồn một người hào hoa. Và từ sâu thẳm trái tim, anh ấy đã cố gắng để hiểu chúng tôi bằng trí thông minh và thái độ hết sức cảm thông đối với sự nghiệp của chúng tôi”(33). Ông lấy làm tiếc không gặp được Charles Dewey Jr. để trực tiếp nói lời chia buồn cùng gia đình Dewey.

Cha của Dewey viết thư cảm ơn bác sĩ Thạch, nhờ tướng John Magruder chuyển, nhưng viên tướng này không nhận lời, vì sợ Anh và Pháp “hiểu lầm”(34)...

Mùa hè năm 1946, hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở thăm nước Pháp, cha mẹ của Dewey sang Paris và được Chủ tịch tiếp ngày 5-7-1946.

Tưởng nhớ Dewey

Tháng 3-2005, con gái của Albert Peter Dewey, bà Nancy Dewey Hoppin, cùng chồng là Charles sang Việt Nam. Ngày 24-3, họ được ông Trần Văn Giàu, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nay là giáo sư sử học, tiếp. Trong số 5 người mà Dewey gặp đêm 18-9 sáu mươi năm về trước, ông là người duy nhất còn sống. Tuy đã ngót 95 tuổi, ông vẫn minh mẫn, còn nhớ khá kỹ nội dung một báo cáo mà ông nhận được 3 ngày sau khi Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Lúc đó, du kích tổ chức chặn một con đường ở ngã ba Chú Ía, khoảng giữa công viên Gia Định và bệnh viện 175 hiện nay, để không cho quân Pháp đánh nống ra ngoại thành. Tình cờ xe jeep của Dewey đi tới. Gặp du kích, anh lại nói tiếng Pháp khiến du kích nhầm tưởng anh là sĩ quan người Pháp. Một sự nhầm lẫn chết người.

Trước khi rời Việt Nam, trả lời câu hỏi “Bà có giận những người đã gây ra cái chết của cha bà?”, Nancy nói: “Không, đó chỉ là một sự hiểu lầm trong chiến tranh. Ai tham gia chiến tranh cũng có mất mát. Tôi không buộc tội ai cả… Cha tôi chỉ ở Sài Gòn vỏn vẹn 22 ngày và sau đó bị bắn, nhưng bức thư của bác sĩ Thạch đã khiến tôi tin rằng cha tôi đã để lại những tình cảm thật sự ấm áp” trong ký ức của những người Việt Nam(35).

Điều gì đã khiến Nancy trả lời với một tâm thế thanh thản như vậy? Đó là vì Nancy tin tưởng rằng người cha kính yêu của bà đã hành động như một người bạn chân thành của nhân dân Việt Nam. Bà có lý. Nếu Dewey không kiên quyết phản đối việc Pháp nổ súng tái chiếm Việt Nam ngày 23-9-1945 và chống cả hành động đồng lõa của Anh, thì chắc chắn tướng Gracey không có lý do nào để ra lệnh trục xuất anh khỏi Sài Gòn và anh sẽ không chết trên đường từ sân bay về nhà 3 ngày sau đó.

Trong một thời gian dài, do thông tin bị nhiễu, cái chết của người thanh niên 29 tuổi có tinh thần chống chủ nghĩa thực dân ấy đã bị giải thích một cách sai lệch. Ngày nay, dưới ánh sáng của nhiều tư liệu có độ tin cậy cao, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận: nguyên nhân sâu xa dẫn tới cái chết của anh chính là việc anh đã nhiệt tình ủng hộ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đang đấu tranh chống xâm lược.

Anh là một trong những người Mỹ đầu tiên sau thế chiến 2 đứng về phía dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến bảo vệ Độc lập và Thống nhất. Sau anh có Norman Morrison đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam, có mục sư – tiến sĩ Martin Luther King Jr. bị bọn hiếu chiến ám sát vì đã đấu tranh cho Hòa bình, và còn có nhiều người Mỹ chân chính khác đã chết vì Việt Nam… Trong bức thư đề ngày 17-11-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi họ là những “chiến sĩ hòa bình”, những “liệt sĩ”(36). Sau ngày đất nước hòa bình, thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên Norman Morrison và Martin Luther King Jr. đặt cho hai con đường khang trang ở quận 7. Đó là một quyết định đúng đắn, thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.

Đối với Dewey mà thi thể vẫn còn nằm lại ở một nơi nào đó của thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đề nghị: nhân ngày giỗ lần thứ 70 của anh (tháng 9-2015), thành phố Hồ Chí Minh đặt tên anh cho con đường (chưa có tên) nối liền hai đường Nguyễn Kiệm và Hoàng Minh Giám (bên cạnh siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm) vì đường này gần địa điểm anh ngã xuống năm xưa.

Việc đặt tên đường Albert Peter Dewey mang nhiều ý nghĩa. Trước hết nó xóa đi những nhận định chưa chính xác bấy lâu nay về sự việc xảy ra ngày 26-9-1945. Nó khẳng định sự ghi nhận của nhân dân ta đối với một người Mỹ từng lên tiếng rất sớm ủng hộ Việt Nam ngay từ khi cuộc kháng chiến mới vừa bắt đầu. Nó sẽ góp phần làm cho hai dân tộc ở hai bên bờ Thái Bình Dương hiểu biết nhau hơn và xích lại gần nhau hơn trong sự nghiệp vì Hòa bình và Tiến bộ trên trái đất.

Cái chết oan uổng của Dewey là một bi kịch. Vở kịch nào cũng có lúc cần kết thúc. Riêng bi kịch thì kết thúc càng sớm càng tốt.

 

_______________

(1) OSS (viết tắt của Office of Strategic Services, Cục phục vụ chiến lược) thành lập năm 1942, là tổ chức tình báo tiền thân của cơ quan tình báo trung ương CIA (Central Intelligence Agency) hiện nay.

(2), (6) , (10), (12), (19), (30), (33), (34) Dixee R. Bartholomew – Feis, OSS và Hồ Chí Minh (bản dịch của Lương Lê Giang), NXB Thế Giới, Hà Nội, 2007.

(3) Arthur J. Dommen, The Indochinese Experience of the French and the Americans, Indiana University Press xuất bản, Bloomington, 2001.

(4), (8), (9), (11), (13), (14), (15), (16), (18), (24), (25), (27) Archimedes L.A. Patti, Why Viet Nam?, University of California Press xuất bản, Berkeley – Los Angeles – London, 1980.

(5) Vào năm 1945, Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh.

(7), (17), (26), (28) http://arlingtoncemetery.net

(20) Ellen J. Hammer, The Struggle for Indochina, Stanford University Press xuất bản, California, 1954.

(21) http://vietnamgear.com

(22) James S. Olson & Randy Roberts, Where the Domino Fell – America and Vietnam, 1945 to 1995, NXB Brandywine Press, New York, 1999.

(31), (35) http://vietbao.vn

(32) http://osssociety.org

(36) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1996, Tập XI.

TS PHAN VĂN HOÀNG