Biển đảo

Nước ta là một bán đảo trên biển, một nước có ưu thế rất lớn về biển. Nhưng do từ xa xưa, kinh tế lạc hậu, lại nằm trong phương thức sản xuất châu Á, nên ta chưa khai thác, chưa thấy hết tiềm năng vô tận của biển. Việt Nam lúc đó chủ yếu là nước nông nghiệp, sống theo làng, ít dám ra biển. Đánh cá chỉ mới đánh ven bờ, bè mảng.

Thời ta đánh Pháp là đánh trên bộ, trên núi rừng, biển nó chiếm, tàu của nó hiện đại. Mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chở vũ khí vào Nam để chi viện chiến trường chống Mỹ, là một kỳ công thế kỷ. Lúc đó, ta dồn sức giải phóng miền Nam, hải quân của ta đã góp phần vào bắn rơi máy bay Mỹ và chi viện miền Nam, bảo vệ miền Bắc (ta hãy nhớ vụ tàu Ma đốc 1965 xâm nhập biển ta khiêu khích và bị ta đánh - sự kiện vịnh Bắc Bộ). Ta cũng chậm về nghiên cứu biển (chậm so với Trung Quốc ít nhất cũng 50 năm). Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của ta, lúc đó do quân đội chính quyền Sài Gòn trấn giữ. Năm 1975, ta nhanh chóng kịp thời đem hải quân ra giải phóng Trường Sa ngay trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nguồn lợi biển rất lớn. Đó là đường vận chuyển chiến lược của nhiều quốc gia và họ giành quyền bảo vệ cái quyền đó trên lãnh hải quốc tế (vụ va chạm trên biển của các tàu Mỹ - Trung Quốc vừa qua). Đó là dầu mỏ, tôm cá, khoáng sản… Ta phải có ý thức sâu sắc bảo vệ và khai thác tốt tiềm năng biển. Ta phải trở thành một quốc gia đi biển, giao thương đường biển, đóng tàu, sửa chữa tàu biển, giao thông biển, khai thác biển, làm chủ biển. Đó là nhiệm vụ lịch sử - nhiệm vụ chiến lược của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử dài để đưa nước ta thành nước hùng mạnh.

Thế nhưng hiện nay đang có tranh chấp về biển đảo. Giữa Trung Quốc – Đài Loan, Malaixia, Philippin… và với ta. Biết biển nhiều lợi thế, họ liền tuyên bố chủ quyền, gây tranh chấp. Hoàng Sa, Trường Sa từ thời chúa Nguyễn là của ta, đã vào bản đồ ta (xem bản đồ ở Từ điển Taberd do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản), chúa Nguyễn cử đội đặc nhiệm ra đảo “Cát Vàng” khai thác theo mùa.

Đến đầu thế kỷ XX, Trung Quốc mới biết đến Hoàng Sa, Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa). Hồi đó chẳng ai tranh. Thời Pháp thuộc, các biển này do Pháp quản lý và cũng đã vào bản đồ của Pháp. Trung Quốc là nước lớn, có tranh chấp về biển với nhiều nước, kể cả với Nhật, Hàn Quốc. Tuân theo lời Đặng Tiểu Bình “chuẩn bị chiến tranh trên biển”, Trung Quốc ra sức tăng cường tàu ngầm, máy bay, tên lửa… Trung Quốc nói và tuyên truyền cho dân là Trung Quốc bị kẻ khác xâm phạm, chiếm đảo…

Từ ngày Việt - Trung nối lại và phát triển quan hệ bình thường, cả hai nước nêu cao phương châm 16 chữ vàng - đồng chí, anh em, láng giềng, đối tác tốt, đã giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ và cắm mốc, tiếp tục giải quyết vấn đề ở vịnh Bắc Bộ, và cùng nhau giải quyết vấn đề biển Đông, tìm một phương án mà hai bên chấp nhận được. Tôi cho rằng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trên vấn đề biển - đảo, biên giới là hoàn toàn đúng. Đó là đường lối kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, tăng cường lực lượng và ý thức biển đảo, đa phương hóa để giữ nước coi trọng lợi ích lớn, lợi ích chung với các nước láng giềng, cùng nhau bàn bạc, thương lượng, hợp tác coi lợi ích lớn, lâu dài như khi lên đến đỉnh Thái Sơn, nhìn các chuyện khác nhỏ như núi nhỏ dưới chân núi (ý thơ Đỗ Phủ)(*).

Chúng ta không thể để một số người kích động đánh nhau với âm mưu “trai cò tranh nhau, ngư ông được lợi”. Các nước trong vùng cần thấy hoà bình, ổn định, hợp tác… là lợi ích lớn nhất. Thời đại phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa không thể dùng vũ lực, chiến tranh giải quyết tranh chấp. Tất cả các bên đều điềm tĩnh, sáng suốt, có tầm nhìn xa - lâu dài, chiến lược, lấy tình hữu nghị được xây đắp lâu dài làm trọng, làm vốn quý, đặt chính trị, đại nghĩa lên trên, tuân thủ các Luật Qui ước quốc tế, duy trì lâu dài, vĩnh viễn hoà bình, biến biển Đông thành biển hữu nghị, làm ăn, giao thông… thì đó là điều quí nhất, có lợi nhất cho tất cả các bên.


(*)

“Hội đương lăng tuyệt đính, Nhất lãm chúng sơn tiểu” (Khi lên đỉnh cao nhất, nhìn thấy các núi đều nhỏ).

Bài liên quan:

GS-TS MAI QUỐC LIÊN