Căn cứ vào ba bản chương trình đã ban hành, tính đến nay đã có ba bộ sách giáo khoa được biên soạn cho học sinh dùng trong toàn quốc với ba nhan đề khác nhau là Văn, Văn học và Ngữ văn.
Vì phạm vi hạn hẹp của một bài báo, chúng tôi không thể đi vào chi tiết của từng bộ sách mà chỉ xin trình bày tổng quát như sau:
A. Về nội dung ba bộ sách
1. Phần tiếng Việt
Hai bộ sách Văn và Văn học không có phần này. Bộ Ngữ văn có thêm phần Tiếng Việt nhưng các bài học thường chỉ có nội dung quá đơn giản nên có bài giáo viên và học sinh chỉ cần làm việc khoảng 15-20 phút là rơi vào tình trạng “nhìn và cười” vì không còn việc để làm, như ông Trần Quang Đại, giáo viên trường THPT Trần Phú ở Đức Thọ - Hà Tĩnh, cho biết qua các bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
Chúng tôi cho rằng môn Tiếng Việt chỉ cần dạy ở bậc trung học cơ sở để cho các học sinh viết sao cho được thành câu, không sai văn phạm và chính tả(1) là được, không cần phải đưa lên dạy ở bậc trung học phổ thông.
2. Phần giảng văn
Chúng tôi xin trình bày qua mấy điểm chính sau đây:
a. Nhan đề các bài văn
Ở hai bộ sách giáo khoa Văn và Văn học nhan đề các bài thơ văn cổ nguyên bằng chữ Hán Việt đều được giữ nguyên nhưng ở bộ sách Ngữ văn đã bị dịch sang tiếng Việt. Sửa như vậy thì đã đi ngược lại quy tắc học thuật nhất là bài Bình Ngô đại cáo mà dịch ra là Đại cáo bình Ngô thì thiếu hẳn hàm súc uyên thâm. Cũng như ba bài Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu đã thành một bộ “tam thu” từ lâu đã quá quen thuộc với mọi người.
Nếu cứ sửa theo như vậy thì đâu có thể áp dụng được đối với những đề Hán Việt mà các nhà thơ mới đã dùng như Tràng giang của Huy Cận, Nguyệt cầm của Xuân Diệu, Tương tư của Nguyễn Bính, Tống biệt hành của Thâm Tâm… Vậy những nhan đề bằng chữ Hán Việt của các bài thơ cổ phải được giữ nguyên như các tác giả đã đặt tên cho nó, không được quyền thay đổi như chương trình mới đã làm và sách Ngữ văn đã áp dụng.
b. Các bài trích giảng
Các bài trích giảng đều theo chỉ định sẵn của chương trình gồm đủ cả văn xuôi, văn vần, bài chữ Hán phiên âm và bài văn dịch văn học nước ngoài(2)… Nếu các bài ấy có quá khó hoặc không thích hợp với tâm lý học sinh như ở bậc trung học cơ sở thì không phải lỗi ở các soạn giả sách giáo khoa.
Riêng ở bậc trung học phổ thông, nhất là ở lớp 12, có nhiều bài trích giảng quá dài, dài tới mười mấy trang, thì làm sao mà các thầy cô giáo có thể giảng cho các học sinh cảm thấy thích thú được. Lại nữa các bài thơ bằng chữ Hán mà chỉ học qua bản phiên âm thì làm sao mà học sinh hiểu thấu đáo được chứ?
Ở bậc trung học cơ sở, chúng tôi đề nghị chỉ nên cho học sinh học những bài văn, bài thơ ở thế kỷ XX về tả người, tả cảnh, tả tình, tự sự và nghị luận thay vì học những bài trích theo lịch sử văn học như hiện nay, nhất là những bài thơ chữ Hán, nó không thích hợp với lứa tuổi học sinh.
Cũng như những bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu thuộc loại văn cổ có nhiều điển tích thì các học sinh cũng rất khó tiếp thu. Chúng tôi nghĩ chỉ nên giới thiệu nội dung bài văn và chỉ trích giảng một đoạn có ý nghĩa nhất cho học sinh dễ tiếp thu và dễ cảm nhận được.
c. Phần chú thích
Chúng tôi xin nhắc lại, các bài văn trên tuy là những bài văn rất có giá trị về mặt lịch sử nhưng lại rất khó với các học sinh. Các bài ấy đã dài mà phần chú thích, chữ nhỏ li ti, cũng dài tới năm bảy trang toàn những nhân danh, địa danh và điển tích thì học sinh làm sao mà nhớ cho nổi.
Đến các bài thơ cổ bằng chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều chữ khó, học sinh nếu chỉ đọc phần phiên âm và bản dịch thì cũng rất khó hiểu và làm sao cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nguyên văn.
Chúng tôi chắc rằng các soạn giả sách giáo khoa cũng nhận thấy điều ấy nhưng vẫn phải theo quy định của chương trình để biên soạn.
3. Phần làm văn
Môn làm văn có mục đích dạy cho học sinh tập viết tiếng Việt cho chính xác, đặt câu cho có đủ mệnh đề, không sai văn phạm thế là được.
Các đề tài cũng nên giản dị. Không lý gì bắt các học sinh phải tưởng tượng đến những điều hoang đường như trong quyển Ngữ văn lớp 6 đã ra đề như sau: “Hãy tưởng tượng cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong điều kiện ngày nay với máy xúc, máy ủi, xi măng cốt thép, máy bay trực thăng, điện thoại di động, xe lội nước…”.
Đối với đề tài ấy, ông Hoàng Đức Huy, giáo viên tại TP.Hồ Chí Minh, bức xúc cho rằng:“Một truyền thuyết đậm đà bản sắc dân tộc như Sơn Tinh, Thủy Tinh khi đặt vào không gian cuộc sống hiện đại sẽ làm mất đi sự trang trọng, tính nghệ thuật và yếu tố lịch sử. Không hiểu học sinh vùng sâu, vùng xa, miền núi còn lạ lẫm với ô tô, máy bay… thì sẽ làm bài kiểu gì?”.
Chúng ta lại cũng không nên có quan niệm dạy văn để cho các học sinh trở thành văn sĩ cả. Như ở quyển Ngữ văn lớp 10 - tập 1 - trang 123, ở đề số 4 các soạn giả đã bắt học sinh sáng tác một truyện ngắn. Yêu cầu này thật quá khó ngay cả với các giáo viên chứ không nói gì đến các học sinh.
Chúng tôi nghĩ tập làm văn là cốt cho học sinh vận dụng những điều đã học được ở môn Văn, áp dụng những kiến thức đã học hỏi được qua các sách báo, vận dụng được trí sáng tạo của mình nhưng những sách bồi dưỡng đủ loại hiện nay đã làm mất cả sự sáng tạo của học sinh khi chỉ chép theo những bài mẫu trong các sách ấy để cho có được điểm cao.
4. Phần lịch sử văn học
Ba quyển Văn, Văn học và Ngữ văn lớp 10 đều có bài Khái quát về văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Hai quyển Văn và Văn học khi kể tên các tác phẩm cổ thì đều ghi theo đúng nguyên đề mục theo như các tác giả đã đặt tên cho nó như Quốc tộ, Thiên đô chiếu, Nam quốc sơn hà, Cáo tật thị chúng, Ngôn hoài… rồi mới dịch sang quốc ngữ là Vận nước, Chiếu dời đô, Sông núi nước Nam, Có bệnh bảo mọi người, Tỏ lòng… Ghi như vậy thì mới đúng nhưng quyển Ngữ văn lại ghi ngược lại. Thế là sai với quy tắc học thuật cần phải chỉnh sửa lại khi tái bản.
Trong phần văn học chữ Hán nên in thêm mấy dòng chữ Hán kèm theo cho học sinh biết mặt chữ Hán. Cũng như ở phần chữ Nôm cũng nên in mấy dòng chữ Nôm cho học sinh biết thế nào là chữ Nôm và chữ Nôm khác với chữ Hán như thế nào.
Khi nói đến các tác phẩm cổ về văn xuôi như Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ)… thì cũng nên trích một hai bài đọc thêm cho học sinh biết văn xuôi bằng chữ Hán thời đó.
Chúng tôi nghĩ điều ấy cũng là cần thiết vì chính các soạn giả sách giáo khoa đã cho rằng: “Về phương diện nghệ thuật văn học chữ quốc ngữ xuất hiện nhưng văn học chữ Hán, chữ Nôm vẫn là chính”.
5. Phần tra cứu từ Hán Việt
Ở hai bộ sách Văn và Văn học không có phần tra cứu từ Hán Việt nhưng ở bộ sách Ngữ văn đã có thêm phần này. Chúng tôi nhận thấy việc giải thích quá rườm rà làm sao mà học sinh có thể phân biệt được nghĩa của các chữ đồng âm khi không có chữ Hán in kèm theo.
Như hai chữ phong đăng 豐 登 thì chỉ cần giảng là được mùa (phong: được mùa; đăng: chín, lúa chín). Nếu không có chữ Hán kèm theo mà chỉ căn cứ vào chữ quốc ngữ thì không thể phân biệt được với từ ngữ phong đăng 風 燈 này tuy đồng âm nhưng có nghĩa khác hẳn, thường được dùng để chỉ cái sinh mệnh không vững như ngọn đèn trước gió (phong: gió; đăng: đèn).
6. Những sai lầm trong ba bộ sách giáo khoa
Về những sai lầm trong ba bộ sách giáo khoa, chúng tôi đã có một số bài viết góp ý với các soạn giả đăng trên các tạp chí Hán Nôm, Kiến thức Ngày nay và Hồn Việt. Trong bài viết này chúng tôi chỉ nói tới những ý kiến đóng góp của các nhà giáo và những người quan tâm đến vấn đề giáo dục từ lâu nay đã được Bộ GD&ĐT tiếp nhận qua diễn đàn mạng giáo dục EduNet.
Sau nhiều cuộc hội thảo, Bộ GD&ĐT đã công khai bản chỉnh sửa sách giáo khoa và ngày 14/9/2008, Bộ GD&ĐT đã có văn thư chính thức gửi các Giám đốc các Sở GD&ĐT.
Ngày 16/11/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi trả lời chất vấn của 12 đại biểu Quốc hội về chất lượng giáo dục đã thừa nhận rằng chưa thể trả lời câu hỏi về chương trình và sách giáo khoa vì phải kinh qua thực tế mới có thể đánh giá được. Bản thân ông cũng hoài nghi khi đội ngũ tham gia biên soạn sách giáo khoa lại không tham gia dạy phổ thông. Do đó nguy cơ những nội dung đưa vào không phù hợp là có.
Sự hoài nghi của Phó Thủ tướng cũng đúng vì các giáo sư đại học không nắm rõ khả năng thực tế trong tư duy, khả năng tiếp thu của học sinh ngày nay khác với khả năng mà các tác giả muốn các em phải có hoặc tưởng là các em đã có.
Chính GS Nguyễn Đình Chú, người tham gia biên soạn sách giáo khoa, đã tâm sự nhắc lại lời nói của cháu ông rằng: “Cháu ghét cái môn của ông quá, mong nhà trường bỏ không học môn của ông nữa!”.
Vì chương trình sách giáo khoa “cứng” quá, không có “phần mềm” linh hoạt, thật khó dạy, nên các giáo viên tại TP.HCM đã dự định đề nghị Sở GD&ĐT mời các thầy viết sách giáo khoa vào dạy thử để được “đối chứng” và học tập. Nhưng tiếc rằng điều đề nghị ấy đã không được thực hiện.
B. Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015
Vì chương trình và sách giáo khoa môn Vănhiện hành đã quá tải nên Bộ GD&ĐT đã tìm cách tiết giảm để giải quyết cấp thời từ niên khóa 2011-2012 và đã có Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ năm 2015 với kinh phí lên tới 70.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã cho rằng: “Việc giảm tải chương trình là một điều cấp thiết để nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục tạo cơ sở quan trọng cho việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa vào năm 2015”.
Khi báo chí phản ảnh đề án đổi mới ấy với tổn phí cao như vậy thì dư luận cũng có nhiều thắc mắc.
Trước tình hình ấy ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, đã phải giải thích như sau: “Ở nhiều nước chương trình giáo dục đều được xem xét điều chỉnh và thay đổi sau 7–10 năm. Vì vậy việc đổi mới sách giáo khoa đặt ra ở nước ta hiện nay sau năm 2015 là phù hợp với xu hướng và kinh nghiệm chung của thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực với các phẩm chất và năng lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước…”.
Ông Hùng cũng khẳng định: “Dự án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông bước đầu dự toán kinh phí là 70.000 tỉ đồng, trong đó số tiền chi cho việc biên soạn chương trình sách giáo khoa chỉ khoảng hơn 960 tỉ (chưa đầy 1/70 tổng dự toán). Số tiền còn lại chi cho các việc khác như xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35.000 tỉ (chiếm một nửa tổng dự toán) mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỉ (gần một nửa tổng dự toán), đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên 300 tỉ đồng”.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Đây chỉ là khái toán trong một bản dự thảo đề án đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng và đưa ra để lấy ý kiến nhằm bổ sung điều chỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định”.
Dự án này đã được đưa ra từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến những người quan tâm đến vấn đề giáo dục. Nếu để chậm như vậy thì làm sao mà các nhà giáo có thể biên soạn kịp để có sách cho học sinh dùng vào năm 2015.
Chúng tôi cho rằng vấn đề đổi mới chương trình và sách giáo khoa môn Văn cần phải bao gồm đầy đủ cả các thành tựu của một nghìn năm văn học, từ văn học dân gian, văn học Hán Nôm, văn học quốc ngữ tính đến cuối thế kỷ XX không những chỉ nặng về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường bất khuất của dân tộc trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước mà còn bao gồm cả tâm thức và cuộc sống của người Việt Nam trong suốt các thời kỳ lịch sử, không nên chỉ nặng về các thành tựu của mấy chục năm văn học đương đại.
Không nên vì chủ điểm, chủ đề giáo dục đạo đức chính trị mà đưa vào các bài báo in trên các nhật báo viết chưa ráo mực, hay đưa vào các truyện, ký, bài thơ… của các tác giả đương đại chưa được thử thách qua thời gian, công chúng. Nói chung, văn trong sách giáo khoa phải là văn “cổ điển”, văn của các cây bút lớn, chuẩn mực về mọi phương diện nội dung nghệ thuật, từ ngữ. Văn học Việt Nam không thiếu các tác phẩm, tác giả như vậy. Chỉ cần đừng chạy theo thời sự, đạo đức, thậm chí giáo dục chính trị… như thời chiến.
Học ít thôi nhưng ấn tượng sâu còn hơn học mênh mông mà rồi chả đọng lại chút gì. Vì nhiều bài có phải là văn đâu, là cái Đẹp, là “nhân văn” đâu! Nó nông choèn, cạn cợt! Và phải tăng cường dạy cái cổ điển của cha ông, đừng để học sinh bị cắt đứt với truyền thống, xa lạ với truyền thống. Phải ra đề thi, ôn tập cả phần cổ điển, không lý gì năm nào cũng thi tốt nghiệp phổ thông mấy tác giả hiện đại. Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến… hoàn toàn bị phế bỏ! Thế chả trách nhiều học sinh quay lưng với văn hóa dân tộc!
Chúng ta phải kiên trì, vô cùng kiên trì, phải dành nhiều giờ cày đi xới lại các tác gia cổ điển. “Hậu kim, bạc cổ” là không đúng. Đưa những tác gia loại ba loại bốn vào sách giáo khoa thì là phá sách giáo khoa, làm giảm sự tôn nghiêm của học đường. Đừng chạy theo cái dễ. Có khó mới phải học!
Còn về văn học nước ngoài thì nghiêm túc mà nói không có hệ thống gì, chỉ đưa vào giảng ở mỗi lớp một vài bài (lớp 6 hai bài, lớp 7 hai bài, lớp 11 ba bài, lớp 12 hai bài)thì như vậy chỉ là “lối học bôi bác” như ông Phan Kế Hoành đã có ý kiến đăng trên Văn Nghệ(3) từ năm 1988.
Vậy muốn đạt được yêu cầu mà mọi người mong đợi, dự án chương trình đổi mới cần được đưa ra lấy ý kiến của các nhà giáo, các nhà khoa học, các phụ huynh học sinh và những người quan tâm tới vấn đề giáo dục để có được sự đóng góp chung của mọi người. Chỉ khi nào chương trình đã có được sự đóng góp đầy đủ ý kiến và đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt thì mới giao cho các nhà giáo biên soạn sách giáo khoa mới.
Việc biên soạn lần này cần phải có sự cộng tác của các giáo viên trực tiếp giảng dạy lâu năm ở các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông, là những người có nhiều kinh nghiệm và hiểu rõ trình độ các học sinh hơn chứ không thể chỉ giao cho một nhóm các giáo sư đại học như hiện nay được.
Để kết luận cho bài viết này, chúng tôi thành thực ước mong rằng chương trình và sách giáo khoa đổi mới lần này sẽ không quá tải và đáp ứng được nguyện vọng chung của các thầy cô giáo và các học sinh.
__________
(1) Các sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT đều thống nhất viết chữ “i” thay cho “y” trong các chữ kí, lí như sử kí, địa lí, vật lí… trong khi trên các báo chí, ngoài xã hội người ta vẫn thường viết là sử ký, địa lý, vật lý... Chúng tôi cho rằng việc viết theo nguyên âm “i” là đúng theo nguyên tắc ngôn ngữ học nhưng trong chính tả cũng có ngoại lệ phải chấp nhận do sự thông dụng nếu có sai cũng phải theo.
Hơn nữa từ trước đến nay người ta vẫn quen viết là Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Lý Văn Phức… và các bảng tên đường phố cũng đều viết như vậy. Pho tượng Lý Thái Tổ ở thủ đô Hà Nội cũng viết là “Lý”.
Những người họ Lý và những người có tên là Lý đã ghi trong khai sinh hoặc trên giấy chứng minh nhân dân thì thay đổi rất phiền phức. Hơn nữa chữ “Lý” viết với “y” trông đẹp hơn là viết với chữ “i” nên người ta thường viết công ty, ty sở, lý lịch, kỹ nghệ, mỹ thuật, nước Mỹ, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ… Chúng tôi cho rằng cần phải thống nhất ngay cách viết chính tả trong học đường và ngoài xã hội trên các báo chí và thông tin đại chúng…, không nên để kéo dài thêm nữa tình trạng khác biệt như hiện nay.
(2) Các bài trích giảng trước đây được in thành hai tập: Tập một riêng về Văn học Việt Nam và tập hai riêng về Văn học nước ngoài, nay trong bộ Ngữ văn các bài trích giảng văn học nước ngoài được in chung với phần văn học Việt Nam không còn phân biệt nữa.
Các bài trích giảng cũng được bớt đi và chỉ còn ở lớp 6 ba bài, lớp 7 ba bài, lớp 8 sáu bài, lớp 9 tám bài, lớp 10 chín bài, lớp 11 ba bài và lớp 12 hai bài. Nếu tính theo văn học mỗi nước thì Trung Hoa có 13 bài, Pháp 8 bài, Nga 4 bài, Mỹ 3 bài, Anh 2 bài, Ấn Độ 2 bài, Hy Lạp 1 bài, Đan Mạch 1 bài, Tây Ban Nha 1 bài, Cưrơgưxtan 1 bài và Nhật Bản 1 bài. Học cả bảy năm như vậy mà mỗi lớp chỉ có mấy bài thì đâu có thể gọi là văn học nước ngoài được mà chỉ nên coi là những bài văn nước ngoài trích giảng thêm.
(3) Cần mau chóng cải cách môn văn ở cấp phổ thông trung học - Phan Kế Hoành. Văn Nghệ số 22 ngày 28/5/1988.