Biết thêm về gạo lức

MINH THƯ (st)

Gạo lức, theo Giáo sư Ohsawa, nhà thực dưỡng học người Nhật thì bản thân nó đã chứa gần như đầy đủ những chất dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể con người. Gạo lức + muối mè, công thức mà ông đề ra, theo ông là đã đầy đủ, đã cân bằng âm dương để nuôi sống và cao hơn là có thể chữa được rất nhiều bệnh tật.

Theo hay không theo Ohsawa là tùy sự lựa chọn của mỗi chúng ta. Bởi vì hơn ai hết, mỗi người phải là bác sĩ của chính mình, không ai hiểu cơ thể mình bằng mình. Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng, gạo lức là món quà quý mà thiên nhiên đã dành tặng cho chúng ta.

Gạo lức chứa rất nhiều chất xơ do vỏ cám còn đầy đủ của nó, và cũng do đó có nhiều dầu cám là chất béo bổ dưỡng không gây hại. Ngoài ra, gạo lức còn có chất đạm, carbohydrate và các sinh tố như B6, B1, B3, Folat, Vitamin E và một số chất khoáng khác.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học thì chất xơ trong gạo lức giúp phòng ngừa tốt các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, cần thiết cho người bị ung thư đại tràng, ruột kết.

 

Dầu trong vỏ bọc gạo lức (cám gạo lức) có tác dụng giảm cholesterol trong máu - một yếu tố quan trọng gây nên bệnh tim mạch.

Quan trọng hơn, một khám phá mới đây của khoa học cho thấy, muốn dùng gạo lức một cách hiệu quả, gia tăng nhiều dinh dưỡng hơn nữa là hãy ngâm gạo lức trong nước ấm khoảng 22 giờ trước khi nấu. Ở trạng thái này, gạo lức sẽ nảy mầm. Mà mầm gạo lức chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng hơn nhiều lần so với gạo lức chưa nảy mầm.

Gạo lức nảy mầm không chỉ đem lại nhiều dinh dưỡng hơn mà còn nấu dễ dàng hơn, mau mềm hơn và cho ta một khẩu vị ngon hơn, đậm đà hơn, do các enzymes đã tác động vào các chất đường và chất đạm trong hạt gạo. Cũng nên biết rằng, gạo trắng không nảy mầm khi ngâm như vậy.