Người miền xuôi đi xa nhớ quê là nhớ những mái nhà tranh chiều chiều khói tỏa, nhớ những chú mục đồng lắc lẻo trên lưng trâu, cùng cánh diều no gió; người Tây Bắc đi xa là nhớ về những ruộng bậc thang, nhớ về núi đá tai mèo lởm chởm; người Tây Nguyên thì nhớ về những nếp nhà sàn có cô gái làng giã gạo đầu hiên, có bến nước rộn ràng mỗi sớm và xôn xao lúc chiều về…
Bình minh bắt đầu một ngày mới trên cao nguyên, những cô gái xếp các quả bầu đen bóng vào chiếc gùi í ới gọi nhau xuống bến lấy nước về dùng trong ngày. Hoàng hôn dát vàng trên những vạt hoa cúc quì vàng rực, những đàn chim chao chác bay về phía khu rừng xa; các cô gái chàng trai, người già, người trẻ từ rừng trở về, ào vào bến nước tắm gội, nô đùa, trò chuyện sau một ngày lao động mệt nhọc. Đó là hình ảnh đặc trưng trong chu kỳ sống của con người Tây Nguyên.
Bến nước Tây Nguyên có khi là một bến sông, có khi là một đoạn suối, nhưng thông thường nhất là nguồn nước lấy từ mạch núi, được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau có khi đến vài ki-lô-mét.

Bến nước là hình ảnh thiêng liêng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh: quochocvov.
Mỗi làng có ít nhất một bến nước đặt ở vị trí thuận lợi cho việc sử dụng. Vì lấy từ khe núi nên nước rất tinh khiết. Nước sông, nước suối ở Tây Nguyên cũng rất sạch vì nó là đầu nguồn và không phải chảy qua các khu dân cư, và đặc biệt người Tây Nguyên không có thói quen “gửi rác” cho nước như người miền xuôi.
Từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, hình ảnh bến nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Bến nước là tặng phẩm của thiên nhiên (thiên nhiên của họ là Thần), họ nhờ Thần gội rửa bụi đất của rẫy nương để mỗi khi bước lên nhà sàn là mọi nhọc nhằn đều tan biến. Có lẽ vì vậy mà buổi chiều, trên bến nước bao giờ cũng rất xôn xao.
Ở một phương diện nào đó, bến nước đồng nghĩa với làng. Người Tây Nguyên nói làng là những người cùng uống chung một nguồn nước. Xa làng là xa bến nước, nhớ làng là nhớ bến nước, về làng là về với bến nước, làm lễ Pơthi là để người ta vĩnh biệt bến nước.
Các dân tộc Tây Nguyên lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, nhưng quan trọng nhất là có nguồn nước tốt. Nguồn nước ấy không chỉ tắm gội cho con người được trong sạch mà nó còn “tắm gội” cho hồn làng được tinh khiết, có như thế thần linh mới giúp dân làng mùa màng được tươi tốt, tránh được ốm đau bệnh tật.
Truyền thuyết về nước của người Tây Nguyên đã nói lên điều đó: “Ndu thấy thương hại con người, do lười biếng, đã đánh mất các cảnh sung sướng như khi mới được tạo ra; Ngài muốn ban cho họ một phương tiện cứu rỗi. Ndu ở dưới đáy một chiếc giếng sâu lạnh buốt bảo con người hãy xuống đấy với Ngài; Ngài hứa sẽ ban cho họ sự bất tử. Những người đi ngang qua thấy Ndu ở dưới đáy giếng; một hình ảnh con người chói lòa như mặt trời. Nhưng họ sợ xuống giếng nước lạnh quá… Họ chỉ nhúng các đầu ngón tay và ngón chân xuống nước; họ lấy nước ấy bôi lên đầu và uống. Chính vì thế ngày nay răng người mọc đến hai lần, móng tay, móng chân và tóc thì luôn mọc lại. Nhưng Ndu đã nói:“Hãy xuống đây thì các người sẽ không biết đến cái chết, khi các người già, ta sẽ làm lại cho các người một khuôn mặt trẻ măng và các người sẽ giống như đứa trẻ con”. Nhưng con người đã không muốn, nên nó phải chết”.
Đặc điểm của sông suối ở Tây Nguyên là rất nhiều vực làm nên thác, và đá giữa dòng làm nên ghềnh. Thác và ghềnh đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên nhiều nét chấm phá, đầy vẻ trữ tình.
Thật vậy, nếu lửa tượng trưng cho ý chí, cho dũng khí của người Tây Nguyên thì bến nước chính là sự dịu ngọt của tâm hồn, là nguồn mạch dạt dào của trái tim. Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng, hình ảnh gợi nhớ của họ là bến nước.
Và trong những đêm trăng cao nguyên, bến nước là nơi nam nữ cùng nhau hát đối đáp:
Đố em bến nước xưa buôn mình ở đâu? Bến nước buôn mình nơi chân núi Cư Yang Sin, Tiếng cười con gái ríu ran mỗi sớm. Đố em bến nước buôn mình có mấy ống Tám ống đủ nước cho em tắm mỗi ngày. (Dân ca Tây Nguyên) |
Tình yêu lứa đôi luôn có bến nước vun đắp, làm cho lãng mạn hơn, son sắc hơn nên họ cũng thường trao chiếc vòng đồng đính hôn nơi bến nước. Bến nước cũng là nơi rửa sạch bụi bẩn của tự nhiên, thanh lọc tâm hồn con người, trả con người lại cho sự tinh khiết của tình làng.

Về với bản đôn Tây Nguyên,
với những sinh hoạt văn hóa bản sắc dân tộc bản địa. Ảnh: quochocvov.
Có lẽ vì vậy mà người ta thường nói tâm hồn người Tây Nguyên sạch như nước suối. Nét tương đồng ấy xuất phát từ nhu cầu văn hóa như đã nói ở trên. Đồng thời cũng xuất phát từ mối “thâm giao” giữa người làng và bến nước.
Bến nước, con suối, dòng sông nào rồi cũng đổ về biển lớn. Trước khi biết được điều này, trước khi các dòng sông con suối bị chặn lại để làm thủy lợi, thủy điện; người Tây Nguyên đã tạo dựng cho mình một nét văn hóa đẹp từ bến nước. Con suối chảy giữa rừng và làng là ranh giới giữa văn hóa và tự nhiên. Con suối chảy qua làng hay giọt nước đầu làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến sự sống tốt đẹp cho con người.
Từ bến nước, con người Tây Nguyên đã tạo dựng trong làng một cuộc sống “mát rượi” tình người. Đó là tình yêu lứa đôi nảy nở trên bến nước mỗi lúc chiều về hay những đêm trăng sáng; đó là những câu hát giao duyên có tiếng nước làm nhạc đệm.
Đó là tình làng được bến nước vỗ về từ thuở ấu thơ và được rửa sạch bụi ẩn của thời gian trong suốt một đời người; đó là những đêm kể khan mênh mang đêm tối được tiếng suối lanh tanh hòa điệu. Bến nước lặn vào sâu thẳm tình người.
Sông suối Tây Nguyên bây giờ chảy nhanh hơn về biển lớn.
Bến nước buôn làng cũng bị cuốn nhanh về phía ấy.