Được sáng lập năm 1994 tại Seatle (Mỹ) bởi Jeffrey Bezos, với hoạt động ban đầu là kinh doanh sách, giờ đây Amazon trở thành công ty đa quốc gia bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới, có thể sánh với các “đại gia” của làng công nghệ như Apple, Google hay Facebook.
Với logo “mũi tên - nụ cười - từ A tới Z”, hiện Amazon có 100 ngàn nhân viên, 89 tổng kho trên thế giới với tổng diện tích lên tới gần 7 triệu mét vuông, doanh số năm 2012 đạt 62 tỉ USD.
Mỗi năm, Amazon thực hiện tới 70% doanh số bán sách cả năm của mình vào dịp Noël và năm mới. Cuối năm 2012, sau một thời gian “thâm nhập” vào làm việc tại “tổng kho” của Amazon ở Montélimar (được mệnh danh là “cửa ngõ vùng Provence”, thuộc vùng Rhône-Alpes, miền nam nước Pháp) cùng với 1.200 nhân viên khác cũng được tuyển dụng trong thời gian “cao điểm” đó, nhà báo trẻ người Pháp Jean-Baptiste Malet đã xuất bản cuốn sách En Amazonie (tạm dịch Ở vùng Amazon) kể lại những điều “tai nghe, mắt thấy” ở đây, giúp bạn đọc hình dung được phần nào cách thức bán sách – loại hàng hóa được cho là “đặc biệt” trong thế kỷ 21 này…
Trả lời phỏng vấn của tờ Le Monde (Pháp), nhà báo 25 tuổi cho biết: Sở dĩ anh chọn dịp bán hàng Noël và năm mới (kéo dài từ cuối tháng 10 tới cuối tháng 12) để “đệ đơn” xin vào làm việc ở Amazon đơn giản chỉ vì đây là quãng thời gian mà công ty này cần nhiều nhân công nhất – tại một số kho trữ hàng khác của Amazon, lượng nhân công có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong dịp này – và như vậy anh có nhiều cơ hội thành công nhất. Malet cũng giải thích, anh phải làm thế vì các nhân viên Amazon đều từ chối nói chuyện với anh khi được phỏng vấn, trong khi đó với tư cách là nhà báo thì anh lại không được Amazon cho phép vào thăm cơ sở của mình. Sau cuộc điều tra mở rộng tại Đức, tháng 11-2013, nhà báo Malet lại có bài viết về công việc của các nhân viên Amazon trên tờ Le Monde diplomatique. Cùng thời gian này, đài BBC của Anh cũng có phóng sự điều tra về đề tài này…
Là nhân viên thời vụ của Amazon dịp Noël 2013, nữ sinh viên 30 tuổi người Pháp Amélie (tên đã được thay đổi) cũng kể lại trên tờ Libération (Pháp) “kinh nghiệm làm việc” của mình ở Amazon Montélimar. Dịp này, nhân viên mới thường được tuyển dụng để làm 4 công việc: “eacher” – người tiếp nhận hàng hóa do nhà cung cấp đưa đến, cấp mã số và “vào sổ” các món hàng này; “stower” – xếp hàng hóa mới nhập lên dãy kệ sắt dài hàng kilômét của tổng kho; “picker” – đi tới các kệ tìm món hàng mà khách hàng đặt mua; “packer” – đóng gói món hàng để gửi đi.
Theo Amélie, nhờ làm công việc của một picker mà cô đã khám phá ra thế giới của Amazon, đó là thế giới của mã vạch (code-barres). Mọi món hàng trong tổng kho, 350.000 chỗ để hàng trên các kệ trong kho, mọi chiếc xe đẩy chuyên được dùng để lấy hàng ra, thậm chí cả các nhân viên đẩy những chiếc xe đó, các máy in, xe chở hàng, từng chiếc máy đọc mã vạch mà các nhân viên được trang bị trên tay… tất thảy đều có một mã vạch riêng. Các máy đọc mã vạch này – “la bàn” của nhân viên giữa “rừng rậm” hàng hóa – được nối vào hệ thống Wi-Fi của tổng kho, nhờ đó người ta có thể xác định được chúng đang ở đâu. Nói cách khác, không chỉ là thực thể tồn tại trong thế giới vật chất, chúng còn là thực thể tồn tại trong một không gian tin học nữa. Tổng kho được chia thành nhiều khu, mỗi khu được chia thành nhiều dãy, mỗi dãy lại theo độ cao của kệ hàng... Khi “tọa độ” của cuốn sách cần lấy đã được xác định, máy sẽ tính toán chỉ ra “hành trình” tìm sách hợp lý nhất và “dẫn đường” cho nhân viên. Nhờ vào công cụ tin học mà các nhà quản lý ngồi sau màn hình máy tính có thể biết được theo thời gian thực vị trí cụ thể của cuốn sách, nó đang nằm trên chiếc xe đẩy nào, do ai phụ trách, người này đẩy chiếc xe đi theo lối nào, anh ta bắt đầu công việc từ khi nào, đã nghỉ “xả hơi” trong bao nhiêu lâu, lấy được bao nhiêu món hàng rồi... Trung bình, mỗi ca làm việc nhân viên phải đi bộ từ 15 tới 25km, mỗi giờ họ phải lấy được khoảng 100 món hàng (35 giây/món). Hiệu suất làm việc của nhân viên được theo dõi thường trực, khi cần thiết người quản lý có thể “gửi” lời nhắc nhở tới máy của anh ta. Một lần, Amélie rất ngạc nhiên khi đọc được trên máy của mình những dòng như sau: “Cô cần phải năng động hơn, cô mất khá nhiều thời gian để đưa các món hàng tới xe đẩy, tốc độ làm việc hiện nay của cô là 85 món/giờ”, mặc dù cô chưa hề bao giờ “chạm mặt” người quản lý này. Một lần khác, khi để chiếc xe đẩy không đúng chỗ, trên máy cô xuất hiện dòng chữ: “Cám ơn cô đã để chiếc xe đúng chỗ quy định”…
Ngoài mạng lưới tin học, tổng kho còn được lắp đặt rất nhiều camera giám sát, nhân viên bảo vệ “đi rảo” dọc các kệ hàng suốt ngày đêm, chưa kể các máy rọi đặt ở cổng ra vào (như ở sân bay). Nếu làm việc tốt, nhân viên thời vụ có hy vọng trở thành nhân viên chính thức của Amazon. Amélie có cảm giác mình cũng giống như một người máy hay “bộ phận máy” trong dây chuyền của Amazon. “Bộ máy” hoàn hảo nhất ở đây chính là những con người, với sự trợ giúp của hệ thống tin học, các nhân viên của Amazon đã đạt tới một hiệu suất lao động phi thường!
Với nhiều người, với mạng lưới bán hàng gắn liền với Internet, hình ảnh “đế chế” Amazon có vẻ trừu tượng, nhưng trên thực tế đó là một “bộ máy” sôi sùng sục. Sức mạnh của Amazon, so với cách thức bán hàng truyền thống, là giảm thiểu tối đa chi phí cất trữ và phân phối hàng hóa. Amazon làm được việc này nhờ vào hệ thống tin học hóa hiện đại, hiệu quả, cho phép gửi kiện hàng (mà khách hàng vừa đặt mua trước đó nhờ vài cú nhấp chuột máy tính) đi trong thời hạn nhanh nhất có thể. Cấu trúc tin học của doanh nghiệp cho phép kiểm soát toàn bộ quá trình diễn ra trong kho hàng cũng như “nhất cử nhất động” của nhân viên làm việc tại đây.
Hệ thống bán hàng của Amazon mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao hàng, giảm chi phí gửi hàng, nhất là đối với những độc giả ở “vùng sâu, vùng xa”. Hiệp hội các tiệm sách của Pháp SLF tính toán rằng, với cùng khối lượng công việc, các tiệm sách truyền thống tạo ra số chỗ làm việc 18 lần hơn (tức Amazon giảm bớt được 18 lần số nhân công!). Hiệp hội các tiệm sách Mỹ ABA cũng ước tính, trong năm 2012, cứ mỗi 10 triệu USD doanh số của Amazon thì có 33 chỗ làm việc trong ngành bán sách bị mất đi. Dịp Noël 2012, chỉ riêng ở Mỹ, mỗi giây Amazon bán được 300 món hàng. Ở Anh, trong vòng 10 năm, 1/3 số tiệm bán sách truyền thống đã buộc phải đóng cửa trước sức cạnh tranh của các siêu thị, công ty bán hàng qua mạng... Bị lên án về điều kiện lao động của nhân viên, Amazon đang có kế hoạch dần “thay sức người bằng sức máy”, trang bị một số loại máy tự động nhỏ (robot) có thể làm việc tại các kệ sách, tiếp tục đầu tư những khoản tiền khổng lồ nâng cao năng lực các máy tính chủ, nhằm giảm thời hạn từ khi khách đặt hàng tới khi hàng được gửi đi chỉ còn 20 phút, tiến tới thực hiện “lý tưởng” bán bất cứ món hàng gì và giao hàng ở bất kỳ nơi nào trong cùng một ngày.
Ở Pháp, ngoài án phạt trốn thuế, Amazon còn bị cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh, do khi bán sách qua mạng hãng này đã tặng không cho khách hàng cước phí gửi sách, chưa kể khoản giảm 5% so với giá bìa. Điều đó có nghĩa là giá sách của Amazon rẻ hơn so với khi khách hàng mua sách theo các “kênh” truyền thống.
Cần nói rõ rằng, từ năm 1981, với sự ra đời của đạo luật Lang (tên ngài Bộ trưởng Văn hóa Pháp lúc bấy giờ) – hay còn gọi là luật “bán sách một giá” (prix unique du livre), bất cứ ai, bất cứ tiệm sách, công ty kinh doanh sách nào, ở bất cứ đâu trên đất Pháp cũng phải bán một cuốn sách mới với cùng một giá do nhà xuất bản ấn định và được in trên bìa (không kể sách cũ, sách hạ giá…). Tuy nhiên, nhà bán sách cũng được phép giảm giá tối đa là 5%. Sự thành công của Amazon (chiếm 17% thị trường sách Pháp) gây không ít tranh cãi. Ngày 8-1-2014, Thượng viện Pháp đã thông qua bộ luật được gọi nôm na là “luật anti- Amazon” trước đó đã được thông qua ở Quốc hội nước này, nhằm “hiện đại hóa” luật Lang 1981, làm cho nó phù hợp hơn với “kỷ nguyên số”, ví dụ như không cho phép các nhà bán sách kết hợp nhiều “khoản” giảm giá để cạnh tranh…
(Theo tài liệu nước ngoài)