Bản sonata bỏ dở

(Về chàng họa sĩ trong bài thơ Triệu bông hồng của Andrei Voznesensky)

TRẦN VĂN CƠ Tặng N.C.T.

1. Margarita ngồi vào bàn trang điểm. Mắt nhìn vào gương, nhưng tâm trí nàng lại để vào một nơi khác. Nàng hồi hộp nghĩ về chuyến lưu diễn sắp tới. Chỉ một vài giờ nữa thôi nàng sẽ cùng chồng đi về một xứ sở xa lạ có tên là Georgie. Đối với nàng, những chuyến lưu diễn ở hải ngoại từ lâu không còn là điều gì mới mẻ khiến nàng phải xúc động nhiều. Tên tuổi của nàng, một ca sĩ Pháp, cả châu Âu đều đã biết với một lòng khâm phục và ngưỡng mộ.

Ngoài Paris là quê hương của Margarita, tiếng hát của nàng đã chinh phục Luân Đôn, Roma, Florence, Luxembourg, Vienne, Berlin và một số thành phố lớn khác nữa. Nhưng lần này, khi chuẩn bị cho chuyến đi Georgie, thì nàng xúc động thật sự.

Khi biết tin chồng, một nghị sĩ Quốc hội Pháp, sắp có chuyến công du đến một loạt nước phía Đông, Margarita quyết định hoãn cuộc lưu diễn ở Copenhague mà nàng đã chuẩn bị khá công phu để theo chồng đi Georgie.

Minh họa: Đinh Dũng

Qua cửa sổ máy bay, Margarita nhìn xuống bên dưới ngắm cảnh mặt đất từ từ trôi qua như một cuốn phim quay chậm. Trùng trùng điệp điệp những dãy núi của miền Đại Kavkaz với những đỉnh cao vút quanh năm tuyết phủ. Những cao nguyên rừng già màu xanh thẫm muôn đời không đổi thay. Và đây rồi, nơi gặp gỡ của hai dòng sông lớn lóng lánh dưới ánh mặt trời trông giống như hai chuỗi kim cương trang sức cho miền đất thánh của những thiên tài văn chương và triết học. Đó là con sông Rioni lớn nhất trong số những dòng sông chảy vào Hắc Hải và sông Kura đổ vào biển Caspi.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Tbilisi khi mùa thu bắt đầu nhuộm ánh vàng trên những hàng cây mọc quanh đó. Margarita ngỡ ngàng khi thấy mùa thu ở đây ấm áp không như ở Paris. Thật đúng với tên gọi Tbilisi là "thành phố ấm áp". Nàng cùng đoàn tùy tùng được bố trí ở tại một khách sạn trên một ngọn đồi thoai thoải đổ ra sông Kura. "Không còn gì bằng!" -  Margarita nghĩ.

 

2. Sáng sớm, vừa thức dậy, Margarita mở cửa, bước ra ban công, nhìn xuống sông Kura, nàng bỗng thấy một chiếc thuyền con với một người có vẻ như đang ngồi câu cá. Đột nhiên nàng nảy sinh ý muốn được đi chơi trên con thuyền đó. "Ôi, thật là thích thú, nếu mình được đi thuyền trên sông Kura, ngắm cảnh trời nước Georgie huyền thoại!".

Andrei Voznesensky (1933 - 2010)

Những ngày đầu thu, nước sông Kura không còn chảy xiết như hồi mùa hè. Ven bờ nước lặng lờ trôi. Margarita cùng với hai nữ vệ sĩ bước lần xuống bờ sông đi về phía chiếc thuyền câu. Người đàn ông trên thuyền trạc ba lăm, bốn mươi tuổi, dáng người cao cao, khuôn mặt dài với bộ râu quai nón in đậm lên làn da ngăm ngăm, vầng trán thoáng hiện vài nếp nhăn mờ mờ. Khi thấy Margarita bước đến, mắt chàng sáng lên một niềm vui thầm kín cứ như chàng chờ đợi giây phút này đã từ lâu. Nàng nói lời yêu cầu cho nàng được đi chơi ven bờ sông trên chiếc thuyền của chàng. Trong khi người nữ vệ sĩ dịch điều nàng vừa nói ra tiếng Georgie, Margarita nhìn bâng quơ về phía chiếc cầu bắc qua sông Kura, còn chàng thì nhìn nàng chằm chằm như thể sợ nàng sẽ biến mất trong giây lát.

Người nữ vệ sĩ chờ một lúc không thấy chàng trả lời, bèn nhắc:

- Ông có đồng ý cho chúng tôi đi chơi thuyền không?

Chàng quay lại ngạc nhiên nhìn người nữ vệ sĩ, rồi hỏi:

- Tiểu thư nói gì cơ?

- Là tôi hỏi, ông có đồng ý cho chúng tôi đi chơi trên thuyền của ông không? - Nói xong, cô bụm miệng cười khúc khích.

Chàng nhìn chiếc thuyền như để ước lượng sức tải, rồi nói:

- Thuyền này chỉ chở được một nguời thôi.

Người nữ vệ sĩ dịch lại ý đó cho Margarita. Nàng quyết định ngay:

- Thế thì một mình tôi đi.

Hai nữ vệ sĩ hoảng sợ vì cái quyết định đó. Họ bèn can ngăn Margarita đừng đi một mình, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa hai chính phủ. Cuối cùng Margarita đành phải gác lại cái ý muốn nông nổi của mình. Nàng buồn rầu từ biệt người đàn ông có bộ râu quai nón và con thuyền bồng bềnh trên mặt nước. Trên đường trở lại khách sạn, Margarita thỉnh thoảng ngoái lại nhìn: người đàn ông và con thuyền vẫn còn đó gợi một giấc mơ không thành. Nàng có cảm giác như chàng đang dõi theo từng bước nàng đi...

 

3. Người đàn ông trên chiếc thuyền câu ấy chính là họa sĩ Pirosmani. Chàng không vợ con, không người yêu, nương thân trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ thông. Ngày ngày chàng lang thang đây đó ở các công viên, nhận vẽ truyền thần cho các quan chức và các mệnh phụ phu nhân. Tiền kiếm được chàng dành để mua vật liệu vẽ những tác phẩm lớn.

Họa sĩ Niko Pirosmani
(Chân dung tự họa)

Một lần Pirosmani nghe tin có một ca sĩ nổi tiếng người Pháp sang lưu diễn tại Tbilisi. Chàng ao ước được trông thấy nàng, nhìn thấy tận mắt người đàn bà Pháp bằng xương bằng thịt hẳn hoi, chứ không phải trên tranh vẽ hoặc ảnh chụp. Nhưng chàng không có đủ tiền để mua một tấm vé vào nhà hát. Ngay cả khi Margarita biểu diễn trên quảng trường trước Nhà hát Lớn, chàng cũng không được đến gần.

Ngày ngày chàng đến công viên nhỏ trước khách sạn nơi nàng ở để được nhìn thấy nàng những lúc nàng bước lên xe hay từ xe bước xuống. Chàng để ý thấy bao giờ trên tay nàng cũng có bó hoa hồng tươi thắm. Rồi chàng nghĩ ra một cách là mượn một chiếc thuyền đậu ngay dưới sông Kura nhìn lên cửa sổ phòng nàng với hy vọng được nhìn thấy nàng mỗi buổi sáng khi nàng mở cửa bước ra ban công nhìn xuống.

Và số phận đã ban cho Pirosmani những giây khắc hiếm hoi được nhìn thấy nàng tận mắt. Chàng nghĩ, quả thật Alăkh anh minh và nhiệm màu đã không phụ lòng chàng, đã đoái thương trái tim đau khổ của chàng, tạo cho chàng cuộc gặp gỡ trên bến sông Kura. Từ đó Pirosmani vẽ không biết mệt mỏi, ngày đêm miệt mài bên giá vẽ. Không phải tay chàng vẽ, mà chính trái tim chàng vẽ. Trái tim kêu gọi. Trái tim cầu khiến. Ghi lại hình bóng người đàn bà đã choán hết trái tim chàng. "Phải chăng đây là tình yêu?" - chàng tự hỏi, nhưng rồi không tự giải đáp được...

 

4. Đêm biểu diễn cuối cùng. Margarita trở về khách sạn muộn vì phải dự tiệc chia tay. Sáng mai nàng sẽ cùng chồng trở về Paris. Những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người xứ Georgie đã đưa nàng vào giấc ngủ êm đềm.

Sáng hôm sau thức dậy, theo thói quen, Margarita mở cửa bước ra ban công, nhìn xuống. Nàng ngỡ ngàng tưởng mình vẫn đang trong giấc mơ: Ôi hoa hồng! Hoa hồng! Sao nhiều hoa hồng thế? Từ dưới chân ban công, thảm hoa hồng trải dài đến tận công viên nhỏ bên bờ sông Kura.

Vừa lúc đó, cô hầu phòng mang bữa sáng vào. Nhân tiện Margarita hỏi và được nghe cô kể rằng tối hôm qua có một người đàn ông gầy gò, ốm yếu, húng hắng ho, không hiểu từ đâu và vì sao đã mang hoa hồng đến trải nhiều như thế. Rồi sau đó, ông đứng nép mình dưới ban công, chờ cho ca sĩ về, và đèn trên lầu được bật sáng mới lặng lẽ ra đi.

Margarita trở về Paris với tấm thảm hoa hồng trong ký ức.

 

5. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, tại Paris, phòng tranh của danh họa Pirosmani đã được mở cửa trong khuôn khổ Tuần văn hóa Liên Xô tại Pháp. Như một sự sắp đặt của số phận, người đầu tiên bước vào phòng tranh chẳng phải là ai khác, mà chính là nữ ca sĩ lừng danh Margarita, với tư cách là phu nhân một nghị sĩ Quốc hội Pháp, một chính khách có thế lực trên chính trường nước Pháp lúc bấy giờ, thay mặt phía Cộng hòa Pháp cắt băng khai mạc phòng tranh.

Xem qua những bức tranh phong cảnh hữu tình cùng những bức phác họa lịch sử hào hùng của nhân dân xứ Georgie khiến nàng xúc động nhớ lại thời gian lưu diễn năm nào. Rồi bỗng Margarita vô cùng bàng hoàng khi nhận ra chính mình trên một loạt những bức tranh với những bút tích đề tặng đích danh nàng.

Đặc biệt nàng chú ý đến một bức tranh trên đó Margarita đang sửa soạn bước xuống chiếc thuyền con bên bờ sông Kura. "Chuyện ấy đã qua lâu rồi, mình không còn nhớ nữa" - nàng thầm nghĩ.Nhưng bức tranh đã gợi nhớ về một khoảng tích tắc nào đó trong đời nàng, ở đó nàng đã gặp một người đàn ông trên chiếc thuyền câu. Nhưng ai đã nhìn thấy cảnh ấy để mà vẽ? Hôm ấy, bờ sông Kura vắng người, chỉ có ta cùng hai nữ vệ sĩ, và người ấy... Chẳng lẽ anh ta là họa sĩ?

Vừa lúc ấy, nàng dừng chân trước bức chân dung tự họa, bên dưới có nhan đề: "Họa sĩ Pirosmani". Đúng là người câu cá năm nào! Hôm gặp nhau trên bờ sông Kura, nàng không để ý quan sát người đàn ông ấy lắm, nhưng trong ký ức của nàng cũng còn lại hình ảnh bộ râu quai nón in đậm lên khuôn mặt có nước da ngăm ngăm... Đúng là chàng rồi!

Margarita cố nén nỗi xúc động, trấn tĩnh lại và tiếp tục làm bổn phận người đại diện cho chính quyền Pháp. Ngay chiều hôm ấy, nàng trở lại phòng tranh trong bộ y phục giản dị như một người khách bình thường đi xem triển lãm với bó hoa hồng đỏ thắm trong tay.

Lần này Margarita dừng lại lâu bên bức tranh vẽ nàng từ ban công tầng lầu nhìn xuống thảm hoa hồng với triệu triệu bông rực rỡ. Nhưng bằng một thứ cảm quan sâu kín trong tâm hồn, nàng nhận thấy hình như bức tranh chưa vẽ xong, còn thiếu một cái gì đó. Bức tranh như bản sonata bỏ dở. Như tiếng đàn đang rung bỗng đứt dây. Nàng tìm gặp người phụ trách phòng tranh, nêu nhận xét ấy của mình và được trả lời rằng họa sĩ vẽ đến đó thì kiệt sức bởi nhiều ngày đêm không ăn không ngủ. Chàng đã qua đời, lặng lẽ mang theo một hình bóng xa xăm, một tình yêu đơn phương nhưng thanh khiết như đất nước Georgie của chàng.

Và lần đầu tiên Margarita lật cuốn kỷ yếu giới thiệu về tác giả phòng tranh, lặng lẽ và kín đáo đặt làn môi mím chặt bởi xúc động nghẹn ngào lên bức chân dung tự họa của tác giả. Nàng không giấu nổi khóe mắt rớm lệ của mình...

Margarita lặng lẽ đặt xuống chân bức chân dung tự họa của Pirosmani những đóa hồng tươi thắm rồi đứng im để tưởng niệm về một người chỉ thoáng qua cuộc đời nàng trong giây lát, nhưng tình yêu của chàng đã trở thành vĩnh cửu.
 

Dịch ý bài thơ Triệu bông hồng của nhà thơ Andrei Voznesensky

 

Thuở xưa có một chàng họa sĩ, chàng có một ngôi nhà nhỏ, có cả những bức tranh sơn dầu,

Nhưng chàng lại yêu cô ca sĩ rất thích hoa.

Lúc bấy giờ chàng bán hết nhà cửa của mình, bán cả những bức tranh,

Và đem tất cả số tiền mua cả một biển hoa.

Triệu triệu bông hồng đ thắm

Từ ô cửa sổ em nhìn mê đắm.

Ai đã yêu tha thiết, yêu cuồng say, yêu chan chứa và hết mình,

Sẽ biến cuộc sống của mình thành hoa cho em.

Sáng ra em đứng bên cửa sổ, có thể, em đã phát điên?

Khoảng sân đầy hoa tưởng vẫn còn trong mê ngủ.

Chạnh lòng: kẻ nào giàu sang chơi ngông thế?

Nhưng đứng dưới cửa sổ là chàng họa sĩ nghèo đang nén từng hơi thở.

Gặp nhau chốc lát, con tàu đưa nàng vào đêm tối,

Nhưng đời nàng cuộn sóng bài ca hoa hồng

Chàng họa sĩ cô đơn, trải qua lắm đau khổ,

Nhưng đời chàng đã có cả vườn hoa thắm tươi.

Triệu triệu bông hồng đỏ thắm

Từ ô cửa sổ em nhìn mê đắm

Ai đã yêu tha thiết, yêu cuồng say, yêu chan chứa và hết mình,

Sẽ biến cuộc sống của mình thành hoa cho em.