Về miền Tây, bạn đừng quên thưởng thức món bông súng chấm mắm kho, món ăn dân dã, miệt vườn, đượm tình quê hương. Bông súng là loài rau đồng, mọc những nơi vùng đất trũng, đọng nước bùn. Từ miền Đồng Tháp Mười đến tận U Minh đều có bông súng tím mọc đầy, nên người ta thường nói: “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì về Đồng Tháp, ăn cho đã thèm”.
Vào tháng 5, tháng 6 Âm lịch, mùa nước lớn đổ về là lúc bông súng trồi lên theo làn nước. Bông súng trắng, bông súng tím mười cánh xòe ra trên mặt nước khoe sắc.
Người ta chèo ghe đi nhổ bông súng, cuộn tròn 10 cọng thành một khoanh, đem bán đầy chợ. Bông súng tuy bình dị nhưng trở thành món ăn khoái khẩu, thường nhật ở đồng quê.
Vào mùa nước nổi, mắm kho, bông súng là món ăn đắt địa lại rất dễ nấu. Chỉ cần vài lạng mắm cá linh, nửa ký cá rô đồng, ít thịt heo ba rọi, vài ba trái cà nâu, là có thể chế biến thành món mắm kho, bông súng tuyệt vời.
Đổ mắm cá linh vào nồi đất, đổ ít nước nấu nhừ, rồi vớt xác bỏ đi. Cá rô đồng đánh vẩy, làm sạch. Thịt heo ba rọi xắt mỏng, trái cà cắt làm tư. Nước bắt đầu sôi, đổ tất cả vào nồi, thêm ít muối, đường hay bột ngọt, một ít sả bằm nhỏ, ít trái ớt hiểm, làm cho mắm có mùi thơm, cay.
Bông súng tước bỏ vỏ ngoài, ngắt thành 3,4 phân, sắp vào mâm. Nước sôi riu riu múc ra chén, dùng bông súng chấm mắm không gì bằng. Mùi thơm, ngọt ngào của mắm lan tỏa, cá rô chấm với muối ớt chanh. Thông thường người ta chan mắm vào cơm để ăn qua bữa. Tuy đơn sơ giản dị, bông súng, mắm kho hợp khẩu vị trở thành món ăn khó quên.
Nay thì người ta còn chế biến lẩu mắm kho, thêm ít rau đồng như rau tai tượng, rau ngỗ, lá cách, đọt sộp, đọt vừng,… và chủ lực vẫn là bông súng. Ăn mắm kho với bún không gì bằng.
Trời lành lạnh, năm ba người quây quần quanh lẩu mắm với rượu đế đưa cay không gì thú vị hơn.
Vào mùa nước nổi, hễ có bông súng hay bông điên điển là có cá linh. Món canh chua cá linh, bông súng ngon hết chỗ chê.
Bông súng, mắm kho tuy dân dã nhưng thấm đẫm tình quê của người dân Nam Bộ. Dù đi xa, ở đâu, hễ thấy bông súng thì nhớ ngay mắm kho quê nhà.