Bình minh Paris... và hoàng hôn cuộc đời

Sáu giờ rưỡi sáng mùa đông trời còn tối đen như mực. Bóng đèn nê ông trong nhà ga thành phố nhỏ hiu hắt, đúng là buồn như sân ga tỉnh lẻ trong các truyện tiểu thuyết. Những người chờ tàu để đi Paris lặng thinh, chắc chưa ai tỉnh ngủ thật sự.

Suốt đoạn đường tàu chẳng ai nói với ai một tiếng. Tàu đến nhà ga Paris, tiếng bánh xe sắt nghiến ken két trên đường rầy làm cho những người đang ngủ gà ngủ gật phải giật mình thức dậy. Bình minh trên Paris đang hiện ra, những tia sáng đầu ngày đỏ hồng lấp lánh trên các nhà ổ chuột cao tầng dọc theo đường sắt. Xa xa đã thấy thánh đường Sacré-Coeur trắng toát trên đỉnh đồi Montmartre. Màn đêm đen đã tan biến, một ngày mới đã lên, làm hiện rõ khung kính xe lửa nhòe nhoẹt dơ bẩn. Mọi người hối hả đổ xuống hầm métro sâu trong lòng đất, hoặc lại ra cửa hông nhà ga để leo lên xe buýt, tiếp tục đi.

Sáng nào cũng như sáng nấy, từng đoàn tàu đổ người từ ngoại ô, từ các thành phố nhỏ, cách Paris cả gần 150km, bốn phương tám hướng, vào thành phố này để kiếm sống. Họ là những nhân viên phục vụ nhà bếp, khách sạn, tiệm ăn, văn phòng, giao hàng, siêu thị… Thành phần nhân viên cấp cao hơn, ông chủ… thì đi làm bằng xe hơi trên mặt đất. Vòng đai Paris nghẹt cứng, xe trước nối xe sau khít nút, nhúc nhích từng thước một. Những người không cửa không nhà, ngủ trên những tấm nệm che bạt hay che bằng mảnh giấy cạc tông dưới gầm cầu xa lộ, vẫn thản nhiên ngủ, chung quanh là rác. Chưa tới 8 giờ sáng mà.

Phố xá Paris chỉ bắt đầu nhộn nhịp sau 10 giờ sáng, khi những parisiens (dân Paris) trưởng giả đã thức dậy, ăn sáng.


 

Buổi chiều, tôi trở về nhà cùng với đợt những người đi làm ban sáng. Họ vội vã về cũng như vội vã đi. Từng đoàn xe lửa đông không còn một chỗ ngồi, tôi lên chậm, phải đứng ở đầu xe, khúc nối hai toa tàu lại với nhau. Con tàu lắc lư, rung chuyển rầm rập, vừa mệt lả vừa nóng bức, Paris nóng ngột ngạt vì những đường hầm métro được sưởi ấm bên dưới... Họ còn phải đi kéo cầy ngày một ngày hai cho đến bao giờ. Tôi nhớ tới tờ thông tin của quỹ hưu nhận được tuần trước, tôi phải chờ lâu lắm mới được lãnh lương hưu. Tại Pháp, theo luật lệ cũ thì những người sinh cho tới năm 1949 sẽ được hưởng lương hưu trọn vẹn khi chứng minh đã lao động 161 tam cá nguyệt (40 năm và 1 tam cá nguyệt), những người sinh sau năm 1949 phải lao động lâu hơn: 164 tam cá nguyệt, tức 41 năm. Một thời gian khá dài. Nếu bắt đầu lao động kiếm cơm có lương từ năm 20 tuổi liên tục thì sẽ về hưu năm 61 tuổi. Nếu lao động không đủ con số tam cá nguyệt ấn định thì khi trên 60 tuổi, cũng được xin về hưu, có điều lương hưu sẽ bị cắt giảm. Nguyên tắc 60 tuổi là tuổi hưu chính thức, có nghĩa là sẽ được phát lương hưu ngay khi nộp đơn xin về hưu, là thông thường; còn có những ngành nghề được về hưu sớm hơn trong các lãnh vực công chức nhà nước, quân sự, những ngành nghề đặc biệt có hại cho sức khỏe của người làm việc.

Năm 2010, chính phủ của Tổng thống Sarkozy đã thay đổi các đạo luật ấn định về vấn đề hưu trí, dù dân chúng phản đối nhiều nơi, nhưng sự phản đối này bị xem là quá yếu ớt, không đủ sức ngăn cản sự thay đổi luật hưu làm cho tình trạng thu nhập và sinh sống của người về hưu, người thất nghiệp thêm xấu đi. Tuổi chính thức được về hưu bị tăng thêm 2 năm, thay vì 60 tuổi như trước thì luật mới đẩy lên thành 62 tuổi. Nhưng thay đổi quan trọng nhất là chỉ nhận được lương hưu 100% vào năm 67 tuổi, với điều kiện là đã lao động và đóng mọi bảo hiểm trong suốt 41 năm 3 tháng (cho thế hệ sinh năm 1953/1954). Thời gian lao động trong đời ít hơn thì lương hưu cũng bị tính giảm đi theo tỷ lệ.

Luật hưu bổng hiện tại là như thế, nhưng nếu thất nghiệp từ lâu, có khi trước 50 tuổi, lương thất nghiệp chỉ kéo dài có 12 tháng, thì làm thế nào sống cầm cự cho đến năm 62, hay 65, 67 tuổi?! Đó là nỗi lo âu, lo sợ lớn nhất của thành phần yếu kém nhất trong xã hội Pháp hiện tại.

Trên đường đi, tình cờ tôi ngồi cạnh một người Việt, không biết tên nhau nhưng trò chuyện rôm rả. Dì năm nay đã 83 tuổi, nhỏ xíu, ốm nhom, nhưng tinh thần còn rất minh mẫn sáng suốt, dì nói như người ta rót mực chảy tuôn tuôn. Dì nói : “Cô ơi, ông bà cha mẹ mình nói hay lắm, lá rụng về cội, nhưng có thực hiện được không? Nhiều người hỏi tui, bây giờ ở với ai, tui có hai gái một trai, nhưng con tui có gia đình hết rồi, tui hổng ở với ai hết, ở gần mỏi miệng, ở xa mỏi chân. Nhưng việc của tui tui lo một mình, cô thấy hông, đi làm “pát po”, đi ra phi trường, tui làm một mình hết, mình không thể lấy quyền cha mẹ như hồi xưa, bắt đứa này làm cái này, đứa kia hầu cái kia. Tây đầm nó đi làm về, nó cũng cởi đôi giầy, bắt đầu lo chuyện nhà cửa cơm nước con cái. Tui sợ nhất là con tui đói, mất việc, vợ chồng gây lộn, con cái khổ hết, cho nên tui hông muốn làm phiền con tui, gây thêm khổ cho nó. Lương hưu tui ít, đi làm có mười năm hà. Bởi dzậy mùa đông thì tui về Sài Gòn ở nhà bà con, mùa hè thì tui qua đây, hôm nay đi xin visa sáu tháng đó, tui có cái miễn hộ chiếu năm năm rồi nhưng hổng xài được, mấy ổng chỉ cho mỗi lần ở ba tháng, thành ra phải đi xin ở thêm, lôi thôi lắm, nước mình mà, đánh giặc hoài... Chừng nào tui đi qua đi lại hết nổi thì tui dzìa luôn... Ước gì mấy ổng thay đổi luật lệ cho bà con mình đỡ cực phải đi đi, dzìa dzìa hoài. Mình gặp nhau, ai cũng chúc sống lâu trăm tuổi, bây giờ tui nói, thôi thôi đừng có chúc như vậy nữa, ai lo cho người già mà sống lâu trăm tuổi? Hồi xưa con cái ở với cha mẹ vì nó cày đất làm ruộng chung với mình, bây giờ tụi nó học hành, đi làm chỗ này chỗ kia, nó đâu có ở với mình. Tui cũng đi theo chồng từ năm mười tám, tui đâu có nấu cơm cho má tui ăn, sao bây giờ tui đòi con tui nấu cơm cho tui ăn, cô thấy không, hổng được... ”.

Lời dì nói, cũng giống như một người bạn gái 84 tuổi của tôi, nhiều bậc cha mẹ, dù cô đơn một mình trong tuổi già, nhưng không muốn làm phiền con cái dâu rể của mình nữa. Để thực hiện được ước nguyện khi chết sẽ trở về lòng đất mẹ ở Việt Nam, có người đã phải suy tính “đường đi nước bước” lúc còn sức lực và còn đầu óc tỉnh táo suy nghĩ, vì vấn đề chôn cất ở đâu, ở Pháp hay ở Việt Nam, đem tro về để trong chùa... trên thực tế bị vướng mắc bởi nhiều quy luật và giấy tờ thủ tục hành chánh, không giản đơn một chút nào hết.

Trong métro trên đường về, một bà người Việt có tuổi ngồi bên cạnh tôi trên đoạn đường dài gần một tiếng đồng hồ bắt chuyện cho vui, khoe lương hưu của chồng bà cao lắm, những 1.600 euros một tháng, hai vợ chồng ăn không hết, bà là người sung sướng. Quả thật, mức trợ cấp xã hội hiện tại ở Pháp (minimum vieillesse, tính luôn các phần tiền hưu trí của người nộp đơn) cho một người già từ 65 tuổi trở lên được ấn định là 8.907,34 euros/năm (742,30 euros/tháng, luật năm 2011), cho một đôi vợ chồng già là 14.181,30 euros/năm. Con số này tưởng là nhiều, nhưng nếu so mức thu nhập này với tất cả mọi mức giá sinh hoạt như tiền thuê nhà, điện, nước, điện thoại, ăn uống… thì vừa đủ sống, trong điều kiện là người già không có nhiều nhu cầu về mua sắm, giải trí, văn hóa và du lịch.

Không ít một số người, vì cuộc sống và công việc quá sức căng thẳng, chết trước tuổi được về hưu, lãnh lương hưu, dù họ đã đóng góp suốt mấy chục năm trời cho các quỹ lương hưu. Đó là những món “lời” khẳm cho các quỹ lương hưu trí.

Một người bạn học cùng thời với tôi tâm sự rằng khi nào anh hết sức lực để sống thì anh sẽ “tự xử” để khỏi làm phiền gia đình, người thân và chính bản thân mình. Ý nghĩ “tự xử” hiện nay đang được một số nơi khai thác để giải quyết vấn đề người già không ai trông nom săn sóc. Nó nói lên sự tha hóa cùng cực của một xã hội chỉ xây dựng trên cơ bản “kinh tế”, trên đồng tiền lạnh lùng, còn sức còn tiền thì sống, hết sức hết tiền thì “tự xử”, bỏ quên con người, bỏ quên tình người, bỏ quên luôn tình gia đình của những người đã dốc hết sức lực nuôi chồng nuôi vợ nuôi con nuôi cháu.., tức là những người đã làm tròn bổn phận xã hội của mình, đẻ, nuôi dưỡng và dạy dỗ thế hệ nối tiếp cho xã hội, cho đời.

Trạm cuối cùng của cuộc đời đối với nhiều người là viện dưỡng lão. Riêng vấn đề phí tổn cũng rất cao, một chỗ cho một người trong viện dưỡng lão tại tỉnh nhỏ, thị trấn hiện nay tối thiểu là 1.600 euros một tháng. Rất nhiều người sợ bị “tống” vào viện dưỡng lão. Vào đó rồi thì không ai đi thăm nữa, cô đơn, nhưng yên tâm mà chết. Một hình ảnh làm ai cũng tủi thân, dù chấp nhận.

Mathilde Tuyết Trần