Trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh nhà nước trung ương tập quyền, các hoạt động lập pháp của triều Lê đã được chú trọng và thể hiện trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Quá trình xây dựng hệ thống pháp luật được bắt đầu ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi (1427) và bước hoàn thiện căn bản là sự ra đời của bộ “Quốc triều hình luật”, còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức. Trong bộ luật này, có nhiều giá trị tiến bộ bảo vệ quyền lợi phụ nữ đương thời.
Trong thời Lê Thánh Tông (1460-1497) thực hiện ý tưởng của vua Lê Thái Tổ “trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn” (“Đại Việt sử ký toàn thư”, tập II, tr.291), triều đình ban hành nhiều luật lệ về việc trừng trị các hành vi chống đối làm nguy hại đến nền an ninh quốc gia, bảo vệ tôn ti, trật tự xã hội và đạo đức phong kiến, ban hành hàng loạt quy chế hoạt động của nhà nước…
Những luật lệ về điền sản cho thấy nhà nước thời hậu Lê đã bảo vệ tục chia gia tài, chia ruộng đất cho con cái không phân biệt con trưởng, con thứ, con gái, con trai, nhưng phân biệt phần của con nuôi, con vợ lẽ, con nàng hầu…, bảo vệ quyền tư hữu ruộng đất qua những quy định xét xử các hành vi xâm phạm quyền tư hữu đó.

Thiếu nữ bên hoa huệ.
Truyền thống nhân ái, tôn trọng người già, “tôn sư trọng đạo” được thể hiện phần nào trong một số điều luật.
- Người già từ 90 tuổi trở lên, trẻ con từ 7 tuổi trở xuống không bị hành hình dầu có phạm tội chết (Điều 16).
- Người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và người phế tật nếu phạm tội đều không bị tra tấn (Điều 665).
- Con cháu có thể chịu thay cho ông bà, cha mẹ các hình phạt nhẹ như đánh bằng roi, đánh bằng gậy (Điều 38).
- Đàn bà có thai dù phạm tội tử hình cũng để sau khi sinh 100 ngày mới đem xử tội (Điều 680).
- Học trò đánh hoặc lăng mạ thầy học thì bị xử nặng, đánh chết thì phải tội chém (Điều 489).
Một số điều khoản quan tâm đến đời sống lương dân phản ánh phần nào tính “thân dân” của chính quyền do nhu cầu phải dựa vào dân trong hoàn cảnh giữ nước và dựng nước vốn có từ các triều đại trước.
Những quan chức không lo “hưng lợi trừ hại cho dân”, để trộm cướp hoành hành, để dân lành phải tha phương cầu thực, không chăm sóc người cô quả, đói nghèo, tật bệnh trong địa hạt mình cai trị, không lo đốc thúc việc nông tang và bảo vệ mùa màng… đều bị trừng phạt từ bãi chức đến lưu đày, khổ sai. Quan lại sẽ bị phạt từ bãi chức đến lưu đày hoặc bị chém nếu cố ý làm trái chiếu chỉ của vua, ăn hối lộ, tham nhũng, bóc lột sách nhiễu dân, bắt dân đóng góp, ức hiếp chiếm đoạt tài sản và ruộng đất của dân, lấy đàn bà con gái nơi cai trị… (các chương Vệ cấm,Vi chế, Hộ hôn, Điền sản…).
Triều Lê còn cấm những hành động phạm pháp đối với người miền núi, người dân tộc thiểu số (Điều 72). Tôn trọng luật tục của họ nhưng vẫn bảo vệ pháp luật chung: “Những người miền thượng du cùng phạm tội với nhau thì theo phong tục xứ ấy mà định tội. Những người thượng du phạm tội với người trung châu thì theo luật mà định tội” (Điều 40).
Điểm đặc biệt có ý nghĩa tiến bộ là trong một số trường hợp, bộ luật đã phần nào xác nhận địa vị, quyền lợi của người phụ nữ trong hôn nhân gia đình và sở hữu tài sản. Luật cấm bội ước sau khi đính hôn (Điều 315), con gái thấy chồng chưa cưới có ác tật có thể kêu lên quan xin trả lại sính lễ (Điều 322), người vợ có quyền xin ly hôn nếu bị chồng bỏ rơi 5 tháng (Điều 308).
- Khi ly hôn, người vợ được quyền hưởng phần tài sản riêng của mình và được chia một phần tài sản chung do vợ chồng cùng tạo nên (Điều 374, 375).
- Trong gia đình, con gái được quyền kế thừa gia tài, được chia tài sản bình đẳng như con trai (Điều 388).
- Nếu gia đình không có con trai, con gái trưởng được quyền kế thừa hương hỏa (Điều 391, 395).
- Luật có một số điều khoản bảo vệ tính mạng và nhân phẩm của người con gái (Điều 402, 403, 404…)
Giá trị nhân văn, giá trị xã hội lâu dài của bộ luật Hồng Đức được phản ánh trong việc kế thừa của nhà làm luật của triều Nguyễn sau này. Chẳng hạn, về những điều luật quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ: Trong bộ luật Hồng Đức có Điều 309 buộc người chồng phải tôn trọng thứ bậc của người vợ trong gia đình: “Ai lấy nàng hầu lên làm vợ thì xử tội phạt, vì quá say đắm nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì xử tội biếm (phải có vợ thưa thì mới bắt tội)”. Sau này, nhà làm luật triều Nguyễn soạn trong Hội điển điều tương tự: “Phàm kẻ nào đem vợ cả làm vợ lẽ phải phạt 100 trượng. Vợ cả còn sống mà đem vợ lẽ làm vợ cả, phải phạt 90 trượng” (“Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (KĐĐNHĐSL)”, NXB Thuận Hoá, 1993, Tập11, tr 303).
Hoặc, trong Bộ luật Hồng Đức có Điều 308 quy định: “Phàm người chồng bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình lên quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn 1 năm. Vì việc quan phải đi xa không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì phải tội biếm”, nhà làm luật triều Nguyễn soạn trong Hội điển điều tương tự: “Phàm người vợ nào không phạm vào 7 điều phải bỏ và không có điều gì đối với nhà chồng mà người chồng tự tiện bỏ thì (người chồng) phải phạt 80 trượng”.
“Người con gái mà nhà trai ước hẹn xin cưới đến năm năm rồi, người con gái không có lỗi mà nhà trai không cưới hay người đàn bà chồng bỏ ba năm không thấy về, cho phép báo lên quan trên xin cấp cho giấy tờ làm bằng cớ đi lấy chồng khác nhưng không phải trả lại tiền sính lễ” (KĐĐNHĐSL, sđd, tr. 314-316).
Trong các điều 402, 403, bộ luật Hồng Đức xử từ tội đồ, lưu đến tội chết các hành vi cưỡng dâm, đặc biệt cấm cưỡng dâm bé gái, bảo vệ tính mạng và phẩm tiết của người phụ nữ, nhà làm luật triều Nguyễn chép trong Hội điển điều tương tự: “Đàn bà con gái muốn giữ lòng trinh tiết, mà kẻ nào dùng bạo lực để hiếp dâm, đúng thực có người nghe thấy, cùng là làm tổn thương đến da thịt, thân thể, xé rách quần áo, các tình trạng như thế thì tính dâm ác quả là quá lắm; nếu đã gian dâm được thì kẻ gian phu xử tội trảm đem hành hình ngay; nếu chưa gian dâm được thì xử phạt 100 trượng, lưu 3000 dặm”, “người nào đã hết tang chồng, thực tâm muốn giữ tiết ở lại mà ông bà cha mẹ người ấy và ông bà cha mẹ chồng bắt buộc lấy người khác thì (họ) phải phạt 80 trượng” (KĐĐNHĐSL, sđd, tr. 306).

Phiên chợ ngoại ô thành Hà Nội.
Hoặc trong Điều 306, Bộ luật Hồng Đức quy định xử phạt 70 trượng, biếm ba tư và bãi chức đối với quan lại lấy đàn bà con gái trong hạt mình cai trị, trong Điều 338 phạt tội biếm hay tội đồ những nhà quyền thế ức hiếp lấy con gái kẻ lương dân, nhà làm luật triều Nguyễn chép về những nội dung này như sau: “Phàm các phủ huyện châu là quan thân dân, lấy đàn bà, con gái nhà dân trong hạt mình cai trị làm vợ cả vợ lẽ phải phạt 80 trượng. Nếu quan giám lâm (kể cả thượng ty bên trong, bên ngoài) lấy vợ cả vợ lẽ và con gái người đương có việc (hiện đang xét hỏi) làm vợ cả vợ lẽ của mình thì phạt 100 trượng (…) kẻ cường hào dùng thế lực cưỡng đoạt vợ và con gái nhà tử tế để thông gian hay chiếm làm vợ cả, vợ lẽ của mình, thì phải tội giảo (giam hậu); người đàn bà con gái ấy trả về cho thân nhân” (KĐĐNHĐSL, sđd, tr. 309-313)…
Theo nhiều nhà nghiên cứu, đó là những điều luật độc đáo xuất phát từ thực tế xã hội Việt Nam, là những nội dung tiến bộ và giá trị đặc sắc của bộ luật, là sự vận dụng Nho giáo trên tinh thần dân tộc và sáng tạo (Phan Huy Lê, “Tìm về cội nguồn”, NXB Thế giới, Hà Nội, 1999).