Tháng 3-1945
Xuân Ất Dậu - Một mùa xuân khủng khiếp!
Chẳng nhìn thấy hoa xuân - mà toàn những bộ xương.
Những hình người hằn rõ bộ xương đầu, mình và chân tay… Không rõ đàn ông hay đàn bà? Da khô đét dính chặt lấy xương sọ, xương quai xanh, xương sườn, xương chậu. Chân tay như những gộc tre già bật rễ. Không còn chất gì nuôi thân nên “nó tự ăn” dần máu thịt nó…
Hai triệu đồng bào Việt Nam ta - hai triệu bộ xương đen đủi qua lại từ khắp thành thị, nông thôn. Họ lê lết trên các vỉa hè, bãi rác, bờ ruộng, mé sông. Vất vưởng và vô vọng. Có những bà mẹ áo váy vá chằng vá đụp bằng bất cứ mảnh giẻ gì… bên cái bị cói nát, vạch vú cho con ngậm… Đứa bé nhắm nghiền mắt kêu khóc không thành tiếng… - ôi còn đâu bầu vú căng tròn, còn đâu sữa mà bú! Đó chỉ là hai cái túi thõng xuống, nhàu nát tự lâu rồi.
“… Con nhay vú mẹ - thất thanh
Mẹ nhìn con, mắt long lanh, lắc đầu
Lệ sầu tuôn xuống mắt sâu
Đầu lâu ghé sát đầu lâu… khóc òa!...”
(Thơ Phạm Thanh Phong, 1945)
Rét tháng ba…! Càng đói thì càng rét. Đói - rét là một đôi kẻ thù không lộ mặt, ngấm ngầm, khắc nghiệt hành hạ con người! Không ai kêu được như sau một cú roi vụt xuống. Họ cứ thế mà tàn lụi. Thần chết lảng vảng giữa họ từ lâu, chỉ phân biệt được bằng cái lưỡi hái nhọn hoắt.
Những xác dở ngồi dở nằm hay gục ngã… thật cô đơn nơi góc hẻm bờ tường. Những họ hàng người thân thường “túm năm tụm ba” ôm lấy nhau nằm đắp chiếu rách và bao tải gai. Kẻ đã chết ghì chặt người còn ngắc ngoải.
Cả dãy phố dài lạnh tanh. Nổi bật là những xe ba gác. Một xe chở cả chục xác -những bộ xương bị chất lên xe một cách vội vàng, cẩu thả như xếp lỏng chỏng những bó củi khô. Vài cổ chân thòi ra ngoài xe. Có cánh tay lòng thòng vung vẩy quét xuống mặt đường. Tiếng lọc cọc rợn người chiều mùa đông. Họ được kéo ra ngoại ô, trả về cho cánh đồng quê vốn xanh mơn mởn nay đã xác xơ gốc rạ.
Những tháng ngày ấy còn bé, tôi chẳng hiểu vì sao. Vì sao lại như vậy? Tôi chẳng làm được gì khi nhìn trong những bộ xương đen đủi ấy có ánh mắt trắng vội lóe sáng lên nhìn tôi… một chấm trắng giữa vực sâu hốc mắt như kêu gọi, khẩn cầu… rồi mờ dại đi theo nắng chiều dần tắt.
Ánh mắt ấy ám ảnh tôi không bao giờ quên được!
Tháng Tám - mùa thu, Cách mạng về!
Để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Việt Minh đã tổ chức những lực lượng bán vũ trang đánh Nhật, phá kho thóc mà chúng đã cướp bóc của dân, để nuôi quân lính phát xít của chúng.
Những bộ xương - con người đang thoi thóp gần hấp hối bỗng hồi tỉnh… Lắng nghe tiếng loa của Việt Minh kêu gọi… “Thóc… gạo… - mau lên…!”. Gọi nhau í ới. Từ những xó xỉnh, lều cỏ, bờ tre… họ đứng lên. Lảo đảo, xiêu vẹo, khập khiễng… Kéo nhau thành những đám đông; vơ vội cái bị, cái nia, thúng mủng, thậm chí tay không họ cũng lao về phía kho thóc trong hàng rào thép gai… Bọn lính Nhật nổ vài tràng súng thị uy rồi hoảng sợ bỏ chạy trước đám đông những bộ xương tử thần! Đám đông ấy chỉ có một vài con mã tấu, đinh ba, vài khẩu súng thô sơ do Việt Minh dẫn đầu.
Lăn xả vào! Lâu lắm rồi mới gặp lại những hạt thóc vàng của ta! Họ khóc, mếu, cười… những nụ cười méo xệch… Rồi thi nhau leo lên ngọn cát thóc, ôm lấy những bao gạo, vốc ngay một nắm cho vào mồm nhai ngấu nghiến.
Dẫu chỉ có một cái nia để đựng, họ cũng vội bê. Có bà tốc vội váy lên… miễn là đựng được gạo. Chẳng lấy được bao nhiêu cũng để nguyên thế chạy về… Không ai cười ai được - Thóc, gạo đây rồi! Sống rồi! Hãy nấu lên ngay, có tí hồ cho con húp đã…, tỉnh lại đi - bố nó ơi, con ơi!... lạy Trời, lạy Phật!…
Trời thu xanh trong. Nắng thu rực cho những hạt thóc vàng óng ả.
Bao lâu “gần đất xa trời” chẳng còn ai nghĩ tới trên cao có ông mặt trời. Tỉnh lại nhìn phố phường, làng xóm, mọi người đã thấy ngọn cờ đỏ sao vàng đang phấp phới bay bay. Đã được nghe tiếng nhạc, tiếng hát Tiến quân ca. Không còn nghe mãi tiếng của chính mình kêu rên: “Ối trời cao đất dày!...”.
Đồng bào yêu quý
Chính quyền cách mạng đã lần đầu tiên khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Lần đầu tiên người dân Việt Nam được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài Ba Đình đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Bác gọi: “Đồng bào yêu quý!...”.
Dường như lần đầu tiên người Việt Nam mới được chính thức hiểu và gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng” - câu ca dao này rất mới, hay là đã có từ thời Hùng Vương?
Việc quan trọng hàng đầu của chính quyền cách mạng là cứu đói. Phải vượt qua nạn đói khủng khiếp nhất thế kỷ… Mà ai cũng có thể biết ngân khố quốc gia bắt đầu chỉ có vài vạn đồng tiền Đông Dương. Nghe nói bấy giờ ở bên Trung Quốc người ta phải mang cả một xe ba gác chở tiền “quan - kim” mới mua nổi một bao gạo!
Kho lương thực quốc gia trống rỗng. Các cánh đồng mới bắt đầu ra mạ non xanh hy vọng. Vậy trong khi chờ đợi, phải biết thu xếp, điều chỉnh… Tôi nhớ mình đã được nếm hạt gạo Đồng Tháp Mười - Nam Bộ chuyển ra.
Chính phủ hết sức hô hào vận động tiết kiệm từng hạt gạo. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trên khắp các mảng tường vôi quét những dòng chữ lớn: “Uống rượu là uống máu đồng bào!” - như một khẩu hiệu mạnh mẽ và quyết liệt. Khẩu hiệu này còn đập vào mắt người qua lại cho tới hết năm đầu kháng chiến, mà người ta vẫn còn chưa xóa hết. Bởi rượu nấu bằng ngũ cốc… Những người quen uống rượu cũng phải tự giác, tạm “cai” cái khoái khẩu của mình cho mọi người cùng sống. Hạt gạo là hạt ngọc. Gạo phải nuôi cho kháng chiến trường kỳ. Nổi lên phong trào mỗi gia đình có một “hũ gạo nuôi bộ đội”.
Dẫu là bom đạn thực dân Pháp ngày ngày dội xuống cánh đồng, làng mạc quê hương ta - thì các mùa lúa vẫn cứ trở về rộn ràng như ngàn xưa.
1964-1975
Miền Bắc vừa được gần 10 năm hàn gắn vết thương chiến tranh (1954-1964), xây dựng chưa được bao nhiêu thì lại bị đế quốc Mỹ tấn công bằng “chiến tranh phá hoại”. Vết thương mới lên da non đã lại bị phá nứt ra rỉ máu. Mọi cánh đồng lúa lỗ chỗ hố bom. Dọc trục đường 1, Đông - Tây Trường Sơn, các đoàn xe phải đội lửa mà lao về phía Nam để tiếp súng đạn, quân nhu, quân lương và thuốc men.
Những đoàn cán bộ, đoàn quân đi B khoác đầy lá ngụy trang không ngừng bước tiến vào, bồi bổ sinh lực cho miền Nam. Trong khi ấy, các chiến sĩ cao xạ cũng ngày đêm hiên ngang trên ụ pháo nhắm thẳng máy bay Mỹ mà bắn. Trên trời, tứ tung những cuộc đọ súng giữa máy bay ta MiG-17, MiG-21 với các loại Thần Sấm, Con Ma, Cánh Cụp, Cánh Xòe Mỹ.
Thủ đô Hà Nội rung lên ngùn ngụt khói bom B-52! Những đoàn tàu hỏa chở đầy lính trẻ vẫn ầm ầm, xình xịch qua cầu Hàm Rồng vào thành cổ Quảng Trị, đường 9 - Khe Sanh…
Nhuệ khí, khí thế ấy theo những câu vang dội của Bác Hồ: “Nam Bắc hai miền đều đánh giỏi…/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” (Thư khen quân và dân miền Bắc, 27-6-1968).
15 tháng 5 năm 1975
Dự lễ duyệt binh mừng Đại thắng Giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam xong, tôi đi cùng chiếc xe Jeep với đội quay phim quân đội phóng như bay ra Hà Nội.
Mùa mưa năm này về muộn ở miền Nam. Chúng tôi ra tới Nghệ An vào buổi trưa hè oi ả qua nhiều đoạn đường, nhiều hố bom đạn đã được san lấp. Cảnh sắc chung còn đầy dấu vết chiến tranh - cuộc chiến tranh Mỹ đánh miền Bắc (chiến tranh phá hoại) là chiến tranh không có tiền tuyến, không có hậu phương nên hậu quả của nó là sự khốc liệt không trừ nơi đâu và không trừ một ai.
Dừng xe để giải khát. Lèo tèo mấy quán lá ven đường cạnh những hầm chữ A và đường giao thông hào dích dắc kéo dài. Cột nhà khẳng khiu, vách nứa xô lệch, trống trải. Không có bún, phở “không người lái” cũng hết. Chỉ còn nước chanh quả không đá, nước trà đặc và những chiếc kẹo lạc gần chảy nước bọc trong những vỏ giấy báo…
Vậy mà mấy em nhỏ lem luốc, còm nhom vẫn có vẻ thèm uống, thèm ăn…, chúng chỉ nhìn mà không xin.
Vừa rời xa Sài Gòn - thành phố nhiều cao ốc, nhiều sắc màu bánh trái, bia rượu, tơ lụa, xe cộ, đầy ắp hàng hóa xa hoa, điện sáng trưng… bữa nay mới gọi là trở về… tôi thấy rưng rưng… những miền quê ta nghèo quá. Nghèo đến kiệt quệ! Thì ra miền Bắc bao năm qua đã phải chịu hy sinh tới cả những nhu cầu tối thiểu của mình cho ngày toàn thắng.
Hầu như trẻ em nào cũng bị thiếu vắng người cha, người anh… Hôm nay toàn thắng rồi, họ vẫn còn đang trên đỉnh Trường Sơn hay bề bộn công việc giữa Sài Gòn. Họ cũng sắp về rồi - hãy ráng chờ thêm, ơi các em!
Tháng tư 2006
Tôi thường ngả người buổi tối xem tivi. Nhưng gần đây tôi phải ngồi nghiêm chỉnh trước một chồng nhật báo, tuần san, chăm chú đọc kỹ từng bài, cả nhiều câu chữ, số liệu… mà tivi chưa đủ cho tôi nghiền ngẫm thông tin.
Nhiều năm nay, những tin về tiêu cực, tham nhũng, ăn chơi sa đọa, mất đoàn kết, mất nhân phẩm… quá nhiều, đã làm người ta tựa hồ quen tai giữa tiếng ồn chát chúa, tạm thời bịt mũi khi phải qua những đường cống rãnh, bãi rác tanh hôi.
Nhưng bỗng giật mình, bức xúc. Đau và căm giận. Dư luận cả nước đặc biệt xôn xao. Mọi người đã bắt đầu nhìn rõ sự phanh phui vạch mặt những tên mặt người dạ thú như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Mậu Thôn…, danh sách đen đang kéo dài dây mơ rễ má cả nhà cả họ bọn chúng. Tập trung lớn nhất là vụ PMU18 ở Bộ Giao thông Vận tải.
- Làm sao, kéo bè kéo cánh cách nào mà chúng leo cao nhanh thế?
- Ai đã giao tiền của nhân dân như “giao trứng cho ác” để chúng thả sức tiêu tiền, trác táng vô luân; để chúng “ăn chia” với nhau (hạng bét như một công an phường cũng lót tay tới chục ngàn đôla). Dùng tiền ăn cắp của công, chúng đã hủ hóa, côn đồ hóa tới vô hiệu hóa cả một cơ quan lớn của nhà nước, mà số tiền quá lớn!
- Hoạt động tội phạm này từ lâu đã bị phát hiện - nhưng chúng vẫn tồn tại, ngày càng dấn sâu vào vũng bùn tội ác. Chúng đã làm mất lòng tin của dân vào cán bộ. Người ta thường có câu “Con sâu làm rầu nồi canh” - Hãy coi chừng! Nếu như nồi canh bị lộn nhiều con sâu, thì nó sẽ biến thành nồi canh sâu chứ không phải là canh ngọt cua hay ngọt thịt nữa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi vụ PMU18 là “giặc nội xâm”.
* * *
Vào những ngày này cách đây 40 năm, 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Cả nước căng thẳng, hồi hộp theo dõi từng bước tiến của quân ta. Trong lòng ai nấy chắc mẩm chỉ chờ đợi phút giây cùng nhảy lên reo hò vang dội cả núi sông: “Thắng rồi! Sài Gòn giải phóng rồi!”.
Bánh xe lịch sử đang quay, chuyển động nhanh, mạnh chưa từng thấy. Một trở lực nào cản bánh xe đang chuyển động tiến lên - đó là phản động - theo định nghĩa triết học.
Hãy nhớ, hãy tin từng bước đi lịch sử của dân tộc.
----------------------------------------------
* Đại tá, họa sĩ, chiến sĩ Điện Biên Phủ.