Cụ Huỳnh và Bác Hồ - "Non sông một mối chung nhau gánh"

Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, trong thông điệp gửi đồng bào ngày 29/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi người quá cố:

Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời, cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập(1).

Mấy dòng trên đã tóm tắt một cách trọn vẹn phẩm chất cao quý của cụ Huỳnh.

Cụ Huỳnh hơn bác Hồ 14 tuổi. Khi bác Hồ lên tàu Đô đốc Latouche-Tréville ra đi tìm đường cứu nước thì cụ Huỳnh đang bị giam ở Côn Đảo.

Các nhà Nho yêu nước đầu thế kỷ XX có hai xu hướng hoạt động khác nhau. Một số (mà tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu) chủ trương dùng bạo lực vũ trang để đánh đuổi quân xâm lược Pháp, giành độc lập cho nước nhà. Một số khác (do cụ Phan Châu Trinh đại diện) lại chủ trương dùng những biện pháp ôn hòa, bất bạo động, hợp pháp để đòi nhà cầm quyền thực dân thực hiện một số cải cách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Cụ Huỳnh nghiêng về xu hướng thứ hai. Cụ từng tuyên bố: “Tôi là một nhà cách mạng công khai(2).

Sau khi đỗ đầu kỳ thi Hội và đỗ tam giáp đồng tiến sĩ trong kỳ thi Đình năm 1904, cụ từ chối ra làm quan, thường gặp gỡ các nhà Nho yêu nước (như các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành…) để cùng bàn chuyện cứu nước giúp dân. Năm 1905, cụ cùng hai cụ Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi thăm một số tỉnh Nam Trung Kỳ.

Năm sau, cụ cùng một số bạn đồng chí hướng ở tỉnh Quảng Nam cổ động công cuộc duy tân như mở một số trường tư dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, lập thư viện ở làng Chiên Đàn, tổ chức các buổi diễn thuyết vào ngày rằm mỗi tháng, hô hào cắt tóc ngắn, mặc y phục theo Âu Tây, cổ vũ việc lập hội nông, hội công, hội thương v.v…

pic
Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Năm 1908, nhân dân nhiều địa phương ở Quảng Nam xuống đường chống sưu cao thuế nặng. Phong trào đấu tranh nhanh chóng phát triển ra nhiều tỉnh khác ở Trung Kỳ. Cụ Huỳnh không phải là người trực tiếp chủ xướng cuộc đấu tranh, nhưng thực dân Pháp và triều đình Huế vẫn bắt cụ với lý do “ông thường đi các nơi diễn thuyết, đề xướng dân quyền. Nay hạt dân dấy loạn, kéo nhau cự sưu, trong đó có đồ đệ của ông theo xúi giục(3). Cụ bị kết án tử hình, sau đổi thành khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Mười ba năm sau, cụ mới được trả tự do.

Ngày 24/2/1926, toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne ra nghị định đổi Hội đồng tư phỏng Trung Kỳ (Chambre consultative de l’Annam) thành Viện nhân dân đại biểu Trung Kỳ (thường gọi tắt là Viện dân biểu Trung Kỳ - Chambre des représentants du peuple de l’Annam). Cụ Huỳnh muốn nhân cơ hội này đấu tranh một cách công khai cho các quyền dân sinh dân chủ nên ra ứng cử. Cụ đắc cử và sau đó được bầu làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ.

Nhưng sau hai năm làm nghị trưởng, cụ thấy Viện dân biểu này chỉ là một cơ quan bù nhìn, không có quyền hành gì, chỉ khoác áo dân chủ giả hiệu để thông qua các chủ trương chính sách của nhà cầm quyền thực dân, nên ngày 2/10/1928 cụ tuyên bố từ chức trước khi mãn nhiệm kỳ. Một số nghị viên có tinh thần yêu nước (như các cụ Lê Huân, Hoàng Đức Trạch, Trần Đình Đàm, Lương Quý Dy) cũng noi gương cụ, đồng loạt từ chức.

Trước đó, từ 10/8/1927, cụ Huỳnh sáng lập tại Huế báo Tiếng Dân do cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Theo cụ, “đối với chính phủ, [tờ báo] xin làm người bạn ngay(4) để phản ánh một cách trung thực tâm tư nguyện vọng của người dân cho nhà cầm quyền biết vì “phải nhờ đến báo chí thì tiếng của dân mới bộc lộ ra được(5) .

Trong những năm 1930, nhiều cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo diễn ra sôi nổi, nhưng cụ Huỳnh không tán thành, vì cụ vẫn chủ trương chỉ dùng các biện pháp ôn hòa để đòi hỏi Pháp tiến hành một số cải cách. Trong thư đề ngày 9/11/1937 gửi Ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp, cụ chỉ đề nghị Pháp “thực hiện nguyên vẹn Hiệp ước 1884, thiết lập “chế độ cai trị trực tiếp cho cả ba xứ thống nhất”v.v…(6). Tuy không tán thành đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, “nhưng vì lòng yêu nước, cụ vẫn giúp những người cộng sản hoạt động(7). Ngay trong tòa soạn báo Tiếng Dân có một chi bộ bí mật. Nhiều đảng viên (như Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Nguyễn Sơn Trà…) là cộng tác viên tích cực của báo.

pic


Trong thực tế, thực dân Pháp không cần “người bạn ngay” mà chỉ muốn một tay sai ngoan ngoãn. Cụ Huỳnh không chịu thế nên ngày 21/4/1943, toàn quyền Jean Decoux ra nghị định đóng cửa tờ báo.

Đến lúc đó, cụ nhận thấy: dưới ách thống trị của ngoại bang, đấu tranh công khai trong nghị trường hay bằng báo chí chỉ là ảo tưởng và chắc chắn sẽ thất bại chua cay. Cụ cảm thấy thất vọng và bế tắc. Trong một bài viết ngày 16/6/1945, cụ “tự xét đời sống sót sau vận kiếp này, không làm gì bổ ích cho đời(8).

Nhưng hai tháng sau, Cách mạng tháng Tám thành công. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân, đồng thời lật đổ cả ngai vàng quân chủ. Trong khi hầu hết các Nho sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX đều đã qua đời trước Cách mạng tháng Tám 1945, cụ Huỳnh có niềm hạnh phúc được sống trong cảnh đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Cụ viết:

Bát thập tải cường quyền chi ky lặc, mã hàm ngưu phụ, tảo đắc nhất không;

Thiên dư niên chuyên chế chi ưu linh, hổ dực ly hàm, kịch hưu tái diễn.

Khoái hà như dã, thoát nô ách nhi chủ nhân ông;

Lạc chi tư hồ, dịch quân quyền nhi tân dân quốc

Dịch:

Xiềng xích cường quyền trên tám kỷ, vó trâu chân ngựa, quét sạch sành sanh;

Trò hề chuyên chế hơn ngàn năm, cánh cọp hàm ly, lặng im thin thít.

Sướng ôi là sướng, thoát thân nô mà làm chủ nhân ông;

Vui thật là vui, đổi quyền vua mà làm dân quốc mới(9).

Trong lễ giỗ cụ Phan Bội Châu tổ chức tại Huế ngày 29/10/1945, cụ Huỳnh bày tỏ niềm vui khi thấy “cái hoài bão của hai cụ [Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh] đến đây rõ là được thực hiện… Đời tôi đến đây thấy được cái kết quả mà bình sinh hai cụ mong ước, như thế là được rồi(10).

Trong dịp Tết Bính Tuất (1946) - Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau gần 1 thế kỷ mất nước - cụ viết câu đối dán trước nhà. Năm ấy, cụ bước vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng hòa trong niềm vui chung của đồng bào, cụ cảm thấy:

Trẻ lại với xuân, nước tổ bốn nghìn năm lịch sử;

Đứng lên làm chủ, quyền người hai chục triệu dân sinh(11)

Đầu năm ấy, bác Hồ mời cụ Huỳnh ra thủ đô Hà Nội tham gia chính phủ. Cụ do dự, vì thấy mình tuổi già sức yếu, sợ không kham nổi công việc, hơn nữa, cụ nghĩ trong quá khứ không có đóng góp gì nhiều vào thắng lợi của cách mạng nên tự thấy không xứng đáng với chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ mà bác Hồ có nhã ý dành cho cụ. Trong điện trả lời, cụ nói rõ “không thể nhận chức bộ trưởng”, chỉ hứa sẽ ra Hà Nội. Khi nhận thư mời thứ hai, cụ mới quyết định ra, nhưng chỉ để gặp bác Hồ trình bày một số ý kiến về đất nước, rồi về lại Huế (nên cụ mang theo hành lý rất ít).

Ngày 24/2/1946, Ủy ban hành chính Trung Bộ cho xe đến tòa soạn báo Tiếng Dân đưa cụ đi.

Năm 1926, khi vào Sài Gòn thăm cụ Phan Châu Trinh bệnh nặng, cụ gặp cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ luật sư Phan Văn Trường. Từ đó, cụ biết Nguyễn Ái Quốc là con cụ Nguyễn, từng hoạt động chung với hai cụ Phan ở Paris. Trong những năm làm báo Tiếng Dân, cụ biết Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, bị thực dân Pháp và Nam triều kết án tử hình vắng mặt (10/10/1929), bị đế quốc Anh bắt giam ở Hồng Kông (6/6/1931)… nhưng mãi đến bây giờ mới gặp mặt nhau lần đầu tiên.

Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa bác Hồ và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới, ôm lấy nhau, cả bác Hồ và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt(12).

Cụ Huỳnh nói: “Cụ biết tôi đã gần trọn một đời lo toan việc nước, mong ước được làm dân một nước độc lập. Nay tuổi đã già, sức đã mỏi, lòng muốn nhận trách nhiệm như cụ nói, nhưng lại sợ làm không tròn. Cụ nên kiếm người trẻ, thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn(13).

Bác Hồ phân tích tình hình đất nước: tuy cách mạng đã thành công, nước nhà đã độc lập, nhưng dân tộc ta đang phải đối phó với nhiều thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm), do đó các bậc chí sĩ cần chung vai gánh vác việc nước với toàn dân. Ngày xưa, cụ Huỳnh tuy đỗ đại khoa nhưng nhất quyết không ra làm quan, vì lúc đó làm quan là tiếp tay cho thực dân áp bức bóc lột người dân; còn nay, cụ tham gia chính phủ là góp phần giúp dân cứu nước.

Bác Hồ kết luận: “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn 1 dặm nữa. Xin cụ đừng thoái thác, cụ vui lòng giúp tôi(14).Sau mấy lần đàm đạo với bác Hồ, cụ Huỳnh cảm động trước thái độ chân thành và lời lẽ đầy thuyết phục của bác Hồ, nhận làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Sau buổi gặp bác Hồ, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn: Dân ta có được cụ Hồ quả là hồng phúc(15).

Trong bức thư viết bằng chữ Hán năm 1946, cụ Huỳnh ca ngợi bác Hồ:

Ngã đồng bào quốc dân tố sở kính ái chi Hồ Chí Minh tiên sinh,

Chân chính ái quốc đại chí sĩ, lịch nghiệm cách mạng lão chuyên gia;

Túc biến ngũ châu, nhãn cao nhất thế;

Nhận thấu toàn cục, tĩnh tứ tiên cơ

Dịch:

Người thân yêu kính mến nhất của đồng bào quốc dân chúng ta là Hồ Chí Minh tiên sinh,

Là bậc yêu nước chân chính đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia;

Chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm;

Nhận rõ thời cục, lặng dò thời cơ(16).

Ngày 2/3/1946, khi trình danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến để Quốc hội chuẩn y, bác Hồ giới thiệu cụ Huỳnh là “một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết(17).

Theo đề nghị của cụ Huỳnh, bác Hồ cử ông Hoàng Minh Giám làm thứ trưởng và ông Phạm Khắc Hòe làm đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Bác Hồ thường mời cụ Huỳnh cùng đi công tác (như các ngày 9/4/1946, 28/4/1946…). Tuy cụ phụ trách Bộ Nội vụ nhưng bác Hồ mời cụ tham gia cả công tác ngoại giao, như cử cụ vào Ủy ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Hội nghị Fontainebleau (22/5/1946), cùng bác Hồ tiếp khách nước ngoài (cao ủy Pháp d’Argenlieu, tướng Morlière, các lãnh sự Mỹ, Anh, Trung Hoa, tướng Lư Hán, tướng Tiêu Văn…).

pic
Bác Hồ, cụ Huỳnh (bên phải) và các vị bộ trưởng, thứ trưởng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa


Ngày 27/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) được thành lập. Cụ Huỳnh được bầu làm hội trưởng, bác Hồ làm hội trưởng danh dự. Trả lời một nhà báo nước ngoài ngày 16/7/1947, bác Hồ nhận định:“Hội Liên hiệp quốc dân là do những người lão thành có danh vọng đạo đức như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn v.v… và những người yêu nước không có đảng phái đứng ra tổ chức. Hội đó đã thực hiện sự đại đoàn kết của toàn dân gồm tất cả các từng lớp, đảng phái, tôn giáo và dân tộc trong nước Việt Nam. Tinh thần của Hội đó là yêu nước, chương trình là quyết tranh đấu cho Tổ quốc được thống nhất, độc lập, thống nhất và dân chủ, phú cường(18).

Khi được chính phủ Pháp mời sang thăm chính thức nước Pháp, bác Hồ ký sắc lệnh số 82 ngày 29/5/1946 ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền chủ tịch chính phủ trong thời gian bác đi vắng. Trước ngày đi Pháp, bác mời cụ đến bàn công việc. Ông Cù Huy Cận (được bác cử tạm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ thay cho ông Hoàng Minh Giám đi dự Hội nghị Fontainebleau) kể lại: “Hôm đó, bên ấm trà nóng, cụ Huỳnh nói với bác Hồ: “Cụ đi vắng, ở nhà có nhiều việc khó khăn bất trắc xảy ra thì làm thế nào ?”. Bác Hồ nói ngay một câu: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”… Là một nhà nho, cụ Huỳnh đã hiểu toàn bộ ý tứ bác Hồ gửi gắm(19). Xúc động trước lời dặn “Lấy cái-không-hay-đổi để ứng phó với muôn vàn sự-đổi-thay” của bác, tuy câu chữ ngắn ngủi nhưng ý nghĩa súc tích, ông Huy Cận làm bài thơ Lời dặn:

Tôi đi, cụ chớ lo chi cả,

Quyền nước, lòng dân, cụ ở nhà.

Hai chén trà khuya hương nhẹ tỏa

Một câu “Bất biến” dặn phòng xa(20).

Sáng 31/5, “sắp đến giờ lên máy bay, bác Hồ tới nắm tay cụ Huỳnh, nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó, phải đi xa ít lâu. Ở nhà trăm sự khó khăn, nhờ cậy ở cụ cùng anh em giải quyết cho…”. Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay bác Hồ hồi lâu” (21).

Đáp lại lòng tin tưởng của bác Hồ, cụ Huỳnh giữ vững phương châm hành động  “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ quyền Chủ tịch Chính phủ trong suốt 4 tháng bác Hồ vắng mặt. Ngày 23/10, trong lời tuyên bố với quốc dân sau khi từ Pháp về, bác Hồ cảm ơn mọi người mà trước hết là cụ Huỳnh: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ(22).

Cuối tháng 10/1946, Quốc hội họp kỳ thứ 2 và giao cho bác Hồ thành lập chính phủ mới. Ngày 3/11, bác Hồ báo cáo trước Quốc hội: “Cụ Huỳnh vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu cụ, cụ cũng gắng ở lại(23).

Thực dân Pháp ngày càng gây hấn. Cuộc kháng chiến có khả năng lan ra toàn quốc. Bác Hồ cử cụ Huỳnh (thay mặt Chính phủ) và ông Tôn Quang Phiệt (thay mặt Ban thường trực Quốc hội) đi kinh lý các tỉnh Trung Bộ. Đi đến đâu, cụ Huỳnh cũng họp cán bộ và nhân dân lại để nghe cụ giải thích đường lối kháng chiến và kiến quốc của Trung ương, vận động mọi người tích cực chuẩn bị cho công cuộc chống xâm lược. Đặc biệt cụ luôn ca ngợi đạo đức và tài năng của bác Hồ, khuyên mọi người thi hành triệt để các mệnh lệnh của bác Hồ.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bác Hồ và Trung ương chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Gần tới Tết Dương lịch, dù bận trăm công nghìn việc,  bác Hồ vẫn viết thư nhắc Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam:“Nhân danh Chính phủ và Quốc hội, chú gửi điện [mừng] năm mới cho cụ Huỳnh và nhờ cụ chuyển lời chúc năm mới thắng lợi cho chiến sĩ và đồng bào trong đó, [điện] ký tên cụ Hồ và cụ Bùi [Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban thường trực Quốc hội]”(24).

Trong những ngày làm việc ở Quảng Nam, sức khỏe cụ Huỳnh suy yếu nhiều. Khi ông Tôn Quang Phiệt ra lại Hà Nội, “cụ tiễn chân ông Phiệt ra tận cổng, rồi cầm tay ông Phiệt, cụ nói: Tôi chắc không gặp lại Hồ Chủ tịch. Ông về Hà Nội báo cáo với cụ công việc chúng mình đã làm từ hôm rời Hà Nội đến nay, và nói riêng giúp tôi: tôi gửi lời chào cảm mến Hồ Chủ tịch và xin kính chúc cụ sống lâu để lãnh đạo cuộc chiến tranh này cho đến thắng lợi, như cụ đã lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám thành công(25).

Tháng 4/1947, khi đang công tác tại Quảng Ngãi, bệnh cụ trở nặng. Biết mình không qua khỏi, cụ đọc cho ông Lê Nhiếp (rể và cũng là thư ký riêng của cụ) ghi bức điện gửi bác Hồ:

Kính gửi Hồ Chủ tịch,

Tôi bệnh nặng, chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp cụ lần cuối cùng. Chúc cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc.

Chào vĩnh quyết. 14/4/1947.

Mấy ngày sau, trong bức điện gửi các đảng phái và tôn giáo, cụ“mong anh em hãy thực hiện ngay đại đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc(26).

Tin cụ Huỳnh từ trần ngày 21/4/1947 bay tới Việt Bắc, bác Hồ vô cùng thương tiếc.Bác chỉ thị cả nước để tang cụ Huỳnh, khắp nơi treo cờ rủ và cử hành lễ truy điệu. Bác làm bài thơ điếu cụ Huỳnh bằng chữ Hán và tự dịch :

Bể Đà Nẵng triều thảm

Đèo Hải Vân mây sầu

Tháng tư tin buồn đến

Huỳnh Bộ trưởng đi đâu

Trông vào Bộ Nội vụ

Tài đức tiếc thương nhau

Đồng bào ba chục triệu

Đau đớn lệ rơi châu(27).

Trong thông điệp gửi đồng bào ngày 29/4, sau khi ca ngợi lòng yêu nước của cụ Huỳnh (mà chúng tôi đã trích dẫn ở đầu bài viết này), bác Hồ kêu gọi toàn dân “theo gương dũng cảm, nối chí quật cường của cụ”để“hoàn thành sự nghiệp cứu nước cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời(28).

Mở đầu phiên họp Hội đồng chính phủ ngày 30/4, sau khi đề nghị mọi người đứng dậy mặc niệm cụ Huỳnh và ông Hoàng Hữu Nam (vừa qua đời ngày 24/4 tại Tuyên Quang ở tuổi 36), bác Hồ kể lại quá trình hoạt động yêu nước của hai vị. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, “cụ chủ tịch nói với một giọng rất đau đớn như cụ đã mất một người anh và một người con(29).

Một năm sau, đúng vào ngày 21/4/1948, dù hết sức bận rộn, bác Hồ không quên gửi điện cho gia đình cụ Huỳnh: “Nhân ngày giỗ đầu cố Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn cụ và xin gửi gia đình cụ lời chào thân ái và quyết thắng(30).

Dù tuổi tác cách nhau hơn một giáp, dù thời gian làm việc bên nhau chưa đầy 2 năm, mối quan hệ giữa cụ Huỳnh và bác Hồ ngày càng thắm thiết.

Trong công việc, hai vị luôn kính trọng, quý mến và tin tưởng lẫn nhau. Có lần cụ Huỳnh muốn tha một người dân đang bị chính quyền địa phương bắt giam, nhưng cụ chưa biết phải làm gì. Bác Hồ tôn trọng thẩm quyền tha - bắt công dân của cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ nên góp ý: “Cụ phê Tha, tôi phê Y”(31).

Trước khi lên đường sang Pháp, bác ân cần dặn dò các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp: “Các chú ở nhà, làm sao mà Trung ương Đảng, Ban thường vụ Trung ương làm việc gì phải bàn bạc [với cụ Huỳnh], thuyết phục [cụ], không có cái gì được ép buộc [cụ]. Phải làm sao cho cụ đồng tình để cùng làm việc(32).

Mối quan hệ chân thành đó không chỉ thể hiện trong công tác, mà cả trong đời thường. Xin nêu hai ví dụ:

Ngày 27/10, cụ Nguyễn Thị Thanh từ Nghệ An ra Hà Nội thăm và biếu bác Hồ một chai tương Nam Đàn và hai con gà. Bác cảm ơn chị ruột rồi nói: “Gà để nuôi cho nó đẻ trứng… tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh cùng ăn cho vui(33).
Thấy bác Hồ thui thủi một mình, cụ Huỳnh rất cảm động, ứng khẩu hai câu:

Năm mươi sáu tuổi chưa già,

Cụ ông thì thấy, cụ bà thì không!

Bác Hồ cảm ơn sự quan tâm của cụ Huỳnh và vui vẻ trả lời:

Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời

Nhớ ơn Cụ lắm, cụ Huỳnh ơi!

Non sông một mối chung nhau gánh

Độc lập xong rồi, cưới vợ thôi!(34)

Hai vị xem nhau như những người bạn tri kỷ.

Có lần, cụ Huỳnh tâm sự: “Đã gặp tri kỷ, tiếc rằng khi gặp tri kỷ thì tuổi đã già(35). Cụ nhắc lại ý đó trong bài thơ “tự thọ” cụ viết khi bước vào tuổi 71:

Đắc nhất tri kỷ

Kỳ nhi lão hà?

Và tự dịch:

Bảy tuần, đầu bạc như bông,

Được người tri kỷ thôi xong đã già (36).

Mối quan hệ tri kỷ đó ngày càng bền vững vì được xây dựng trên lý tưởng yêu nước thương dân của hai vị. Hai vị chia sẻ ý thức trách nhiệm đối với Đất nước trong giờ phút lịch sử này: Non sông một mối chung nhau gánh.

Chính nhờ mối quan hệ đó mà cụ Huỳnh đã tự nguyện cộng tác một cách chân thành với bác Hồ, trở thành người duy nhất trong số các chí sĩ Nho học đầu thế kỷ XX có đóng góp vào sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ do bác Hồ lãnh đạo.

__________

(1)Hồ Chí Minh, Toàn tập. NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1995, tập V, tr.121.
(2)Anh Minh, Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách mạng công khai, không đảng phái. NXB Anh Minh, Huế, 1952, tr.7.
(3)Huỳnh Thúc Kháng, Tự truyện. Anh Minh dịch từ chữ Hán và xuất bản, Huế, 1963, tr.30.
(4)Báo Tiếng Dân, ngày 10/10/1927.
(5)Báo Tiếng Dân, ngày 13/8/1927.
(6)Phạm Quang Trung, “Thư gửi Ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp”. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (188), IX-X, 1996, tr.68-71.
(7)Võ Nguyên Giáp, “Huỳnh Thúc Kháng, người đóng góp tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân”, Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (nhiều tác giả). Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1997, tr.34.
(8)Lời bạt (viết ngày 16/6/1945) của Bức thư bí mật trả lời cụ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để năm 1943. NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, tr.168.
(9)Huỳnh Thúc Kháng, Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư  (Thư kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến – Nguyễn Văn Hạp dịch), dẫn trong Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng của Vương Đình Quang. NXB Văn Học, Hà Nội, 1965.
(10)Vương Đình Quang, sđd, tr.30.
(11)Vương Đình Quang, sđd, tr.181.
(12)Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Văn Học, Hà Nội, 1976, tr.409.
(13)Nguyễn Dân Trung, “Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng”, Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (nhiều tác giả), sđd, tr.195.
(14)Nguyễn Xương Thái, “Giờ phút lịch sử đầu tiên của cụ Hồ Chí Minh gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng”, Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (nhiều tác giả), sđd, tr.196.
(15)Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, sđd, tr. 409.
(16)Huỳnh Thúc Kháng, Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư  (Thư kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến – Nguyễn Văn Hạp dịch), sđd.
(17)Hồ Chí Minh, sđd, tập IV, tr.193.
(18)Hồ Chí Minh, sđd, tập V, tr.170.
(19) (20)Cù Huy Cận, “Nhớ lại những kỷ niệm về cụ Huỳnh Thúc Kháng”,  Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (nhiều tác giả), sđd, tr.55, 56.
(21)Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, sđd, tr.536-537.
(22)Báo Cứu Quốc, ngày 23/10/1946.
(23)Báo Cứu Quốc, ngày 4/11/1946.
(24)Trần Quân Ngọc, Thư riêng của Bác Hồ. NXB Trẻ, TP.HCM, 2006, tr.154-155.
(25)Nguyễn Dân Trung, sđd, tr.205-206.
(26)Vương Đình Quang, sđd, tr.192.
(27)Trần Văn Đăng, “Huỳnh Thúc Kháng, tấm gương về một niềm tin vào xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam”, Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (nhiều tác giả), sđd, tr.29.
(28)Hồ Chí Minh, sđd, tập V, tr.122.
(29)Lê Văn Hiến, Nhật ký của một bộ trưởng. NXB Đà Nẵng, 1995, tập I, tr.82.
(30)Báo Cứu Quốc, ngày 10/5/1948.
(31)Nguyễn Xương Thái, sđd, tr.185.
(32)Võ Nguyên Giáp, “Huỳnh Thúc Kháng, người đóng góp tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân”, Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (nhiều tác giả), sđd, tr.36.
(33)Hồ Quang Chính, Bác Hồ gặp chị và anh ruột. NXB Nghệ An, 1999, tr.18.
(34)Tỉnh ủy Quảng Nam, Bác Hồ với đất Quảng.  NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000.
(35)Võ Nguyên Giáp, “Huỳnh Thúc Kháng, người đóng góp tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân”, Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (nhiều tác giả), sđd, tr.35.
(36)Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (nhiều tác giả). NXB Văn Học, Hà Nội, 1985, tập IV, quyển 2, tr.187-188.n

TS Phan Văn Hoàng