Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, hàng trăm Nhà văn hoá cộng đồng (NVHCĐ) ở Đắc Lắc được xây dựng để phục vụ bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương. Nhưng một bất cập ở đây là các NVHCĐ xây dựng xong vẫn nằm trong tình trạng “đắp chiếu”.
Mục đích của việc xây dựng NVHCĐ là nơi sinh hoạt văn hoá, tổ chức các lễ hội truyền thống, hội họp; tổ chức các lớp học nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, học đánh chiêng cùng nhiều hoạt động văn hoá, thể thao khác.
Tuy nhiên, hiện nay ở Đắc Lắc, hàng trăm NVHCĐ được xây dựng khá “hoành tráng” đang ở trong tình trạng không hoạt động và để “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Theo kết quả giám sát, kiểm tra của HĐND tỉnh Đắc Lắc thì trong số các NVHCĐ đã xây dựng xong thì có ít nhất 350 nhà ở tình trạng không hoạt động, hoặc thi thoảng chỉ được dùng vào một vài cuộc gặp mặt khi có các vị lãnh đạo cấp trên về thăm buôn làng, cần họp dân.
Nhiều NVHCĐ chưa hoạt động đã bị xuống cấp trầm trọng. Đây quả là một sự lãng phí lớn và khó có thể giải thích một cách thấu đáo.
Nhà văn hóa vắng bóng văn hóa:
Đi tìm nguyên nhân cho tình trạng NVHCĐ bị “đắp chiếu”, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều bất cập trong việc xây dựng những công trình này.
Đầu tiên là việc chủ đầu tư khoán trắng cho đơn vị thi công mà không qua sự tham mưu chuyên môn của các cơ quan liên quan như Sở Văn hoá thông tin. Vì vậy, việc thiết kế đã không giống nguyên mẫu của các NVHCĐ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.
Đã vậy, từ khâu khởi công, thi công cho đến bàn giao lại không thực hiện đúng văn hóa, phong tục của đồng bào: không làm lễ chọn đất, không cúng dựng nhà, không làm lễ cúng vào nhà mới khi hoàn thành...

Một trong số những NVHCĐ bị "đắp chiếu". Ảnh: Xuân Thân.
Thế nên, dù đã được bàn giao nhưng đồng bào không chịu nhận vì cho rằng ngôi nhà này không phải là của buôn làng mình, sợ vào sinh hoạt ở nhà này sẽ bị Yàng bắt tội.
Chưa hết, việc xây dựng sàn bằng bê tông liền khối gây ra sự bất tiện trong nếp sinh hoạt truyền thống cộng đồng: khi đồng bào uống rượu cần và ăn các món ăn truyền thống khác không có chỗ để bỏ lọt xuống đất như nhà truyền thống nên rác thải cùng với nước chảy lênh láng ra sàn rất mất vệ sinh.
Khuôn viên các NVHCĐ hầu hết đều quá chật hẹp, không thể sử dụng để tổ chức được các sinh hoạt văn hóa truyền thống ngoài trời giống như nhà truyền thống.
Mặt khác, sau khi bàn giao các công trình này đều ở tình trạng “5 không”: không điện, không nước, không khu vệ sinh, không có hệ thống âm thanh, không có các vật dụng văn hoá truyền thống như: cồng chiêng, ghế K’pan..., thậm chí là không có người quản lý, hoặc có thì lại không có kinh phí hoạt động hay một khoản phụ cấp nào cho họ.
Một lãnh đạo của ngành văn hóa tỉnh Đắc Lắc nhận xét: “Với những bất cập đó, các nhà văn hoá cộng đồng xây dựng xong không “đắp chiếu” mới là chuyện lạ”.
Điều này cũng chứng tỏ sự tắc trách cũng như sự hạn chế về hiểu biết văn hoá của những người có trách nhiệm. Thiết nghĩ, những người có trách nhiệm cần nhận biết sớm để khắc phục được phần nào những bất cập đối với các NVHCĐ đã xây dựng, đồng thời không lặp lại sai lầm này đối với các công trình khác sắp được khởi công.