Thời gian gần đây, người ta hay giới thiệu cho nhau vị thuốc này trị được chứng bệnh a, b…, vị thuốc kia trị được chứng c, d…, rồi đua nhau dùng với hy vọng chữa khỏi bệnh của mình. Hoặc, trên phương tiện truyền thông, người ta giới thiệu loại thuốc X được bào chế từ vị thuốc quý nào đó có khả năng trị được hàng loạt chứng bệnh thời đại. Người bệnh mua dùng trong thời gian dài với mong mỏi cải thiện bệnh tật của mình. Rốt cục tiền mất mà hiệu quả chẳng tới đâu, đó là chưa kể các tác dụng bất lợi một cách âm thầm về sau.
Nói một cách nghiêm túc, việc phổ biến cách dùng thuốc ấy chưa hẳn là hoàn toàn có lợi. Vì sao? Bởi y học cổ truyền dùng thuốc không dựa vào chủ trị mà căn cứ vào tính năng của thuốc. Nghĩa là phải căn cứ vào thuốc có tính nóng hay lạnh, ấm hay mát, khi vào cơ thể nó đi lên hay xuống, nó vào sâu trong nội tạng hay phát huy tác dụng ngoài da lông. Ngoài ra, còn phải xét đến thời tiết, môi trường sống, hoàn cảnh, tố chất, giới tính, tuổi tác… của người bệnh. Chính vì thế, người biết thuốc rất cẩn trọng trong việc giới thiệu thuốc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác dụng bất lợi trên cơ thể người bệnh.
Tóm lại, dùng thuốc cần phải xét đến tính năng của vị thuốc chứ không nên nhằm vào chủ trị. Bởi, một vị thuốc có nhiều chủ trị, còn tính năng chỉ có vài ba. Nếu chứng hợp với tính năng của thuốc thì sẽ có hiệu quả tốt, còn không thì vẫn có một ít hiệu quả tạm thời, sau đó lại đâu vào đấy, chưa kể có diễn biến bất lợi. Về vấn đề này, chỉ có thầy thuốc chuyên môn mới có đủ kiến thức, trình độ lý luận đồng thời kết hợp với thực tiễn để hướng dẫn thì mới tin tưởng được.

Củ nghệ
Dưới đây là một minh chứng cụ thể:
Người ta bảo nhau dùng nghệ với mật ong để trị: đau dạ dày, làm đẹp da ở phụ nữ, làm hạ mỡ trong máu, giúp cải thiện chức năng gan v.v…, với cách dùng như sau: hoặc tán nghệ thành bột rồi trộn với mật, hoặc giã nát nghệ rồi chưng với mật, có khi nuốt một muỗng nghệ bột. Cách dùng này liệu có ổn không?
Trước tiên, nghệ ngoài là thứ gia vị còn là vị thuốc. Khi dùng với vai trò gia vị thì số lượng sẽ không nhiều, và không thường xuyên, nên không cần phải bàn. Đây là cách dùng hết sức khôn ngoan trong dân gian với mục đích bảo vệ sức khỏe đồng thời tăng tính thẩm mỹ với màu vàng tươi trên thực phẩm.
Với vai trò vị thuốc, nghệ có tên là khương hoàng (thân rễ), đồng thời các nhánh mọc từ củ chính có tên là uất kim (rễ củ). Hiện nay, người ta dùng toàn là khương hoàng hay uất kim, hay lẫn cả hai? Bởi hai vị thuốc này có tính năng khác nhau nên cần phải lưu ý:
Khương hoàng: vị cay, đắng, tính ấm, không độc; vào hai kinh Can, Tỳ. Có tác dụng: hành khí, phá huyết, thông kinh, giảm đau. Trị: bụng căng tức đau, đau cánh tay, vàng da, phụ nữ kinh bế, sau sinh đau bụng. Bào chế: rửa sạch, nấu chín, xắt lát phơi khô. Kinh nghiệm dân gian: ngâm đồng tiện (nước tiểu trẻ con) 3 ngày đêm, mỗi ngày thay nước tiểu một lần, phơi khô. Kiêng kỵ: người âm hư huyết hư không có khí trệ huyết ứ, phụ nữ có thai. Sách Bản thảo kinh sớ viết: nếu dùng lầm càng làm tổn thương huyết phận, khiến bệnh nặng thêm.
Uất kim: vị cay, đắng, tính hàn, không độc; vào hai kinh Tâm, Phế. Có tác dụng: hành khí giải uất, lương huyết phá ứ. Trị: ngực bụng sườn đau, thổ huyết, tiểu ra máu, vàng da, dùng ngoài làm lên da non. Bào chế: rửa sạch, nấu hoặc hấp chín, phơi khô. Kiêng kỵ: người âm hư mất máu mà không có khí trệ, cẩn thận với phụ nữ có thai. Hải Thượng Lãn Ông viết: “Uất kim có khả năng khai uất của phế kim, tính vốn mạnh”. Thị trường thường dùng khương hoàng thay nó là sai, vì khương hoàng công phạt mạnh dễ gây hại.
Từ so sánh trên, ta có thể thấy:
- Cả hai đều được nấu hoặc hấp chín, chỉ dùng sống trong gia vị. Bây giờ người ta dùng thế nào?
- Vị thuốc này có phù hợp với thể chất và bệnh lý của người sử dụng không? Chẳng hạn: Đông y quan niệm phụ nữ chủ về huyết nên huyết thường kém và khí thường thừa (huyết bất túc, khí hữu dư), nếu không có bệnh lý về huyết chứng có nên dùng nó mỗi ngày không?
Qua đó, có thể khẳng định: muốn dùng bất kỳ một vị thuốc nào đó hãy nên tham vấn ở những người am hiểu và có kinh nghiệm, hoàn toàn không nên nghe theo lời hướng dẫn chung chung.
_____
Tài liệu tham khảo:
- Dược liệu Việt Nam, NXB Y Học, 1978.
- Dược phẩm vậng yếu – Hải thượng y tông tâm lĩnh tập VI, Hội Y học dân tộc TP.Hồ Chí Minh, 1985.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi, NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, 1986.
- Lôi công bào chế, dược tính phú, NXB Trường Hưng, Hồng Công.
- Trung dược đại từ điển, NXB Thượng Hải Khoa Học Kỹ Thuật, 2003.