Có nên kết thúc chương trình trung học ở lớp 9 không?

Trên báo điện tử VNEXPRESS ngày 11/9/2012 có bài Giới trẻ hào hứng với đề xuất “20 tuổi lấy bằng đại học”. Theo bài này, sau khi TS Nguyễn Trường Tùng kiến nghị kết thúc trung học vào lớp 9 thì được nhiều người ủng hộ, đặc biệt là giới trẻ. Và báo này có cho biết ý kiến của bạn đọc qua thăm dò là như sau:

Theo kết quả thăm dò này thì đa số gồm 58,6% đồng ý cho rằng nên nhận bằng đại học vào năm 20 tuổi, nghĩa là đồng ý cho kết thúc trung học vào lớp 9.

Trong bài này cũng nêu ra ý kiến của một số bạn đọc như của Cẩm Hóa, Vũ Hoàng Yến và một số người khác. Tôi xin góp một số ý như sau:

1.

Về ý kiến của bạn đọc Cẩm Hóa: Cẩm Hóa phân tích, trước năm 1975, học xong lớp 11 (đệ nhị cấp) sẽ thi Tú tài I, ai muốn học nghề thì chuyển qua (tương tự cao đẳng nghề hiện nay). Học sinh lớp 12 (đệ nhất cấp) thi Tú tài II, nếu qua được thì được chọn nộp đơn vào các trường đại học, ngoại trừ sư phạm (vì sinh viên trường này miễn quân dịch nên phải thi, cũng vì thế mà sư phạm toàn người giỏi). “Tôi cho rằng nên bỏ kỳ thi đại học bởi nhìn vào hiện tại có thể thấy, đỗ được Tú tài II ngày xưa còn hơn đậu đại học hiện nay”.

Thật ra, ở miền Nam trước 1975 thì như thế này: Sau khi đậu Tú tài II, không phải chỉ có Trường Đại học Sư phạm mới phải thi vào, mà tất cả các trường đại học đào tạo chuyên nghề (Professional Study) như Kỹ sư ở Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Đại học Nông Lâm Súc, Quốc gia Hành chánh, Bưu điện... đều phải thi cả! và tỷ lệ đỗ vào các trường này rất thấp bởi chỉ tiêu lấy rất ít. Còn những ngành học khác, không chuyên nghề (Liberal Art) như Đại học Khoa học, Văn khoa, Luật khoa... thì cứ ghi tên vào học.

Nhưng như vậy không có nghĩa là cứ vào học là có bằng đại học, mà thật ra, ở các trường này sinh viên phải đỗ sau năm thứ nhất thì mới được học lên năm thứ hai, mà tỷ lệ đỗ bao nhiêu? Toán 5%-10%; Lý Hóa 10%-20%; Văn khoa, Luật khoa 20%-30%. Còn Trường Đại học Y Dược thì trước năm 1968 sinh viên phải đỗ chứng chỉ Lý Hóa Sinh như  BCP hay SPCN ở Đại học Khoa học mới được nộp đơn vào và nếu số người vượt quá chỉ tiêu thì phải tuyển chọn theo tiêu chuẩn nhà trường đặt ra; sau năm 1968 thì phải thi đỗ chứng chỉ Dự bị Y Dược mới được nộp đơn vào. Như vậy, thật ra các trường ấy không phải không thi vào mà hoãn việc thi lại để cho bạn học một năm ở lớp dự bị cái đã.

Ngoài ra, ở miền Nam, kỳ thi Tú tài I (sau lớp 11) bị bỏ từ những năm cuối thập kỷ 1960, chỉ còn thi Tú tài ở cuối lớp 12.

2.

Cô tân thủ khoa Vũ Hoàng Yến (ngành Kế toán Kiểm toán của ĐH Thương mại) cho rằng, độ tuổi 22 mới tốt nghiệp đại học hiện nay là hơi muộn. Theo cô, học sinh có thể tốt nghiệp sớm hơn mà vẫn đảm bảo kiến thức để làm việc. Và  nữ thủ khoa ủng hộ phương án tốt nghiệp trung học ở tuổi 15 và đại học ở tuổi 20.

Tốt nghiệp Cử nhân vào tuổi 22 là “hơi muộn” là muộn với riêng cô hay với mọi sinh viên Việt Nam? Riêng với cô thì có thể là được, nhưng với mọi sinh viên Việt Nam thì không được đâu! Bởi tốt nghiệp ra mà chỉ có một mớ kiến thức trong chuyên ngành mà không có một chút kiến thức căn bản gì về nhân văn thì không thể tiến xa và không thể tự hóa giải những vướng mắc trong nghề nghiệp và trong xã hội một cách dễ dàng. Không phải ngẫu nhiên hay dại gì mà tất cả đại học Mỹ đều buộc sinh viên 2 năm đầu phải học kiến thức tổng quát (General education) bao gồm nhiều môn trong khoa học nhân văn, trước khi vào học các môn chính để theo chuyên ngành, và đại đa số sinh viên Mỹ hiện nay tốt nghiệp cử nhân vào tuổi 22-23 sau khi học 12 năm ở tiểu học và trung học. Nhưng ở Mỹ vẫn có một số ít sinh viên tốt nghiệp đại học ở tuổi 20, thậm chí ở tuổi 17 như cô Alexandria Huynh (người Mỹ gốc Việt) với bằng Cử nhân hạng Ưu tại Đại học CSULA ngày lễ tốt nghiệp (12/6/2010), và đã nhận được học bổng theo học Tiến sĩ ngành Miễn dịch học tại Đại học Harvard.

3.

Đa số bạn trẻ ủng hộ chấm dứt trung học sớm để có bằng đại học vào 20 tuổi. Đa số đồng ý nhưng ở đây không có nghĩa là “đúng”, bởi vì người trẻ nghe học ít năm thì ai lại không thích! Nhưng vì như thế người ta chỉ nghĩ đến “có bằng đại học” chứ không biết rằng với cái bằng ấy thì đã học được cái gì và sẽ làm được cái gì?

Người viết bài này không chống lại cái ý tốt nghiệp đại học ở tuổi 20, thậm chí còn ủng hộ tốt nghiệp đại học ở tuổi 16, 17. Nhưng điều ấy chỉ dành cho một số rất ít có khả năng trí tuệ cao hơn bình thường rất nhiều, chứ không thể cho đại trà. 

pic

Để đáp ứng được tốc độ học theo khả năng của học sinh để đại đa số tốt nghiệp Cử nhân vào khoảng 22 tuổi, một số rất ít có thể tốt nghiệp Cử nhân ở tuổi 17-20 thì trung học vẫn 7 năm với 5 năm tiểu học là 12, nhưng không nên tổ chức theo lớp cứng nhắc như Việt Nam ta hiện nay, mà tổ chức lớp học ở trung học uyển chuyển theo môn học: Học sinh trung học học các môn theo trình độ của từng em, chẳng hạn tới giờ Toán thì mỗi học sinh đi tới phòng học Toán theo trình độ của mình, có thể một học sinh lớp 6 học chung Toán với học sinh lớp 9; một học sinh lớp 9 có thể học chung Toán với học sinh lớp 10, 11, 12 v.v…

Và các trường Đại học Quốc gia nên bỏ các lớp chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh hiện nay mà thay vào đó tổ chức các lớp đặc biệt dành riêng cho một số em thật sự có năng khiếu từ 11 tuổi trở lên để học chương trình đại học như chương trình EEP (Early Entrance Program) tại Đại học bang California tại Los Angeles  (CSULA = California State University, Los Angeles) và Đại học Washington, tại học xá Seattle (University of Washington, Seattle campus), để các em đặc biệt này có thể tốt nghiệp đại học trong khoảng 17-20 tuổi, và sẽ được đào tạo thành những Tiến sĩ ở độ tuổi từ 20-24.

Người Việt hiện nay coi bộ hay dao động từ cực biên này qua cực biên kia, lắm khi lấy một vài trường hợp cá biệt rồi phóng đại lên thành mô hình tổng quát tiên tiến nhất thế giới(!) theo cách nói khoa trương là “đón đầu” trào lưu. Nhưng có thể nói chắc rằng trong lãnh vực về học thuật, khoa học giáo dục Việt Nam chúng ta không thể nào có đủ chứng cứ, cơ sở đã được nghiên cứu vượt hơn các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… để “đa số nhất trí” thu số năm học tiểu học và trung học lại thành 9 năm, để đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp đại học vào 20 tuổi, trong khi các nước tiên tiến vẫn giữ 12 năm cho tiểu học và trung học và đa số thanh niên của họ tốt nghiệp đại học vào 22-23 tuổi. Cũng cần nhắc lại rằng hiện nay nước Nga đã tăng 10 năm lên thành 11 năm trong mô hình tiểu học và trung học; nhiều nước trong khối Liên Xô cũ và Đông Âu đã bỏ chuyên ngành sớm từ năm thứ nhất đại học mà thay bởi kiến thức tổng quát (General Education) ở 1,5 -2 năm đầu đại học.

Theo thăm dò của VNEXPRESS thì 58,6% trong số 4.645 thanh niên Việt Nam ta tán thành chỉ học tiểu học và trung học trong 9 năm, để có bằng Cử nhân năm 20 tuổi, thì coi bộ đa số thanh niên Việt Nam ta xem mình giỏi nhất thế giới sao? hay e rằng chỉ “chuộng” bằng cấp nhất thế giới mà không lo thực học?

pic

Điều đúng là có một số người không học nhiều năm trong nhà trường như Thomas Edison chỉ học 3 năm ở tiểu học, Bill Gates bỏ Khoa Toán Đại học Harvard sau năm thứ 2, Steves Jobs bỏ Đại học Stanford vào năm 2 và họ là những người đã làm thay đổi thế giới với sáng kiến phát minh, nhưng họ chỉ là một thiểu số vô cùng nhỏ bé trong nhân loại, có biệt tài và họ tự học để có thực học rất uyên thâm. Đa số thanh niên Việt Nam ta có được như họ không mà đòi chỉ học 9 năm ở  tiểu học và trung học?

Vấn đề rất cần thay đổi trong giáo dục nước ta hiện nay không phải là thu ngắn 12 năm thành 9 năm mà thay đổi chương trình và cách học sao cho trong 12 năm học ấy học sinh học một cách nhẹ nhàng hơn nhưng có kiến thức toàn diện hơn:

- Học để trở thành người lương thiện. Lương thiện trong học đường: trung thực, không gian lận, không quay, cóp (chứ hiện nay nghe đâu có hơn 50% học sinh cố ý tìm cách gian lận trong các bài thi); không ỷ mạnh, ỷ giàu sang mà ăn hiếp bạn học. Lương thiện trong gia đình: sống có đạo lý với người thân theo truyền thống tốt đẹp của cha ông. Lương thiện trong xã hội: phải biết đóng góp xây dựng xã hội theo sức lao động của mình để trả nợ xã hội đã cung cấp mọi nhu cầu cho mình.

- Học để biết làm sao cho có sức khỏe tốt, có thì giờ chơi thể thao, âm nhạc (hiện nay phong trào thể dục, thể thao, âm nhạc học đường, tranh đua giữa các trường học hầu như đã không còn?), để có sức bền và ham học mà tự học suốt đời.

- Học để biết và tham gia các công tác có ích ngoài xã hội, tập dần gánh vác công tác xã hội, có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ môi trường sạch cho xã hội.

Chứ không phải học theo cách chỉ cắm đầu học ngày, học đêm, học thêm tiêu hao hết sức lực như hiện nay, cốt lấy được mảnh bằng rồi thỏa mãn và hết học


 

Lê Tự Hỷ (Mỹ)