Trên thực tế nghề sơn ở Việt Nam đã có từ ngàn năm nay và phân bố khắp nơi trong nước, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ như ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định… Nhân dân ta từ lâu đã biết khai thác và chế tác từ nhựa cây sơn có sẵn trong tự nhiên để làm vật gia dụng như khay trầu, hòm đựng vật liệu quý hiếm: vàng bạc, ngọc ngà; các đồ thờ cúng như bàn thờ tổ tiên, đại tự, hoành phi, câu đối, ngai, bài vị cho đến trang trí các điện thờ, đền chùa và hoàng cung. Sản phẩm bằng sơn Việt Nam còn là mặt hàng quý giá để xuất khẩu sang các nước như Tây Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… Ở nước Nhật cũng có cây sơn nhưng chất lượng nhựa không thể bằng nhựa cây sơn Việt Nam, đó là lợi thế cho việc làm tranh sơn mài, một đặc thù của nước ta. Nhiều du khách nước ngoài cũng đã đến các ngôi đền chùa để xem tranh bích họa, tượng Phật, các loại trang trí kiến trúc, cửa võng, kiệu, binh khí bằng gỗ… và rất khâm phục cách vẽ sơn kết hợp với nghề chạm trổ tinh vi của người Việt. Sự kết hợp nhiều chất liệu khác như son, bạc, gỗ, vàng, vỏ trứng… đã làm cho nghề sơn mài Việt Nam hiện đại bước sang một giai đoạn mới, đa sắc, đa dạng về phong cách, mang tính nghệ thuật cao, giàu cảm xúc và lung linh huyền ảo.

|
Dọc mùng - tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí |
Như vậy có thể nói, tranh sơn mài Việt Nam là kế thừa và phát huy những thế mạnh riêng có của sơn ta kể cả việc sử dụng chất kết dính, chất liệu tổng hợp cho đến các cung đoạn làm vóc sử dụng gỗ để tạo ra tranh sơn mài có giá trị độc đáo. Dù ở lĩnh vực sử dụng chất liệu nào, sơn dầu, bột màu hay màu nước… người họa sĩ khi sáng tác tranh bao giờ cũng phải tạo ra một bố cục chặt chẽ, màu sắc đẹp, hình họa vững vàng thì tranh sơn mài mới có sức hấp dẫn. Cách biểu cảm nội dung và phương pháp thao tác kỹ thuật của tranh sơn mài là không có điểm dừng mà còn phải suy nghĩ, đổi mới, sáng tạo để tranh sơn mài của chúng ta mỗi ngày một đẹp hơn, lan tỏa hơn không những trong nước mà trên trường quốc tế. Nghệ thuật tranh sơn mài ra đời non thế kỷ qua kể từ khi lớp sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương học tập nghiên cứu là kế thừa của nghề sơn mỹ nghệ truyền thống mà nhân dân ta đã sáng tạo. Ngày nay cũng có nhiều người trong giới mỹ thuật đang bàn luận nên dùng thuật ngữ gì là phù hợp cho loại tranh sơn này. Có ý kiến cho rằng nên dùng “sơn ta”, có người lại nói dùng “tranh sơn” vì loại tranh này ra đời là có sự kế thừa cơ bản từ nhựa cây sơn Việt Nam. Song, nếu xét về logic thì tranh sơn mài là có bước nhảy vọt về mặt thẩm mỹ nghệ thuật cũng như kỹ thuật làm tranh do các họa sĩ ở thời kỳ hiện đại tìm tòi sáng tạo mà có, bởi những biểu cảm trong tranh phản ánh một cách sinh động việc miêu tả tâm hồn con người. Xét về mặt thao tác biểu cảm tác phẩm thì sau khi vẽ tranh xong, họa sĩ còn phải mài, quá trình mài cũng là quá trình vẽ tranh. Chính những thao tác kỹ thuật, điều chỉnh mang tính nghệ thuật tạo hình đã bộc lộ đậm nhạt, hình khối, ánh sáng làm cho tranh trở nên lung linh huyền ảo bởi những chất liệu sơn, son, vàng, bạc, xà cừ, vỏ trứng kết hợp hài hòa, kết dính trên nền vóc mà người họa sĩ là chủ thể điều chỉnh theo ý muốn. Từ những mảng màu đơn giản theo cách làm truyền thống, tranh sơn mài ngày nay đã tạo cho người xem một cảm thụ thẩm mỹ thoải mái thông qua cách xử lý biểu cảm của họa sĩ. Quá trình phát triển của tranh sơn mài nhất là những năm gần đây từ những mảng màu phần lớn trong tranh sơn mài như màu đỏ, cánh gián, đen, thì bây giờ màu sắc phong phú hơn nhiều, cách vẽ hòa sắc trong tranh sơn mài đã đến đỉnh cao gây cảm xúc mạnh, tạo điểm nhấn cụ thể cho chủ đề mà tác giả muốn nói. Nếu sơn dầu của phương Tây dễ dàng để thể biểu hiện cho việc sử dụng màu sắc thì sơn mài Việt Nam vẫn có thế mạnh mang sắc thái độc đáo riêng để diễn tả sự vật, hiện tượng xã hội và cả tư duy con người một cách tốt nhất.

|
Nghỉ ngơi- tranh sơn mài của Nguyễn Sơn |
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, giai đoạn trước và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là cả một thời kỳ gian khó và có sức hấp dẫn để các họa sĩ sơn mài Việt Nam sáng tạo. Nhiều tác phẩm đẹp của Nguyễn Gia Trí như Dọc mùng, Thiếu nữ trong vườn và nhiều tác phẩm khác trong kho tàng sáng tác sơn mài đã phản ánh một cách sinh động đầy nhiệt huyết với cách biểu hiện và kỹ thuật điêu luyện. Những tác phẩm sơn mài còn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người xem có thể cảm thụ lối tạo hình rất gợi cảm về tâm hồn, huyền ảo lung linh về màu sắc bởi cách sử dụng sơn có màu chủ đạo lồng ghép hài hòa với các chất liệu như vàng, bạc, vỏ trứng… tạo nên những mảng màu chắc khỏe có sức hấp dẫn cao, kể cả tranh sinh hoạt cũng như tranh phong cảnh. Họa sĩ Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tư Nghiêm có nhiều tranh đẹp về phong cảnh, về chân dung thiếu nữ… là những họa sĩ tài danh và là những người có công khám phá một cách bài bản từ kỹ thuật ứng dụng sơn truyền thống sang tranh sơn mài mang tính hiện đại. Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đã có nhiều tác phẩm tranh sơn mài của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Sáng với Kết nạp Đảng dưới chiến hào Điện Biên Phủ, Sỹ Ngọc với Bát nước, Phan Kế An với Nhớ một chiều Tây Bắc và nhiều tác phẩm khác của các họa sĩ đương thời. Chính lớp người tiền bối cùng những họa sĩ kế tiếp sáng tác tranh sơn mài đã không ngừng góp phần làm phong phú rạng rỡ loại hình mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm nói trên đã khẳng định sự phát triển tranh sơn mài hiện đại mà nội dung là phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam - một đề tài hấp dẫn và sinh động của các họa sĩ cũng là người lính Cụ Hồ- bằng những mảng màu, những lối vẽ điêu luyện giàu cảm xúc với cách kết hợp chặt chẽ nhiều chất liệu cơ bản để diễn tả bản chất hiện thực của cuộc chiến, họa sĩ Trần Văn Cẩn có tác phẩm nổi tiếng Tát nước đồng chiêm với một cách vẽ mà màu sơn đen tuyền hầu như đã làm chủ đạo cho tác phẩm nhưng người xem vẫn thấy sự lung linh trời nước trong sáng hòa quyện vào nhau một cách hài hòa tạo thành một thể thống nhất của tranh. Ở đây những cô gái với những dáng vóc khỏe khoắn vui tươi, đong đưa những gầu nước về với ruộng đồng, ẩn hiện trong không gian ấm áp của đồng quê. Cũng như Trần Văn Cẩn, Phan Kế An cũng có cách vẽ sơn mài vừa có chất thép của người lính hành quân vừa có tính lãng mạn, thơ mộng của núi rừng Tây Bắc khi hoàng hôn buông xuống. Cây tre của họa sĩ Trần Đình Thọ, Thiếu nữ của Huỳnh Văn Gấm… là những tranh sơn mài đã kết hợp và sáng tạo nhảy vọt từ sơn truyền thống để rồi có những biểu cảm sinh động góp phần làm phong phú nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.
Là một loại hình nghệ thuật độc đáo Việt Nam, tranh sơn mài ngày nay đang được lớp họa sĩ trẻ tuổi tiếp tục tìm tòi, nâng cao cả về mặt kỹ thuật, thao tác cho đến sử dụng chất liệu “sơn ta” để tạo ra nhiều tác phẩm đẹp cả về nội dung cho đến nghệ thuật biểu cảm, góp phần vào sự nghiệp đổi mới mỹ thuật nước nhà. Có thể nói tranh sơn mài đã đi vào lịch sử và làm rạng rỡ cho cách thức mới tạo hình Việt Nam. Song để có nhiều tranh đẹp và bề thế, giàu bản sắc sơn truyền thống Việt Nam đâu có dễ, đòi hỏi họa sĩ phải tốn nhiều công sức và tiền của để mua vật liệu như vàng, bạc và vật liệu quý hiếm mới có thể làm được bức tranh có giá trị nghệ thuật cao, có độ bền vững lâu dài. Nếu thị trường sử dụng tranh sơn mài như các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước quan tâm đầu tư và mua tranh để trang trí ở công sở, nơi đối ngoại thì sẽ tạo ra một không gian văn hóa đáng tự hào. Hiện nay nhiều cơ quan công quyền, doanh nghiệp tư nhân đang sử dụng những loại tranh in ấn sao chép hàng loạt với màu sắc lòe loẹt, không có nội dung thích hợp, kém về mặt thẩm mỹ gây nên những phản cảm đáng tiếc. Vì vậy để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, nhà nước cần có những định hướng thích hợp để tranh sơn mài có vị trí xứng đáng, tôn vinh giá trị nhân văn của các tác phẩm nghệ thuật tạo hình.