Đặc sắc Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được bảo tồn đến ngày nay như một nét đẹp văn hóa nhằm tri ân những hùng binh đã cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đồng thời giáo dục cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ở Lý Sơn, Quảng Ngãi có một lễ hội linh thiêng đầy ý nghĩa và tính độc đáo không một hòn đảo nào ở Việt Nam có được, đó là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lễ hội tri ân những hùng binh cắm mốc, dựng bia chủ quyền

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội đặc biệt. Ngay tên gọi của nó cũng đã khác với những lễ hội mà ta thường gặp ở các vùng ven biển miền Trung. Tên của lễ hội, thoạt nghe, không phải ai cũng cảm nhận được mà phải “nhập cuộc” với lễ, phải “sống” trọn vẹn với không khí của lễ thì mới hiểu được ngọn nguồn.

Dâng lễ vật lên ban thờ các hùng binh Hoàng Sa

Kể từ khi trấn nhậm phương Nam, các triều đại phong kiến nhà Nguyễn cách đây hơn 400 năm đã nhắm đến Hoàng Sa như một điểm tựa trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Những gì thu lượm được qua các cuộc thám hiểm của ngư dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi ra “dải cát vàng” này đã giúp cho các vị vua sớm nhận ra giá trị kinh tế lẫn chiến lược quân sự ở quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, vừa mở mang bờ cõi về phương Nam, cha ông ta cũng vừa cho người ra Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc chủ quyền.

Hằng năm, cứ đến mùa biển lặng vào khoảng tháng Hai – tháng Ba Âm lịch, nhận lệnh của triều đình, một đội binh phu gồm 70 người là những tay chèo cự phách, từng trải sóng gió được thành lập để lên đường ra Hoàng Sa. Người đi thường “dễ đi khó về”, hàng trăm ngôi mộ gió tồn tại mấy trăm năm qua tại Lý Sơn đã nói lên điều đó. Để động viên những binh phu trước khi lên đường, người dân Lý Sơn tổ chức một buổi lễ, gọi là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ nhằm khao quân, tế sống, và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó, và mặt khác, còn để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa đã khuất.

Hàng bài vị của các hùng binh Hoàng Sa

“Khao lề” chỉ là lệ khao định kỳ hằng năm (như hình thức cúng việc lề mà một số nơi trong nước còn gìn giữ), nhưng “thế lính” lại là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ phải luôn luôn đối mặt với cái chết. Như những gì còn ghi trong sử sách và lưu truyền trên đảo Lý Sơn, thì người lính Hoàng Sa phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng chỉ với những chiếc thuyền câu, thì số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển.

Để có cơ may xác mình còn được yên lành trôi về bản quán, trước khi ra đi, mỗi người đi lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống, thì “chiếc chiếu bó tròn, mấy sợi dây mây” dùng để đồng đội bó xác mình thả trôi xuống biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu với nguyện ước mong manh là được trôi về bản quán.

Tuy biết khó có cơ may trở về, những con người vẫn phải hy vọng, dù hy vọng mỏng manh. Như để cứu vớt niềm hy vọng ấy, trước khi ra đi, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật sanh tươi, hương đăng tỏa rạng, thầy phù thủy sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo, bằng giấy, hoặc bằng đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa.

Phần Lễ thề lính trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Khi buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết”, và “hùng binh” ấy (như cách gọi của vua Tự Đức) có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa dù sẽ trải qua muôn ngàn bất trắc trên biển khơi ròng rã 6 tháng liền mỗi năm vâng theo lệnh triều đình. Vì thế theo như ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức như một lễ tế sống”.

Di sản phi vật thể quốc gia

Sáng 28/4 vừa qua, tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 và Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn cùng các tộc họ trên huyện đảo đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và đón nhận Bằng Di tích lịch sử đình làng An Vĩnh và Bằng di sản phi vật thể quốc gia dành cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Cụ Võ Hiển Đạt, đại diện cho các tộc họ trên đất đảo Lý Sơn trong ngày vui đón bằng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cho biết trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Lý Sơn vẫn không quên công lao của các bậc tiền nhân đã vì nghĩa lớn, để tưởng nhớ các vị tiền nhân hy sinh vì đất nước, các tộc họ ở Lý Sơn hàng năm vào tháng Hai, tháng Ba Âm lịch đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, qua đó, giúp con cháu biết được công lao của tổ tiên mà ghi nhớ và noi theo.

Hát Bả trạo ngợi ca tinh thần yêu nước của những hùng binh Hoàng Sa

Lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống trên đảo, tái hiện lại những đội thuyền năm xưa ra đi bảo vệ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Trong khói hương nghi ngút, lời phù chú lầm rầm trên nền nhạc bát âm hoặc ngũ âm xen lẫn tiếng mõ thị uy của thầy phù thủy với áo thụng, mũ tam sơn, Lễ khao lề thế kéo dài suốt cả 2 ngày. Sau lễ thức ở nhà thờ tộc họ, người Lý Sơn đặt các hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa thường mang theo, như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… vào chiếc thuyền bằng giấy, tượng trưng cho thuyền đi Hoàng Sa – Trường Sa thuở trước, đem thả ra biển. Lời nguyện cầu về sự bình yên lẫn lời xua đuổi rủi ro sẽ được bỏ chung cùng thuyền lễ. Giữa bập bềnh sóng gió hình nhân là kẻ thế mạng cho người đăng lính.

Nhưng không phải chỉ có tế sống. Mỗi tộc họ trên đảo Lý Sơn lẫn trong đất liền cũng đã có hàng trăm người không may mắn trở về. Tại nhà thờ các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… và tại các Âm linh tự (hay còn gọi là Nghĩa tự), vào dịp lễ khao tế này vẫn còn thầy pháp ra tay ấn quyết và lầm rầm phù chú; vẫn còn hình nhân bằng đất sét, hoặc bằng bột gạo, bằng giấy; vẫn còn hằng trăm linh vị cắm trên nải chuối và những thứ tượng trưng mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa từng mang đi được cung thỉnh thả vào sóng nước, song chỉ còn nét nghĩa tế lính Hoàng Sa và cả Trường Sa nhằm tri ân những người đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.

Đưa thuyền và hình nhân thế mạng tái hiện lại hình ảnh các hùng binh năm xưa, thả xuống biển

Lễ khao lề thế độc đáo ở chỗ, thoạt nghe qua hoặc trực tiếp chứng kiến thì có vẻ như mê tín dị đoan, nhưng những người tổ chức lễ đã ký thác vào đó tất cả những kỳ vọng về sự an toàn cho mỗi chuyến hải hành của đội binh phu (nếu là “thế lính”). Đó cũng là sự tri ân đối với các bậc tiền nhân đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia (nếu là “tế lính”).

Một buổi lễ nói được cả hai nghĩa, mà xét ở nghĩa nào cũng bàng bạc một tình yêu và trách nhiệm công dân đối với cương vực của Tổ quốc. Lễ còn là dịp để các bô lão ôn lại cho con cháu nhớ về cội nguồn xa xưa với những tập tục đặc trưng của cư dân ven biển từ thuở ông bà đi mở cõi. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường là vì những lẽ đó.

Đoàn thuyền lễ và hình nhân thế mạng ra khơi

Là quê hương của đội Hoàng Sa, Thủy quân Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đội Hoàng Sa, Thủy quân Hoàng Sa như tại vùng biển Sa Kỳ của huyện Sơn Tịnh có Vườn Đồn - nơi tập kết binh phu, miếu Hoàng Sa - nơi tế tự trước khi xuống thuyền và biết bao ngôi mộ gió ven biển tưởng nhớ tri ân những người con đã bám biển, bảo vệ chủ quyển biển đảo của Tổ quốc… Chính vì những lẽ ấy, Lý Sơn có thể được khẳng định là bảo tàng sống động về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo quehuongonline.vn