1945: điểm xuất phát cách mạng Việt Nam
Suốt những năm ở Pháp và Mỹ tôi cố ý lùng sục các thư viện, tìm đọc sách báo viết về lịch sử cận đại Việt Nam do người nước ngoài viết. Điểm nổi bật là khi nói về cách mạng Việt Nam, hầu hết họ đều lấy năm 1945 làm cột mốc quan trọng nhất và cơ sở để lý giải về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta cho đến ngày hòa bình, thống nhất.
Đối với họ, 1945 là năm có ý nghĩa trọng đại nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, thời điểm chấm dứt nhiều thế kỷ các triều đại và hệ ý thức quân chủ phong kiến, 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và 5 năm chiếm đóng của quân phiệt Nhật. Đây cũng là lúc quân Tưởng vào đất Bắc và quân Anh vào phía Nam giải giới quân Nhật đầu hàng, và nương theo họ là các lực lượng phản động trong và ngoài nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở màn một thời đại mới trong biên niên sử dân tộc. Năm 1945 cũng gắn liền với tên tuổi Bác Hồ, một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của Việt Nam và thế giới ở thế kỷ 20.
Những nhà chính trị, người viết sử, nhà báo, gồm cả những người dù không nhiều thiện cảm với cách mạng Việt Nam, cũng đều nhìn nhận rằng Việt Minh đã làm nên câu chuyện thần kỳ khi vượt lên muôn vàn khó khăn của thù trong giặc ngoài, tổ chức nắm được chính quyền, lập nên một nhà nước độc lập và nhất là phát động cuộc kháng chiến thắng lợi chống Pháp và chống Mỹ.
Những cuốn sách có giá trị nhất về thời điểm Cách mạng tháng Tám 1945 là của các tác giả người Pháp và Mỹ.
Người Pháp đã nói gì về Cách mạng tháng Tám?
Các tác giả Pháp, gồm sử gia, nhà nghiên cứu lẫn nhà báo, có các cuốn ban đầu như: Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952 (Lịch sử Việt Nam 1940-1952) của Philippe Devillers, 1952; Viêt-Nam: Sociologie d’une guerre (Việt Nam: Xã hội học về một cuộc chiến) của Paul Mus, 1952.
Bổ sung cho nguồn sử liệu này, vào năm 1969, nhà báo Pháp Jean Lacouture đã viết cuốn Hồ Chí Minh, xem như cuốn sách ngắn gọn nhất ở phương Tây về tiểu sử Bác Hồ và Cách mạng tháng Tám. Còn Philippe Devillers viết tiếp cuốn Paris - Sài Gòn - Hà Nội: Văn thư lưu trữ về chiến tranh 1944-1947, in năm 1988, lần đầu tiên đưa ra tư liệu lâu nay nằm trong kho lưu trữ mật của Pháp, chỉ mới được công bố kể từ sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhưng 2 cuốn sách quan trọng, có nhiều điều để ta tham khảo lại của Jean Sainteny, nhà thương thảo Pháp với chính quyền non trẻ của nước Việt Nam độc lập vào thời điểm đó. Cuốn đầu mang tên Histoire d’une paix manquée - Indochine 1945-1947 (Lịch sử về một nền hòa bình bị đánh mất - Đông Dương 1945-1947), ra đời năm 1967, tuy vậy tôi lại thích tuyển tập viết sinh động hơn Au Viêt-Nam face à Ho Chi Minh (Đối mặt với Hồ Chí Minh tại Việt Nam), 1972.
Khá sâu sắc là nhận định của ký giả Pháp kỳ cựu Philippe Devillers cho rằng “Cuộc cách mạng không phải là sự bùng nổ… Chỉ có một sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được”. Các điều kiện ấy là Nhật đảo chính Pháp, nạn đói năm Ất Dậu, tình trạng gần như vô chính phủ ở Việt Nam. Theo Devillers, nếu không có “sự hội tụ kỳ lạ” những việc này, Việt Minh “khó có cơ may... để thắng được cấu trúc mạnh mẽ của Pháp...”.
Những soi sáng mới đến từ nước Mỹ
Nhân cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ bắt đầu tìm hiểu về cách mạng Việt Nam, trong đó họ chú ý đào sâu về nguồn gốc và động lực Cách mạng tháng Tám, với các cuốn: Vietnam - The Origins of Revolution (Việt Nam - Các nguồn gốc cách mạng) của John McAlister, 1969; Vietnam: A History (Việt Nam: Một lịch sử) của Stanley Karnow, 1981; Vietnam 1945 - The Quest for Power (Việt Nam 1945 - Cuộc giành quyền lực) của David Marr, 1995; Ho Chi Minh - A Life (Hồ Chí Minh - Một cuộc đời) của William Duiker, 2000.
Riêng tôi chú ý nhất câu chuyện kể của cựu thiếu tá tình báo chiến lược Mỹ Archimedes L.Patti viết năm 1980 nói rõ nhất về mối quan hệ đầu tiên giữa chính quyền Việt Minh và Hoa Kỳ: Why Vietnam? Prelude to America’s Albatross (Tại sao Việt Nam? Khúc dạo đầu cho cuộc phiêu lưu của Mỹ). Theo đó, nếu như những báo cáo tích cực của những nhà tình báo chiến lược Mỹ được Washington chú ý nghiên cứu nghiêm chỉnh thì có lẽ Việt Nam và Hoa Kỳ đã sớm bang giao từ ngay sau thế chiến thứ 2 chứ không phải đợi đến nửa thế kỷ sau, vào năm 1995.
Công trình nghiên cứu chuyên sâu nhất về Cách mạng tháng Tám của giới sử học Mỹ về ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cuốn Vietnam 1945 - The Quest for Power (Việt Nam 1945 - Cuộc giành quyền lực), xuất bản năm 1995. Cuốn sách của sử gia David G.Marr dày 600 trang này là kết quả của nhiều năm miệt mài nghiên cứu trong đống tư liệu lẫn hồi ký cách mạng ở Pháp cũng như ở Việt Nam.
Khởi điểm là năm 1940 khi nổ ra thế chiến 2, Pháp đầu hàng phát xít Đức và chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương buộc phải hợp tác với quân phiệt Nhật để duy trì guồng máy cai trị. Trong giai đoạn đó chỉ có Việt Minh là tổ chức cách mạng hoạt động kiên trì và hữu hiệu nhất nhằm tổ chức nhân dân đứng lên giành độc lập dân tộc. Chính tổ chức tình báo chiến lược OSS Mỹ (tiền thân của CIA) chống quân Nhật đã hợp tác rất sớm với Bác Hồ và lực lượng Việt Minh. Tổng thống Mỹ lúc đó là Roosevelt chủ trương chống việc thực dân quay trở lại các thuộc địa sau thế chiến 2, nhưng người kế nhiệm ông là Tổng thống Truman, với sự đồng lõa của đế quốc Anh đã ủng hộ chính quyền thực dân Pháp De Gaulle đánh chiếm lại Đông Dương.
Công trình đồ sộ dày 700 trang xuất bản vào năm 2000 của Giáo sư William J.Duiker đi sâu nghiên cứu nêu thêm những ý nghĩa tích cực về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ cũng như giai đoạn hình thành nước Việt Nam cách mạng.
William J.Duiker trình bày các nguyên nhân dẫn đến Cách mạng tháng Tám một cách hết sức thực tế: “Rõ ràng là nạn đói ở miền Bắc và Trung Việt Nam, kéo dài dai dẳng từ mùa đông trước, đã tạo ra một tình thế thuận lợi cho các lực lượng cách mạng… Đói kém tràn lan đã tạo ra cơ hội ngàn vàng cho Việt Minh. Họ tiếp tục khuyến khích nông dân đang bị đói, ở những khu vực mà họ đã giải phóng, phá các kho thóc công để chia cho dân nghèo…”.
Xuất phát từ những quan điểm và tâm thế chính trị khác nhau, không phải tất cả các sử gia nước ngoài đều có thể vươn tới sự thật và đánh giá đúng mức về cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù có những khác biệt trong đánh giá về nguyên nhân và bản chất của Cách mạng tháng Tám, các sử gia đã gặp nhau khi chỉ ra vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh, tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, cũng như sự lãnh đạo kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.