Cổ tích, thiên đường của ai?!

Ngày chủ nhật cuối tháng 12 được nghỉ học, thằng cháu học lớp bốn thoải mái ngồi đọc sách. Nhờ mấy câu hỏi: “Ủa, sao ác vậy dì? Sao kỳ vậy dì?” của nó mà tôi có dịp cầm mấy cuốn truyện lên, đọc lại một chùm truyện cổ dân gian, truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ chọn lọc… Đọc để giật mình bởi chính cái tầm phào, phi lí, dữ dằn… chứa trong đó.

Dạo qua thị trường sách thiếu nhi hiện nay, ta dễ dàng thấy truyện tranh chiếm tỉ lệ “bá chủ”, gần 80%, với nhiều chủng loại, từ truyện ma quái đến khoa học viễn tưởng, từ võ hiệp đến tình cảm ướt át… chất hàng đống trong hiệu cho thuê sách, các trung tâm phát hành… với một rừng hình ảnh phụ nữ hở hang, dao kiếm tua tủa, màu mè rối loạn…


Những loại truyện dân gian hiền hậu, hồn nhiên chỉ còn lại 20% trên thị trường.

Chiếm một góc khiêm tốn trong 20% còn lại là cổ tích. Nhưng loại truyện dân gian hiền hậu, hồn nhiên, hình thành nên tính cách của con người những năm đầu đời có còn không? Hay là chốn thiên đường lung linh huyền ảo mà sống động, xa xôi mà gần gũi của tuổi nhỏ đã bị những người trục lợi tước đoạt mất rồi? Thử lướt qua những tựa lạ hoắc trong các tập truyện cổ của NXB Thanh Niên, NXB Đà Nẵng:

- Quan Âm tái thế: “Vua hay tin bèn nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh đốt chùa để giết luôn công chúa… mưa dập tắt… Vua bèn bắt công chúa xử tử, sét đánh văng dao. Cuối cùng, vua ra lệnh xử giảo nàng”.

- Thiên Tinh: “Trong lúc chàng trai mải mê hôn đoá hồng, nó tiến đến sau lưng chàng rút dao đâm vị hôn phu của em gái nó một nhát chết tươi. Để chắc chắn hơn, nó bồi thêm một nhát nữa đứt phăng đầu chàng ra. Xong nó vùi cả đầu lẫn thân xuống gốc cây bồ đề”.

- Vương Thập xuống âm phủ: “Số là mấy cầu tiêu ở âm phủ đều hôi thối, tràn ngập sông Nại Hà, Diêm Chúa muốn bắt kẻ du côn rửa vét sông ấy”…

- Người học trò và ba con quỷ: “Mọi người xúm lại xem thì con ngựa đã tắt thở… Thì ra bà mẹ của tiến sĩ Long đã cưỡi ngựa không đúng lúc vì bà đang thấy kinh nên thần ngựa hoảng sợ, bỏ lốt mà đi”.

- Của trời trả lại cho trời: “Nhà vua không chút thương hại chàng rể ngạo mạn. Ông Điển Chi bị quân lính bắt ra, lột da nhồi trấu, đem bêu trước cửa thành”.

Ngoài những chi tiết về sinh lí người rất khó giải thích cho một học sinh cấp một, các truyện này nhằm cung cấp tư liệu gì, giáo dục gì qua những cảnh chết chóc, bức hại? Niềm tin về tình phụ tử có còn nguyên vẹn không, khi mà một người cha làm vua với lí do không đâu cứ muốn sát hại con mình tới cùng?

Mưu kế phụ nữ là một chuyện rất mất đạo đức kể về một người đàn bà muốn giết chồng để sống với tình nhân, người chồng biết được, đổ nước sôi giết tình địch. Trong lúc đi phi tang xác người yêu, chị ta gạt được cả tình lẫn bạc của ba tên trộm nữa. Vậy mà cuối cùng thì… “vì lưỡi của hắn bị chị ta cắn đứt nên nói không ai hiểu được, người ta ngỡ nói tiếng Tàu… Lúc đó người đàn bà tụt xuống đất, ôm mấy thỏi bạc vào người. Chị ta mang bạc về cho chồng và từ đó cùng chồng sống yên ổn” (!). Vô lí như vậy mà được in đi in lại với cái tên khác là Âm mưu thuốc chồng. Âm mưu thuốc chồng mà “từ đó cùng chồng sống yên ổn”. Một kết cuộc quái lạ!


Thông tin mà trẻ tiếp nhận trong những năm đầu đời
ảnh hưởng lớn đến tính cách của trẻ sau này.

Về hình thức, không nhắc lại thì ai cũng đã thấy. Lỗi chính tả trang nào cũng mắc phải. In ấn thì hết sức cẩu thả, mực nhoè lem, nhiều đoạn mất trắng không đoán được chữ. Giấy mỏng tang, chữ ở mặt sau chồng lên mặt trước. Từ dùng sai làm cho câu văn tối nghĩa, nhân vật bị hiểu theo cách khác.

Ví dụ như: “Ông ấy bị tra tấn rất cực khổ”; “Nàng tỏ ý lạnh nhạt, Trương Chi bực tức bỏ ra về” (Truyện cổ dân gian, NXB Thanh Niên). Cái hình thức luộm thuộm đó làm người lớn không còn hứng thú muốn lật giở bên trong nữa, huống chi là con nít. Tuổi nhỏ không quay lưng, tìm đến truyện tranh nhảm nhí bắt mắt hơn mới là chuyện lạ!

Với các tình huống vô lí, chi tiết phản khoa học, hình ảnh sát phạt chém giết thẳng tay, truyện cổ tích đã từ bỏ bản chất lành mạnh vốn có của nó, cật lực tiếp tay cho việc làm nhiều thêm những ấn phẩm bạo lực. Chưa hết, nó còn được “xào nấu” liên tục thành thơ, nhạc, kịch, phim… Độc giả thưởng thức thứ món ăn tinh thần như thế, trách gì mà xã hội không bất ổn, trách gì mà trên các trang báo không nhan nhản những vụ án hình sự!

Trong lúc thiếu nhi đọc và học theo những bày vẽ của loại truyện ấy thì giới hữu trách ở đâu? Đã có chủ trương, hành động quyết liệt nào để ngăn chặn triệt để tệ nạn này?

Những phản hồi tâm huyết như bài “Sách truyện cho trẻ em, còn quá nhiều ấn phẩm không lành mạnh” (báo Sài Gòn Giải Phóng,29/6/1997) hay “Truyện tranh tuổi mới lớn: vẫn bạo lực và sex” (báo Thanh Niên, 4/6/2004) vẫn còn quá ít, chưa trở thành một đồng vọng có sức lay chuyển lớn.

Loanh quanh mãi với “Tấm Cám”, “Khỉ đít đỏ”, “Cây tre trăm đốt”… Ước mơ và khát vọng của dân tộc chỉ có chừng đó thôi ư? Lẽ nào việc xây dựng lại một thiên đường truyện cổ, nơi hình thành nhân cách của đứa trẻ những năm đầu đời lại bị chúng ta thản nhiên bỏ trôi cho dăm ba cá nhân đầu nậu? Ban Thiếu nhi, ban soạn thảo sách, ban biên tập nhà xuất bản… ở đâu? Lẽ nào không thể ngồi lại với nhau? Đan Mạch có Andecxen, Đức có anh em nhà Grim. Còn ở Việt Nam?

Xin trích bài “Tai nạn” tại hội chợ sách Bangkok trên báo Thanh Niên ngày 7/4/2007: “Một “tai nạn” đã xảy ra tại hội chợ Sách quốc tế 2007 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) từ 10/4 đến 28/4, khi phụ huynh phát hiện con em mình đọc những cuốn truyện đồi truỵ mua từ hội chợ này.

Một người mẹ đã sốc khi đứa con trai 7 tuổi cho cô xem một cuốn truyện đồi trụy và hỏi những nhân vật trong đó đang làm gì. (…) Đích thân Phó thủ tướng Baiboon Waitanasiritham đã đến quầy bán sách Rung Wattana Panich ở hội chợ trên và phát hiện hàng trăm cuốn truyện tranh Nhật Bản với hình ảnh đồi trụy. (…) Sau khi phát hiện, người ta đã rút những cuốn sách tai hại kia khỏi quầy”… (Việt Phương).

Ta thấy ở đây họ cũng như mình, có lẽ vẫn còn lỏng lẻo trong khâu quản lí tình hình truyện sách. Nhưng rõ ràng có sự “bắt tay” rất chặt giữa người mẹ và Phó thủ tướng.


Để tạo ra môi trường lành mạnh,
gia đình và các ban ngành đoàn thể phải phối hợp với nhau.

Bây giờ sách ngoại đang chuẩn bị nhập vào với số lượng lớn. Lứa tuổi thiếu niên còn vô lo mải chơi, chưa đủ sức tự vệ thì việc tránh những cơn bão lớn ẩn nấp dưới dạng gió lành là một cuộc chống chọi không cân sức và lẻ loi. Nếu đòi hỏi sự “tham chiến” đồng bộ của toàn gia đình, nhà trường và xã hội e lớn lao quá, không tưởng quá - thì theo tôi ít nhất phải có một bà mẹ hoặc thầy hoặc vị nhà nước - chắc chắn ngăn chặn được bước đầu, trực tiếp cứu con em mình khỏi “thương vong”.

NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH