"Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân" là một công trình chuyên khảo về một tác gia văn học hiện đại Việt Nam xuất sắc, nêu bật được đúng và sâu sắc tài năng cụ Nguyễn.
Nghiên cứu những tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, khái niệm Đặc trưng trong chuyên luận này được hiểu như những nét nổi bật, có tính hệ thống, ít nhiều có liên quan hữu cơ với nhau trong sáng tác. Chúng bao gồm những đặc sắc về cả nội dung và hình thức; có thể coi như những nét đậm của phong cách, những thế mạnh sở trường và đôi khi cả một số sở đoản đậm nét của nhà văn - những dấu hiệu liên hợp lại, sẽ giúp ta phân biệt với kí của các tác giả khác.
Đặc trưng ở đây không nhất thiết có nghĩa là đối lập, tương phản, khác hẳn; mà thường là cùng dạng, nhưng khác về sắc thái độ, mức độ...
Công trình này được triển khai trong bốn chương:
1. Tùy bút trong văn nghiệp Nguyễn Tuân
2. Cảm hứng văn hóa trong tùy bút Nguyễn Tuân (đặc trưng nội dung chủ đạo)
3. Bút pháp đa dạng trong tùy bút Nguyễn Tuân (đặc trưng hình thức I)
4. Ngôn từ độc đáo trong tùy bút Nguyễn Tuân (đặc trưng hình thức II)
Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xin trích giới thiệu một phần của chương bốn Ngôn từ độc đáo trong tùy bút Nguyễn Tuân.
4.1. Cuộc sống và ngôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chương bao giờ cũng là vang bóng nội tâm, thể hiện tầm vóc văn hóa của người viết. Nó vừa mang dấu ấn chung của nhân loại, của lịch sử, vừa thấm đượm cảm xúc, chứa chất suy tư nghiệm sinh của tác giả. Sự ra đời của câu chữ trên trang văn chương đúng nghĩa của nó, không chỉ kết tinh năng lượng tinh thần người viết, mà còn hàm chứa cái mã văn hóa của dân tộc và thời đại, hương hỏa quý giá của truyền thống. Hiện tượng Truyện Kiều trong xã hội ta - kể Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, đố Kiều, diễn tuồng Kiều... - là một minh chứng rõ ràng.
Tuy nhiên, để theo kịp những diễn tiến mới lạ, phong phú của đời sống, những tác giả lớn, nhạy cảm nhiều khi phải nới gỡ cái áo đang trở thành chật chội của văn tự, phải xé rào, chệch chuẩn của chữ nghĩa văn chương quen thuộc, mở rộng đường biên khả năng diễn tả của ngôn từ, để thể hiện được trung thành nỗi đời và lòng mình, giải phóng được những năng lượng mới mẻ của tâm hồn. Nguyễn Tuân ý thức rất rõ về điều này: "Sự sống bên ngoài càng mở ra, càng dâng lên ùn ùn, ngồn ngộn, vù vù [...]. Tiếng nói của ta cũng phải giàu theo" ; và trên cái vốn cũ đã phong phú rồi, "phải dậy cái vốn đó lên nữa mà đầu tư nó vào thời đại" (Về tiếng ta). Thơ Mới trước kia chính là hiện tượng vượt lên qui phạm quen mòn để kịp với lôgic đời sống như vậy.
Nguyễn Tuân cũng có thể coi như một trường hợp tương tự trong địa hạt thể kí ở văn xuôi. Ông đã thành đại biểu cho một giai đoạn trưởng thành mà người ta đã chán những câu chuyện nhạt nhẽo và muốn bung phá để được tự thể hiện đúng mình hơn. Đó không phải thứ tự do buông thả tùy tiện, như kiểu gọi là "thơ vô thức" hiện nay; mà là một thứ tự do chân chính của những nhân cách hiện đại, với đúng tư cách mới mẻ của khái niệm này. Và ngôn từ của Nguyễn Tuân nếu đã phải ít nhiều "phá cách", tìm những dáng hình mới mẻ chừng như lập dị, những cấu trúc có vẻ cồng kềnh, lạ giọng khác thường... là có cái lí của nó.
...
Nguyễn Thị Hồng Hà
Sách hiện đang có bán tại các nhà sách và TT Nghiên cứu Quốc học. Bạn đọc đến Trung tâm tại thành phố Hồ Chí Minh để mua sẽ được giảm 20%, chúng tôi có gửi sách qua đường bưu điện cho bạn đọc ở xa, tính giá bìa.