Cờ vàng ba sọc đỏ và cờ vàng ba sọc xanh

* HỎI: Ngày 16-5-2013 vừa qua, luật sư Hà Huy Sơn (thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) tuyên bố: “Tôi có thể nhắc lại thế này: cờ vàng ba sọc đỏ là cờ của tổ tiên người Việt Nam, các nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây, và sau này được Việt Nam Cộng hòa sử dụng lại, chứ không phải biểu tượng của một tổ chức phản động nào cả”. Đề nghị tạp chí Hồn Việt cho biết: cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện lúc nào và do ai vẽ ra?

NGUYỄN TRINH THUẬN

(Khu dân cư Phong Bắc - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng)

- ĐÁP (̣̣Nam Quốc): Trước khi đề cập đến cờ vàng ba sọc đỏ, xin nói về cờ vàng ba sọc xanh vì giữa hai lá cờ này có mối quan hệ hữu cơ với nhau.

Chỉ một tháng sau Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu gây hấn ở Sài Gòn (23-9-1945), sau đó lấn chiếm toàn Nam Bộ. Không chỉ đặt lại ách thống trị ở Nam Bộ, Pháp còn chủ trương tách miền đất này khỏi lãnh thổ Việt Nam, lập ra “Nước cộng hòa tự trị Nam Kỳ” (République autonome de Cochinchine).

Ngày 7-5-1946, Pháp cho ra đời Chính phủ Nam Kỳ tự trị do Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Nguyễn Văn Xuân làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quân đội. Cờ của “nước” Nam Kỳ tự trị màu vàng có ba sọc xanh tượng trưng cho ba sông lớn ở Nam Bộ (Đồng Nai, sông Tiền và sông Hậu).

Trừ một thiểu số theo Tây để kiếm chác quyền lợi vật chất, nhân dân ta từ Nam chí Bắc đều chống lại chủ trương phân ly của Pháp. Vì vậy, Pháp phải từng bước bỏ rơi chủ trương này. Do đó, cờ vàng ba sọc xanh chỉ tồn tại đúng 2 năm, nên ít người (kể cả những người sống trên đất Nam Bộ) biết tới nó.

Ngày 2-6-1948, Pháp cho lập Chính phủ trung ương lâm thời do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (trước đó, Nguyễn Văn Thinh đã tự tử ngày 10-11-1946). Bản pháp quy tạm thời ban hành ngày 2-6-1948 ấn định lá cờ chính thức màu vàng có ba sọc đỏ tương ứng với ba kỳ (Bắc, Trung và Nam).

“Theo Nguyễn Khánh, lá cờ vàng ba sọc đỏ là biến thể của lá cờ nền vàng ba sọc xanh của Cộng hòa Nam Kỳ”, tác giả Chính Đạo đã viết như vậy trong cuốn Việt Nam niên biểu 1939-1975 (tập I-B) do NXB Văn Hóa ở Houston (Texas, Mỹ) xuất bản năm 1997, trang 86. Rất tiếc, Chính Đạo không cho biết Nguyễn Khánh nói (hay viết) ở đâu, lúc nào.

Cờ vàng ba sọc đỏ trở thành cờ chính thức của Quốc gia Việt Nam (từ 1-7-1949 đến 26-10-1955) và của Việt Nam Cộng hòa (từ 26-10-1955 đến 30-4-1975).

Tuy cờ vàng ba sọc đỏ hai lần chứng kiến cảnh đại bại (1954 và 1975) nhưng đến nay có ít nhất bốn người tự nhận là tác giả.

Bốn người đó là Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Hữu Thanh và Nguyễn Văn Tâm.

Trong cuốn Our Endless War (Cuộc chiến tranh vô tận của chúng ta) do NXB Presidio Press ở Novato (California - Mỹ) ấn hành năm 1978, Trần Văn Đôn viết: “Lúc đó [1948], Lê Văn Kim và tôi làm việc toàn thời gian cho [Nguyễn Văn] Xuân (...), chúng tôi đề nghị một lá cờ Việt Nam mới (màu vàng với những sọc đỏ nằm ngang)…” (tr.39).

Trong khi đó, trong cuốn Giai Phong! The Fall and Liberation of Saigon (Sự sụp đổ và giải phóng Sài Gòn) do St. Martin’s Press ở New York (Mỹ) ấn hành năm 1976, nhà báo người Ý Tiziano Terzani dựa theo lời kể của linh mục Trần Hữu Thanh tháng 6-1975, khẳng định linh mục dòng Tên này là người đã thiết kế lá cờ vàng ba sọc đỏ (tr.261).

Trong cuốn Việt Nam niên biểu 1939-1975 kể trên, Chính Đạo viết: “Theo Nguyễn Văn Tâm, Tâm là tác giả lá cờ vàng ba sọc đỏ” nhưng Chính Đạo không nêu xuất xứ của nguồn tin này (tr.86).

Một thông tin trên Internet cho rằng “cờ này do họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ” nhưng cũng không cho biết căn cứ vào đâu.

Cũng cần nói thêm về những nhân vật liên quan đến hai lá cờ (cờ vàng ba sọc xanh và cờ vàng ba sọc đỏ) như Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Tâm. Họ có một số điểm chung: tất cả đều là “dân Tây”, trung thành với mẫu quốc. Trước năm 1945, họ phục vụ công cuộc thống trị của thực dân; sau 1945, họ tiếp tay cho âm mưu tái chiếm thuộc địa và chủ trương “Nam Kỳ tự trị” của Pháp. Điều bất thường là sản phẩm của những “công dân Pháp da màu” (colored French citizens – từ của Trần Văn Đôn dùng ở trang 20 của sách nói trên để chỉ những người da vàng nhập quốc tịch Pháp như Đôn) ấy lại được tôn vinh làm “quốc kỳ” của hai chế độ mệnh danh là Việt Nam: Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa!

Nam Quốc