Những trang viết đọc xong thấy dào dạt thương yêu và cảm phục về một thế hệ lương y trong cuộc kháng chiến vừa đi qua. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Hồn Việt xin trân trọng trích đăng trang nhật ký một ngày trong hơn 2660 ngày giữa chiến trường của bệnh viện tuyến cuối 211.
Ngày 1/5/1970. Như mọi ngày thường, buổi sáng trong trẻo, mát mẻ. Tôi sang nhà mổ dự một ca mổ nặng: cắt nửa đại tràng phải cho một bệnh nhân bị u đại tràng. Bác sĩ Minh và Hưởng là phẫu thuật viên chính. Tôi đứng xem. Nhà mổ làm cao trên sàn. Ni-lông căng che cửa sổ chung quanh bốn chân tường. Vải màn căng che cửa sổ vừa để chống côn trùng mà vẫn có ánh sáng cho phòng mổ. Trong nhà mổ nhộn nhịp nhân viên, học sinh, y sĩ. Gây mê tĩnh mạch có đặt ống nội khí quản nhưng bệnh nhân không ngủ yên, giãy giụa, dặn thở, ruột luôn đe dọa phòi ra, làm cho cuộc phẫu thuật khó khăn.

Bộ đội mở đường Trường Sơn. Ảnh TL.
Khối u to bằng nắm tay, dính vào thành bụng bên phải và vào đoạn hai của tá tràng. Đường rạch giữa bụng không đủ rộng để mổ. Phải rạch thêm sang bên. Ca mổ kéo dài, tôi phải rửa tay vào cùng mổ với anh Minh. Mổ cắt nửa đại tràng. Khâu xong miệng nối, đang chuẩn bị đóng thành bụng, thì phía ngoài có tiếng máy bay trinh sát lượn rất thấp.
Có tiếng anh Thìn, Viện phó khối Ngoại lúc này đang ở ngoài phòng mổ, gọi tổ chiến đấu của khoa lên bố trí, sẵn sàng chiến đấu. Tiếng máy bay phản lực rít trên cao. Đột nhiên tiếng máy bay trinh sát rú, sà xuống thấp rồi ba tiếng nổ bùm bụp bên ngoài.
Bác sĩ Minh kêu lên: “Chúng nó bắn pháo hiệu cho phản lực”.
Trên bàn mổ, bụng bệnh nhân còn đang toang rộng, các khúc ruột phì phò.
Tôi gọi cô y tá vô trùng: “Cho tôi ống dẫn lưu, cho kim chỉ, mau lên…”.
Một tiếng rú như một luồng gió rít từ trên không lao xuống, tiếp sau là tiếng nổ ầm rung chuyển nhà cửa. Mọi người trong phòng mổ xôn xao: “Chúng nó ném bom ở gần, anh ạ!”.
Cành cây lắc rắc gẫy trên nóc phòng mổ. Đồng chí Tám, trợ thủ vô trùng vẫn lúi húi tìm kim chỉ. Vất vả mới khâu thêm được vài mũi. Tôi động viên anh chị em: “Kệ cha nó, còn xa đấy”.
Lại một tiếng rú thứ hai, Tám và mấy nhân viên gây mê hốt hoảng ngồi xụp xuống. Một người đứng ngoài nằm soài xuống mặt sàn nhà mổ. Bất giác tôi cũng cúi đầu xuống, nhưng hai bàn tay đeo găng cao su vẫn áp chặt trên vết mổ. Một tiếng nổ ầm nhưng xa hơn một chút. Mọi người lại đứng dậy.
Tôi hỏi Tám. “Còn giữ được vô trùng không?”
- Được anh ạ!
Tôi vội vã khâu tiếp, nhưng lại một tiếng rú. Tôi bất giác văng tục: “Mẹ cha chúng mày…”, rồi lại nói với anh chị em: “Kệ cha chúng nó! Chúng nó không làm được gì mình đâu. Mổ tiếp đi! Mau lên!”.
Tôi cảm thấy động tác của Tám, hộ lý vô trùng, sao mà quá chậm chạp.
Có ý kiến đề nghị: “Hay là chuyển bệnh nhân xuống hầm…!”.
Tôi liếc nhìn bao nhiêu dây dợ và các dụng cụ chung quanh: dây buộc bệnh nhân vào bàn mổ, dây truyền huyết thanh, cọc truyền ống nội khí quản, máy gây mê… Suy nghĩ rất nhanh, hầm mổ thì ngay bên cạnh nhưng làm sao mà chuyển được và làm thế nào giữ được vô trùng trong khi di chuyển?
Tôi cố khâu thêm một hai nút, đóng thành bụng.
Một tiếng rú nữa và một tiếng nổ rung nhà.
Tôi rời mắt khỏi vết mổ liếc ra ngoài.
Qua khung cửa sổ che vải màn, một thân cây cháy lèm lẹm như một cây đuốc. Lửa tạt tới cửa sổ và bén vào vải màn che cửa. Bom nổ rất gần. Tôi hơi ngạc nhiên cảm thấy người vẫn bình thường, hình như không có mảnh bom nào dính vào người cả.
Phòng mổ làm trên sàn sao cảm thấy cao lêu nghêu. Bom ném gần quá, nếu không xuống hầm có thể hy sinh cả kíp mổ.
Tôi vội vàng nhét một khăn mổ to vào vết mổ và quyết định chuyển bệnh nhân xuống hầm. Học sinh mỗi người một tay, khiêng bổng cả bệnh nhân, cả bàn mổ, cả máy gây mê xuống hầm.
Tôi và anh Minh mỗi người cuốn vội một khăn mổ vô trùng quanh tay chạy xuống hầm sau cùng đúng vào lúc một loạt đại bác 20 ly nổ xé tai, làm vỡ toang một góc phòng mổ. Chúng nó đã ném hết bom và bắt đầu bắn đại liên và đại bác.
Xuống tới hầm tự nhiên cảm thấy an toàn hẳn mặc dù máy bay vẫn gầm rú, tiếng đại bác nổ liên hồi.
Tôi chặn tay lên bụng bệnh nhân, hỏi bác sĩ gây mê, tình hình bệnh nhân ra sao? Lúc này mới biết đầu ống thông nội khí quản bị tuột ra khỏi máy gây mê. Cũng may bệnh nhân đã tự thở. Huyết áp hơi tụt. Cuộc phẫu thuật tiếp tục dưới hầm.
Ra khỏi hầm, tôi tưởng chừng không còn nhận ra quang cảnh phía trên. Cây cối đổ ngổn ngang. Một quả bom na-pan nổ cách phòng mổ khoảng ba mét. Nhà hóa nghiệm bị cháy cùng với một phần phòng mổ. Một quả bom khác nổ giữa hai khoa 33-34. Khoét thành một hố to như cái ao ở giữa 3-4 nhà bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân cũng như nhân viên đều an toàn.
Tối hôm đó, họp thường vụ, thủ trưởng viện nhận định khối Ngoại đã bị lộ, đề phòng chúng nó oanh tạc tiếp, quyết định di chuyển khối Ngoại ra địa điểm dự bị.
Trong đêm mồng 1/5 tới 7 giờ sáng ngày 2/5, hơn 350 thương bệnh binh của khối Ngoại đã được di tản ra khỏi vùng bị oanh tạc.
Ngày 2/5 chỉ có máy bay trinh sát lảng vảng trên khu vực viện.
Ngày 3/5 chúng đánh lại khu vực bị oanh tạc hôm trước, trúng vào buồng băng, tiêm của khoa 34. Ném bom na-pan và bắn rốc-két, làm què hai con gà.
Ngày 4/5 chúng đánh nương rau Đ3, đánh vào nhà anh em làm nương. Bom làm vùi mất một vạt rau xanh tươi sắp được ăn.
Ngày 7/5 chúng đánh tiếp khu vực kho của viện. Ở đây đang có 90 tấn gạo.
Tin cho biết: cùng ngày 1/5/1970 trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, Campuchia, địch mở cuộc tấn công ồ ạt sang Campuchia, huy động trên 50 vạn quân đánh suốt trên một tuyến dài trên 400 cây số từ Lộc Ninh đến Buprăng – Đức Lập và từ Đức Cơ đánh sang Bô Keo. Ở cánh Trung chúng cũng đánh ra suối đá.
Ngày 3/5, một phái viên của phòng xuống phổ biến nhận định của bộ Tư lệnh mặt trận: khu vực của viện 211 đã bị lộ, chúng nó có thể còn tiếp tục đánh; đề phòng khả năng chúng nhảy dù, đánh chớp nhoáng rồi rút.
Ngày 18/5, anh tiểu đoàn trưởng chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ khu vực vào, báo tin: Theo tình báo có thể chúng sẽ đánh vào cao điểm 729. Thật nguy hiểm: trên cao điểm là đài quan sát của viện và ngay dưới chân đài là khoa 32, đang điều trị 150 thương bệnh binh.
Thường vụ Đảng ủy và thủ trưởng viện đi vắng cả, anh thì đang lên phòng chưa về, anh vào địa điểm dự bị, anh thì theo hai khoa sang binh trạm 37, chỉ còn mình tôi ở nhà. Nếu theo đúng kế hoạch đã thống nhất thì khoa 32 tới ngày 20/5 mới “cuốn chiếu”, chuyển vào khu vực khối Nội (Đ2), ở tạm trước khi chuyển vào địa điểm dự bị. Nhưng tình hình này thì không chần chừ được. Tôi gọi điện cho bác sĩ Huy Đại, chủ nhiệm khoa 32, cho khoa chuyển ngay hôm đó sang Đ2.
Khoa 32 đang có 150 thương bệnh binh trong đó có 39 trường hợp nặng phải cáng. Quyết định huy động toàn bộ lực lượng nhân viên đi cáng.
6 giờ sáng gọi điện hỏi lại: mới đi được 10 cáng. Tôi ra đón đầu đoàn cáng ở dốc 1000 bậc, để bệnh nhân ở lại trên đỉnh dốc và động viên anh em quay trở lại cáng tiếp. Làm sao đưa hết bệnh nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước giờ cao điểm là 10 giờ sáng. Trong khi đó điều nhân viên khối Nội lên chuyển tiếp số cáng đang nằm chờ trên đỉnh dốc.
Đúng như thông báo, chiều hôm đó, chúng đánh tiếp bằng phản lực khu vực khối Ngoại cũ, nhưng cáng cuối cùng của khoa 32 cũng đã vượt qua an toàn. Ở khoa lúc này chỉ còn một số nhân viên, cùng với anh Đại đang thu dọn đồ đạc để ngày hôm sau chuyển nốt.
Khu vực khối Nội, xa khối Ngoại và khoa 32 hai dãy núi, bị ùn thương bệnh binh. Phải nằm cả ở hội trường, không có công sự, trong khi máy bay trinh sát L19 bay lượn rất thấp trên khu vực.

Chờ địch ở phòng tuyến. Ảnh TL.
Đêm 19/5, khoảng 8 giờ tối, có tiếng máy bay B52. Những tia chớp nhoằng nhoằng trên trời, rồi tiếng rú, những tiếng nổ rung chuyển đất.
Qua tiếng bom, chúng tôi phán đoán chúng nó đánh khu vực khoa 32. Anh Tấn, trưởng ban Hành chính, gọi điện sang khoa 32, nói chuyện được với anh Đại. Anh Đại xác nhận đúng là chúng nó đánh vào khoa, nhưng bệnh nhân đã được chuyển đi hết từ buổi sáng, chỉ còn một số nhân viên và mấy học sinh trường quân y đi qua xin ở nhờ qua đêm. Câu chuyện đang dở dang thì anh Đại vội vã: “Chúng nó trở lại đấy. Thôi vào hầm thôi!”. Chúng tôi vừa kịp trở lại công sự, hai tay bịt chặt hai tai thì lại ào ào, loằng nhoằng những tia chớp, tiếp sau là những tiếng nổ rung trời…
(Trích nhật ký Tây Nguyên ngày ấy của GS. Lê Cao Đài.
NXB Hội Nhà văn, 2008)